Descartes - cha đỡ đầu của tri thức khoa học nhân loại đầu thế kỷ 17
René Descartes sinh ngày 31 tháng 3 năm 1596 tại La Haye, Touraine, Pháp. Mảnh đất sau này đã được đổi tên thành Descartes nhằm vinh danh những cống hiến của ông cho nhân loại.
Có những người coi tiền bạc là niềm vui của cuộc sống, một vài kẻ cho rằng tình yêu mới là thứ khiến ta hạnh phúc, số khác lại nghĩ, chỉ đơn giản được sống đã là niềm vui. Tuy nhiên, khác với phần lớn số đông đó, suốt đời mình, René Descartes lại nhận định rằng “niềm vui cuộc sống lớn nhất chính là niềm vui tư tưởng trong những tìm tòi chân lý". Phải chăng chính nhận định này đã giúp ông sớm tiếp cận tri thức và trở thành nhà triết học, toán học, khoa học vô cùng hiểu biết. Người được coi là cha đỡ đầu của tri thức khoa học nhân loại đầu thế kỷ 17.
René Descartes là ai?
René Descartes sinh ngày 31 tháng 3 năm 1596 tại La Haye, Touraine, Pháp. Mảnh đất sau này đã được đổi tên thành Descartes nhằm vinh danh những cống hiến của ông cho nhân loại. Xuất thân trong một gia đình quý tộc nhỏ có truyền thống khoa bảng, Descartes có cha là một cố vấn thuộc quốc hội Rennes danh giá. Một năm sau khi sinh ông, mẹ của Descartes mất cùng người em chưa chào đời của ông. Dù mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ, song Descartes vẫn giành được sự quan tâm, chăm sóc của bố và bà ngoại. không chỉ vậy, do thể chất yếu nên Descartes có cả một cô y tá riêng để theo dõi sức khỏe bản thân. Ngày thơ bé, Descartes là một cậu bé hiếu kì luôn đặt những câu hỏi về bất kì điều gì trong cuộc sống nên cha của ông đã đặt cho Descartes biệt danh là “triết gia nhỏ". Với niềm đam mê khám phá, ông được gửi học tại trường của Dòng Tên ở La Flèche, Anjou. Tại đây, bên cạnh những môn học cổ điển như ngôn từ, văn học và triết học, Descartes còn học toán của các thầy theo trường phái Kinh viện, một học phái chủ trương dùng lý luận của loài người để hiểu lý thuyết Kitô giáo.
Năm 18 tuổi, Descartes bắt đầu học ngành y và luật tại Đại học Poitiers và tốt nghiệp năm 1616. Tuy nhiên, nhận thấy luật không phải là niềm yêu thích thực sự của mình nên Descartes không theo con đường hành luật. Năm 1618, với tham vọng trở thành quân nhân, Descartes gia nhập quân đội ở Hà Lan dưới sự chỉ huy của hoàng tử Maurice de Nassau. Những năm tiếp theo, Descartes phục vụ ở các quân đội khác nhau để tăng kiến thức về kỹ thuật quân sự. Tại đây, ông quen và làm việc với Isaac Beeckman, một triết gia có ảnh hưởng sâu sắc đến ông. Hai người cùng nghiên cứu và phát triển một số phương pháp liên quan đến toán học và vật lý.
Ông hành hương sang đất Ý từ năm 1623 đến 1624, sau đó từ 1624 đến 1628, ông ở Pháp. Trong thời gian ở quê nhà, ông cùng những người bạn của mình là Marin Mersenne, Claude Mydorge cùng Girard Desargues chuyên tâm nghiên cứu triết học và làm các thí nghiệm về quang học. Ngôi nhà của Descartes ở Paris lúc bấy giờ được coi là nơi gặp gỡ của các nhà triết học và toán học.
Năm 1628, mệt mỏi với sự nhộn nhịp của Paris và ngôi nhà đầy người, Descartes quyết định định cư nơi ông có thể làm việc trong cô độc. Ông đã suy nghĩ rất nhiều về việc lựa chọn một đất nước phù hợp với bản thân và câu trả lời phù hợp nhất có lẽ chính là Hà Lan. Vì vậy mà hầu hết trong quãng đời còn lại của mình, Descartes sống ở nhiều thành phố khác nhau của Hà Lan, như Amsterdam, Deventer, Utrecht, và Leiden.
Trong thời gian cư trú tại đất nước tự do và đáng sống nhất Châu Âu, Descartes bắt tay vào viết các tác phẩm của riêng mình. Ông ông thực hiện chuyên luận lớn đầu tiên về vật lý có tên là Traité de la Lumière (1629- 1633). Tác phẩm tiếp theo là Essais philosophiques (Các tiểu luận triết học), xuất bản năm 1637, gồm bốn phần: tiểu luận về hình học, quang học, sao băng, và Phương pháp luận. Sau đó, các tác phẩm khác ra đời, có thể kể đến như Meditationes de Prima Philosophia (Suy ngẫm về Triết học Tiên khởi, 1641-1642) và Principia Philosophiae (Các nguyên lý triết học, năm 1644);...
Năm 1649 Nữ hoàng Christina Thụy Điển mời Descartes đến giảng dạy cho bà về triết học tại triều đình ở Stockholm. Cái lạnh khắc nghiệt của xứ Bắc Âu đã làm ông mắc bệnh viêm phổi và qua đời vào năm 1650. Nữ Hoàng Christine muốn chôn ông trong nghĩa trang của các gia đình quý tộc bậc nhất nước Thụy Điển nhưng Bélin, một cận thần, đã vì lòng cuồng tín mà gièm pha với nhà Vua và đề nghị chôn Descartes tại nghĩa địa dành cho các người ngoại quốc, các trẻ mồ côi và nhất là dành cho các người không theo đạo của xứ Thụy Điển.
Trong suốt đời mình, Descartes chưa từng kết hôn với bất kỳ người phụ nữ nào, song, theo một số tài liệu cho biết, ông có một cô con gái tên là Francine, sinh ra ở Hà Lan vào năm 1635. Ông đã lên kế hoạch giáo dục con gái mình ở Pháp, nhưng cô bé lại chết vì sốt khi mới lên 5 năm. Trái ngược với hào quang là một nhà triết học, toán học, khoa học vô cùng nổi tiếng, Descartes lại luôn phải sống trong cô đơn khi không có gia đình và những người thân yêu bên cạnh.
Tư tưởng của Descartes
René Descartes là một nhà toán học và triết học người Pháp nổi tiếng trong thế kỷ 17. Những đóng góp to lớn của ông trong lĩnh vực toán học và triết học, khoa học,...đã giúp thúc đẩy tri thức phương Tây tiến lên trong cuộc cách mạng khoa học. Một số tư tưởng, phương pháp tiêu biểu của Descartes có thể kể đến như:
Tư tưởng Triết học
Descartes được coi là nhà tư tưởng đầu tiên của hiện đại. Ông muốn áp dụng phương pháp quy nạp hợp lý của khoa học, nhất là của toán học vào triết học. Trước đó, triết học bị chi phối bởi phương pháp của phái Kinh viện, hoàn toàn dựa theo sự so sánh và đối chiếu với quan điểm của nhà cầm quyền. Bác bỏ phương pháp này, Descartes cho rằng "Trong khi tìm kiếm con đường thẳng đi đến chân lý, chúng ta không cần phải quan tâm tới những gì mà chúng ta không thể thấu đáo một cách chắc chắn như việc chứng minh bằng đại số và hình học". Qua đó ông chỉ ra rằng "không điều gì được xem là đúng cho đến khi nền tảng để tin rằng nó đúng được thiết lập". Sự chắc chắn duy nhất làm điểm xuất phát cho các nghiên cứu của ông được ông bày tỏ bằng câu nói nổi tiếng "Cogito, ergo sum" nghĩa là "Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại". Từ tiền đề cho rằng ý thức rõ ràng về tư duy của ông chứng minh rằng ông tồn tại, Descartes kết luận là Chúa tồn tại. Chúa, theo triết học Descartes, đã tạo ra hai loại chất để tạo nên toàn bộ vạn vật. Loại thứ nhất là chất suy nghĩ, tức tinh thần, loại thứ hai là các chất mở rộng, tức thân thể.
Descartes là người sáng lập ra chủ nghĩa duy lý. Chủ nghĩa duy lý của Descartes ở mức độ khá lớn có liên hệ với chủ nghĩa duy tâm, vì ông cho rằng lý chí của con người có những “tư tưởng bẩm sinh” độc lập với kinh nghiệm. Ông đã thừa nhận một cách sai lầm rằng, những nguyên tắc cơ bản của logic học và toán học là những cái “bẩm sinh", không phụ thuộc vào kinh nghiệm.
Phương pháp luận tư duy
Phương pháp luận của Descartes đề cao tri thức xác thực và dựa vào toán học “phổ quát” để nêu ra những quy tắc quan trọng nhất của tư duy. Trong phần 2 của Bàn về phương pháp hướng dẫn lý trí của mình một cách đúng đắn và tìm kiếm chân lý trong khoa học Descartes nêu ra 4 quy tắc cơ bản của nghiên cứu khoa học, còn gọi là các quy tắc vàng.
Quy tắc thứ nhất - tính rõ ràng và phân minh của đối tượng
Descartes nhấn mạnh: “không bao giờ thừa nhận cái mà ta cho là không phân minh rõ ràng là cái chân lý, nghĩa là phải tránh sự vội vàng và hấp tấp, chỉ xem là đối tượng nghiên cứu những gì rõ ràng và phân minh đối với trí tuệ của tôi, làm sao để không còn bất kỳ hoài nghi nào”.
Quy tắc thứ hai
Phân tích đối tượng ra các yếu tố để làm rõ những nan giải cần vượt qua, những nhiệm vụ cần giải quyết, mục tiêu cần đạt tới;
Quy tắc thứ ba - tính trình tự của tư duy
Theo Descartes, cần phải bắt đầu việc nghiên cứu từ những sự vật đơn giản nhất, dễ nhận biết nhất, dần dần đi đến nghiên cứu những sự vật và hiện tượng phức tạp hơn. Descartes bổ sung thêm, toàn bộ phương pháp là ở trình tự và vị trí các sự vật mà lý trí cần hướng đến để tìm ra một chân lý nào đó. “Chúng ta kiên trì sử dụng nó, nếu dần dần đưa được những cái rối rắm và mơ hồ về những cái đơn giản, rồi sau đó, xuất phát từ sự lý giải những cái đơn giản nhất, cố gắng đi tới sự nhận thức những cái khác”
Quy tắc thứ tư
Lập bảng liệt kê đầy đủ, đánh giá tổng quan các sự kiện, các phát minh, giả thiết, hệ thống, để chắc chắn rằng không có điều gì chúng ta bỏ qua.
Tư tưởng về sự nghi ngờ
Descartes tìm cách tiếp cận sự thật tuyệt đối của thế giới và mọi thứ thông qua phương pháp dựa trên sự nghi ngờ. Theo Descartes, nếu sự chắc chắn về kiến thức không tuyệt đối thì sự nghi ngờ xuất hiện và kiến thức này trở thành sai, bởi chỉ có kiến thức thực sự là không có bất kỳ nghi ngờ nào.
Sự nghi ngờ của Descartes có tính phương pháp luận. Nó sử dụng sự nghi ngờ như một con đường dẫn đến kiến thức nhất định bằng cách xác định những gì không thể nghi ngờ. Việc giác quan có thể sai lầm khi tiếp nhận dữ liệu là một chủ đề trong sự nghi ngờ của Descartes.
Descartes chỉ ra rằng có ba yếu tố chính có khả năng tạo ra nghi ngờ. Yếu tố đầu tiên là các giác quan. Descartes lập luận rằng tất cả giác quan của ông đều nói dối, và bởi lẽ giác quan của bạn có thể dễ dàng lừa phỉnh bạn nên Descartes nảy ra ý tưởng rằng sự tồn tại của một đấng quyền năng vô hạn phải là sự thật - cũng có khả năng là chính đấng quyền năng đã cấy cho Descartes ý tưởng này khi ngài không có lý do gì để lừa dối.
Yếu tố thứ hai là giấc mơ. Descartes biết rằng giấc mơ của con người mặc dù có thể khó tin nhưng thường trông giống như thật, vì vậy ông đưa ra giả thuyết rằng con người chỉ có thể tin rằng họ đang thức. Không có đủ căn cứ để phân biệt trải nghiệm giấc mơ với trải nghiệm thức giấc. Descartes thừa nhận rằng chúng ta đang sống trong một thế giới mà có thể tạo ra ý tưởng giống như giấc mơ. Tuy nhiên, ông cũng kết luận rằng chí ít chúng ta vẫn có thể phân biệt giấc mơ với thực tế bằng cách hồi tưởng.
Theo Descartes, yếu tố cuối cùng cho sự nghi ngờ, đó là tồn tại của một ác quỷ thiên tài (evil genius). Ông lý luận rằng trải nghiệm của chính chúng ta rất có thể đang bị một con evil genius điều khiển. Con evil genius này không chỉ láu cá, lừa lọc mà còn có uy quyền nữa. Nó có thể tạo ra một thế giới với vẻ bề ngoài khiến chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang sống ở đó. Kết quả của sự nghi ngờ này cho thấy rằng Descartes không thể tin tưởng ngay cả những tri giác đơn giản nhất của mình.
Bên cạnh những tư tưởng tiêu biểu trên, Descartes còn có những tư tưởng giá trị tiến bộ khác về các lĩnh toán học, vật lý, thiền định,... đều được ông thể hiện ở những tác phẩm của mình.
Sách của Descartes
Trong suốt cuộc đời tìm tòi và nghiên cứu, Descartes đã cho ra đời nhiều tác phẩm, lưu lại những kiến thức tuyệt vời cho nhân loại,. Tiêu biểu có thể kể đến:
Năm 1633, Descartes viết cuốn "Khảo Sát về Hệ Thống Thế Giới" (Traité du Système du Monde) nhưng ông đã bỏ đi khi được tin nhà đại bác học Galilê bị kết án vì phổ biến các tư tưởng mới lạ về Thái Dương Hệ.
Năm 1637, Descartes cho xuất bản "Phương Pháp Luận" (Discours de la Méthode), viết bằng tiếng Pháp có phụ thêm phần khảo sát về Hình Học và Quang Học. Nhờ cuốn sách này, mọi người có được một ý niệm về phương pháp kiểm chứng các điều suy luận. Tuy nhiên theo Descartes, cuốn sách này dùng để thăm dò dư luận. Ngoài ra, ông tìm cách thay thế các ký hiệu toán học phiền phức cũ bằng các ký hiệu mới đơn giản hơn. Các định luật về sự khúc xạ ánh sáng và những khám phá về môn hình học cũng được ông khai thác.
Cuốn "Suy Tưởng về các Vấn Đề Siêu Hình" (Meditations de Prima Philosophiae) của Descartes được xuất bản bằng tiếng La Tinh vào năm 1641 và năm sau, được Hầu Tước De Luynes dịch sang tiếng Pháp. Lý thuyết mới về Triết Học này của Descartes đã làm cho phái theo học thuyết Aristotle đứng lên phản kháng. Các cha Dòng Tên, những vị thầy cũ của Descartes, đã viết báo để bác bỏ thứ tư tưởng quá mới lạ này.
Năm 1644, Descartes lại cho xuất bản cuốn "Nguyên Lý Triết Học" (Principia Philosophiae) viết bằng tiếng La Tinh là ngôn ngữ khoa học đương thời. Cuốn sách này chia làm 4 phần : phần thứ nhất đề cập tới các vấn đề Siêu Hình, trình bày các nguyên tắc về sự hiểu biết của con người. Sang phần sau, Descartes đã dùng không gian, thời gian, trạng thái động và tĩnh để cắt nghĩa về thành phần cấu tạo của sự vật. Phần thứ ba và thứ tư dành cho lý thuyết về Vũ Trụ.
Tác phẩm cuối cùng được xuất bản lúc sinh thời của Descartes là cuốn "Xúc Cảm của Linh Hồn" (Les Passions de l' Âme) viết về ý chí và thiền định.
Những câu nói hay của Descartes
Bên cạnh những tác phẩm lưu lại kiến thức quý báu cho nhân loại, người ta còn biết đến Descartes với những câu châm ngôn đầy giá trị. Tiêu biểu như:
Tôi nghĩ, do đó tôi tồn tại.
Trừ tư tưởng của ta, chẳng có gì tuyệt đối nằm trong tay ta.
Một cái gì phức tạp cũng có thể được chia thành các phần đơn giản.
Nợ là nguồn gốc của trí tuệ.
Người lạc quan có thể thấy ánh sáng ở nơi tăm tối, nhưng tại sao kẻ bi quan cứ phải chạy tới thổi tắt nó?
Cứ tiến lên. Cứ tiến lên. Tôi đã mắc mọi sai lầm có thể phạm phải. Nhưng tôi vẫn tiến lên.
Khôn ngoan thì không bao giờ nên tin tưởng hoàn toàn những ai đã gạt ta dù chỉ một lần.
Bất cứ khi nào có ai định xúc phạm tôi, tôi cố gắng nâng tâm hồn mình lên tầm cao mà sự xúc phạm không thể với tới được.
Có trí óc tốt vẫn chưa đủ, quan trọng là biết sử dụng nó.
Nếu bạn muốn trở thành người theo đuổi sự thật, bạn cần phải ít nhất một lần trong đời hoài nghi mọi thứ bằng hết sức của mình.
Có thể thấy, trong suốt cuộc đời mình, René Descartes đã cống hiến hết mình vì tri thức của nhân loại. Những tác phẩm và tư tưởng của ông về triết học, toán học, khoa học và vật lý,... đã giúp cho những nhà khoa học đời sau có thể áp dụng và phát triển, từ đó hình thành lên những kiến thức tuyệt vời cho loài người. Đúng như mục đích của Descartes khi ông nói rằng: “niềm vui cuộc sống lớn nhất chính là niềm vui tư tưởng trong những tìm tòi chân lý”, vì vậy, ông đã sống, đã hạnh phúc và cống hiến hết mình.
Nguồn:
Đọc thêm:
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất