Aristotle - một trong "kiềng ba chân" đặt nền móng cho nền triết học phương Tây
Thầy giáo của Alexander Đại đế, học trò tiêu biểu của Platon, nhân vật có các tác phẩm nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực ... không ai khác chính là nhà triết gia, khoa học nổi tiếng Aristotle.
Được biết đến là thầy giáo của Alexander Đại đế, là học trò tiêu biểu của Platon, là nhân vật đóng góp lớn vào nền triết học Hy Lạp cổ và có vô vàn các tác phẩm nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực như vật lý, triết học, sinh học, sân khấu, thơ ca hay chính trị,...người được nhắc đến đó không ai khác chính là nhà triết gia, khoa học nổi tiếng Aristotle - một trong ba trụ cột của nền văn minh Hy Lạp cùng với Plato và Socrates, họ cũng đồng thời là những người đã đặt nền móng cho nền triết học phương Tây nở rộ.
Tiểu sử Aristotle
Vào khoảng năm 384 TCN tại thị trấn nhỏ Stagira nằm ở phía Bắc bờ biển Hy Lạp, gia đình Nicomachus đã đón chào một thiên thần nhỏ, đặt tên là Aristotle với hàm ý là “mục đích tốt nhất". Sau này, với đúng hàm nghĩa đó, Aristotle đã đem lại những tác phẩm và tư tưởng tốt nhất của mình cống hiến cho nền triết học Hy Lạp.
Thời thơ ấu của Aristotle gắn liền với triều đại Macedonia bởi cha ông là bác sĩ riêng đồng thời cũng là bạn thân của vị quốc vương Amyntas III. Nhờ theo cha vào cung điện từ nhỏ, ông được truyền cảm hứng y khoa và có cơ hội kết nhiều bạn mới trong đó có con trai của Sa hoàng là Philip.
Êm đềm không được bao lâu, bố và mẹ qua đời khi Aristotle lên mười, khiến ông trở thành trẻ mồ côi và được nuôi dưỡng bởi người chú họ Proxenus. Nhờ số tiền để lại của cha mẹ và sự giúp đỡ, khích lệ của chú, Aristotle đã mua rất nhiều sách để thoả mãn trí tò mò và niềm yêu thích học hỏi của bản thân. Năm 17 tuổi, chú họ Proxenus gửi ông đến Athens để theo đuổi sự nghiệp học hành. Tại đây, Aristotle theo học trong Học viện của Plato và trở thành một trong những học trò xuất sắc nhất của ông.
Dù được Plato đánh giá cao, song Aristotle và người thầy của mình lại có nhiều ý kiến và quan điểm trái chiều. Cũng chính bởi lẽ ấy, khi Plato qua đời, ông đã trao quyền đứng đầu cho cháu trai là Speusippus. Bất mãn trước quyết định của Plato, Aristotle rời Học viện sau gần 2 thập kỷ gắn bó.
Ngay sau khi rời khỏi Athens, ông được bạn của mình mời đến Mysia - nơi ông gặp và kết hôn với người vợ đầu Pythias – cháu gái của bạo chúa Hermias. Hai người có với nhau một cô con gái được đặt theo tên của mẹ.
Năm 338 TCN, Aristotle quay trở về quê nhà và tới Macedonia để bắt đầu dạy cho con trai của Vua Philip II lúc đó 13 tuổi và sau này trở thành Alexander Đại Đế. Ở Macedonia, Aristotle được cha con Philip II tôn trọng và chào đón nhiệt tình. Năm 335 TCN, sau khi Alexander kế vị ngôi vua và xâm chiếm thành Athens, Aristotle có dịp quay lại chốn cũ. Tại đây, ông thành lập Lyceum - trường học của riêng mình. Ở Lyceum, Aristotle tập trung giảng dạy và nghiên cứu nhiều lĩnh vực như: Triết học, sinh học, y khoa, nghệ thuật… Đây có thể được coi là giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đời Aristotle vì phần lớn các tác phẩm, nghiên cứu ông viết trong thời kỳ này đều là những tài liệu quyết định tới sự phát triển của khoa học thế giới sau này.
Cùng năm thành lập trường Lyceum cũng là năm Aristotle mất đi người vợ của mình. Sau này, ông có thêm một cuộc tình lãng mạn với người phụ nữ tên là Herpyllis - người mà nhiều sử gia cho là nô lệ của Aristotle, được cung điện Macedonia ban cho. Herpyllis sinh cho Aristotle những người con, trong đó có một người tên là Nicomachus – được đặt theo tên của cha ông. Người ta cho rằng Aristotle đã đặt tên tác phẩm triết học nổi tiếng của mình là Nicomachean Ethics theo tên người con trai này.
Năm 323 TCN, Alexander Đại Đế qua đời, chính quyền Macedonia bị lật đổ kéo theo đó là làn sóng chống lại chính quyền này nổi lên, Aristotle bị buộc tội vì có quan hệ với Alexander Đại Đế. Để tránh bị hành quyết, ông đã rời Athens và chạy trốn tới Chalcis – nơi ông qua đời một năm sau đó vì căn bệnh dạ dày.
Tư tưởng của Aristotle
Trong suốt cuộc đời của mình, Aristotle đã để lại cho nhân loại nhiều tác phẩm và tư tưởng quan trọng ở nhiều lĩnh vực như: triết học, khoa học, sinh học, vật lý, nghệ thuật…. ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của các ngành khoa học thế giới sau này. Nhắc đến tư tưởng của Aristotle, ta có thể nhắc đến những tư tưởng tiêu biểu sau:
Quan điểm về chính trị
Aristotle tôn trọng ý kiến của Platon là con người không thể không có quốc gia và mục đích căn bản của chính khách là xây dựng một quốc gia "tốt nhất" - chứ không phải một quốc gia "lý tưởng".
Aristotle chú trọng vào sự cải tổ quốc gia thay vì xây dựng một quốc gia mới hoàn toàn. Ông cho rằng quốc gia cung cấp cho con người nhiều ích lợi về mặt vật chất nhưng quan trọng hơn hết, là về mặt luân lý, đạo đức. Nhà triết học này tin là nhân loại lúc nào cũng cố gắng tìm kiếm những gì tốt đẹp cho nên tổ chức quốc gia có khả năng giúp cho nhân loại tiến bộ.
Aristotle rất chú trọng vào vai trò của Hiến pháp và chính thể pháp trị. Ông coi hiến pháp là bộ luật căn bản quy định sự phân quyền và tưởng thưởng trong một quốc gia. Sự thành công của một quốc gia phụ thuộc vào khả năng phân chia quyền lợi đồng đều trong xã hội. Ông tâm niệm rằng quốc gia sẽ đạt được công lý nếu sự tưởng thưởng được chia sẻ và quyền lực chính trị được sử dụng trên những đóng góp cho ích lợi của xã hội.
Aristotle cho rằng xã hội dân chủ thực dụng và tốt nhất bao gồm đa số nhân dân lo cày cấy và cho phép các chính khách có khả năng quản trị quốc sự. Nhà triết học này tin rằng quyền lực chính trị tối thượng nằm trong tay của công dân và họ chỉ sử dụng để thay đổi những chính khách vô tài hay phạm lỗi. Chính thể dân chủ do Aristotle đề xuất là chính thể dân chủ đại diện mà công dân giao trọng trách quản trị quốc gia cho các vị đại diện có khả năng.
Khi bàn về vấn đề nô lệ, Aristotle nhìn nhận theo góc nhìn của dân Athens vào thời đó. Ông quan niệm rằng sự khác biệt về khả năng và tài đức khiến con người bị phân chia thành chủ nhân và nô lệ. Mặc dù công nhận sự thực một số nô lệ có khả năng và tài đức hơn chủ nhân mà vẫn phải sống đời sống nô lệ là không đúng nhưng Aristotle vẫn tin một số người sinh ra làm chủ nhân và một số người khác phải làm nô lệ. Aristotle chỉ khuyên là chủ nhân nên đối xử với nô lệ một cách nhân từ.
Quan điểm về đạo đức
Để bao quát tổng thể các đức tính của con người, Aristotle đã đưa ra thuật ngữ “đạo đức". Bắt đầu từ “ethos” ( đặc tính Hy Lạp cổ đại), Aristotle đã hình thành tính từ “đạo đức" để chỉ một loại phẩm chất đặc biệt của con người. Phẩm chất đạo đức hay phẩm chất tinh thần là những tính chất thuộc tính cách, khí chất của con người.
Aristotle đồng hóa cách ứng xử có lý trí với đức hạnh. Ông định nghĩa đức hạnh như thói quen tiết độ hay nói cách khác, đức hạnh là thói quen tránh xa các hình thức ứng xử thái quá. Cực đoan thì luôn sai trái, trong khi đức hạnh là thái độ trung hoà giữa hai thái cực.
Người đức độ là người thực hiện các hành vi đức hạnh trong cuộc sống hàng ngày, không chỉ một vài tính huống mà thể hiện liên tục và thường xuyên như một thói quen trong đời, đức độ trở thành một nếp sống, một tính cách của con người. Ngược lại, tính cách “trái đạo đức” là hậu quả của sự vi phạm liên tục và thường xuyên các cung cách ứng xử sai trái.
Đức hạnh bao gồm nhiều đức tính khác nhau, mỗi đức tính đại diện cho thái độ trung hoà giữa hai thái cực thừa và thiếu, Aristotle đã liệt kê các đức tính quan trọng đó bao gồm: hiền lành, dũng cảm, chừng mực, độ lượng, nhân phẩm, tham vọng, công bằng, trung thực, lịch sự, thân thiện, khôn ngoan, phẫn nộ.
Theo Aristotle, con người được sinh ra, không chỉ sống, để tồn tại, mà để sống một cuộc đời tốt đẹp, tuân thủ những nguyên tắc do lý trí của chính mình tạo ra. Hành vi cá nhân cần được kiểm soát bởi các nguyên tắc đạo đức, sự tiết độ và né tránh mọi hình thức thái quá hay bất cập. Điều này đòi hỏi con người phải xác định hành vi đúng đắn cho từng tình huống cụ thể để hành động đúng cách và phục vụ cho mục đích đúng đắn.
Cuối cùng, Aristotle khẳng định, con người theo đuổi rất nhiều mục tiêu trong đời, nhưng mục đích tối hậu mà họ mưu cầu suốt một đời chính là hạnh phúc. Tất cả mục tiêu khác chỉ là phương tiện để đạt đến hạnh phúc.
Quan điểm về con người
Đối với Aristotle, con người là một thực thể xã hội hoặc chính trị, có năng khiếu diễn thuyết và có khả năng hiểu các khái niệm như thiện và ác, công bằng và bất công, tức là có phẩm chất đạo đức.
Trong cuốn "Đạo đức học Nicomachean", Aristotle lưu ý rằng "con người về bản chất là một thực thể xã hội", và trong "Chính trị" là một thực thể chính trị. Ông đưa ra quan điểm rằng một người được sinh ra là một chính trị gia và mang trong mình khát vọng sống bản năng. Sự bất bình đẳng cố hữu về khả năng là lý do dẫn đến sự hợp nhất mọi người thành các nhóm, do đó có sự khác biệt về chức năng và vị trí của mọi người trong xã hội.
Có hai nguyên tắc trong con người là sinh học và xã hội. Ngay từ khi được sinh ra, một người không bị bỏ lại một mình với chính mình; họ tham gia vào tất cả các thành tựu của quá khứ và hiện tại, trong suy nghĩ và cảm xúc của toàn nhân loại. Cuộc sống của con người gắn liền với sự phát triển xã hội
Quan điểm về linh hồn
Theo Aristotle, linh hồn là sự hiện thực hóa khả năng sống tự nhiên của cơ thể (entelechy). Nó tồn tại ở trong con người, động vật và thực vật. Tuy nhiên, chúng cũng có sự khác nhau. Theo đó, linh hồn thực vật và động vật không thể tồn tại mà không có vật chất bên ngoài nó. Nếu linh hồn thực vật được phân biệt bởi khả năng kiếm ăn nên cây có thể phát triển thì linh hồn động vật cũng có khả năng này, khả năng cảm nhận và cảm nhận. Sự cảm nhận này phát triển ở mức độ cao hơn. Ngoài ra, ở con người, linh hồn tồn tại giúp họ có thể suy luận và phản ánh.
Aristotle cho rằng con người có ba loại hồn là: dưỡng hồn, giác hồn và trí hồn. Ba loại hồn này là cần thiết để con người có thể thực hiện các hoạt động trong cuộc sống. Ông lập luận rằng sự hiện diện của những linh hồn này trong con người có liên quan đến vật chất và trạng thái của chúng phụ thuộc trực tiếp vào cơ thể. Tuy nhiên, các hình thức này có hệ thống phân cấp riêng. Linh hồn hợp lý chi phối tất cả chúng. Nó cũng là entelechy, nhưng không phải là cơ thể, vì nó thuộc về cõi vĩnh hằng. Ông gọi nó là siêu hình học.
Quan điểm về vũ trụ
Cũng giống với Eudoxus, Aristotle tin rằng Trái đất hình cầu và là trung tâm của vũ trụ. Aristotle đã thấy bằng chứng về hình cầu của Trái đất trong bản chất của nguyệt thực, trong đó bóng do trái đất tạo ra trên mặt trăng có hình dạng tròn ở các cạnh. Ngoài ra, Aristotle cũng là người đầu tiên chứng minh hình cầu của mặt trăng trên cơ sở nghiên cứu các pha của nó. Tác phẩm "Khí tượng học" của ông là một trong những tác phẩm đầu tiên về địa lý vật lý.
Theo Aristotle, vũ trụ được cấu thành bởi 4 yếu tố cơ bản là: đất, nước, không khí và lửa. Mỗi nguyên tố đều có vị trí tự nhiên trong vũ trụ. Vị trí tự nhiên của đất là địa cầu, trung tâm bất động của vũ trụ. Vị trí tự nhiên của nước là phần khối cầu bao bọc ngoài địa cầu. Vị trí tự nhiên của không khí và lửa là hai phần khối cầu bọc ngoài. Mặt cầu ngoài cùng là giới hạn vị trí của lửa, có gắn các sao bất động, đó là giới hạn của vũ trụ. Mỗi nguyên tố khi bị cưỡng bức rời khỏi vị trí tự nhiên đều có xu hướng trở về vị trí tự nhiên cũ.
Thế giới từ Mặt trăng trở lên là của trời, là thế giới linh thiêng. Chuyển động tự nhiên của các thiên thể ở đây là chuyển động tròn, vì đường tròn là hoàn thiện nhất. Thế giới dưới Mặt trăng là thế giới trần tục nên chuyển động là đường thẳng, một đường không hoàn thiện. Tất cả các thiên thể đều có dạng hình cầu ( một hình dạng hoàn thiện). Vũ trụ đã tồn tại và sẽ tồn tại mãi, vĩnh hằng, bất biến. Theo ông thì không có chân không và vật nặng rơi tự do nhanh hơn vật nhẹ.
Bên cạnh những quan điểm tiêu biểu trên, Aristotle còn có những tư tưởng quan điểm về: Nhà nước, khoa học, giáo dục,....
Đóng góp của Aristotle
Những tư tưởng, quan điểm và tác phẩm của Aristotle đóng góp cho triết học ở giai đoạn đầu không được đánh giá quá cao. Sau khi ông mất, thậm chí các tài liệu và tư tưởng này bị thất lạc và không được lưu truyền. Tuy nhiên, vào những thế kỷ sau, chúng bắt đầu quay lại và trở lên phổ biến. Đến thời điểm hiện tại, những quan điểm, tư tưởng và tác phẩm của Aristotle đã đóng góp một phần quan trọng cho sự hình thành nền văn minh Hy Lạp và triết học Phương Tây. Với các quan điểm về triết học của Aristotle tiêu biểu về logic mang tính hệ thống đã giúp cho các nhà triết học sau này phát triển các học thuyết của họ và xây dựng lên hệ thống lý luận chung nhất cho Triết học.
Một số nghiên cứu về linh hồn con người, vũ trụ, sinh học, y khoa và nghệ thuật thông qua các tác phẩm: On the Heaven, On the Soul, Categories, On Interpretation, Prior Analytics và Posterior Analytics, Meteorology,...trở thành nền tảng của nhiều lĩnh vực trong nhiều thế kỷ. Chỉ nói riêng về những ảnh hưởng tới triết học, các tác phẩm của Aristotle đã ảnh hưởng tới các tư tưởng từ thời kỳ cuối cổ đại tới thời kỳ Phục Hưng.
Có thể nói, ảnh hưởng của các ý tưởng, học thuyết và triết học của Aristotle đã tỏa rộng, thâm nhập vào ngôn ngữ khoa học và triết học của nhân loại, giúp ích vào công cuộc tìm hiểu kiến thức của loài người.
Sách của Aristotle
Các tác phẩm của Aristotle được chia làm ba loại: các bài viết phổ thông, các sách ghi chép và các sách luận đề.
Các bài viết phổ thông của ông bao gồm các tập đối thoại theo mẫu của Plato và được viết khi Aristotle theo học tại trường Học viện Plato. Đa phần các tài liệu này hầu như đã bị thất lạc và một số thì được lưu truyền ngoài trường học.
Các sách ghi chép là tập hợp nhiều tài liệu khảo cứu và các sử liệu. Những sách này do Aristotle và các môn đệ của mình thực hiện với chủ đích dùng làm nguồn tư liệu cho các học giả. Giống như các bài viết phổ thông, hầu hết loại sách ghi chép đều bị thất tán. Còn lại cho tới ngày nay là các sách luận đề, được viết ra dùng làm sách giáo khoa hay lời giảng tại trường Lyceum, liên quan tới nhiều ngành. Không giống như các bài viết phổ thông, các sách luận đề chỉ được dùng cho học viên trong trường, vì vậy được gọi là các công trình phổ biến nội bộ. Danh tiếng của Aristotle được căn cứ vào các công trình này và đây là các tác phẩm mà các nhà biên tập đời sau đã thu thập và biên tập lại.
Công trình khảo cứu của Aristotle về Luận Lý (Logic) được xếp chung vào bộ tác phẩm gọi tên là Organon bao gồm các tác phẩm The Categories, The Prior and Posterior Analytics , The Topicsvà On Interpretation.
Ngoài ra, Aristotle viết Tam Đoạn Luận (Syllogism) - cuốn sách giữ vai trò quan trọng trong nền Triết Học sau này do tạo nên các hệ thống lý luận phức tạp. Trong phép luận lý, Aristotle đã phân biệt biện chứng và phân tích. Cuốn sách được cho là phản biện lại lập trường của Plato, khi cho rằng chỉ mỗi biện chứng là phương pháp duy nhất thích hợp với khoa học và triết học.
Về lĩnh vực vật lý, ông cũng có tác phẩm Physic nhằm nghiên cứu bản chất của thiên nhiên và khảo sát sự thay đổi ở các sự vật. Ngoài ra, Aristotle cũng nghiên cứu chuyển động của các thiên thể qua tác phẩm On the Heavens (Về Bầu Trời) và tìm hiểu các thay đổi khi một vật được tạo ra hay bị hủy diệt.
Qua tác phẩm Nichomachus Ethics dành tặng con trai của mình, Aristotle đã định nghĩa và làm rõ về khái niệm đạo đức khi phân tích cá tính và trí thông minh, những tính chất liên quan đến hạnh phúc. Ông cho rằng một cuộc đời hạnh phúc của con người là cuộc đời làm theo lý trí.
Về chính trị, Aristotle khảo sát sự liên quan giữa lý tưởng, luật pháp, tập quán và tài sản trong các trường hợp thực tế. Ông công nhận chế độ nô lệ nhưng nhấn mạnh rằng chủ nhân không nên lạm dụng quyền hành bởi vì chủ nhân và người nô lệ có các quyền lợi như nhau. Từ đó, Aristotle đã viết ra cuốn “Hiến Pháp của Thành Athens” (The Constitution of Athens)
Vài tác phẩm quan trọng khác của Aristotle là các cuốn Rhetoric (Tu Từ Pháp), Politics (Chính Trị) và Poetics (Thơ Phú),.... Tất cả đều đóng góp lớn vào các ngành khoa học xã hội sau này.
Những câu nói hay của Aristotle
Bên cạnh những tư tưởng và tác phẩm đóng góp cho nền văn minh Hy Lạp, nhân loại còn biết đến Aristotle với những câu danh ngôn nổi tiếng. Tiêu biểu có thể kể đến:
Thầy đã quý, chân lý còn quý hơn.
Chúng ta là những gì mà chúng ta thường xuyên làm. Vì vậy sự hoàn hảo là thói quen chứ không phải hành động.
Ngày hôm nay, hãy thử xem nếu bạn có thể mở rộng trái tim và trải dài tình yêu thương để nó không chỉ chạm tới những người bạn có thể dễ dàng trao nó, mà còn cả những người cần đến nó.
Khát khao tiền bạc giống như một con thú tham lam, bạn sẽ chẳng bao giờ biết được tuổi trẻ quý giá bị chôn vùi dưới chân mình như thế nào.
Hy vọng là giấc mơ khi đang thức.
Những thứ được thực hiện lặp đi lặp lại mỗi ngày đã tạo nên "chúng ta", bạn sẽ phát hiện ra sự ưu tú không phải là một hành động, mà là một thói quen.
Ai cũng có thể tức giận – điều đó dễ lắm, nhưng nổi giận với đúng người ở đúng mức vào đúng thời điểm vì đúng mục đích, và theo cách đúng – không hề dễ và không phải ai cũng làm được.
Chúng ta sống trong những việc ta làm, không phải trong năm tháng; trong suy nghĩ, không phải trong hơi thở; trong cảm xúc, không phải trong những con số trên mặt đồng hồ. Chúng ta đếm thời gian bằng những nhịp tim. Người sống nhiều nhất là người tư duy nhiều nhất, cảm nhận cao thượng nhất, và hành động tốt đẹp nhất.
Hạnh phúc phụ thuộc vào bản thân ta.
Lòng can đảm là phẩm chất đầu tiên của con người, bởi vì nó là phẩm chất cho phép có các phẩm chất khác.
Kết
Cuối cùng, có thể thấy, với những đóng góp tuyệt vời của Aristotle trên nhiều lĩnh vực như: Y khoa, sinh học, vũ trụ, nghệ thuật,.. và đặc biệt là Triết học, ta hoàn toàn có thể khẳng định, ông là một thiên tài, một trong những nhân vật cốt cán của văn minh nhân loại. Những tác phẩm, tư tưởng và quan điểm của ông sẽ luôn còn mãi và là động lực để nhân loại ngày càng phát triển.
Nguồn:
Đọc thêm:
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất