Được mệnh danh là “nhà hiền triết khôn ngoan nhất thành Athens", cùng với Aristotle và Plato trở thành 3 trụ cột chính của nền văn minh Hy Lạp cổ đại, ông cũng sáng tạo ra phương pháp triết học mang tên mình, người được nhắc đến đó không ai khác chính là Socrates.

Socrates là ai?

Socrates (tiếng Hy Lạp: Σωκράτης Sōkrátēs) là một triết gia Hy Lạp cổ đại, người được mệnh danh là bậc thầy về truy vấn. Thông tin về cuộc đời ông ít được biết đến mà chủ yếu chỉ dựa trên những ghi chép của các môn đệ ông từng dạy, trong đó có nhà triết học vĩ đại Plato. Theo một số tài liệu, ông ra đời vào khoảng năm 470 TCN trong một gia đình có cha là thợ điêu khắc thành Athens và mẹ là một nữ hộ sinh. Không xuất thân ở dòng dõi quý tộc giàu sang giống nhiều nhà hiền triết khác, ngay từ nhỏ, Socrates đã theo cha học nghề rèn. Ông hành nghề này để kiếm tiền nhiều năm trước khi dành hết niềm đam mê của mình cho trí tuệ. Những nguồn tin khác trong tác phẩm của Xenophon, Aristophanes và Plato cũng chỉ ra rằng, Socrates từng tham gia giảng dạy để trang trải cuộc sống. 
Socrates có một thời gian từng phục vụ trong quân đội, ông tham gia cuộc chiến Peloponnisos - kéo dài trong suốt giai đoạn từ năm 431 đến 404 TCN với 3 chiến dịch lớn: Amphipolis, Delium và Potidaea. Trong trận chiến, Socrates hiện lên vô cùng can đảm, anh dũng. Sự gan dạ của ông được thể hiện ở việc ông đã cứu sống Alcibiades, một vị tướng vĩ đại người Armenia.
Xét về ngoại hình của Socrates, trong cuốn Symposium của Plato miêu tả, ông có ngoại hình trái ngược với chuẩn mực cái đẹp của Athens lúc bấy giờ. Socrates sở hữu dáng người thấp bé với một cái mũi hếch và đôi mắt trợn lên. Ngoài ra, tài sản của Socrates cũng rất ít ỏi khi hầu hết chỉ có những vật dụng thiết yếu cho cuộc sống. Tuy vậy, ngoại hình và gia cảnh của ông lại không hề ngăn cản việc ông, với trí thông minh vượt trội - là một người cực kỳ thu hút những người xung quanh.
Theo Xenophon, Socrates kết hôn ở độ tuổi 50 với Xanthippe, một phụ nữ trẻ khó ưa, người đã sinh cho ông ba đứa con là Lamprocles, Sophroniscus và Menexenus. Xanthippe luôn không hài lòng với sự theo đuổi triết học của Socrates, bà cho rằng, đó là lý do khiến gia đình trở lên túng quẫn và thay vì chăm lo quan tâm đến các con, Socrates lại để tâm đến việc phát triển trí tuệ của các chàng trai trẻ thành Athens hơn.
Về cái chết của nhà hiền triết khôn ngoan này, nhiều tài liệu cho biết, Socrates đã sống trong thời kỳ thịnh vượng của thành bang Athens cho đến lúc nó suy tàn bởi người Sparta và liên minh của nó trong cuộc chiến tranh Peloponnesus. Dù luôn trung thành đến chết với thành bang, song tư tưởng và đức hạnh của ông lại mâu thuẫn với chiều hướng chính trị và xã hội đương thời của Athens. Ông ca ngợi Sparta, chê bai Athens, trực tiếp và gián tiếp trong nhiều cuộc đối thoại. Điều này khiến Socrates bị buộc tội vô thần và làm hư hỏng giới trẻ của thành Athens. Ông bị kết án tử hình bằng cách uống thuốc độc và mất vào khoảng năm 399 TCN.

Triết học của Socrates

Hầu hết các nhà triết học cổ đại coi triết học là việc đi tìm lời giải cho những vấn đề ngoài vũ trụ, lý giải về sự hình thành và phát triển thế giới thông qua các lĩnh vực khoa học, vật lý, sinh học,.... Tuy nhiên, triết học với Socrates thì khác, ông đi một lối đi riêng khi chọn con người mà đặc biệt là nhân tính, đạo đức của chủ thể này làm vấn đề trọng tâm của triết học. 
Với luận đề nổi tiếng “Hãy tự biết mình", triết học của Socrates không phải là hiện tượng tự biện, chỉ luận bàn những vấn đề chung không liên quan gì đến cuộc sống thường nhật, trái lại, nó là phương tiện dạy con người cách sống hay cần phải sống như thế nào. Theo nghĩa đó, triết học trước hết phải là tri thức hay sự hiểu biết của con người về con người, tri thức ấy nhất thiết phải là tri thức về cái thiện. Nếu đạo đức là hành vi đối nhân xử thế đẹp thì đạo đức đó không là gì khác ngoài tri thức. Do vậy, “tri thức là đức hạnh”.
Thước đo của đạo đức là thước đo hành vi giao tiếp giữa con người với sự thông thái của thần linh. Sự thông thái chính là sự hiểu biết, là tri thức. Tri thức có tính chất thần linh và chỉ có tri thức mới có khả năng nâng con người ngang tầm thần thánh. Đạo đức với những biểu hiện của nó như lương tri, lòng dũng cảm, sự ngoan đạo, công bằng đều là những sự biểu hiện khác nhau của tri thức, giúp con người lựa chọn điều lành, tránh điều dữ. Cái ác phản ánh sự thiếu vắng tri thức, nó nảy sinh là do sự dốt nát, thiếu hiểu biết, vì không ai khi biết thế nào là tốt mà lại cố tình làm điều xấu. Do vậy, làm điều xấu là một hành vi vô tình chứ không phải cố ý. Tuy nhiên, trong thực tế, nhận thức thông thường mách bảo rằng, chúng ta thường chiều theo những hành vi biết là sai, do vậy làm sai lại là một hành vi dường như có vẻ cố tình.
Với phương châm: “Điều thật sự quan trọng không phải là sống mà là sống tốt”, Socrates cho rằng, dưới sự dẫn dắt của lý trí thì sức khỏe, sắc đẹp, của cải, lòng dũng cảm, sự hào phóng, tính quyết đoán,... đều được sử dụng vì mục đích tốt đẹp. Trong trường hợp ngược lại, tai họa sẽ thế chỗ cho lợi ích. Chẳng hạn, dũng cảm mà thiếu trí khôn sẽ trở nên liều mạng, sắc đẹp đặt không đúng chỗ sẽ trở nên lố lăng, hào phóng thiếu sự cân nhắc sẽ trở nên hoang phí…. Điều thiện và điều lợi phải được thống nhất với lý trí, tức mọi hành vi đạo đức phải hợp thời, hợp thề, hợp lý, hợp tình.
Theo Socrates, tri thức và đức hạnh là những điều cần thiết cho những kẻ làm chính trị. Người làm chính trị phải đặt trách nhiệm xã hội lên lên vị trí hàng đầu chứ không trông cậy vào ô dù, nương nhờ quyền lực và thời vận. 
Ông cũng cho biết, để có tri thức, con người cần phải học, học ở trường và học ngoài đời. Hãy bắt đầu từ không biết để thành biết. Mệnh đề: “Tôi biết rằng, tôi không biết gì cả” của ông không phải là một mệnh đề mang tính tương đối mà nhằm chỉ ra sự khởi đầu của một phương pháp tiếp cận chân lý. Bởi vì, theo lẽ thường tình, mọi sự hiểu biết đều khởi đầu từ không biết, nhận thức là quá trình tiếp cận chân lý.
Lối sống giản dị, khiêm tốn và cách đối nhân xử thế hợp tình hợp lý của Socrates là một tấm gương lớn về đạo đức. Suốt đời ông không lo việc kiếm tiền, mua sắm của cải, mà chỉ đi thuyết pháp về điều thiện, mong ước cảm hóa được mọi người, giúp họ có một cuộc sống nhẹ nhàng thanh thản, không mưu toan, tính toán thiệt hơn. 

Phương pháp Socrates

Nhắc đến Socrates, chắc chắn chúng ta phải nhắc đến đóng góp quan trọng nhất của ông cho triết học cũng như tư tưởng phương Tây là phương pháp truy vấn biện chứng, được biết đến dưới tên gọi "phương pháp Socrates" hay phương pháp "bác bỏ bằng logic" (elenchus). 
Ông áp dụng phương pháp này chủ yếu cho việc kiểm nghiệm các khái niệm quan trọng về mặt đạo đức như tốt đẹp và công bằng. Platon là người đầu tiên miêu tả phương pháp này qua tác phẩm "Các cuộc hội thoại của Socrates". Để giải quyết một vấn đề, người ta chia nhỏ nó thành một hệ thống các câu hỏi, các câu trả lời sẽ dần dần kết tinh ra lời giải mà ta tìm kiếm. Ngày nay, ảnh hưởng của cách tiếp cận này có thể thấy rõ nhất ở việc sử dụng phương pháp khoa học, mà bước đầu tiên là đặt ra giả thuyết. Sự phát triển và sử dụng phương pháp này là một trong những đóng góp bền vững nhất của Socrates, đó là thành tố chính trong việc đánh giá ông là cha đẻ của triết học chính trị, luân lý học, và là người khởi đầu của các xu hướng chính trong triết học phương Tây.
Phương pháp Socrates có thể được diễn tả như sau; một loạt câu hỏi được đặt ra để giúp một người hay một nhóm người xác định được niềm tin cơ bản và giới hạn của kiến thức họ. Phương pháp Sokrates là phương pháp loại bỏ các giả thuyết, theo đó người ta tìm ra các giả thuyết tốt hơn bằng cách từng bước xác định và loại bỏ các giả thuyết dẫn tới mâu thuẫn. Nó được thiết kế để người ta buộc phải xem xét lại các niềm tin của chính mình và tính đúng đắn của các niềm tin đó. 

Sách về Socrates

Một số cuốn sách tiêu biểu về Socrates để hiểu rõ về ông và nền văn minh Hy Lạp cổ đại có thể kể đến như: 

Ngày cuối trong đời của Socrates (Plato)

Cuốn sách là một loạt bốn cuộc đối thoại của Socrates khi ông bị Bồi thẩm đoàn của Hội đồng Thành quốc kết tội hủ hóa thanh niên và coi thường thần linh của Thành quốc. Ông đã tự biện giải cho chính mình để chống lại những kẻ âm mưu đẩy ông vào khốn cùng, đưa ra những chân lý cũng như những lời phản biện sâu sắc. Tuy bị kết án tử hình, được bạn bè và quý nhân giúp vượt ngục nhưng với tinh thần cao quý và giữ gìn danh dự trong sạch hơn người, Socrates đã từ chối vì theo ông “Tránh cái chết không khó, tránh đê tiện khó hơn nhiều. Vì đê tiện chạy nhanh hơn cái chết.”

Cộng hòa (Plato)

Cộng Hòa là tác phẩm nổi tiếng nhất của Plato và là một trong những tác phẩm có ảnh hưởng lớn nhất lên sự phát triển tư duy của triết học và học thuyết chính trị. Tác phẩm bàn về nhiều lĩnh vực: thần học, đạo đức học, siêu hình học, tâm lý học, giáo dục học, chính trị học, và lý thuyết về nghệ thuật. Những vấn đề của triết học hiện đại đều được đặt ra tại đây. Nhân vật chính trong tác phẩm là Socrates cùng với nhiều học giả Athen và các nơi thảo luận về ý nghĩa của công lý. Đây cũng là một tác phẩm mà Plato viết để tôn vinh người thầy đã quá cố của mình - Socrates.

Đối Thoại Socratic 1 (Euthyphro, Socrates Tự Biện, Crito, Pheado)

Đối Thoại Socratic 1 tập hợp một số tác phẩm tiêu biểu của Plato, bao gồm Euthyphro, Socrates tự biệan, Crito, Pheado, tập trung vào những vấn đề lý luận trong Hi Lạp học nói chung và Socrates học nói riêng; mối quan hệ phức tạp giữa Socrates và Plato; sự phát triển và suy vong của nền dân chủ Athens, nội dung và phong cách triết lý của Socrates. 

“Đối thoại với Socrates – Những cuộc nói chuyện làm thay đổi cuộc đời bạn” (Daisetsu Fujiata)

“Đối thoại với Socrates – Những cuộc nói chuyện làm thay đổi cuộc đời bạn” là cuốn sách về những cuộc trò chuyện của tác giả Daisetsu Fujita với nhân vật Socrates – một triết gia đến từ Hy Lạp. Thông qua những cuộc trò chuyện đó, Socrates giúp tác giả và cả người đọc sáng tỏ những khúc mắc trong lòng về tình yêu, tình bạn, công việc…

Những câu nói hay của Socrates

Bên cạnh những đóng góp tuyệt vời cho nền triết học Hy Lạp cùng phương pháp truy vấn biện chứng, Socrates còn được biết đến với những câu nói và trích dẫn đầy giá trị. Tiêu biểu có thể kể đến:
Giáo dục nhen nhóm ngọn lửa chứ không phải chỉ đổ đầy con tàu.
Lựa chọn kiến thức thay vì sự giàu có, với 1 số người chỉ là nhất thời, nhưng với 1 số người khác lại là mãi mãi.
Hiểu biết là để bạn nhận ra rằng mình không biết gì cả. Đó là ý nghĩa của hiểu biết đích thực.
Điều tốt đẹp duy nhất là kiến thức, kẻ xấu xa duy nhất là sự thờ ơ.
Bí mật của hạnh phúc, bạn thấy đó, không phải nằm ở việc nỗ lực có được nhiều hơn, mà nằm ở việc phát triển khả năng hưởng thụ ít hơn.
Ngã xuống không phải là thất bại. Thất bại đến khi bạn ở nguyên nơi mình ngã.
Người ta có thể sống lâu gấp đôi nếu không bỏ nửa đầu của cuộc đời để hình thành những thói quen sẽ rút ngắn nửa đời còn lại.
Chẳng bao giờ là đúng đắn khi làm điều sai trái, hoặc dùng sai trái để đáp trả sai trái, hoặc khi ta chịu đựng cái ác để bảo vệ bản thân bằng cách hành ác.
Hãy chậm rãi tiến vào tình bạn, nhưng khi đã có tình bạn rồi, hãy vững bước và đều đặn tiến lên.
Khát khao cuồng nhiệt nhất thường sinh ra hận thù sâu sắc nhất.

Kết

“Nếu quý vị giết tôi, quý vị sẽ không dễ dàng tìm được một người thay thế tôi, một con người được thượng đế ban cho đất nước”. Đây là lời tự biện cuối cùng của Socrates khi ông đứng trước phiên tòa và chấp nhận cái chết. Không phải ngẫu nhiên Socrates nói thế, lời tự biện đã trở thành sự thật khi những đóng góp của ông cho triết học, văn minh Hy Lạp và văn minh loài người là những đóng góp mà không một ai có thể thay thế được. Dù đã trải qua gần 3 thiên niên kỷ khi Socrates mất, song những đóng góp của ông vẫn còn nguyên giá trị, và ông xứng đáng là một món quà tuyệt vời mà Thượng Đế ban tặng cho nền văn minh Hy Lạp nói riêng cũng như văn minh loài người nói chung.
Nguồn: 
Đọc thêm: