Muốn đóng vai nạn nhân ư ? Hãy xem mình là người có lỗi trước.
Dạo gần đây tôi sống rất tiêu cực, mọi cố gắng phát triển bản thân tôi đều đạp đổ hết. Nghiện game, thức đêm, cày phim, xem p*rn, ăn...
Dạo gần đây tôi cho phép mình sống buông thả và tiêu cực, mọi cố gắng phát triển bản thân, tôi đạp đổ hết. Nghiện game, thức đêm, cày phim, xem p*rn, ăn ngọt... Nhưng làm ba cái trò tiêu cực này nhiều lần, tôi có hạnh phúc hơn không ?
Câu trả lời là không, sự thỏa mãn bằng niềm vui ngắn hạn với những thứ tiêu cực này, thường xuyên đưa tôi vào trạng thái trống rỗng, trống rỗng tới mức tôi không muốn làm bất cứ gì để thỏa mãn mình. Ngay cả nằm yên để thỏa mãn sự lười của mình, cơ thể cũng không cho phép. Nó bắt tôi đứng dậy, đi ra ngoài chơi game, xem phim con heo,... được tầm 2 tiếng trong chán nản, giờ tôi lại quay về phòng nằm trằn trọc suy tư chuyện tào lao. Vài phút sau tôi bật dậy đi ra ngoài mở PC, lên spiderum lướt lướt, lên facebook check check... Thế tôi nhìn thấy gì ? Chỉ toàn là chuyện "Tôi là nạn nhân A trong câu chuyện B". Tôi không muốn chỉ đích danh những con người ấy, tôi cũng không muốn dạy họ phải sống sao cho phải đạo. Nhưng tôi muốn buộc mình phải suy xét lại "liệu thực sự họ đã thành thật trong câu chuyện mà họ đã kể ?". Thôi, ý tưởng đã có, tôi phải viết ra để được ngon giấc đêm nay, thứ hai còn nhiều việc phải làm.
Nạn nhân A: "Anh sếp C chèn ép em, lúc nào cũng bắt lỗi em viết bài QC sai này nọ, em phải gượng ép theo ý của anh ấy. Em muốn nghỉ việc quá mọi người ơi"
Dân mạng trả lời: - "Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu bài viết đó không hút khách ? Em hay sếp ? Em đã có kinh nghiệm để viết chưa ? Bài viết của em văn thơ bay bổng, nhưng không ai để ý gì đến bài viết đó, thì có phải là bài viết của em chưa hiệu quả hay không ? Em có dám nhận lỗi về mình không ?"
- "Kệ thằng sếp đó đi em ơi, ngoài kia thiếu gì việc, nghỉ quách cho xong".
Nạn nhân B: "Em mệt mỏi quá các anh ạ, 2 tháng này em gặp chuyện xui xẻo. Chưa gì đã có hai nhân viên nghỉ việc liên tiếp, hai đứa nó không thèm hợp tác với ai trong đội nhóm, các thứ bla...bla...bla..."
Dân mạng trả lời: - "Mẹ nó cái lũ nhân viên trời đánh, lười nhác không xong việc. Cứ đổ lỗi tại sếp, tại công ti"
- "2 tháng = 2 nhân viên ra đi, ông nên xem lại cách quản lý nhân viên của ông đi. Có phải 2 đứa nó bị nhân viên cũ cách li, chúng nó không được quan tâm giúp đỡ hay không ? Hay là ông cứ đổ dồn dập công việc không vừa sức với tụi nó ?..."
Ở trong hai câu chuyện này, ai cũng nghĩ mình là nạn nhân. Nhưng khi câu chuyện được đem ra mổ xẻ bởi dân mạng. Sẽ có người bất đồng với hai nạn nhân trên, có người thì ủng hộ. Vậy ta có hai phe gây chiến để cho chúng ta hít hà drama, họ cãi nhau chí chóe để bảo vệ cho người mà họ đồng cảm. Nhưng đã chọn phe rồi thì cả đôi bên đều sai, chẳng ai đúng. Vì mọi chuyện chỉ có người trong cuộc mới biết.
1. Kẻ cầm "con dao" , sẽ tự cho mình đặc quyền đóng vai nạn nhân.
Họ nghĩ họ cầm lưỡi dao và đang cố tìm cách bảo vệ bản thân, họ bị tổn thương sâu sắc. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, họ đang cầm đằng cán và đang đâm chết kẻ khác.
Bạn biết cái gì mới là đáng sợ nhất không ? Một người vẻ ngoài tri thức, tội nghiệp, hiền hậu, có địa vị, có hành động tốt, người bần cùng,.... Những người này có đều một bề ngoài tốt đẹp, luôn tạo cho mình sự tin tưởng đến đáng kinh ngạc. Cho dù con người đó có làm chuyện ác, sai trái bao nhiêu lần, người ta vẫn nghĩ tốt về con người họ. Giờ tôi bảo các bậc thánh nhân có nhiều tật xấu, những ai tôn thờ họ sẽ sẵn sàng xiên chết tôi vì cái tội tôi vu khống cho "người tốt".
Việc đó tôi không dám, thôi thì tôi lấy mình ra làm ví dụ.
Trước đây, mọi người cứ nghĩ tôi là người tốt chỉ vì tôi khoác lên mình bề ngoài của một đứa học sinh ngoan hiền, lễ phép, ít nói, biết vâng lời, học ở mức khá. Nhưng tôi vẫn làm nhiều trò như bao đứa trẻ hư khác: viết tay trái, chửi bậy, gian lận trong thi cử, đánh nhau... Khi bị giáo viên bắt được, họ chỉ trách mắng vài câu rồi bỏ qua cho tôi, cùng lắm tôi bị phạt nhẹ hoặc bị dọa kỷ luật.
Tôi đã từng bị điểm liệt khi viết script Excel, khi tôi van xin khóc lóc với thầy rằng: "Em chỉ gặp xui xẻo khi làm đề khó thôi thầy ạ, thầy làm ơn giúp em, nếu kì này em bị điểm liệt ! Ba mẹ đánh chết em mất !". Vậy là tôi được thi lại lần hai, được chọn đề bài dễ hơn, kết quả đạt được là điểm 9 tin học. Còn những đứa học sinh yếu kém hơn thì sao ? Có được cơ hội như tôi không ? Không ai được cái đặc quyền đó, trừ tôi.
Tôi cũng đã từng đánh nhau với bọn đầu gấu trong trường, người ta nghĩ tôi là kẻ bị hại trong chuyện này, nhưng thực ra tôi mới là người gây sự trước. Tôi đánh thằng em tới tấp, chẳng lẽ thằng anh ngồi yên để em mình chịu trận ? Hai đấm vào mắt phải... "bốp, bốp", khiến mắt tôi phải được lăn trứng gà luộc suốt một tháng. Sau cuộc ẩu đả đó, tôi cùng hai anh em kia lên phòng giám thị để viết lại bảng tường trình. Trong khi viết tôi tưởng mình là kẻ bị hại và tường trình lại rằng "em là nạn nhân". Tôi bình an vô sự, còn hai anh em kia bị hạ hạnh kiểm.
Thời còn học mẫu giáo, tôi đê tiện không kém. Tự leo lên bàn rồi tự ngã nhào, khóc òa lên rồi mách với cô giáo: "Thằng Câm đánh con". Nó bị ăn đòn trong oan ức, còn tôi thoát khỏi tội lỗi của mình. Vì tôi biết, lúc tôi leo cao và để mình tự ngã. Không ai trong lớp chứng kiến những gì tôi đã làm, trừ thằng bạn khuyết tật kia. Nếu tôi đổ lỗi cho cậu khuyết tật kia, cậu ta không thể thanh minh cho chính mình được.
Còn một việc khác, tôi không biết có nên nói ra ở đây không. Nhưng tôi phải thành thật cho các bạn biết rằng: TÔI KHI MỚI 5 TUỔI, TÔI ĐÃ TỪNG CÓ Ý ĐỊNH GIẾT CHẾT EM GÁI 1 TUỔI CỦA MÌNH. Sự thật chính xác là như vậy. Trong lúc hai anh em giỡn nhau, tôi đã đè gối vào mặt em gái, khiến nó ngạt thở cho tới lúc gần chết ngạt. Nhớ lại cảnh tượng đó, tôi mới thấy cảm giác của kẻ sát nhân mất đi nhân tính là như thế nào. Đó là cảm giác rất thỏa mãn, lâng lâng, hăng máu khi cho phép bản thân vượt qua giới hạn nhân tính của mình. Nhưng cho đến khi em gái không còn cựa quậy, tôi bắt đầu sợ hãi, lo lắng em gái của mình chết, tôi mở gối ra để kiểm tra xem con bé có còn thở không. Một điều trớ trêu thay, nó chỉ nở một nụ cười vui vẻ, ngây thơ, lầm tưởng rằng tôi chỉ đang đùa giỡn với nó.
Trong quá khứ, tôi luôn nghĩ những việc tôi làm thì không hề sai trái. Tôi vẫn xem mình là người tốt khi đạt đủ danh hiệu "con ngoan, trò giỏi, biết vâng lời người lớn". Tôi chỉ xem nhẹ những chuyện đó, tôi "vô thức" giấu nhẹm những sự thật này rồi quên đi. "Vô thức" =))) Mẹ kiếp.
Đọc đến đây, các bạn nghĩ tôi điên khi tự bóc trần chính mình. Nhưng đó là những sự thật cần nói ra, tôi phải nói ra để thấy bản chất thực sự của tôi ra sao. Tôi phải quan sát chính mình trong một lăng kính hoàn toàn khác. Để thấy cái dã tâm tàn độc của mình, sau đó mới dám suy sét tới người mà tôi nghĩ rằng: "Hắn ta đang mang đại tội"
2. Hiệu ứng Rashomon.
Ông bà có câu: "tam sao thất bản". Kẻ thứ ba đứng bên ngoài drama, thường đi bôi xấu người khác bằng những lời lẽ thêm thắt để nhằm tăng thêm sự kịch tích trong câu chuyện, mặc kệ việc họ đã bóp méo sự thật ra sao. Nhưng chúng ta lại lầm tưởng, người trong cuộc mới biết được sự thật. Vậy bạn có nghĩ, người trong cuộc sẽ biết hết tất cả ?
Cái "biết" của người trong cuộc, cũng không phải là sự thật. Thực ra, "biết" ở đây chỉ là biết những điểm lợi thế cho mình và gạt bỏ những điểm lợi của đối phương. Nếu ai đã từng xem những bộ phim của đạo diễn Akira Kurosawa sẽ thấy rõ "hiệu ứng Rashomon" trong từng tác phẩm của ông ấy.
Nói nôm na "hiệu ứng Rashomon" là việc người kể sẽ dùng lăng kính chủ quan của mình để mô tả sai lệch một sự kiện nào đó nhằm tạo lợi thế cho bản thân. Tên của hiệu ứng được đặt theo một bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Nhật Bản Akira Kurosawa năm 1950. Phim xoay quanh vụ án một samurai bị giết chết và lời khai báo của 4 người liên quan - vợ anh, tên cướp Tajomaru, người tiều phu qua đường và bản thân linh hồn người samurai hiện về qua phép lên đồng. Điểm tương đồng duy nhất trong lời khai của họ là người samurai đã chết và Tajomaru đã hãm hiếp vợ anh. Còn những chi tiết khác, đặc biệt vì sao samurai lại bị giết và tại sao Tajomaru lại cưỡng hiếp, thì mỗi người lại kể một kiểu.
Akiro Kurosawa vạch trần tất cả bằng sự thật, mọi phim của ông đều không phân định "thiện" và "ác" rạch ròi. Các nhân vật bị đưa vô tình thế buộc người xem phải dùng góc nhìn đa chiều để suy xét. Việc đó khiến người xem phải đau lòng dằn vặt, không biết thương xót cho ai. Để rồi tự hỏi: "Ai mới là người tốt ? Ai mới là kẻ xấu ?"
Tôi sẽ lấy một vài phân cảnh trong các tác phẩm của vị đạo diễn đại tài Akira Kurosawa. Để cho chúng ta thấy, sự thật trần trụi được khắc họa ra sao:
a. 7 samurai (1954)
Bối cảnh phim được đặt vào cuối thời kỳ Chiến quốc Nhật Bản, câu chuyện kể về một nhóm nông dân bị 40 tên cướp lui tới cưỡng đoạt lương thực thường xuyên. Họ phải đi tìm sự trợ giúp từ 7 samurai và trả công các samurai bằng cách đãi các bữa cơm trắng. Bữa cơm trắng thực sự rất quý giá với những nông dân bần hàn này, họ phải bán số cơm trắng còn lại để kiếm tiền mưu sinh, còn lương thực thay thế để ăn thì chỉ có hạt kê. Trong thời kì chiến tranh, cùng với nạn trộm cướp hoành hành, giai cấp nông dân luôn là những kẻ tội nghiệp nhất khi phải gánh chịu tất cả.
Vậy bạn nghĩ những người nông dân kia có đáng thương không ? Hãy tua tới phân cảnh già làng cùng hai ông nông dân trung niên bàn bạc về việc, thuê 7 samurai để chống chọi với 40 tên cướp.
Già làng: "Hừm, 7 người à ?"
Ông trung niên: "Già nói thuê 4 người, nhưng chúng tôi không tuân theo"
Già làng: "Ta đã nghĩ, cần ít nhất 10 người. Nhưng ta nói 10 người, các ngươi sẽ đem về đây 15 người. Hê hê,... nhưng, cần phải như thế"
Ông trung niên: "Già ơi, tôi thấy lo lắm, lũ con gái trong làng sẽ phát điên với các samurai mất. Nếu tất cả các samurai động vào họ, rồi tất cả sẽ loạn hết"
Già làng: "Đồ ngốc, lũ cướp đang đến đấy. Ngươi lo cho "cái đầu" của ngươi còn chưa xong, giờ ngươi còn lo cho "bộ râu" của mình sao ?"
Những người nông dân này tuy nghèo khó, nhưng khôn ngoan, biết toan tính cái lợi cho mình. Già làng có ý thuê càng ít ronin càng tốt, để đỡ phải tốt cơm nuôi ăn những ronin lang thang này. Vì già không tin tưởng họ có thể chống chọi nổi với bọn cướp, thà thuê ít để đỡ phải tốn kém chăm lo cho những Ronin lang thang kia.
Còn ông trung niên kia thì sao ? Ông ta không lo cho tính mạng và lúa gạo sắp được thu hoạch sẽ bị cướp đi hết. Thay vào đó, ông ta chỉ lo cái danh dự của bản thân, sợ phải xấu mày xấu mặt với thiên hạ, lo lắng con gái xinh đẹp của mình sẽ mê mẩn samurai rồi ăn cơm trước kẽng với một trong 7 samurai kia.
Sau đó, ông ta cắt tóc con gái mình, khiến dân làng hoảng loạn và tin rằng, những tên samurai cũng chỉ là những kẻ vô lại hãm hiếp đàn bà. Vậy là cả làng trốn tránh, không chào đón 7 vị samurai - những người đang sẵn sàng đánh đổi tính mạng với 40 tên cướp chỉ với cái giá là "vài bát cơm trắng"
Sau khi các samurai đã làm lành và thấu hiểu dân làng hơn. 7 vị samurai yêu cầu nhóm nông dân phải đoàn kết cùng samurai chống trả lại bọn cướp. Trong một buổi tập huấn chiến đấu cho dân làng. Kikuchiyo - 1 samurai xuất thân từ nông dân, anh ta phát hiện ra những người nông dân giấu rất nhiều áo giáp, giáo mác, cung tên. Kikuchiyo vui vẻ đem những chiến lợi phẩm của các nông dân này đến 6 người còn lại. 6 Samurai kia tức giận khi Kikuchiyo mang cho họ áo giáp, vũ khí - những thứ dân làng có được khi giết những samurai khác bị thương, những samurai đào ngũ bỏ chạy khỏi trận chiến.
Kikuchiyo nổi giận, hét lớn vào 6 người còn lại: "Các ông nghĩ gì về những người nông dân? Các ông nghĩ chúng là thần thánh, phật tổ? Chúng là những con quái vật tỏ vẻ đáng thương! Chúng nói: "Chúng tôi không có gạo, chúng tôi không có lúa mì. Chúng tôi không có gì cả!" Nhưng chúng có! Chúng có tất cả mọi thứ! Đào dưới sàn nhà! Hoặc lục soát các chuồng trại! Các ông sẽ tìm thấy rất nhiều! Đậu, muối, gạo, rượu sake! Hãy nhìn trong các thung lũng, Chúng có những nhà kho ẩn! Chúng giả làm thần phật nhưng đầy dối trá! Nếu chúng ngửi thấy một trận chiến, chúng sẽ săn những kẻ bị đánh bại! Họ chẳng là gì ngoài keo kiệt, tham lam, chảnh chọe, gian manh và xấu tính! Mẹ kiếp"
Kikuchiyo uất ức: "Nhưng sau đó ai đã biến chúng thành những con thú như vậy? Là do các ông đã làm! Các ông đốt làng của chúng! Phá hủy trang trại của chúng! Ăn trộm thức ăn của chúng! Bắt chúng lao động! Hãm hiếp phụ nữ của chúng! Và giết chúng nếu chúng kháng cự! Vậy người nông dân phải làm gì?"
- "Chết tiệt ... chết tiệt ... chết tiệt ... chết tiệt ..."
Kikuchiyo tức giận phản bác lại rằng các samurai phải chịu trách nhiệm cho phần lớn những người nông dân đau khổ phải chịu đựng, tiết lộ nguồn gốc của anh ta là con trai của một nông dân mồ côi. Khiến sự tức giận của 6 samurai còn lại chuyển sang xấu hổ về những gì họ đã làm trong quá khứ.
Vậy các bạn nghĩ lẽ phải sẽ thuộc về ai ? Khi tất cả các nhân vật trong phim tự đặt mình vào vai nạn nhân, mà quên đi rằng bản thân họ cũng biến mình thành kẻ xấu ? Trong thời loạn lạc, chỉ vì tư lợi cá nhân mà bất cứ ai tự cho mình cái đặc quyền lấy mạng kẻ khác, liệu có đúng không?
b. Ran (1985)
Một tác phẩm kinh điển khác của Akira Kurosawa. Ông cũng dùng "hiệu ứng Rashomon" để bóc trần sự giả dối của con người chúng ta trong việc tranh dành lợi ích, địa vị, quyền lực và vòng tròn lặp đi lặp lại sự hận thù.
Bối cảnh phim là một thời Chiến quốc giả tưởng, sau khi Ichimonji Hidetori lần lượt đánh chiếm hết 3 thành trì bên địch và trở thành đại lãnh chúa của cả vùng. Một ngày nọ, nhân buổi đi săn, Hidetora bất ngờ thông cáo cho các quan khách rằng mình sẽ nhường ngôi vị lại cho Taro, giao hai thành trì nhỏ cho Jiro và Saburo cai quản (Taro, Jiro và Saburo. Trong tiếng Nhật, những cái tên này có nghĩa là Con trai thứ nhất, Con trai thứ hai và Con trai thứ ba). Còn bản thân ông về nhà con cả để ẩn cư. Ichimonji Hidetori lấy một mũi tên và bẻ gẫy nó, Hidetori lấy 3 mũi tên, bảo với 3 người con rằng: 1 mũi tên thì dễ bẻ nhưng gộp 3 mũi lại thì không thể bẻ được.
Nhưng đứa con út - kẻ nổi loạn nhất trong ánh mắt quan sát thiển cận của chúng ta. Anh ta không đồng tình với quan điểm của cha rằng: "Anh em một nhà phải đoàn kết bảo vệ lẫn nhau". Anh ta dùng chân bẻ gãy ba mũi tên, mắng cha mình là lão già lẩm cẩm, phản bác lại mọi quan điểm của cha, bôi xấu hai người anh của mình chỉ biết nịnh nọt cha. Và cho rằng, nếu người cha từ bỏ quyền lực thì anh em sẽ tương tàn. Ichimonji Hidetori nổi giận, đòi chém chết đứa con út, đuổi thẳng cổ anh ta ra khỏi gia tộc Ichimonji.
Bạn có nghĩ, hành động đó của người con út là bất hiếu ? Chửi thẳng mặt cha mình không thương tiếc và bóc trần một sự thật hiển nhiên: "Cha chết, con cái đứng lên tranh đoạt gia sản và quyền lực"
Bạn có nghĩ, hành động đó của người con út là bất hiếu ? Chửi thẳng mặt cha mình không thương tiếc và bóc trần một sự thật hiển nhiên: "Cha chết, con cái đứng lên tranh đoạt gia sản và quyền lực"
Sau khi Ichimonji Hidetori trao quyền cho con cả. Ông không thể sống yên thân một ngày nào, người con cả bất lực nghe lời vợ xúi giục, đuổi người cha già kính mến ra khỏi kinh thành. Ông tức giận đi đến tìm người con thứ, ở đây người con thứ lo sợ anh cả trách phạt mình. Anh ta đuổi hết đoàn tùy tùng, cùng những gia tướng tận tụy với gia đình Ichimonji ra khỏi thành. Nhằm cắt đứt mọi quyền lực cuối cùng trong tay cha mình. Hidetori tức giận, bước ra khỏi thành, đi đến thành trì thứ 3 để nương tựa. Ông nhận ra sự thật rằng, những lời nói cay đắng của đứa con út không sai một tẹo nào.
Trớ trêu thay, hai đứa con mà ông thương yêu nhất lại đem quân tới đánh úp cha mình, nơi thành trì thứ ba mà ông đang ẩn náu. Hidetori cùng thê thiếp và gia tướng cố thủ trong một tòa lâu đài. Ông chứng kiến quân của hai người con ập vào giết từng người lính của ông, chứng kiến thê thiếp phải tự sát để giữ gìn khí tiết. Chứng kiến người con thứ hai giết chết anh cả để cướp ngôi. Hidetori hoản loạn, phát điên rồi bỏ chạy ra ngoài. Ông ta tưởng mình đang sống trong địa ngục thực sự, nhận ra thế giới này đang đối sử không thương tiếc với mình.
Bạn nghĩ ông ta có đáng bị như vậy hay không ? Bạn sẽ nghĩ rằng ông ta đáng thương thật sự ? Nhưng Akira Kurosawa lại buộc chúng ta nhìn vào một góc nhìn khác. Góc nhìn của người con dâu cả - người đàn bà gây ra mọi biến cố trên. Cô mang trong mình mối thù sâu nặng, khi phải làm con dâu của Hidetori - kẻ đã giết hại cha mẹ mình, người dân của mình, tùy tùng của mình, cướp đi thành trì của mình. Cô nhịn nhục biết bao năm trời, tạo ra một kế hoạch thâm độc khiến ba người con của ông ta phải giết nhau vì quyền lực. Khi chồng mình chết đi (con cả), cô ta ăn nằm với người con thứ, xúi giục người con thứ giết vợ, để cô ta duy trì ngôi vị hoàng hậu. Rồi tiếp tục, xúi người con thứ giết chết em út (đang hợp tác với các gia tộc bên ngoài để giải cứu cha mình).
Bộ phim kết thúc đầy cay đắng, tất cả đều phải chết khi tự gieo gió cho chính mình. Ichimonji Hidetori có lẽ là người đau khổ nhất, khi phải nếm trải tất cả những gì mà ông ta đã gây ra trước kia: giết vô số người vô tội, để dành quyền lực tuyệt đối về tay mình. Ông ta là người tôi thấy đáng thương và cũng đáng hận nhất trong bộ phim này.
Một vài câu hỏi lại đặt ra: Ichimonji Hidetori vì tham vọng xưng bá thống nhất thiên hạ của mình, mà giết chết vô số người. Liệu ông ta có phải là người tốt hay không ?
Vị hoàng hậu đương nhiệm - con dâu cả của Hidetori, có quá ác độc hay không ? Cô ta có nên làm ra như vậy chỉ vì mối thù của gia tộc, thay vì nhịn nhục cả đời để cầu quốc thái dân an ?
Thật khó trả lời.
3. Kết - Suy cho cùng thiện - ác, đúng - sai, người đóng vai "nạn nhân" và người đóng vai "ác" không tồn tại, nếu ta dùng một lăng kính khác để quan sát.
Trong tiếng Hy Lạp cổ, từ "thiện" (agathon) không hề có sắc thái ý nghĩa đạo đức. Chỉ có nghĩa là "có lợi". Mặt khác, từ "ác" (kakon) cũng có nghĩa là "không có lợi". Thế giới này đang lan tràn vô số các hành vi xấu xa như hành động bất chính, phạm tội. Nhưng lại chẳng có một ai muốn làm điều "ác = không có lợi" trong ý nghĩa đơn thuần của nó.
Trích: Dám bị ghét - Kishimi Ichiro và Koga Fumitake
Tôi không biết sẽ đưa ra cái kết cho bài viết này như thế nào, nên tôi chỉ biết dựa vào câu trích dẫn trên để cho mọi người nhìn nhận lại mình: "Bạn đã thành thật với mình hay chưa ? Trong quá khứ bạn đã từng trong sạch, dù chỉ là một việc nhỏ nhặt nhất ? Tại sao bạn lại đòi công lý cho những kẻ đang đóng vai nạn nhân trong câu chuyện của họ ? Khi sự thật đằng sau thì chỉ có người trong cuộc mới rõ. Mà nếu có rõ ràng đi chăng nữa thì bao nhiêu % trong đó là sự thật ? Bao nhiêu % dối trá mà người ta đang che dấu đi vì lợi ích của bản thân ?"
Giờ tôi nghĩ lại mới thấm thía những gì ba mẹ tôi nói:
"Con trách người đàn bà đó là kẻ dâm ô, lăng loàn. Nhưng con có bao giờ con để ý rằng thằng chồng của nó là người vô tâm với vợ mình, thường xuyên đánh đập vợ mình ? Vậy thì nếu người chồng chiều chuộng vợ quá mức, hạ thấp cái tôi của mình để rồi vợ đè đầu cưỡi cổ, để cô ta vượt qua giới hạn đạo đức, nhân tính của mình để đi ăn nằm với người khác ? Mẹ nghĩ cái gì quá cũng không tốt, hai bên phải tâm sự cho nhau nghe bằng những sự thật không thể chối bỏ, để hiểu nhau hơn. Biết đặt ra giới hạn giữa mình với đối phương để bày tỏ sự tôn trọng lẫn nhau. Chứ đừng xem mình là kẻ bị hại trong một câu chuyện mà chính người trong câu chuyện đó không rõ trắng đen"
"Hai thằng đoàn sinh đánh nhau, ba gặp riêng từng thằng nói chuyện. Hai tụi nó đều nghĩ mình là người bị hại, cho đến khi ba đi hỏi mấy đứa khác chứng kiến vụ việc, thì mới biết sự thật ra sao."
"Nếu đã chấp nhận sống trong cái bể khổ này, con buộc mình phải nhìn thấy: Dù vô tình hay cố ý, khi ra đời làm ăn, chúng ta đều làm điều xấu để tư lợi cho mình. Tư lợi là vì ai ? Vì hạnh phúc của cá nhân, vì miếng ăn của gia đình mình. Chẳng lẽ ba phải nhường cho kẻ yếu hơn ba, nghèo khổ hơn ba, đang dùng mọi cách để cạnh tranh trên thương trường với ba? Ba có nên chia đều đồng lương cho tất cả những người thợ để cho họ có được sự công bằng ? Không con ạ, kẻ tài giỏi, khỏe mạnh, kẻ biết ăn nói, kẻ biết chú tâm vào giá trị của bản thân. Thì kẻ đó xứng đáng hưởng thụ những gì mà họ bỏ ra. Đừng than vãn cuộc đời bất công xấu xa với mình. Hãy xem mình là người có lỗi trước."
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất