Trường chuyên lớp chọn: Lò đào tạo những con cừu gọi dạ bảo vâng
Nhà văn James Atlas gọi những người đạt thành tích xuất sắc là “siêu nhân”. Ngoài học giỏi ra, cần phải biết chơi nhạc cụ, thành thạo...
Nhà văn James Atlas gọi những người đạt thành tích xuất sắc là “siêu nhân”. Ngoài học giỏi ra, cần phải biết chơi nhạc cụ, thành thạo ngoại ngữ, tham gia các chương trình tình nguyện ở nơi xa xôi hẻo lánh, kì nghỉ hè quân đội, một vài sở thích nữa,... tất cả đều gom lại thành một thước đo chuẩn mực cho: họ đều rất giỏi, làm những chuyện đó dễ như bỡn và có phong thái tự tin khiến cả bạn bè và người lớn phải nể sợ. Chúng ta thường mơ về lớp trẻ như thế, những đứa trẻ đáng ghen tị này quả nhiên là những kẻ thắng cuộc trong cuộc đua mà chúng ta đã vẽ ra cho chúng từ thời thơ ấu.
Nhưng đằng sau vẻ ngoài tự tin, đúng mực không chê vào đâu được theo kiểu “con nhà người ta” ấy, bạn sẽ thường xuyên thấy sự u uất, sợ hãi, lo âu, chán chường cùng cảm giác trống rỗng, vô nghĩa và cô độc. Một nghiên cứu liên ngành đã chỉ ra rằng có tới hơn 22% học sinh bị rối loạn lo âu và hơn 41% chạm tới ngưỡng trầm cảm. Tất cả chúng ta đều biết học sinh cấp hai thì áp lực học thật giỏi để học trường chuyên cấp ba, và ở các trường chuyên cấp ba thì tất cả đều cố gắng để trở thành con ngoan trò giỏi về mọi mặt. Tại sao mọi người lại nghĩ rằng lên đại học thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn?
Trong cuốn sách “Bầy cừu xuất chúng: Lật tẩy khoảng tối của nền giáo dục Mỹ”, tác giả WILLIAM DERESIEWICZ —giáo sư Anh văn tại Đại học Yale cho rằng: Nhiều sinh viên đang cố vươn lên đứng đầu, nghĩa là họ đang bị hệ thống này nuốt chửng. Tôi từng chứng kiến nhiều người hi sinh sức khỏe, các mối quan hệ, những tìm tòi khám phá và nhiều hoạt động khác chỉ vì bảng điểm đẹp và một hồ sơ xin việc.” Tại Việt Nam, chúng ta đã quen với khái niệm trường chuyên, lớp chọn. Chuyên Amsterdam, chuyên Ngoại Ngữ,...đây đều là bến bờ ước mơ của rất nhiều bậc phụ huynh mong muốn con mình nhận được nền giáo dục tốt nhất (và tất nhiên đi kèm là cạnh tranh nhất). Học sinh ở các trường chuyên lớp chọn phải chạy đua mãi, không ngừng nghỉ và nhanh nhất có thể, giống như những con cừu nhảy qua hàng rào, con nào không đủ cao thì sẽ bị kẹt lại phía sau. Những người trẻ này lúc nào cũng thành công ở mọi lĩnh vực, một phần bởi vì họ luôn tin rằng mình sẽ thành công. Ai cũng cho rằng chỉ có mỗi mình gặp áp lực, nên chẳng ai dám hé răng nói gì, chỉ âm thầm chịu đựng. Ai cũng cảm giác mình hay người ta đang dối lừa che đậy; ai cũng nghĩ rằng người khác thông minh hơn mình.
Bọn trẻ làm sao khác đi được, khi chúng đã được dưỡng dục cẩn thận như thế, được tuyển lựa khắt khe qua vòng này vòng kia và được gọt giũa kĩ lưỡng về mặt tư duy. Chúng sẽ làm bất cứ việc gì người khác yêu cầu, đạp đổ mọi chướng ngại vật để đi tới thành công. Vấn đề là những học sinh này đều đã được dạy rằng giáo dục là như vậy: làm bài tập về nhà, chữa bài, làm bài kiểm tra. Trong quá trình đào tạo, không có chuyện khai phóng con người, càng không bao giờ có chuyện người ta sẽ dạy các em rằng giáo dục là để đạt được một điều gì đó tốt hơn. Các em đã học để “trở thành học sinh” chứ không phải học cách tư duy.
Các học sinh trường chuyên lớp chọn đã được bố mẹ, nhà trường và truyền thông nhồi nhét vào đầu rằng để trở nên ưu tú vượt trội, phải học cách xác định giá trị bản thân bằng các thước đo thành công, phải trở thành tinh hoa trong xã hội: những điểm số, giải thưởng, huy chương. Người ta ca ngợi bạn vì những thứ này, người ta ca ngợi “bố mẹ dạy con” cũng vì những thứ này. Cha mẹ bạn tự hào; nhà trường hãnh diện; bạn bè đồng trang lứa nghiến răng ken két vì ghen tị. Cuối cùng, trên tất cả, phần thưởng cao nhất được vẽ ra trong thời niên thiếu: đỗ vào trường đại học mơ ước. Cuộc đua vào đại học không phải là xem học sinh nào giỏi hơn, mà là so ví tiền của cha mẹ nào dày hơn để con có điều kiện đi học chỗ tốt hơn.
Điều đó dẫn tới thói sính bằng cấp và chế độ trọng nhân tài. Mục tiêu của cuộc sống trở thành việc tích lũy những điểm số. Học không phải là để hiểu thêm về thế giới, chơi thể thao là cuộc đua về thể chất chứ không phải để rèn luyện sức khỏe và tinh thần thể thao, chơi nhạc cụ, tham gia câu lạc bộ kịch là để trông có vẻ tao nhã hơn người chứ không phải vì yêu thích âm nhạc hay diễn xuất sân khấu. Amy Chua, một bà mẹ được gọi là mẹ Hổ với cách dạy con vô cùng khắc nghiệt. Hai cô con gái của bà mẹ này lớn lên trong sự dạy dỗ nghiêm khắc hiếm thấy, buộc phải răm rắp tuân theo bản nội quy gia đình do bà mẹ áp đặt gồm 10 điều:
- Cấm qua đêm ở nơi không phải nhà mình; - Cấm xem phim; - Cấm tham gia biểu diễn văn nghệ ở nhà trường; - Không được oán trách vì điều cấm ấy; - Cấm xem truyền hình hoặc chơi game máy tính; - Không được tự chọn hoạt động ngoại khóa (mà do mẹ chọn); - Điểm sát hạch, điểm thi tất cả các môn học phải đạt mức A (tức cao nhất); - Trừ môn thể dục và sân khấu ra, thành tích học tất cả các môn khác đều phải nhất lớp; - Trừ dương cầm và vĩ cầm ra, không được chơi bất cứ nhạc cụ nào khác; - Phải học dương cầm và vĩ cầm.
Tất cả chúng ta đều quen với hình mẫu phụ huynh này - đe dọa, gây áp lực, chỉ trích - và kiểu tuổi thơ bị giám sát, áp đặt, lên lịch để mong con lúc nào cũng thành công. Đây là kiểu cha mẹ thể hiện một niềm tin lầm lạc rằng họ có thể biến thế giới này thành nơi an toàn cho con cái, cha mẹ có thể bảo vệ chúng khỏi mọi đau khổ và thất bại, cho rằng cuộc đời là có thể lường trước được mọi thứ và kiểm soát để đạt một chuỗi những thành tích nhằm đảm bảo cho một cuộc sống an toàn và thoải mái. Trong công trình nghiên cứu của Alive Miller, Bi kịch của những đứa trẻ tài năng, một đứa trẻ toàn diện được hình thành từ sự đáp lại những nhu cầu thành tích của cha mẹ. Nhưng nhu cầu này là vô độ, sự hài lòng chỉ mang tính tạm thời . Đứa trẻ “không bao giờ đủ giỏi”” và trở nên chán ghét chính mình, ghê tởm bản thân, tự trừng phạt mình với những suy nghĩ như - “Mình không đủ giỏi”, “Mình không đủ thông minh”. - và nó sinh ra từ cảm giác không muốn được hạnh phúc.
Alice Miller viết, "Khi tôi sử dụng từ 'tài năng' trong tiêu đề cuốn sách, tôi không ám chỉ những đứa trẻ được điểm cao hoặc có tài năng gì đặc biệt. Tôi chỉ đơn thuần muốn nói đến tất cả chúng ta, những người đã sống sót một tuổi thơ bị 'lạm dụng' [bởi những kì vọng của cha mẹ] nhờ khả năng thích nghi với những bất công không nói nên lời bằng cách trở nên câm lặng... Nếu không có 'tài năng' được tự nhiên ban tặng này, chúng ta có lẽ không sống sót nổi."
Vậy vấn đề ở đây là tại sao? Tất cả cha mẹ, phụ huynh và cả học sinh đều làm những việc giống nhau bởi vì ai cũng làm một việc. Hay người ta gọi đó là hiệu ứng cá hồi: bạn thấy người khác muốn điều đó, bạn cho rằng điều đó hẳn là có giá trị, và thế là bạn cũng muốn cái đó. Nó giống như một đàn cá hồi vượt thác: cảm giác an toàn khi làm theo số đông.”
An toàn, ổn định,... Để có được sự an toàn này, cha mẹ và học sinh sẵn sàng đánh đổi những yếu tố khác: nhân cách, sức khỏe, tư duy, cơ hội… để được an toàn. Lực đẩy cho sự an toàn này chính là sợ hãi thất bại. Họ bị ám ảnh bởi nỗi sợ thất bại trong cả cuộc đời — thường bắt đầu bằng nỗi sợ thất bại của cha mẹ. Gia đình và nhà trường không chứa chấp những kẻ nổi loạn, những kẻ lập dị. Bạn không có cơ hội được bước hụt, phải cố gắng hết sức để tránh mắc lỗi. Động lực để dẫn đầu không phải là niềm vui hay chọn lựa của bản thân - mà là nỗi sợ bị chê cười, hay thậm chí là khinh bỉ từ những người khác.
Thậm chí những học sinh trường chuyên lớp chọn, đạt giải này giải nọ sau khi tốt nghiệp đại học rồi cũng không khiến những vấn đề của họ lùi vào dĩ vãng. William Deresiewicz còn viết thêm:
Trong khi một số bạn trẻ đưa ra lựa chọn cho mình và không ngoái đầu nhìn lại - dù tốt hay xấu bất kể họ lựa chọn với tự tự tin hay trong lúc hoang mang - thì nhiều người vẫn tiếp tục vật lộn với những cảm xúc và áp lực như ở trường đại học. Tôi đã thấy rất nhiều sinh viên loay hoay hàng năm trời cũng như nhiều bạn trẻ khôi ngô, sáng láng ngày nay miễn cưỡng làm những việc họ không cảm thấy đam mê và không biết niềm đam mê thực sự của mình là gì. Một người khác lại than thở về việc tiếp tục phải đấu tranh không chỉ với nỗi lo âu sợ hãi mà còn cả tham vọng: không phải khát vọng trở thành người xuất sắc thực sự mà cảm giác mình sẽ là kẻ thất bại nếu không tiếp tục tích lũy thêm danh tiếng, địa vị, tiền bạc.
Toàn bộ sự bế tắc kiểu tinh hoa này không chỉ tồn tại ở riêng một nước. Hệ thống này mang tính toàn cầu và có mối liên hệ với nhau trên nhiều phương diện. Khoảng một phần mười sinh viên ở các trường đại học danh tiếng ở nước Mỹ ngày nay là sinh viên quốc tế. Tiêu chuẩn đã được áp dụng trên toàn thế giới; ở Thượng Hải, Seoul bây giờ học sinh cũng đang ráng sức vượt vũ môn. Điều không hợp lý chính là chúng ta đã xây dựng nên một hệ thống giáo dục sản sinh ra những bạn trẻ vô cùng thông minh hoàn hảo nhưng không biết họ muốn làm gì trong đời: không có ý niệm về mục tiêu tự thân và không hiểu làm cách nào để tìm được mục tiêu của đời mình. Họ có thể đi theo con đường có sẵn nhưng không có trí tưởng tượng - hay dũng khí hay tự do trong tâm hồn - để khám phá ra con đường của riêng mình.
Disclaimer: Bản thân tôi là học sinh trường chuyên, bạn bè hầu hết cũng học trường chuyên nên câu chuyện về hệ thống trường chuyên lớp chọn có lẽ tôi là người nắm rõ nhất. Hi vọng quý vị phụ huynh đừng ép con mình vào trường chuyên lớp chọn.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất