Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng một lần nghe qua trích dẫn “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông". Đây thực chất là câu nói nổi tiếng của một triết gia người Hy Lạp cổ đại nhằm ám chỉ sự vận động không ngừng của vạn vật trong vũ trụ. Vị triết gia này là người theo chủ nghĩa duy vật và được coi là “ông tổ” của phép biện chứng. Người đó không ai khác chính là Heraclitus.

Heraclitus là ai?

Heraclitus tiếng Hy Lạp là Herákleitos sinh vào khoảng năm 535 TCN tại Ephesus, Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù không có nhiều thông tin đáng tin cậy về vị hiền triết này song, trong một số ghi chép để lại cho biết, Heraclitus xuất thân trong một gia đình quý tộc bao gồm các vị vua và linh mục với quyền lực hoàn toàn chỉ trên danh nghĩa. Đó cũng là lý do sau này, ông từ bỏ địa vị và quyền lợi của mình để có thể sống cuộc đời bản thân mong muốn.
Trong các tư liệu về Heraclitus của Diogenes Laertius, ông viết rằng, Heraclitus là một người khép kín, sống trên núi và ưa thích thiên nhiên. Có lẽ điều này bắt nguồn từ sự kiện ông chống lại sự kiểm soát của những tên bạo chúa Ephesus và nền dân chủ đang dần thống trị lúc đó, khiến ông bị chỉ trích mạnh mẽ bởi những người xung quanh và buộc phải tự cô lập chính bản thân mình. Một số sử gia khác cho biết, Heraclitus không phải là kẻ biết lắng nghe ý kiến của người khác, ông có đầu óc sắc bén, vô cùng nghiêm khắc và đầy tính mỉa mai. Những phát biểu của ông giống như mũi tên bắn trúng chính xác mục tiêu. Heraclitus không sợ khiển trách hay trừng phạt, ông là một người vô cùng thẳng thắn.
Có nhiều giai thoại về cái chết của Heraclitus, một số cho rằng, ông bị xé xác bởi thú hoang, một số khác lại tin ông bị bao phủ bởi phân và chết, cũng có người bảo ông chết bởi chướng cổ…Dù chưa xác thực được nguyên do nào song, theo ghi chép, Heraclitus mất vào khoảng năm 475 TCN.

Tư tưởng của Heraclitus và những câu nói nổi tiếng.

Heraclitus không viết sách và hầu như những quan điểm của ông đều được biết đến nhờ truyền miệng hoặc tồn tại trong những đoạn ngắn được các tác giả sau này trích dẫn và gán cho ông. Để tìm hiểu về tư tưởng của nhà hiền triết này, ta có thể tiếp cận qua một số quan điểm chính sau.

Tư tưởng duy vật về tự nhiên.

Trái ngược với tư tưởng nước tạo ra mọi vật của Thales Miles, Heraclitus cho rằng lửa mới chính là nguồn gốc của tất cả. “Mọi cái biến đổi thành lửa và lửa thành mọi cái tựa như trao đổi vàng thành hàng hóa và hàng hóa thành vàng”. Lửa không chỉ là cơ sở của mọi vật mà còn là khởi nguyên sinh ra chúng. 
Theo Heraclitus, bản thân vũ trụ không phải do chúa trời hay một lực lượng siêu nhiên nào tạo ra mà chính là lửa. Ông miêu tả vũ trụ giống như một ngọn lửa vĩnh cửu, không bao giờ lụi tàn.
Đặc biệt, ông cho rằng lửa bao quát tất cả và phân xử tất cả, ông coi lửa là vật chất thiết yếu để hợp nhất vạn vật. Lửa sản sinh ra không chỉ vật chất, mà cả những hiện tượng tinh thần, linh hồn con người. Với quan niệm coi toàn bộ vũ trụ như một ngọn lửa bất diệt, ông đã tiếp cận được những quan niệm duy vật và nhấn mạnh tính bất diệt, vĩnh viễn của thế giới. Ông thể hiện những tư tưởng đầu tiên về sự thống nhất vật chất của thế giới khi coi lửa là bản nguyên của tất thảy mọi vật.Theo đó, ông lý giải “Lửa sống nhờ đất chết, không khí sống nhờ lửa chết, nước sống nhờ không khí chết, đất sống nhờ nước chết”. Từ đây, ông đã mở rộng các biểu hiện của lửa không chỉ bao gồm nhiên liệu, ngọn lửa và khói mà còn là bầu khí quyển. Một phần của nó sẽ là mưa chuyển sang đại dương và về mặt đất. Như vậy, không khí, đất và biển ở khắp mọi nơi thực chất đều do lửa tạo thành. 
Quan điểm này của Heraclitus được Lênin coi là một trong những trình bày rất hay những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng dù vẫn còn mộc mạc, thô sơ.

Tư tưởng về sự vận động biến đổi của sự vật (hay còn được gọi là dòng chảy phổ biến).

“Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông" có lẽ là câu nói nổi tiếng của Heraclitus khi ông nhận định về sự vận động biến đổi của sự vật. Dưới con mắt của ông, tất cả mọi vật đều luôn vận động và biến đổi không ngừng, cũng như dòng sông, nó không thường xuyên biến đổi, nhưng cũng không mãi ổn định. Những dòng nước luân hồi chảy, chính vì vậy mà chẳng ai có thể nhảy xuống cùng một dòng sông mà mình đã từng nhảy qua.
Tư tưởng này của Heraclitus sau này đã được Platon kế thừa để chỉ rằng mọi sự vật đều biến động không ngừng, bất kể chúng xuất hiện như thế nào đối với các giác quan.

Quan niệm về Logos.

Mặc dù chủ yếu quan tâm đến những giải thích về thế giới xung quanh, Heraclitus cũng nhấn mạnh sự cần thiết của mọi người để sống với nhau trong sự hòa hợp xã hội nhưng cũng phàn nàn rằng hầu hết họ không hiểu được nguyên lý phổ quát mà qua đó mọi sự vật đều có mối liên hệ lẫn nhau. Từ đó, Heraclitus lý giải logos - một thuật ngữ nổi tiếng lâu đời có trong nhiều lĩnh vực tùy theo cách khai thác. Đối với ông, logos có mối liên hệ với lửa, nếu lửa là một hiện tượng thì logos là bản chất của hiện tượng đó. Nếu thế giới là một ngọn lửa vĩnh hằng thì logos là quy luật của tồn tại, là thứ tạo ra sự hài hòa của thế giới. Từ đó, nhận thức thế giới là nhận thức về logos. Chính vì vậy, logos của Heraclitus trở thành khách quan.
Tuy nhiên, logos không chỉ có tính chất khách quan mà còn có tính chất chủ quan. Tính chất đó được thể hiện bằng ngôn ngữ, bằng trật tự của tư duy. Từ đó, Heraclitus lập luận rằng, con người có thông thái hay không còn tùy thuộc vào việc mức độ phản ánh của logos chủ quan như thế nào. Đơn giản như dùng từ ngữ để diễn tả thế giới nhằm để biểu đạt sự thông thái. Ông viết ː“Tư duy là một phẩm chất vĩ đại, sự sáng suốt là ở chỗ nói ra chân lý (tức logos) là hành động phù hợp với giới tự nhiên nhờ lắng nghe nó.”
Với ý nghĩa như thế, Heraclitus đã góp công không nhỏ cho sự phát triển của phép biện chứng.

Đóng góp của Heraclitus vào triết học

Trong thời đại của mình, Heraclitus không được yêu thích và thường xuyên bị các nhà sử gia khinh miệt, bôi xấu. Ông sống cô lập và không hòa nhập với mọi người. Song, ở thời điểm hiện tại, những đóng góp của Heraclitus vào triết học đã hoàn toàn lật ngược lại tình thế.
Những quan điểm về tự nhiên và sự vận động và biến đổi của sự vật của ông đã giúp đặt nền móng cho chủ nghĩa duy vật biện chứng trong Triết học và vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Đồng thời, nó cũng là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành nghề khoa học hiện đại.
Bên cạnh đó, tư tưởng về Logos của Heraclitus đã giúp phát triển hơn nữa phép biện chứng ban đầu vào hệ thống Triết học. Ngoài ra, những tư tưởng này cũng là nền tảng cho những học thuyết, tư tưởng của các triết gia sau ông ứng dụng.
Có những cá nhân không thực sự cần được yêu thích ở thời đại của họ, nhưng nó không thể ngăn trí thông minh và những đóng góp của cá nhân ấy tỏa sáng lấp lánh trong nhân loại, Heraclitus chính là một cá nhân điển hình như vậy. Những công trình, lý thuyết và tư tưởng của ông đã phần nào giúp cho hệ thống triết học ngày càng hoàn thiện, phát triển. Đồng thời cũng truyền cảm hứng cho những người trẻ yêu thích và theo đuổi triết học ngày nay.
Nguồn:
Đọc thêm: