Có lẽ đây là bài viết mang tính cá nhân nhất mà tôi từng thực hiện ở Spiderum, vì nó là những đúc kết của chính bản thân sau một khoảng thời gian rất dài làm việc với những con chữ. "Đây không phải một bài viết để nịnh sếp".
Tôi có một cái duyên rất lạ với nghề viết, bởi tôi chưa bao giờ chọn nó là một nghề chính để phát triển theo mảng truyền thông. Từ những năm 2014, tôi có cơ hội để được viết cho Game4V, vốn là một trong những tờ báo mạng liên quan đến Game uy tín nhất thời điểm ấy, cũng chỉ bởi tôi hay thích lên Facebook và viết những cảm nhận cá nhân lung tung trên mạng. Sau rồi tôi định hướng bản thân theo ngành IT nhưng cũng nhanh chóng chán nản với nó. Và tôi lại được cái duyên cũ tìm tới, có cơ hội làm việc với Phê Game trên tư cách là một Script Writer thời kỳ đầu của kênh, sau đó nữa là có một vài script đánh thuê cho GAMECO (Phá Đảo hiện tại), MovieOn, thậm chí lập kênh riêng có tên GamingGozzipers. Đến khi tôi làm việc cho W2W ở một vị trí hoàn toàn khác (Promotion), tôi nhận ra mình còn nặng tình nặng nghĩa với ngành viết lắm, ít nhất nó là vị trí mà tôi thực sự biết mình cần phải làm gì.
Khi nghỉ ở W2W, tôi apply vào Spiderum và vượt qua tất cả các vòng phỏng vấn. Mục tiêu của tôi khi tới đây là được vượt ra ngoài vòng an toàn, vượt ra ngoài thế mạnh những nội dung liên quan tới Game. Sau gần 1 năm, tôi gần như đã hoàn thành được mục tiêu ấy, bởi bản thân hiện tại có thể viết bất cứ chủ đề thuộc lĩnh vực nào. Cũng phần lớn bởi ở đây là nơi duy nhất trong tất cả nơi mình từng làm việc, tôi thực sự được Training về Expert Writing ở những người anh có tuổi nghề lâu hơn mình. Tôi nhận ra rằng chỉ cần kỹ năng viết của mình được tăng cao, mình có thể thực hiện bất cứ nội dung thuộc bất cứ chủ đề nào mình muốn.
Bài viết này là những đúc kết của cá nhân tôi. Biết đâu, bằng một cách nào đó, tôi cũng có thể giúp các bạn cải thiện không chỉ ở kỹ năng viết mà còn cả ở tư duy chọn chủ đề và triển khai ý tưởng của bản thân mình.
1. Mục tiêu quyết định ý tưởng
Mỗi Content sinh ra đều có mục tiêu riêng, và ý tưởng luôn được bắt nguồn dựa trên mục tiêu ấy. Có thể chia ra thành 2 dạng mục tiêu chính, có thể áp dụng vào tất cả đối tượng tác giả, là dạng Mục tiêu cá nhânMục tiêu cộng đồng. Giải nghĩa ngắn gọn, một bên viết vì "tôi làm những gì tôi thích, truyền tải những gì tôi muốn nói". Bên còn lại, là viết cho tất cả những người khác cùng đọc. Điểm khác biệt lớn nhất ở hai dạng mục tiêu này là ở mức độ tiếp cận.
Khi bạn viết bài cho một đơn vị truyền thông hay một công ty sẽ khác rất nhiều so với việc bạn viết vì hứng thú và sở thích cá nhân của mình. Lượng view, lượng like - share - comment sẽ quyết định độ thành công của bài viết, ấy là chưa bàn tới chất lượng bên trong. Chỉ cần có một tiêu đề và thumbnail đủ hấp dẫn cũng đã quyết định đến 80% độ thành công này. Ý tưởng tốt sẽ giống như một anh nhân viên Sale giỏi, quảng bá sản phẩm của bạn tới nhiều đối tượng khách hàng nhất có thể.
Ý tưởng có thể đến từ bất cứ gì mà bạn muốn, miễn là nó khơi được sự tò mò nhất định bên trong mỗi độc giả. Công thức điển hình nhất mà bạn có thể thấy trong một bài viết được cá nhân tôi sử dụng là "đặt câu hỏi hay, rồi tìm cách để trả lời nó một cách mạch lạc nhất". Lấy ví dụ như bài viết này, một trong những bài viết thành công nhất của tôi trên Spiderum. Ý tưởng của nó đến khi tôi chỉ đơn thuần đặt câu hỏi "Bác Hồ hút thuốc gì?". Từ đó mà tôi có thể triển khai được một bài viết long-form ~2000 từ đủ hấp dẫn để mọi người click chuột vào.
2. Outline là xương sống để tạo nên một bài viết "tốt"
Để ngắn gọn thì bước tạo dựng Outline là khâu "lập dàn ý" mà mỗi người đều phải è cổ ra làm mỗi khi bắt đầu viết một bài văn khi còn mài mông trên ghế nhà trường. Ban đầu, tôi, có lẽ là rất nhiều người khác, coi nhẹ công đoạn này. Lý do thì nhiều vô kể, nhưng chủ yếu thường do cách viết "nghĩ gì ghi nấy, sai thì sửa". Cách này sẽ đúng nếu bài viết của bạn đi theo lối tản văn, đề cao cảm xúc nhất thời và không cần ý văn phải quá chặt chẽ. Nhưng khi thực hiện một bài viết long-form thì nó lại là cả một vấn đề khác.
Outline phục vụ như xương sống của bài viết. Mục tiêu của việc làm Outline là tổ chức những ý chính và thông tin cần thiết mà tác giả muốn truyền tải trong bài viết. Đồng thời giúp sắp xếp các ý chính theo thứ tự triển khai ý tưởng mong muốn của người viết.
Outline này giúp tôi triển khai bài viết dài 10.000 từ một cách mạch lạc nhất
Outline này giúp tôi triển khai bài viết dài 10.000 từ một cách mạch lạc nhất
Ngoài ra, Outline cũng giúp tác giả tập trung vào chủ đề chính của bài viết và tránh sự lạc lối trong chính những dòng suy nghĩ và lời văn của bản thân.
3. Định hình Mindset triển khai ý tưởng
Cách triển khai của bài viết lại phụ thuộc nhiều vào chủ đề và ý tưởng ban đầu. Hai dạng nội dung mà các bạn có thể hay gặp nhất trên các nền tảng truyền thông hiện nay chủ yếu là dạng chứng minh quan điểm và dạng truyền tải thông tin. Có thể lấy ví dụ như các nội dung Review là dạng chứng minh quan điểm; tóm tắt phim, tiểu sử nhân vật, kể lại sự kiện lịch sử là dạng nội dung truyền tải thông tin.
Đối với dạng nội dung phân tích nghị luận, nó chính xác là dạng đặt ra một luận điểm và dùng các luận cứ để khẳng định luận điểm đã được đề ra ban đầu sao cho thuyết phục nhất. Tôi sẽ lấy ví dụ của Video này (đã được đăng tải trên kênh Spiderum Ciné).
Còn đây là Note và Outline của tôi khi thực hiện Script đó.
Như các bạn có thể thấy, nhận định của tôi trong Review trên là "Cyberpunk: Edgerunner là một trong những Anime chuyển thể từ Game tuyệt vời nhất từng được làm ra". Để chứng minh được nhận định đó thì cần phân tích các yếu tố xoay quanh nó bằng cách đặt ra các câu hỏi nhỏ, "Nó có bám sát với nguyên tác hay không", "Nếu nó đứng một mình, không phụ thuộc vào nguyên tác thì nó có hay không", "Phần nghe nhìn như thế nào", ... Sau đó tôi sẽ tìm và tổng hợp các Fact để trả lời các câu hỏi mình đặt ra, triển khai nó vào từng phần trong Outline để tạo thành một bài viết hoàn chỉnh.
Còn đối với dạng nội dung thuần truyền tải thông tin, các bạn cần phải tìm hiểu xem thông tin được đề cập trong bài viết sẽ có cách thể hiện nào dễ tiếp cận và mạch lạc nhất. Có thể ví dụ như ở bài viết nói về vụ bê bối ở trong FIFA mà tôi đã đưa Outline ở trên, tôi quyết định triển khai bằng cách liệt kê các thông tin theo trình tự thời gian dẫn đến vụ bê bối, sau đó đưa ra các nhận định về ảnh hưởng của vụ việc tới nền bóng đá thế giới.
4. Đừng coi thường tầm quan trọng của dấu chấm và dấu phẩy
Dạo thời gian gần đây, tôi bắt đầu chuyển dần lên vị trí chọn - đọc - sửa - duyệt các bài viết trên Website cho kênh Youtube Spiderum. Rõ ràng task này đơn giản hơn hẳn việc phải tìm ý tưởng và thực hiện một bài viết hoàn chỉnh, nhưng đó là trước khi tôi xắn tay áo lên và ngồi sửa bài viết của người khác. Rất nhiều trường hợp, tôi sửa bài viết có lỗi dấu câu, bao gồm việc chúng nằm ở những vị trí rất vô duyên, hoặc chúng mất tích luôn khỏi đoạn văn. Mỗi khi sửa bài như thế, tôi mất nguyên 1 ngày chỉ để điền thêm dấu chấm và dấu phẩy cho một bài viết dài 3000-4000 từ. Trường hợp tệ nhất tôi từng gặp phải, là một đoạn Intro mở đầu dài 500 từ mà chỉ có duy nhất một dấu chấm ở cuối đoạn văn.
Thực ra, trước khi tôi làm việc ở Spiderum, tôi cũng coi thường tầm quan trọng của dấu chấm và dấu phẩy. Đến khi bắt đầu làm việc cũng thi thoảng bị sếp lôi ra mắng cho một trận vì đặt dấu câu lung tung. Phần nào đó, tôi cũng hiểu lý do tại sao nhiều người hay mắc lỗi dấu câu như thế. Bởi khi thực hiện bài viết, tác giả dễ bị viết theo mạch suy nghĩ của bản thân, khiến những gì được viết ra sẽ theo hướng văn nói chứ không phải văn viết. Dấu câu trong bài viết sẽ bắt đầu được biểu thị thông qua những đoạn ngắt trong lời mình nói ra. Nếu viết cho bản thân đọc thì không vấn đề. Nhưng để viết cho người khác đọc, nó sẽ là cả một vấn đề lớn. Nhất là trong công việc Content Writer, viết văn kiếm sống qua ngày và phải làm việc với những người khác để hoàn thành sản phẩm. Lỗi dấu câu sẽ gây khó khăn cho những bộ phận sản xuất, bởi người Narrator bài viết của bạn sẽ chẳng thể biết được họ cần ngắt nghỉ hay nói liền mạch ở đâu.
5. Hãy để mỗi bài viết là một kiệt tác
Nối tiếp theo ngay sau phần trước, chăm chút cho từng dấu chấm dấu phẩy, từng con chữ, cũng là cách mà bạn thể hiện tâm huyết của bản thân cho những gì mà bạn thực hiện. Đối với cá nhân tôi, "làm mà không chỉnh chu tử tế thì làm làm mẹ gì". Thậm chí, bạn còn có thể đẩy chất lượng bài viết của mình lên một tầm cao mới theo nhiều cách khác nhau.
Cách nhanh gọn và đơn giản nhất để bạn cải thiện bài viết của mình là tự đọc lại bài viết của chính mình, ra thành tiếng thì càng tốt. Bởi khi ấy, bạn sẽ biết bài của mình đang bị va vấp ở đâu, và có cơ hội để rà soát một lượt lỗi chính tả, lỗi lặp từ, hay có thể thay thế câu từ ở đâu cho hay hơn, cảm xúc hơn và có tính truyền tải cao hơn.
Kết
Trên đây chỉ là một trong rất nhiều những gì tôi đã đúc kết được sau một khoảng thời gian dài theo nghiệp viết, cả trước và sau khi làm việc ở Spiderum. Vẫn còn rất nhiều các vấn đề khác như là chọn chủ đề như thế nào, các cách tiếp cận chủ đề nâng cao ra sao,... tôi xin được phép giấu vì tôi còn phải kiếm hạt cho con mèo ở nhà nữa :> Vả lại, kỹ năng của tôi vẫn chưa thể bằng ai, vẫn còn thua khá nhiều các bạn người dùng ở trên chính Spiderum này. Nên tôi vẫn rất muốn được học hỏi từ các bạn. Để lại Comment ở dưới nha ;)