My và Trang bằng tuổi nhau và cùng học lớp 1 tại một trường tiểu học. Nhìn chung hai bạn không có quá nhiều khác biệt về năng lực khi bước chân vào trường. Tuy nhiên, có thể thấy rằng bạn My có vốn từ vựng phong phú hơn và có phần tự tin hơn so với bạn Trang một chút. Sau những buổi học đầu tiên, My nhanh biết đọc hơn và xung phong trả lời các câu hỏi của cô trong khi Trang gặp một chút ít khó khăn hơn trong việc tập đọc. Cô giáo vì vậy hay gọi bạn My phát biểu hơn và cho bạn vào nhóm học sinh đọc tốt. My cảm thấy được khuyến khích và thích đọc, dần dần đọc hết cuốn sách này tới cuốn sách khác về cả tá chủ đề, mở mang kiến thức toàn diện và ngày càng tự tin hơn. Về phần Trang, bạn bị xếp vào nhóm đọc chậm và chỉ loanh quanh luyện đọc một số quyển sách đơn giản được yêu cầu. Trang không mấy thích đọc và dần cũng bớt tự tin vào khả năng đọc của mình. Tới năm cuối cấp, sự khác biệt giữa hai bạn đã không còn là “một chút” như lúc đầu. Điều ấy cứ thế tiếp diễn: My học giỏi nổi bật và thành công còn Trang loay hoay mãi với nghiệp học hành, trải nghiệm đến trường chẳng mấy vui vẻ. Từ hai em bé lớp 1 học chung trường với đôi chút khác biệt, My và Trang giờ đây đã chênh lệch xa nhau. 
My và Trang chỉ có trong tưởng tượng, nhưng câu chuyện của họ mô phỏng phần nào kết quả nghiên cứu nổi tiếng của nhà khoa học Keith Stanovich và có thể miêu tả ngắn gọn về Matthew effect (hiệu ứng Matthew), một khái niệm được nhà xã hội học Robert King Merton xây dựng vào năm 1968. Vậy hiệu ứng Matthew là gì và liên quan thế nào tới công tác giáo dục? 

Hiệu ứng Matthew là gì? 


Hiệu ứng Matthew chỉ hiện tượng khi một lợi thế/ thành công ban đầu kéo theo một loạt những thành công kế tiếp trong tương lai. Ở chiều ngược lại, những người không có xuất phát điểm lợi thế sẽ có xu hướng tụt lại dần phía sau, làm gia tăng khoảng cách giữa họ và nhóm có lợi thế ban đầu. 
Tên gọi của hiệu ứng này xuất phát từ Phúc Âm Matthew trong Tân Ước, trong đó Matthew là một trong mười hai sứ đồ của chúa Jesus. Trong sách có đoạn như sau: “For whosoever hath, to him shall be given, and he shall have more abundance, but whosoever hath not, from him shall be taken away even that he hath.” (Tạm dịch: Ai đã có thì sẽ được cho thêm và sẽ có dư thừa, còn ai chưa có thì ngay cả cái đang có rồi cũng sẽ bị tước mất đi.)
Tóm lại, hiệu ứng Matthew mô tả hiện tượng trong câu “người giàu thì mãi giàu thêm, còn người nghèo thì cứ nghèo đi.” Trong tiếng Việt cũng có câu “nước chảy chỗ trũng” phản ánh tinh thần tương tự. Hiện tượng này được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế- xã hội, bao gồm cả giáo dục. 

Hiệu ứng Matthew (Matthew effect) và hiệu ứng Đuổi Kịp (Catch-up effect)


Trong một số lĩnh vực và kĩ năng, bất kể xuất phát điểm khác nhau thế nào, mọi người rồi sẽ phát triển tương đối như nhau trong lĩnh vực/ kĩ năng đó; người có xuất phát điểm thấp/ chậm hơn rồi sẽ bắt kịp người có khởi đầu tốt/ nhanh hơn. Chẳng hạn, một em bé 9 tháng tuổi có thể cần có người đỡ mới đứng dậy được trong khi một em bé khác cùng tuổi như vậy đã chập chững biết đi. Tuy vậy, đến 15 tháng tuổi, hai em bé này rồi cũng đều đi được như nhau. Em bé thứ nhất đuổi kịp em bé thứ hai một cách tự nhiên. Sự phát triển của những khả năng như việc biết đứng, biết đi này độc lập với môi trường xung quanh (experience-expectant). Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng Đuổi Kịp (catch-up effect). 
Ngược lại, ở hầu hết những lĩnh vực/ kĩ năng chúng ta được học ở trường, như học toán, học ngôn ngữ, hay học đọc, sự phát triển lại rất phụ thuộc vào các tác động xung quanh (experience-dependent). Do vậy, việc đuổi kịp một cách tự nhiên bất chấp các khác biệt về xuất phát điểm khó diễn ra ở những nhóm lĩnh vực/ kĩ năng này. Khi đó, Matthew effect xảy ra và sẽ xảy ra mạnh mẽ hơn nếu môi trường xung quanh ủng hộ hiệu ứng này. Một em bé có khởi đầu thuận lợi như My sẽ luôn vượt lên trên với những lợi thế tích luỹ như việc em thích đọc hơn, cô giáo gọi em phát biểu nhiều hơn, em được tiếp xúc với nhiều sách hay và nhiều chủ đề khó hơn. Một em bé có khởi đầu ít thuận lợi hơn một chút như Trang sẽ gặp nhiều thử thách hơn về sau và sẽ trải nghiệm khoảng cách gia tăng so với những người có xuất phát điểm thuận lợi hơn mình thay vì bắt kịp họ. 
Và vì vậy những quyết định và trợ giúp từ phía nhà trường, phụ huynh và những người xung quanh rất quan trọng tới việc môi trường có giúp những em bé như Trang thu hẹp, hoặc ít nhất là kiềm chế gia tăng khoảng cách với những người có xuất phát điểm thuận lợi hơn mình hay không. 

Lựa chọn nào cho giáo viên?


Dẫu biết rằng những quyết định của giáo viên đóng vai trò rất lớn trong việc tạo môi trường kiềm chế hiệu ứng Matthew, trên thực tế, những quyết định trong lớp học không phải lúc nào cũng dễ dàng. Giáo viên thực chất phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu họ cố gắng dành cơ hội và giao nhiệm vụ học tập giống nhau cho tất cả học sinh, những bạn có xuất phát điểm yếu có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong khi những bạn xuất phát điểm tốt lại cảm thấy nhàm chán. Còn nếu họ phân nhóm học sinh và giao những nhiệm vụ học tập khác nhau, rõ ràng họ đã khiến cho hiệu ứng Matthew diễn ra mạnh hơn và giảm tính công bằng trong lớp học. Trong cả hai lựa chọn, họ đều có thể làm gia tăng sự bất công và đồng thời giảm tính hiệu quả của lớp học. Chẳng hạn, trong trường hợp của My và Trang nói trên, nếu giáo viên lựa chọn để cho hai em cùng đọc những tài liệu như nhau, My có thể sẽ thấy thiếu thử thách và khả năng của em không được phát huy tối đa; trong khi Trang có thể lại cần thời gian để xử lý được thông tin. Tuy nhiên, nếu giáo viên giao cho My và Trang vào những nhóm học tập theo năng lực khác nhau, My có thể tiếp tục đọc những tài liệu khó và học tập chung với những người thích đọc như mình, cuối cùng càng đọc tốt hơn; trong khi Trang khi tham gia nhóm các bạn đọc yếu sẽ càng tụt lại phía sau so với My. Dù chọn làm gì trong hai điều trên, giáo viên đều không khiến khoảng cách giữa My và Trang gần lại. 
Giải pháp cho trăn trở này thường được gợi ý là cá nhân hoá giáo dục: hỗ trợ học tập dựa trên nhu cầu của từng cá nhân người học, nhằm giảm khoảng cách trong xuất phát điểm và tăng khả năng/ tốc độ phát triển. Tuy nhiên, giải pháp này đòi hỏi nhiều nỗ lực, đặc biệt là tại Việt Nam, nơi mà có thể có tới 40- 60 em học sinh trong một lớp học. 

Học gì từ hiệu ứng Matthew


Tuy vậy, vẫn cần thống nhất rằng, môi trường xung quanh bao gồm giáo viên là nhân tố rất quan trọng đảm bảo công bằng trong giáo dục và giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực do hiệu ứng Matthew gây ra. Dưới đây là một số lưu ý cá nhân người viết cảm thấy quan trọng có thể rút ra từ việc hiểu biết về hiệu ứng Matthew. 
- Gia đình và giáo viên cần tìm hiểu về cá nhân mỗi học sinh sớm để biết được em nào cần nhiều sự trợ giúp hơn và trợ giúp về mảng nào trước khi khoảng cách giữa những học sinh có xuất phát điểm yếu đã quá xa so với những bạn có khởi đầu thuận lợi hơn.
- Gia đình và nhà trường cần cung cấp sự hỗ trợ đặc biệt và cá nhân hoá cho những học sinh cần trợ giúp. Ví dụ: nhiều giờ giảng giải hơn, những hoạt động hoặc nhiệm vụ hỗ trợ thêm.
- Không “dán nhãn” học sinh. Một trong những lý do khiến My và Trang có năng lực đọc hiểu khác nhau ngày càng lớn có lẽ là động lực và niềm yêu thích đối với việc đọc của hai em. Khi cô giáo “dán nhãn” Trang là học sinh đọc yếu, rất khó để em có thể cảm thấy tiếp tục hứng thú với việc đọc sau này. Thay vì dán nhãn và khiến học sinh mất niềm tin vào bản thân, giáo viên cần động viên và giúp các em lấy được sự tự tin của mình cũng như tìm ra thế mạnh riêng. Bất cứ em học sinh nào cũng đều có những điểm mạnh riêng chờ được đánh thức và phát triển.
- Giáo viên nên kết hợp cùng gia đình và bạn bè của học sinh, vừa để tạo môi trường hỗ trợ toàn diện lại vừa giúp giảm gánh nặng cho giáo viên khi phải phụ trách quá nhiều học sinh. 
- Và cuối cùng, luôn cố gắng đối xử công bằng với tất cả học sinh. Tôi đã từng gặp những giáo viên chỉ quan tâm tới những bạn gia đình khá giả, và cũng từng nói chuyện với những giáo viên chỉ thích dạy học sinh giỏi. Từ trong suy nghĩ và nguyên tắc làm việc của mình, giáo viên cần coi trọng tính công bằng trong lớp học thì mới mong thu hẹp được khoảng cách giữa những học sinh có xuất phát điểm khác nhau.  
Bất cứ trẻ em nào cũng cần được trao một đôi cánh để bay lên, nhưng tôi cho rằng những em có xuất phát điểm ít thuận lợi hơn còn cần được trao thêm một lực đẩy từ một đôi chân chắc khoẻ thêm vào đôi cánh ấy.
———————————————–
Tham khảo 
Greenough, W. T., & Black, J. E. (2013). Induction of brain structure by experience: Substrates for cognitive development. In M. R. Gunnar & C. A. Nelson (Eds.), Developmental behavioral neuroscience: The Minnesota symposia on child psychology, Vol. 24, pp. 155-200. Hillsdale, NJ: Lawrence Erlbaum Associates, Inc.
Miller, M. & Snow, C. (2020). How People Learn, 3.1.2. Harvard Graduate School of Education. 
Pressley, M., & McCormick, C. (2007). Child and adolescent development for educators. New York, NY: Guilford Press.
Quinn, J. M., Wagner, R. K., Petscher, Y., & Lopez, D. (2015). Developmental relations between vocabulary knowledge and reading comprehension: A latent change score modeling study. Child Development, 86(1), pp. 159-175.
Stanovich, K. E. (2009). Matthew effects in reading: Some consequences of individual differences in the acquisition of literacy. Journal of Education, 189(1–2), 23–55.

Đọc thêm: