Bàn về việc viết, phần 1: Cách tôi viết 66.666 từ trong vòng 1 tháng
Để viết cần gì, trong 7.389 chữ.
Hoặc là bạn viết những gì đáng để đọc, hoặc là bạn làm những gì đáng để viết. - Benjamin Franklin
Bài nhạc gợi ý: The Manuscript - Taylor Swift
Đầu vào: “Điểm sàn” của nghề viết
Như mọi ngành nghề khác, để viết một cách đơn giản, bạn chẳng cần gì cả, ngoài một cái laptop (hoặc trong thời hiện đại ngày nay bạn có thể biên bài bằng điện thoại (bạn thân của nhiều KOL và content creator chính là ứng dụng Note mặc định của smartphone). Ví dụ của việc viết mà không cần gì nhiều chính là viết nhật ký. Một đứa trẻ tiểu học cũng có thể viết được.
Nhưng để viết hay, bạn cần đầu tư rất nhiều. Tôi, với sự tự kỷ và yêu bản thân như nguồn gốc cái tên Narcy là Narcicyst, xin phân tích và dẫn nguồn nhiều thứ cùng series Góc Khuất Người Con Gái của bản thân, đạt trên 21 nghìn lượt đọc ở Spiderum.
Động lực viết: chữ cũng như tình, theo tình tình chạy, chạy tình tình theo
Động lực bên ngoài (extrinsic motivation)
Động lực bên ngoài đề cập đến hành vi được thúc đẩy bởi phần thưởng bên ngoài. Những phần thưởng này có thể là hữu hình, chẳng hạn như tiền bạc, điểm số; hoặc vô hình, chẳng hạn như lời khen ngợi, danh tiếng.[1] — Van Dao - Jobsgo.
Chị Hiền Trang, một nhà văn trẻ nổi tiếng hiện nay với bút lực dồi dào, đại diện Việt Nam tham gia International Writing Program của Đại học Iowa, Mỹ đã từng nói (đại loại rằng):
Để làm nhà văn, cần một căn phòng yên tĩnh (1).
Một vài cú Google cho tôi biết thêm câu nói ấy nguồn gốc từ nữ tiểu thuyết gia Virginia Woolf trong bài luận: A Room of One's Own [2]:
“A woman must have money and a room of her own if she is to write fiction; and that, as you will see, leaves the great problem of the true nature of woman and the true nature of fiction unsolved. / Một phụ nữ cần có tiền và một căn phòng riêng nếu cô ấy muốn viết tiểu thuyết; và như bạn sẽ thấy, điều đó để lại vấn đề lớn về bản chất thực sự của phụ nữ và bản chất thực sự của tiểu thuyết chưa được giải quyết.”
Tôi muốn nhấn mạnh về tầm quan trọng của tiền bạc lạnh giá tới việc viết.
Để viết hay, cần tài chính đầy đủ.
Giá phòng trọ ở thành phố Hồ Chí Minh thì 1 triệu mấy bạn có thể ngủ sleep box và chịu cảnh ở chung chủ (khuyết điểm của việc này chỉ có một thôi: không có ưu điểm gì cả), đến trên 100 triệu/tháng cũng có.
Đương nhiên bạn không thể viết trong sleep box được vì như thế quá gò bó, cản trở bản thân, tinh thần khi viết không được ép buộc như thế, nếu bị thì làm sao mà ý tứ tuôn trào ra được. Mà để thuê trọ 3 triệu trở lên thì lương bạn phải tầm 10 triệu/tháng ấy, trừ chi phí cá nhân và ăn uống ra, để dành mỗi tháng được chút chút.
Đấy là chưa tính tiền bàn, ghế, bút, giấy, laptop, điện thoại và điều hòa với cái thời tiết nồng cháy yêu thương này ở Sài Gòn nhé.
Tôi viết được mấy nghìn chữ ấy là do tôi có phòng riêng, không phải ở chung phòng với người khác. Bố mẹ chứa chấp và bạn trai nuôi tôi. Mà không có tiền thì đi đôi với không có quyền. Vào trời nắng, câu đầu tiên mẹ và chị hỏi khi tôi xuống ăn cơm chính là: “Con tắt điều hòa chưa?”. Câu thứ hai là: “Xài máy lạnh nhiều thì góp tiền điện nhé.”
Bạn cũng cần đủ “rảnh” để viết một cách dồi dào. Nếu không rảnh, bạn cần đủ siêng, mà để siêng thì bạn cần thể lực.
Anh Lý Thành Cơ, sinh năm 1992, bút lực dồi dào, làm cùng lúc 3,4 công việc, vừa làm IMC Creative Director ở PNJ, vừa đi dạy, vừa làm travel blogger, vừa là tác giả 3 cuốn sách.
Chị Ploy Ngọc Bích, một nhà văn 8x đời cuối, vừa làm quảng cáo, vừa là tác giả trên 10 đầu sách, rất nhiều cuốn hiện hết hàng, là ví dụ thứ hai cho việc siêng và bút lực dồi dào.
Đến cả người như Haruki Murakami, sau thời gian đầu khi vừa làm chủ quán rượu và tranh thủ thời gian trống để viết, cũng quyết định phải thuyết phục vợ để ông viết fulltime nhằm tối ưu hóa chất lượng con chữ và để bỏ quán bar mà chọn ngôn từ. Ông hiện là sở hữu số lượng đồ sộ văn phẩm gồm 15 cuốn tiểu thuyết và 6 tuyển tập truyện ngắn cùng nhiều cuốn sách phi hư cấu, trong đó có cuốn “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” - cuốn sách truyền cảm hứng chạy bộ cho rất nhiều cây viết không chỉ ở Spiderum.
Còn tôi, người yếu ớt về cả thể chất lẫn tinh thần thì xin lấy bản thân làm ví dụ điển hình cho việc “quá rảnh”. Tôi bắt đầu “Góc Khuất Người Con Gái” vào tháng 12/2023, cũng là lúc tôi nhận ra bản thân không hề có thành tựu gì ngoài việc nghỉ việc mấy cửa hàng tiện lợi bào sức chết tiệt và quẹt Tinder như điên vào cái năm khỉ gió đấy.
Như tác giả nổi tiếng về chủ đề chính trị George Orwell viết trong đoạn đầu của bài luận “Why I Write”[2], nghề viết chọn tôi nhưng tôi né nghề khá lâu, chỉ để bắt đầu nghiêm túc theo đuổi nghiệp viết vào năm 26 tuổi, tức một năm trước 27, cái năm mà B Ray nói là “thời điểm “thần Chết’ hay đến đón” [3].
Tình cờ thay, một anh chàng rất bảnh trai trên Tinder đã giới thiệu tôi với Spiderum.
Thế là tôi chọn viết, chỉ để bản thân có một thành tựu nào đó.
Những việc kiếm ra tiền thì tôi chật vật mãi không làm được, vậy nên tôi đành viết - làm việc mình giỏi nhất (nhưng chưa ra tiền).
Động lực bên trong (intrinsic motivation)
Động lực bên trong (động lực nội tại) xảy ra khi chúng ta hành động mà không có bất kỳ phần thưởng bên ngoài rõ ràng nào. Chúng ta chỉ đơn giản là thích một hoạt động hoặc coi đó là cơ hội để khám phá, học hỏi và hiện thực hóa tiềm năng của mình. - Van Dao, Jobsgo [4]
Tôi viết vì mình, và cũng vì người.
Tôi viết để “flex” chữ, khoe trải nghiệm, trưng bày những suy nghĩ độc đáo mà khi nói, bản thân sẽ không bao giờ nói ra được. Khi viết, bằng một cách thần kỳ nào đấy, những con chữ và ý tưởng tuôn ra từ đầu ngón tay (hiện đang được trang trí bằng một hỗn hợp phối màu sắc bằng gel đẹp đẽ và có gắn nơ) một cách tuyệt vời, hay ho và ý nghĩa lạ thường.
Tôi viết để thể hiện quan điểm của mình. Cũng bởi vì cái hàng rào bắt đầu của nó khá thấp, một người bình thường hoàn toàn có thể gõ chữ và đăng tải trên mạng xã hội để thể hiện những suy nghĩ của mình, hoặc để đạt những gì mình muốn, đơn cử như xây dựng thương hiệu cá nhân.
Tuy nhiên, như cây bút Van Dao của Jobsgo đã từng viết: Động lực bên trong là phương pháp đạt được mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ hiệu quả và lâu dài hơn [5]. Những động lực bên ngoài là những vật trang trí kèm theo. Chúng là những thứ có thì tốt (nice to have), nhưng không bắt buộc phải có (must have). Nó giống như cây nghề nghiệp, động lực bên trong (sở thích, năng lực học tập, giá trị nghề nghiệp, khả năng, cá tính) là gốc rễ, động lực bên ngoài (sự ổn định, môi trường làm việc tốt, cơ hội việc làm, lương cao, công ty nổi tiếng, việc được nhiều người tôn trọng) là tán cây, là quả, là hạt. Có rễ mới có cành, có quả, có hạt. Rễ tốt thì những điều khác mới tốt theo.
Sống để trải nghiệm: hò dô ta YOLO đi những người viết
Đương nhiên rồi, nếu không có trải nghiệm thì những gì bạn viết chỉ là một tô salad trộn chữ với nước sốt là những gì cóp nhặt của người khác. Và người thưởng thức món salad ấy sẽ bảo là bạn bắt chước công thức của một quán ăn nào đó chứ có tự làm ra cái gì đâu mà tính phí được cao.
Giống như không làm thì cạp đất mà ăn, tôi xin viết một cách bỗ bã: không sống thì viết bằng niềm tin à?
Tôi đã sống 25 năm trước khi viết tất cả vào Góc Khuất Người Con Gái. Để viết, bạn phải dấn thân, bị vùi dập, chống cự, đáp trả để thấu hiểu những nỗi đau của con người.
Như những trải nghiệm hồi cấp 3 của tôi đã làm nên Góc Khuất Người Con Gái: bị đồn bắt cá hai tay, làm tình như đàn ông, bị bố chửi là đồ con gái hư hỏng, bị stalker theo dõi đến nỗi OCD, ghét phái nữ đến nỗi tự căm phẫn vùng kín của chính mình, yêu xa với Phần Lan, rồi Thẻ Xanh, và trầm cảm.
Ngoài trải nghiệm của bản thân mình, để viết hay, bạn còn cần những người xung quanh. Trong JD nhà báo thường sẽ yêu cầu thành thạo kỹ năng phỏng vấn.
Khi viết bài cho kênh 14, chủ đề livestream tuyển dụng lẫn về quản lý trong im lặng, tôi đều cần phỏng vấn sâu từ hai đến ba người để bài viết khách quan nhất có thể. Ngay cả khi booking PR bên ấy cũng kèm theo một dãy yêu cầu chứ không phải bỏ tiền là muốn viết gì thì viết, trong đó có câu “không PR lố”.
Như sau vụ Nam Em livestream nói năng linh tinh, các bạn có thể thấy là “Big Brother” yêu cầu các bên truyền thông lên bài nói về việc livestream có ích để định hướng đúng cho khán giả nên cẩn trọng lời nói và livestream vì những mục đích đạt thuần phong mỹ tục, lan tỏa điều tích cực. Họ lập ra hẳn một hashtag đến giờ vẫn trending là Nhà nhà livestream.
Nói chung, trải nghiệm là điều không thể thiếu, để cho thấy tính “người” và cũng để người đọc cảm thấy được soi chiếu trong những con chữ.
Kiến thức: Đứng trên vai người khổng lồ
Để bài viết hay và có tính thực tế, một điều bắt buộc là người viết phải nghiên cứu thêm nhiều nguồn tài liệu khác nhau, cũng để họ thẩm định rằng những gì mình viết liệu có đúng.
Nếu không có kiến thức, một người viết chỉ như một con ếch ngồi đáy giếng, một chú chim dẫu cửa lồng mở vẫn không dám bay ra vì nó chẳng biết gì ngoài chiếc lồng của mình.
Như bài viết đã được chuyển thể thành clip Youtube Giáo dục giới tính Việt Nam: không biết phải cảnh tỉnh đến bao giờ?, có cả podcast, trong phiên bản ban đầu chỉ có 4 nguồn tham khảo. Sau này, tôi biên tập lại cho ebook thì số nguồn tư liệu tăng lên gấp đôi.
Một bài viết khác mà tôi tự đánh giá là trải nghiệm có 102, bà cố nội của xui xẻo, được 1.1k view, dẫn 10 nguồn tài liệu: Về việc tập thể dục, khám bệnh, thất nghiệp, trầm cảm, vô sinh, u não trong căn nhà 10 tỷ.
Mà thôi, tôi có là ai đâu, bài viết cao nhất có 1.2k view à, phải trích một tác giả nổi tiếng, lâu năm, bản lĩnh vững vàng trên Spiderum để bài nó khách quan hơn: anh Vũ Bão Không Hồi Kết.
Bài viết nhiều view nhất - 59 nghìn view - của anh trên Spiderum là Giải trí đến chết: Truyền thông tha hoá kéo theo một thế hệ chó cảnh có 6 nguồn tham khảo, mà đấy là do anh ấy chưa liệt kê gameshow Siêu trí tuệ Việt Nam, nguồn tin nơi Đỗ Nhật Nam nói: “Truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn", sách “Đắc nhân tâm” cùng một vài nguồn khác mà anh ấy nhắc đến trong bài. (Tôi không trách gì anh nhé, tôi có là ai đâu mà nào dám trách gì anh :)) )
Một vài viết khác của anh thu hút hơn 52 nghìn lượt đọc, được chuyển thể thành clip Youtube, tựa đề Đắc nhân tâm: Một nửa sự thật là toàn bộ dối trá, có ít nhất 4 nguồn tham khảo, mà toàn là nguồn chất lượng vì đều là sách xuất bản chứ không đơn thuần là báo chí như những nguồn tôi hay trích.
Tôi định trích thêm bài Cậu Vàng: Thời đại “Thượng Đế” trở thành một lũ hề với 7 nguồn tham khảo, clip Youtube 54 nghìn view nhưng lại thôi.
À, phải trích thêm tiến sĩ yêu thích của tôi: tiến sĩ Đặng Hoàng Giang với trên dưới 80 nguồn tham khảo cho cuốn “Đại dương đen” - cuốn sách gối đầu giường của những người bị trầm cảm vì đã giúp họ được soi rõ. Gần đây, với động thái đăng hai status về Nhã Nam đầy quyền lực mềm, tiến sĩ Giang đã hành động đúng như cuốn sách đầu tiên ông viết: Bức xúc không làm ta vô can.
Nói thêm về việc đọc thì một trong những cách để viết hay chính là trở thành chuyên gia trong lĩnh vực ấy. Mà để thành chuyên gia uyên bác thì phải đọc nhiều.
Hãy tham khảo hai bài viết sau đây của tác giả Công Quách.
Một là về chủ đề “nghèo thì đừng đẻ”: Sự xung đột diễn ngôn giữa hai thế hệ trong câu chuyện "nín đẻ" của MC Đức Bảo.
Hai là bài mới nhất về chủ đề phát triển bản thân: Tôi đã bắt kịp cỗ máy học tập James Scholz chỉ với một quyển sách.
Quách hỏi tôi rằng vì sao tôi nói bài sau tốt hơn bài trước, tôi trả lời: Bài trước cậu viết như thể kiến thức làm chủ cậu, còn bài sau, là cậu làm chủ kiến thức.
Phải đọc nhiều, viết nhiều rồi người viết sẽ khá lên như nguyên tắc 10.000 giờ của tác giả Malcolm Gladwell. Họ sẽ làm chủ kiến thức.
Cấp độ cao hơn của việc trích nguồn là bạn đánh giá được nguồn ấy có chất lượng hay không, kèm với việc nói được ý chính và nhận xét những gì tác giả viết.
Không biết bạn như thế nào chứ có một thời gian dài tôi đọc mà không biết mình đọc gì. Kiểu như bản thân không tỉnh thức. Giờ thì đỡ hơn rồi. Trải nghiệm nhiều hơn và tỉnh thức nhiều hơn. Lượng đi lên, chất cũng lên theo.
Vậy để đọc, sách nào thì tốt? Câu trả lời là sách giấy vẫn hơn, vì có cả một nghề gọi là biên tập để làm sách chỉn chu. Sách giấy so với những bài báo online cũng như truyện tranh giấy với truyện online, ông tổ Marvel Stan Lee đã bảo rằng:
“Truyện tranh cũng như những bộ ngực, chúng trông tuyệt vời trên máy tính, nhưng tôi thích việc được chạm vào một bộ ngực ngoài đời thực hơn.”
Vậy mà Namanhsuit lại khuyên trong video này rằng anh ta tiết kiệm tiền bằng cách đọc ebook hơn là mua sách thật. Tư tưởng này tôi chịu thua đấy.
Về cách làm sao để đọc được nhiều sách, tôi hoàn toàn đồng ý với những lời Ali Abdaal nói trong video How I Read 100 Books a Year - 8 Tips for Reading More.
Stephen King đã dành 3 trang cuối cuốn “On Writing: A memoir of the craft” để liệt kê những cuốn sách nên đọc để viết hay và giải trí.
Trong bức thư gửi Arnold Samuelson, đại thi hào Ernest Hemingway đã gợi ý những cuốn sách mà người viết nên đọc để trở nên có học thức.
Nếu có gì là điểm chung giữa bác sĩ và Ernest Hemingway thì đó là chữ khó đọc. Tôi copy lại danh sách, thứ mà tôi chỉ biết được ba cuốn số 8, 12 và 14.
1. The Blue Hotel, Stephen Crane
2. The Open Boat, Stephen Crane
3. Madame Bovary, Gustave Flaubert
4. Dubliners, James Joyce
5. The Red and the Black, Stendhal
6. Of Human Bondage, W. Somerset Maugham
7. Anna Karenina, Leo Tolstoy
8. War and Peace, Leo Tolstoy
9. Buddenbrooks, Thomas Mann
10. Hail and Farewell, George Moore
11. The Brothers, Karamazov Fyodor Dostoyevsky
12. The Oxford Book of English Verse
13. The Enormous Room, E.E. Cummings
14. Wuthering Heights, Emily Brontë
15. Far Away and Long Ago, W.H. Hudson
16. The American, Henry James
Trong cuốn sách must-read dành cho người có ngôn từ là cần câu cơm - “Người viết kiếm sống” của nhà văn Hạ Chi, chị ấy cũng dành 3 mặt giấy để viết về những điều bạn nên học, đọc, và xem để làm quảng cáo tốt. (Quảng cáo liên quan đến việc viết sao? Rất mật thiết là đằng khác. Đó là nghề copywriter, nghề chị ấy từng làm để có thể viết sau cuốn sách rằng:
Những đầu sách tôi còn giữ lại sau khi bán gần đây là:
5 của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang.
Bầy cừu xuất chúng - William Deresiewicz ·
Những kẻ xuất chúng - Malcolm Gladwell.
Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản - The Present Writer
Sách của chị Ploy Ngọc Bích
Để yên cho bác sĩ hiền - Bác sĩ Ngô Đức Hùng
Lụa - Alessandro Baricco
Fanfic DBSK
Nội tình của ngoại tình - Esther Perel
Ý nghĩa của sự điên loạn: Cách nhận diện nguồn cơn và xử lý những nỗi đau tinh thần sâu trong bạn - Neel Burton
Sự tò mò: Sống mà không tò mò thì không phải người viết
Sự tò mò của nhà văn Hiền Trang trong cuốn “Quán bar trong bụng cá voi” [6] có thể được thấy trong không chỉ mấy trang đầu tiên: về chuyện chủ đề “biển” bị shadowbanned, chị ấy nghi ngờ từ việc nhà thơ yêu thích “khai tử cái tên Hải Dương và nói “từ nay tôi sẽ là Sơn Dương”, sang việc nhận ra bản tin thời tiết đã bỏ qua thời tiết biển, đến việc đi tìm một loạt phim tài liệu về cá mập bằng cả tiếng Anh nhưng tất cả những gì chị tìm được là loạt video phỏng vấn các doanh nhân Ấn Độ nói về bí quyết làm giàu, rồi đáp án đến với chị khi biên tập viên nói về bản thảo của chị, cuốn mà nhân vật chính là một nhà nghiên cứu về tim cá voi, được nói là bản thảo hấp dẫn, nhưng không được nhận, bởi chủ đề biển đã bị hạn chế ngầm.
(Chị ấy miêu tả cụ thể đến nỗi tôi tưởng là thật, rồi tôi nói chuyện với anh Tornad, hỏi anh biết chuyện “biển” bị kiểm duyệt không, để rồi tự bản thân nhận ra phim “Avatar 2: Dòng chảy của nước” ra mắt có 2 năm trước chứ mấy).
Sách hay và cuốn nha. Nguồn ảnh: https://www.ereviewsach.com/
Chị Ploy Ngọc Bích (hay còn được biết đến với cái tên khác là Head of Content của Techcombank Trần Lê Ngọc Bích hay Lana Tran, người viết của Michelin Guide) mà tôi nhắc ở đầu bài cũng từng viết rằng chị ấy tò mò không biết những điều gì ở sau những ô cửa đóng kín ở Cannes khi đại diện Việt Nam tham dự Cannes Young Lions Competition 2010 ở Pháp (4).
Riêng Taylor Swift trong album mới nhất còn có riêng một bài: I Look in People's Windows.
Nếu không tò mò, bạn không thể nào đào sâu một vấn đề được. Mà viết nông cạn thì viết làm gì, đúng không? Paustovsky từng nói:
“Chi tiết là bụi vàng của tác phẩm”.
Sự tò mò, ham hiểu biết của con người cũng tạo nên một ngành mới đó là SEO - Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm - là một ngành gắn liền với việc viết content.
Công cụ: làm chủ nó, chứ đừng để nó làm chủ mình
SEO: lạm dụng SEO, bài viết sẽ như bánh “xèo”, không thể “sale” người đọc cái gì cả.
Tôi đã viết về SEO như sau trong bài viết: Làm gì khi thần tượng dính “phốt”, bài học từ tài tử Lee Sun Kyun và Tun Phạm
Ai cũng nên biết một chút về SEO. Như bạn thấy, nghề content website trong JD của các công ty thì nó là sẽ content SEO, ở đâu cũng ghi vậy. Tôi học về SEO qua khóa học miễn phí của Hubspot. Vừa học vừa xây website, tôi thấy nó rất hữu ích.
Tuy nhiên, anh dev website nói rằng, SEO là công cụ, em phải phục vụ người dùng chứ đừng chạy theo công cụ, vì chúng thay đổi hằng ngày.
Như mọi người thấy, những tựa đề của kênh 14 -một trong những website nhiều người đọc nhất hiện nay - rất sáng tạo, cuốn hút và dài, nhưng không dài dòng mà lại rất ấn tượng
Ví dụ hai bài viết cho kênh 14 của tôi:
Còn tựa đề chuẩn SEO thì chỉ giới hạn trong 60 – 70 ký tự (bao gồm cả ký tự trắng), bó hẹp sự sáng tạo kinh khủng.
Một checklist SEO của blog như sau, tôi xin lấy ví dụ bài nhiều view nhất blog cá nhân: The Tortured Poets Department: Tuyển tập thi ca sầu muộn về người yêu cũ, và liệu Taylor Swift có đang bị “nghiện” nỗi buồn?
Đây là những chỉ số của công cụ Rank Math SEO, cái mà anh developer web của tôi nói là mang tính tham khảo và hơi cứng nhắc.
Bài này được 90/100 do Rank Math SEO chấm.
SEO cơ bản:
Hurray! Bạn dùng Focus Keyword trong SEO Title.
Focus Keyword được dùng SEO Meta Description.
Focus Keyword được dùng URL.
Focus Keyword xuất hiện trong 10% đầu của nội dung.
Focus Keyword có trong nội dung (hơi lặp lại nhỉ)
Bài viết dài (trên 600 từ) là 3446 từ. Làm tốt lắm!
Phần phụ:
Focus Keyword nằm trong (những) tiêu đề phụ.
Focus Keyword nằm trong alt của ảnh.
(Tạm ổn) Độ dày Keyword Density là 0.73, Focus Keyword và những keyword phụ xuất hiện 25 lần trong bài viết.
URL dài 74 từ. Điểm cộng nhớ!
Tuyệt cà là vời. Bạn link những nguồn khác.
Ít nhất một nguồn ở ngoài xuất hiện trong bài viết của bạn.
Bạn còn link cả bài viết khác trong website của mình, thế là tốt đới.
Bạn chưa dùng Focus Keyword này bao giờ. (Ý là tính mới đó hả?)
Bạn chưa dùng content AI để tối ưu bài viết. (Cả thế giới đang sợ AI thay thế con người thế mà giờ nó bắt tôi dùng AI là có điểm cộng cơ đấy. Chịu!)
Tính dễ đọc của tựa đề:
Focus Keyword được dùng ở phần đầu SEO title.
SEO title của bạn không có con số.
Tính dễ đọc của văn bản:
Bạn có sử dụng Mục lục để chia nhỏ nội dung bài viết.
Bạn dùng những đoạn ngắn (ngắn của nó là 4 dòng)
Nội dung của bạn có chứa hình ảnh và video.
Sau khi tôi bỏ công ra tối ưu SEO của website, kết quả như thế này.
Vậy nên tôi đổi lại title cũ:
Cuốn hơn biết bao.
Tuy vậy, SEO vẫn quan trọng chứ không phải không vì traffic website đến từ nhiều nguồn. Như title cũ của bài viết view cao nhì blog tôi “3 bẫy lừa đảo phổ biến nhất khi đi xin việc” là “Kể chuyện bị lừa khi đi xin việc và suýt nữa tôi đã lọt thêm một bẫy lừa đảo tinh vi”, sau khi SEO, tôi thấy title trực quan và thú vị hơn cả.
ChatGPT: Cái khó thì tự làm chứ đừng phụ thuộc AI
Anh Tornad đã viết rất hay về việc tận dụng ChatGPT để kiếm những nguồn chất lượng trong bài viết: [Nhìn lại năm cũ] Về việc viết một Spidessay. Tôi chỉ xin bổ sung rằng: Hãy bình thường hóa việc sử dụng ChatGPT trong việc viết.
Một độc giả của tôi đã comment:
Nhưng thật ra, trong bài “Khủng hoảng tính nữ - Làm thế nào để được công nhận là một phụ nữ “đích thực” trong thời đại hiện nay?”, có một đoạn tôi đã dùng ChatGPT để viết. Tôi đố vui xem bạn có tìm ra đoạn nào hay không nhé ^^
Advertising Vietnam có một bài viết rất hay: So sánh ChatGPT, Google Gemini và Microsoft Copilot: 3 công cụ AI nổi bật hiện nay
Một người bạn rành công nghệ của tôi, KyNam, có một reels tôi thấy thú vị về AI của Meta với chất lượng có thể làm thay đổi cả cuộc chơi về AI.
Tôi thường sử dụng ChatGPT cho những việc sau:
Dịch văn bản:
Đây cũng là nghề tôi kiếm ra tiền. Với một vị sếp hiện tại, người đã add friend tôi trên Facebook nhưng tôi ngần ngừ không dám accept, tôi phụ anh dịch nội dung từ Anh sang Việt. Việc này tôi dùng ChatGPT, và NHẤT QUYẾT PHẢI dùng kiến thức IELTS 7.5 của tôi check lại trước khi đưa cho anh. Cẩn thận hơn, tôi dùng Google dịch lấy phần dịch tiếng Anh này (đã check) dịch ngược lại bằng tiếng Việt xem kết quả có khớp không.
Nếu bạn hỏi lý do vì sao tôi không dùng Google dịch thì tôi xin trả lời Google dịch máy móc và dịch word by word quá. Tôi cũng hay dùng ChatGPT để tìm từ đồng nghĩa, tra tài liệu, nghiên cứu, giải thích những khái niệm phức tạp và làm một số task đơn giản khác như check xem một câu có đúng ngữ pháp, chính tả không, viết lại một câu cho đơn giản hơn, vậy nên tỉ số là 1 - 0 nghiêng về đội tuyển Mỹ ChatGPT.
Nhưng một trong những điểm yếu của ChatGPT chính là trí nhớ ngắn hạn cực kém, giống như bị Alzheimer. Yếu thì nghe chửi.
Như trong ví dụ này tôi thường xuyên dùng ChatGPT để dịch Anh - Việt nhưng nó không hề nhớ và tự động làm việc đó.
Nên tôi phải thêm việc dịch tiếng anh vào cuối câu (nên thêm đầu câu) để nó cho kết quả như ý.
Nếu bạn nói do câu lệnh của tôi không đúng, thì đúng vậy; thế nhưng, trong cuộc chơi đốt tiền cho AI, việc nhận ra và nhớ thói quen người dùng chính là sự “ăn tiền” và “tinh tế” của máy, mọi người ạ.
Thêm một thứ tôi muốn nói là: Con người còn không tin được nói gì đến một thứ học lỏm loài người là AI. Một ví dụ vui khi tôi mắng ChatGPT.
Tuy nhiên, nói gì thì nói, công cụ AI này đã làm nhẹ gánh cho dân content đi rất nhiều.
“Hoặc là bạn làm chủ nó, hoặc là bạn bị bỏ lại phía sau.”
(Giống như khi tôi thêm nguồn cho những thông tin về anh Hảo Trần, đương nhiên tôi không muốn phải xem hết video. Thay vào đó, tôi đọc nội dung bằng nút “Hiện bản chép lời” trong description của Youtube. Bạn có thể dùng Ctrl + F để tìm kiếm những từ khóa cần thiết. Như việc tôi chỉ nhớ rằng anh Hảo Trần có nói về ChatGPT nhưng tôi làm sao nhớ được video nào. Gõ keyword “Hao Tran ChatGPT” ra mấy video. Tốn 1,2 phút search xem video nào có từ khóa ChatGPT, rồi tôi mới nhớ ra đó là show Dumbbell, một podcast có 6 clip. Thêm vài phút nữa là tìm ra được clip thứ 4, thay vì mấy chục phút ngồi xem tất cả video.
Một công cụ khác là Monica, AI của Windows, với nút “summarize video” ở góc phải màn hình Youtube, tôi chưa dùng, nhưng bạn có thể dùng thử)
Hiện tại người ta thậm chí còn bán khóa học viết prompt cho ChatGPT để đầu ra của nó cho chất lượng như ý.
Một chị sếp khác của tôi dùng ChatGPT để phân tích vấn đề vì não chị ấy bị kích thích quá độ (overstimulated) khi phải xử lý quá nhiều đầu việc.
Tiktoker Anh Sắc Ánh Marketik dùng ChatGPT để tạo ra những video 10k view hay thậm chí là 100k view như sau.
Nói tóm gọn lại, hãy xem mình là một senior (intern), khi intern ChatGPT cho ra kết quả, việc của bạn là kiểm tra và đánh giá xem thành phẩm chất lượng hay không trước khi nộp cho sếp. Mà để có đủ năng lực supervise intern thì senior intern phải có năng lực và kinh nghiệm thì mới thẩm định được.
Tin tưởng hoàn toàn intern xong rồi nghiệm thu task không ổn, lỗi là do bạn chứ ở ai vào đây.
Bởi vậy tôi hoàn toàn đồng ý rằng viết luận mà dùng AI nhiều quá bị chửi là đúng nhé. Có một sự khác biệt lớn giữa tối ưu và lười biếng
Libgen: Khi người viết nghèo nên không tôn trọng bản quyền của người viết giàu hơn
Thẻ Xanh đã giới thiệu tôi với Libgen, bạn thân của kẻ nghèo, ham học hỏi nhưng hụt tài chính. Chỉ riêng bài viết này, tôi đã tải “Hội hè miên man” và tuyển tập truyện ngắn của Hemingway, “Feel Good Productivity” của Ali Abdaal, “On Writing” của Stephen King cùng nhiều quyển sách khác. Nếu tính giá sách hiện nay là 1 đến 2 trăm nghìn đồng, chỉ riêng bài này, libgen đã giúp tôi tiết kiệm ít nhất 3 trăm nghìn đồng chỉ bằng vài cú click.
Nhưng như vậy là không tôn trọng bản quyền tác giả. Gần đây, tôi thấy được vài tựa sách trên Libgen đã bị cấm, chứng tỏ việc bảo vệ bản quyền đã chặt hơn, vậy nên mọi người tranh thủ và hãy trân trọng sách nhé.
Google: Bạn của mọi nhà
Chị Hiền Trang đã viết rất hay về Google trong cuốn “Quán bar trong bụng cá voi” [7]:
"Không, tôi không phát âm sai, tôi đã học từ Google và Google thì luôn đúng, nếu không phải luông thì cũng là tiệm cận của luôn, người ta luôn nghĩ rằng tôi là một nhà văn lắm chữ thiên kinh vạn quyển vì khả năng liên tưởng từ cuốn này qua cuốn khác, từ nhân vật này qua nhân vật kia như đi tàu điện ngầm phóng veo veo từ Paris sang Zurich, nhưng thực ra tôi chỉ Google.”
Canva: thứ nằm giữa Paint và Photoshop
Canva hiện tại là một kỹ năng không thể thiếu của người làm content, bởi một bức tranh bằng nghìn lời nói.
Khi tôi hỏi sếp tôi rằng sao chị không mua ChatGPT 4 bằng những người bán dạo như thế, chị ấy trả lời: Nó lấy dữ liệu của em đấy. Chị làm với khách hàng lớn thì cần bảo mật.
Đây cũng là một điều các bạn nên lưu ý: Cái gì cũng có giá của nó. Khi nghèo bạn có thể mua dạo các công cụ giá rẻ trôi nổi trên mạng. Nhưng càng chuyên nghiệp hơn, bạn càng cần bảo mật dữ liệu của mình. Về độ quan trọng của dữ liệu, hãy tham khảo scandal năm 2015 khi Facebook bán dữ liệu 87 triệu người dùng cho Cambridge Analytica, làm ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (5). Có thể nói, Trump lên ngôi một phần nhờ sự hám tiền của Mark Zuckerberg, dẫu phần lớn là do chính sách bảo vệ quyền của dân Mỹ gốc và giới tính cũng như scandal về email của Hillary Clinton.
Chăm chỉ: Chịu thương chịu khó sẽ ló cái khôn
Bài viết rank 1 SEO từ khóa “quy trình xuất bản sách” đã mô tả như sau:
“Xuất bản sách là cả một quá trình phức tạp bao gồm nhiều công đoạn và thường được triển khai bởi một nhóm các chuyên gia với kiến thức ở những lĩnh vực khác nhau và kiến thức chuyên môn ngành sách.”
Anh Anh Tuấn Lê, một chuyên gia về tuyển dụng và hướng nghiệp, có bằng Thạc sĩ Quản trị nhân sự tại Đại học Massey, New Zealand đã chia sẻ rằng:
“Thường sau khi gửi bản thảo, bạn sẽ chờ phản hồi từ ban biên tập của nhà xuất bản. Nếu ban biên tập đồng ý hợp tác, bạn sẽ nhận được hợp đồng để ký rẹt rẹt mỗi bên giữ hai bản và bắt đầu chỉnh sửa lại sách. Việc chỉnh sửa này mất bao lâu và sửa bao nhiêu lần thì – hên xui, tùy chất lượng của nội dung bạn viết, tùy vào tiến độ làm việc của nhà xuất bản. Kinh nghiệm cá nhân của mình là, nhanh nhanh thì cỡ 2 tháng, chậm chậm thì 6 tháng – 1 năm đến vô tận.” [9]
Việc xuất bản sách không dành cho người thích kiếm tiền kiểu ăn xổi ở thì hay bất cứ ai muốn từng chữ mình bỏ ra ngay từ đầu phải có ROI cao hoặc ngay lập tức. Nói rộng ra, nghệ thuật không dành cho người lười biếng. Để ăn cắp, thậm chí hiện nay còn phải siêng, đầu tư một hệ thống đàng hoàng.
Để kiếm được tiền từ nghệ thuật, như mọi ngành nghề kiếm tiền chân chính khác, bạn phải chuẩn bị chạy một cuộc đua lâu dài.
Taylor Swift “thai nghén” con của “ai đó”, à không, cô ta đùa đấy, nhìn mặt bạn đi kìa, cô ấy “thai nghén” The Tortured Poets Department trong hai năm, cùng lúc vừa chạy The Eras Tour, tái thu âm 1989 (Taylor’s version), chia tay Joe Alwyn, hẹn hò với Matty Healy rồi Travis Kelce, trở thành tỷ phú đầu tiên kiếm tiền thuần túy bằng âm nhạc, đứng đầu danh sách người nổi tiếng trong việc thải CO2 của Yard.
Tiến sĩ Giang xuất bản cuốn “Bức xúc không làm ta vô can” năm 2015, “Thiện, ác và smartphone” năm 2017, “Điểm đến của cuộc đời” năm 2018, “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” năm 2018, và cuốn mới nhất, “Đại dương đen” năm 2021. Vậy là, đều như răng lược, cứ 1-2 năm ông xuất bản một cuộc sách, bằng với tỷ lệ ra album gần đây của nữ tỷ phú họ Swift (6).Dẫu rằng gần đây thì tỷ lệ đó đã kéo dài thành 3 năm do năm 2023 ông chưa ra sách.
Youtuber Ali Abdaal, trước khi xuất bản cuốn Feel Good Productivity, đã từng nói rằng tốc độ đánh máy của anh là 140 - 155 từ trên phút (gấp đôi tôi rồi đấy) vậy nên viết một cuốn sách chắc cũng không tốn bao nhiêu thời gian nhỉ. Rất nhanh chóng, anh nhận ra đó là một sai lầm nghiêm trọng vì cuốn sách ngốn của anh tận 3.5 năm hahaha 🙂 Tốc độ gõ là chuyện rất nhỏ của việc viết sách, bởi viết là tư duy, đầu vào cần tích lũy qua năm tháng mới ra được cuốn sách chất lượng, chứ không phải gõ chữ vô tri đơn thuần.
Về tính nguyên bản (originality): dành cả tiếng trích nguồn để tránh cả đời mang tiếng đạo văn.
Chị The Present Writer có hẳn một video clip về vấn đề đạo văn.
Một công ty về nội dung mà tôi ứng tuyển cũng từng sa thải nhân viên vì họ đạo văn, dẫu người đó có trích nguồn. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là trích nguồn, vấn đề là sản phẩm bạn thì phải có gì đó là CỦA BẠN.
Bàn về sự nguyên bản, anh Lucas Luân Nguyễn đã nói rất hay trong video với anh Linh Vetter:
“Một trong những điều mà những người mới đặt chân vào ngành sáng tạo nội dung hay cả những người đã có thâm niên trong nghề hoặc thậm chí chính anh cũng đã từng mắc phải đó là chúng ta đang sống trong một thế giới mà không có cái gì là “original” nữa cả, không có điều gì là độc bản, nguyên bản nữa. Thế giới của chúng ta bây giờ là thế giới của liên văn bản khi mọi thứ đều ít nhiều qua lại với nhau. Đó là lý do tại sao xuất hiện một ngành học rất hay trên đời là Văn Học Dẫn Luận So Sánh (Comparative Literature). Đó là ngành học nghiên cứu sự giao thoa và sự ảnh hưởng đến nhau giữa các tác phẩm, trường phái và văn hoá, văn bản. Chính ngành này đã dẫn đến ngành học Chuyển Thể và Cải Biên (Adaptation) [...] Vì vậy, những nhà làm sáng tạo khi mới vào nghề thường mắc phải những câu hỏi như: Tại sao tôi làm cái này mà sao giống cái kia quá? Điều này cho thấy chúng ta bị quá khó chấp nhận rằng ta không có cái độc bản của chính mình. Theo anh, điều này là thứ dẫn đến sự khủng hoảng của rất nhiều người khi họ không tìm thấy cái mới, không đem đến giá trị mới và mang cái hình bóng gì đó nó đã có rồi. [...]
Tuy nhiên, anh Lucas nghĩ: Chúng ta cần phải chấp nhận trên đời không còn thứ gì nguyên bản nữa hết, tất cả những câu chuyện trên đời ít nhiều đều đã được kể, quan trọng là người nào có vốn coi nhiều hơn, họ có vốn kể chuyện hoặc nghe câu chuyện nhiều hơn thì họ sẽ dễ dàng nhận ra cái mẫu thức đó hơn. [...] Anh nghĩ, ở thời đại bây giờ, tính độc bản nằm ở nhiều nghệ sĩ tính khác nhau để tạo ra một thứ mang tính độc bản chứ chúng ta không thể định nghĩa tính độc bản là thứ mới lạ hoàn toàn mà chưa từng có trước đây.”
Như vậy, như thế nào là học hỏi, là khiêm tốn, là tôn trọng? Đó là khi bạn trích nguồn và đừng ra vẻ uyên bác rằng bạn biết tất cả mọi thứ trên đời.
Bởi theo anh Tornad, đó là tư duy bài trí thức.
Mời bạn đón đọc phần 2 sẽ sớm ra mắt: Bàn về việc viết, phần 2: Quá trình viết vừa khổ vừa vui, lại lắm vấn đề dẫu không phải 9 tháng 10 ngày
CHÚ THÍCH CUỐI BÀI:
(1) Tôi nhớ rõ câu nói này do chị viết trên Facebook cá nhân nhưng không tài nào kiếm lại được vì nguồn nội dung trên Facebook của chị quá nhiều dẫu tôi đã lướt từ năm nay đến mấy năm trước.
(2) Nguyên văn lời Haruki Murakami: “I myself, as I’m writing, don’t know who did it. The readers and I are on the same ground. When I start to write a story, I don’t know the conclusion at all and I don’t know what’s going to happen next. If there is a murder case as the first thing, I don’t know who the killer is. I write the book because I would like to find out. If I know who the killer is, there’s no purpose to writing the story.”
(3) Nguyên văn lời Gertrude Stein: “I write for myself and strangers. The strangers, dear Readers, are an afterthought.”
(4) Blog chị ấy có vấn đề nên tôi không trích nguồn được.
(5) Clip trong bài này kết thúc bằng việc đặt dấu chấm hỏi về mối liên hệ giữa Cambridge Analytica với chiến thắng của Trump, nhưng tôi tin là có, bởi sự tàn ác của những người có nguồn lực xem sự riêng tư của người khác là cỏ rác. Ơn trời là cái công ty chết tiệt ấy đã phá sản.
(6) Tên album và năm phát hành của Taylor: Album 1, Taylor Swift (2006); 2, Fearless (2008); 3, Speak Now (2010);4, Red (2012); 5, 1989 (2014); 6, Reputation (2017); 7, Lover (2019); 8, Folklore (2020); 9, Evermore (2020), 10, Midnights (2022); 11. TTPD (2024)
PHỤ LỤC THAM KHẢO:
[1] “Động Lực Bên Trong và Động Lực Bên Ngoài: Điều Gì Tốt Hơn Với Nhân Viên?” JobsGO Blog, 30 Nov. 2021, jobsgo.vn/blog/dong-luc-ben-trong-va-dong-luc-ben-ngoai/. Accessed 25 Apr. 2024.
[2] “A Room of One’s Own.” Gutenberg.net.au, 2020, gutenberg.net.au/ebooks02/0200791h.html#ch1. Accessed 25 Apr. 2024.
[3] “Why I Write | the Orwell Foundation.” The Orwell Foundation, 3 June 2011, www.orwellfoundation.com/the-orwell-foundation/orwell/essays-and-other-works/why-i-write/. Accessed 25 Apr. 2024.
[3] Records, EvB. “Đâu Muốn Sống Lâu (#DMSL) - B Ray X Young H (Prod. ThaiBeats).” YouTube, 16 Aug. 2018, www.youtube.com/watch?v=M95nKxgfJDc. Accessed 25 Apr. 2024.
[4] “Động Lực Bên Trong và Động Lực Bên Ngoài: Điều Gì Tốt Hơn Với Nhân Viên?” JobsGO Blog, 30 Nov. 2021, jobsgo.vn/blog/dong-luc-ben-trong-va-dong-luc-ben-ngoai/. Accessed 25 Apr. 2024.
[5] “Động Lực Bên Trong và Động Lực Bên Ngoài: Điều Gì Tốt Hơn Với Nhân Viên?” JobsGO Blog, 30 Nov. 2021, jobsgo.vn/blog/dong-luc-ben-trong-va-dong-luc-ben-ngoai/. Accessed 25 Apr. 2024.
[6] Hiền Trang. Quán bar trong bụng cá voi, Nhà Xuất bản Văn học, 2023.
“Sách Dài Bao Nhiêu Là đủ? - IPub.vn.” Ipub.vn, 2018, ipub.vn/news/sach-dai-bao-nhieu-la-du. Accessed 25 Apr. 2024.
[7] Hiền Trang. Quán bar trong bụng cá voi, Nhà Xuất bản Văn học, 2023.
“Sách Dài Bao Nhiêu Là đủ? - IPub.vn.” Ipub.vn, 2018, ipub.vn/news/sach-dai-bao-nhieu-la-du. Accessed 25 Apr. 2024.
[8] “Quy Trình Xuất Bản Sách Tại Việt Nam Từ A-Z.” Squirrel Rights Agency, 2019, squi-agency.vn/blogs/tin-tuc-trong-tuan/quy-trinh-xuat-ban-sach-tai-viet-nam. Accessed 25 Apr. 2024.
[9] “Làm Sao Để Xuất Bản Một Cuốn Sách Cho Riêng Mình?” Anh Tuan Le, Anh Tuan Le, 8 Apr. 2020, anhtuanle.com/2020/04/08/xuat-ban-sach/. Accessed 25 Apr. 2024.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất