Chết không đáng sợ, mục đích sinh ra của con người là dần dần đi đến cái chết. Điều đáng sợ là ở giữa sinh và tử, con người ta đã làm được những gì. 

Trần Mưu đã mở đầu cho bộ truyện như thế. Bằng cách đưa ra câu hỏi muôn thuở cho cái ý nghĩa sinh tồn của con người. Rốt cục thì vì sao bản thân tồn tại? 
Phải chăng đó là vì ta sinh ra vì một mục đích lớn lao cao cả hơn, hay căn bản sinh mệnh không có hàm ý gì. Ta chỉ đang làm điều ta cho là nên làm. Thời thế thì phải thế thời. 

Càng là người có tài trí thì câu hỏi này càng hóc búa. Là thời thế tạo anh hùng hay anh hùng tạo thời thế. Là ta đang thay đổi thế giới hay thế giới đang thay đổi ta.
Mà anh hùng trong chiến tranh có thật sự là anh hùng hay không? Hay thực ra họ cũng chỉ như những con buôn chiến tranh, được dựng lên, mạ vàng bởi lớp vỏ nhân nghĩa trí dũng của miệng lưỡi thế gian.
Hung hăng chém giết, mấy ai hiểu cái đau của thiên hạ?
Mải miết thể hiện tài trí, mấy ai quan tâm nỗi đau của nhân dân?
Phải chăng tự tư, tự lợi chính là bản tính con người. Đứng trước danh lợi , phải chăng nhân nghĩa đạo đức chỉ lời nói của những kẻ hoang tưởng. 
Trước nay chỉ có những kẻ đi "trục lộc" để có thiên hạ, chứ có mấy ai vì bảo vệ thiên hạ mà "trục lộc". Phải chăng đời vốn là sân chơi của kẻ mạnh. Thời loạn lại càng là nơi thích hợp để phô diễn tài trí.
Sáu vị kỳ nhân trong Bát Kỳ xuất sơn có lần nào là không kinh thiên động địa. Có lần nào là không máu chảy thành sông. Ấn tượng nhất phải là Quách Gia. Lặng lẽ một lời vạn cái đầu rơi xuống.


Đọc thêm:

Thế mà trong cái thời đại "Người không vì mình, trời tru đất diệt" đó , lại có gã khờ Thất Kỳ chịu xuất sơn vì bá tánh.

Gia Cát Lượng xuất sơn không vì danh, cũng chẳng vì lợi. Không phải vì lập nghiệp, cũng chẳng phải vì thể hiện tài học.... Đơn giản là ông không chịu được con đường máu mà Quách Gia xây dựng ở Từ Châu. Con đường bá nghiệp được dựng nên bởi máu của bá tánh vô tội. 
Theo lối thực dụng, thì cách suy nghĩ này có phần ngây thơ. Máu sẽ luôn đổ khi con người ta muốn giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực. Đặc biệt là trong chiến tranh, khi mà " Binh Dã quỷ đạo dã". Vốn không có giới hạn nào trong chiến trận. Trên chiến trường, sinh mạng đáng quý, nhân từ với địch là tàn nhẫn với chính mình. Giữa sống và chết của ta và địch - người vô tội đứng sai chỗ cũng thành có tội. 
Nhưng với thất kỳ, trắng là trắng mà đen là đen, là người thì không phải là quạ. Mà người thì có đại nghĩa. Là không lấy hoàn cảnh ra để ngụy biện cho mọi hành động của mình. Đại trượng phu có cái nên làm có cái không nên làm.
Bản thân câu hỏi con đường ta đi là ô uế bỉ ổi, hay là một con đường đại nghĩa, đã sinh ra mâu thuẫn vô tận và huyết lệ.
Lão sư từng nói… đại nghĩa là một khái niệm mơ hồ. Cho nên trong Bát Kỳ không có một ý niệm chính thống nào cả…
Thánh nhân dạy gì, mình học đó… Hiện thực dạy gì, mình lĩnh ngộ đó…
Cũng có lúc chân lý và hiện thực rẽ hai lối khác nhau…
Trong chân lý có một trung thần vì quốc gia vong mạng.
Trong hiện thực có một đống chuẩn vĩ nhân gầy dựng cơ nghiệp từ loạn lạc
Thắng thua của những vụ xung đột quyết định cách viết tiếp của lịch sử
Định nghĩa của chân lý cứ mơ hồ như thế…
Gần gũi với thánh hiền, hiện thực càng mỏng manh…
Gần gũi với hiện thực, thánh hiền trở nên quá nhỏ nhoi
Câm lặng, hỏi trời xanh… Trời xanh lạnh lùng cười nhạo thế gian

Mâu thuẫn chính là thực tại

Giữa thời kỳ Hán mạt, là "Phá" hay là "Giữ" nhà Hán là mâu thuẫn thời đại của kẻ sĩ bấy giờ. 
Kẻ "Phá" thì cho rằng cột kèo đã nát, dù tu bổ thế nào cũng chỉ là một căn nhà sắp đổ, đã có lòng muốn thay đổi thiên hạ, thì cần gì quan tâm đến ánh mặt thiên hạ. Tiên loạn hậu trị. Cái gọi là cải cách thì phải triệt để. Muốn cứu thiên hạ thì phải giết cả thiên hạ.


Đọc thêm:

Kẻ "Giữ" thì cho là "Phò Hán, mục đích chỉ là để làm tấm gương cho hậu nhân, ngăn chăn kẻ mượn việc hoán đổi triều đại để sát sinh". Bởi vì nhà thì phải có gốc. Bởi vì ""Kẻ bề trên mà không làm gương, dù có kiến lập được hoàng triều cũng không duy trì được lâu, chiến loạn cũng sẽ quay trở lại"
Ai đúng ai sai ? Là nhìn thấu thực tại và tương lai, hay chỉ đang lừa người, dối ta bằng lý tưởng của mình? 
Sự thật là sức người có hạn và tương lai thì bất định. Điều ta nghĩ, đoán có thể đúng, có thể sai. Điều duy nhất ta có thể làm là tin vào mà mình cho là đúng, tiếp tục tiến bộ và bước về phía trước.
Cho dù :
...người không cam tâm làm lá xanh trong thiên hạ...
...cuối cùng cũng không thể đem hoa trồng khắp thế gian...
Cũng không hề chi.
Có lấy trứng chọi đá cũng không hề gì.
Được sống và chết với lý tưởng của mình giống như là 1 đứa trẻ tắm mưa. Dù biết sẽ bị ốm nhưng vẫn muốn thử 1 lần