Tối 13/1/2024, mạng xã hội lan truyền câu nói “Nếu đứa con sinh ra để kế thừa sự vất vả, nghèo đói của bạn, vậy không sinh con cũng là một loại lương thiện”. Câu nói này đã làm nổi lên làn sóng dư luận trái chiều.
Nguồn: Báo Dân Việt.
Nguồn: Báo Dân Việt.
Nhóm đồng tình cho rằng nếu sinh con mà không chuẩn bị gì về mặt kinh tế cho đứa trẻ thì không thể sinh con. Thậm chí, một số người không muốn sinh vì sợ con trẻ trải nghiệm cuộc sống đau khổ như họ.
Ngược lại, một nhóm khác lại phản đối vì phát ngôn này dễ gây hiểu lầm cho người có mức thu nhập trung bình và thấp, họ cho rằng “chẳng lẽ, người nghèo không có quyền làm cha mẹ?” “Mỗi người có quan điểm về sinh con khác nhau, không có đúng sai. Tuy nhiên, vấn đề con cái không nên đưa ra bàn luận vì nó nhạy cảm”…
Theo những gì tôi tìm hiểu được, thì MC Đức Bảo không phải là chủ nhân câu nói trên, và anh ta không có chủ ý xúc phạm người nghèo mong muốn có con. 
- Đầu tiên, ekip fanpage của anh ta không ghi rõ nguồn câu nói “không sinh con cũng là một loại lương thiện”. Thực tế cho thấy, câu nói này xuất phát từ bài viết đăng vào đầu năm 2023 trên tờ 163 của Trung Quốc, chủ nhân câu nói trên là nhà văn Trương Ái Linh. 
- Thứ hai, điều MC Đức Bảo thực sự muốn nói là mỗi cặp đôi và mỗi gia đình phải nghiêm túc với quyết định sinh con. Không nên để con trẻ rơi vào tình trạng bị bỏ rơi, hoặc không tạo điều kiện học tập cho con trẻ.
Như vậy, nguyên nhân dẫn đến vấn đề tranh cãi là do ekip của MC Đức Bảo đã trình bày diễn ngôn sai lệch với tư tưởng thật sự của anh ta. Đương nhiên, đây không phải là quan niệm gì mới của giới trẻ. Từ năm 1960, cụ Thu Giang đã nói rằng "các cặp đôi phải chuẩn bị kinh tế tối thiểu trước khi lấy nhau, mà đã cưới là phải sinh con". Chưa hết, "người nghèo túng mà lo cho con cũng là kẻ còn có lương tâm". [1]
Trên thực tế, câu nói “không có kinh tế thì đừng đẻ con”, hay “nghèo đừng nên có con”, đã cháy âm ỷ và gây tranh cãi trên các post FB từ năm ngoái. Còn MC Đức Bảo chỉ là nạn nhân cho làn sóng tranh cãi này mà thôi.
Tóm lại, đây là dấu hiệu khơi mào cho một diễn ngôn kiểu mới của giới trẻ nhằm chống đối lại tư tưởng kiểu cũ của cha mẹ chúng. Một đằng nín đẻ chờ cơ hội tốt để sinh sản, còn một đằng đòi đẻ vì cho rằng có con là hạnh phúc trời ban.

ĐẠO ĐỨC SINH CON THUỘC VỀ AI? 

Trong cuộc tranh cãi trên, tôi sẽ chia họ ra làm 3 nhóm chính: 
- Nhóm đầu tiên là nhóm chủ nghĩa phản sinh, chọn lối sống Double Income No Kids làm hạnh phúc.
- Nhóm hai "nín đẻ chờ cơ hội tốt để sinh em bé". 
- Nhóm ba “tôi yêu trẻ, mặc dù nghèo nhưng phải có con, và tôi nỗ lực hết mình vì hạnh phúc của con cái”.
Tôi đã cân nhắc thêm nhóm thứ tư, những người trình độ văn hoá thấp, sinh con ra để làm công cụ lao động, và không có trách nhiệm cho con ăn học. Tôi nghĩ là nhóm này không cần được đánh giá đạo đức.

Nhóm 1: Chủ nghĩa phản sinh.

<i>Nguồn: </i>LinkedIn
Nguồn: LinkedIn
"Chủ nghĩa phản sinh" (Antinatalism) là một căn bệnh đến từ những người mang tư tưởng què quặt, bắt nguồn từ nỗi đau tâm lý thời thơ ấu. Họ thường viện dẫn nhiều triết lý về đau khổ để chứng minh sinh con là sai trái về mặt đạo đức.
Đầu tiên, họ chọn ngừng sinh sản đối với bản thân, và cho rằng tất cả loài người cũng nên dừng việc duy trì nòi giống để mang lại lợi ích to lớn hơn cuộc sống.
Thứ hai, việc không sinh con sẽ giúp cho trái đất không bị tàn phá, vì loài người là sinh vật làm hủy hoại tự nhiên nhiều nhất.
Cuối cùng, họ viện dẫn triết lý Phật giáo, Kito giáo, hay là Stoicism để chứng minh thế giới này là bể khổ. Nếu các tu sĩ, giáo chủ không sinh đẻ, thì họ cũng không sinh đẻ.
Nhưng chủ nghĩa phản sinh đã hiểu sai. Hạnh nguyện không sinh con của tu sĩ Phật giáo là đi tìm chân lý, và dục giới là một trở lực lớn trên con đường đi tới chân lý là trải nghiệm Niết Bàn.  
Thực tế thì trước khi xuất gia, Tất Đạt Đa đã hoàn thành nghĩa vụ làm cha. Cho nên cư sĩ tại gia Phật giáo bị cấm tà dâm nhưng được phép chính dâm, nghĩa là người đã có gia đình thì phải tuân thủ tình yêu chung thủy một vợ một chồng, và chuyện có con là nhân duyên.
Nếu nói rằng không sinh con để tránh né khổ đau cho đứa trẻ, thì Phật giáo không đồng tình. Họ cho rằng đau khổ là thứ cần phải đối diện. Vì Tứ Diệu Đế yêu cầu Phật tử phải chấp nhận Khổ Đế để thấy đời là bể khổ. Nhờ đó, người ta đi đến Tập Đế, Diệt Đế và cuối cùng là Đạo Đế.
Công giáo nói chung nghĩ gì? Thiên chúa của họ ngay từ đầu đã khuyến sinh chứ không muốn phản sinh. Bằng chứng là nằm ở SÁNG THẾ KÝ 9-7:
Vậy, các ngươi hãy sanh sản, thêm nhiều, và làm cho đầy dẫy trên mặt đất
Đối với Stoicism, Thánh Đế Marcus cho rằng logos ban cho ông ta đau khổ, thì đau khổ chỉ là liều thuốc giúp cho ông ta mạnh mẽ hơn. Mặc dù ông có quan niệm cực đoan khi coi thường cảm xúc ái dục, nhưng Marcus có tới 13 đứa con với hoàng hậu Faustina trẻ. Như vậy, việc không sinh con để tránh đau khổ cho đứa trẻ sẽ không tồn tại trong Stoicism.
Tóm lại, chúng ta có thể thấy những lời biện minh của chủ nghĩa phản sinh dựa trên các tôn giáo công nhận khổ đau của trần gian là không hợp lý. Thế thì nguyên nhân nào đã làm họ ghét trẻ đến vậy?

Chủ nghĩa phản sinh có liên kết với chứng thái nhân cách và chủ nghĩa xảo quyệt (Machiavellianism).

Theo bài viết của cựu giáo sư triết học đại học Oxford - John Thomson trên tạp chí Bigthink.
“Mặc dù đúng là chủ nghĩa phản sinh là một quan điểm ngoài lề - cả trong dân chúng nói chung và trong các khoa triết học - nhưng nó đang gia tăng . Chúng tôi có một câu trả lời. Theo một nghiên cứu từ năm 2020 , “Những đặc điểm tính cách bộ ba đen tối của chủ nghĩa xảo quyệt và chứng thái nhân cách có liên quan chặt chẽ với quan điểm chống chủ nghĩa sinh sản”. Nói cách khác, những người có đặc điểm “bộ ba đen tối” có mối quan hệ tương quan với những người tin rằng việc sinh con là trái đạo đức.”
Ông cũng cho rằng, ba nhóm kể trên có thể không có mối liên hệ nhân quả nào với nhau. Có nghĩa là thái nhân cách thì chưa chắc gì là người thuộc chủ nghĩa phản sinh, chủ nghĩa xảo quyệt không dẫn đến chủ nghĩa phản sinh, và chủ nghĩa phản sinh cũng không sinh ra thái nhân cách và chủ nghĩ xảo quyệt. Mà ba nhóm này đều bắt nguồn từ nguyên nhân chính duy nhất, đó là bệnh trầm cảm.
Nguồn: Verywell Health
Nguồn: Verywell Health
Tóm lại, tôi đã làm rõ chủ nghĩa phản sinh là một tư tưởng què quặt như thế nào. Không phải là họ không có đạo đức, họ chỉ mắc chứng trầm cảm, mà đã là căn bệnh thì có thể chữa được.

Nhóm 2: "nín đẻ chờ thời" và nhóm 3: "đẻ bằng mọi giá".

Nhóm nín đẻ chờ thời đưa ra lý do:
"Thời gian và công sức cống hiến cho tập thể và sự nghiệp cá nhân quá nhiều tới nỗi, tôi không thể chăm lo cho gia đình. Nếu tôi sinh con, tôi bị mất việc. Đến khi sự nghiệp đã an bài thì tôi đã quá độ tuổi sinh con, có nguy cơ sinh trẻ dị tật, hoặc là khó mang thai,…"
Còn nhóm đẻ bằng mọi giá thì cho rằng:
"Sinh sản của con người là bản năng và tôi yêu trẻ. Tôn giáo mà tôi đang theo coi sinh sản là nghĩa vụ thiêng liêng. Đối với quốc gia, tôi coi sinh sản như một nghĩa vụ nhằm chống lại hệ lụy già hóa dân số".
Nhưng theo lập luận của triết gia AXEL HONNETH thì cả hai nhóm đều có đạo đức, vì đây là sự xung đột tất yếu giữa hai hệ diễn ngôn cũ và mới nhằm đòi hỏi sự công nhận của nhau. 
Theo lý giải đó, ông ta cho rằng "nguồn gốc cho sự xung đột xã hội đến từ sự không thừa nhận lẫn nhau của hai bên". Nhưng sự thừa nhận ở đây là gì?
Sự thừa nhận là chúng ta phải khẳng định tất cả đặc thù tính của đối phương.
Ví dụ: Nghèo, xấu, có con,.. hoặc là giàu, đẹp, không con,.. là đặc thù tính
Nếu chúng ta không thừa nhận đặc thù tính của đối phương, họ sẽ đau khổ. Và ngược lại, chúng ta cũng đau khổ nếu đối phương phủ nhận đặc thù tính của chúng ta.
Kết quả, sự xung đột giữa hai nhóm kể trên cũng chỉ là yêu cầu sự thừa nhận lẫn nhau để không bị tổn thương mà thôi.
Nhưng tôi không thích sự xung đột cho lắm, vì đây là thời đại hòa bình lên ngôi. Cho nên tôi muốn bóc tách nguyên nhân tại sao người theo tư tưởng cũ muốn đẻ? Trong khi đó, tại sao giới trẻ ngày nay lại coi sinh đẻ là một gánh nặng và cần phải trì hoãn đến một giai đoạn an toàn hơn?

TẠI SAO THẾ HỆ TRƯỚC ĐẺ NHIỀU?

Tư tưởng con đàn cháu đống của nền văn minh lúa nước.

Vào khoảng năm 10.000 TCN, tổ tiên người Việt trong thời kỳ Hòa Bình đã thuần hóa thành công cây lúa nước.
Trước đó, ở giai đoạn săn bắt hái lượm, du căn du cư. Các bà mẹ không thể đẻ nhiều vì phải di chuyển bắt kịp bầy đàn. Bà ta kẹp thằng cu bên hông phải và cho nó bú đến khi nào nó biết đi. Nhà sử học Jared Diamond cho rằng "các bà mẹ săn bắt hái lượm phải mất 4 năm để đẻ lứa kế tiếp".
Khi các cụ chuyển sang định cư trong các ngôi làng để phát triển nông nghiệp. Vì đã từ bỏ cuộc sống du căn du cư, các cụ đẻ có năng suất hơn với chu kỳ hai năm đẻ một lứa. Các em được cai sữa sớm và chuyển qua ăn bột hoặc cháo nấu lỏng nhằm tạo nên các lực lượng hỗ trợ cha mẹ canh tác nông nghiệp. Giờ đây, những cái mồm háu ăn bắt đầu ngốn hết thực phẩm dư. Cho nên các cụ phải mở rộng đất canh tác.[2][3]
Như vậy, các cụ từ sớm đã coi hạnh phúc là định cư và sinh sản nhiều sẽ gắn liền với mùa màng bội thu. Bằng chứng thuyết phục cho thuyết lịch sử kể trên là chữ Phúc 福 trong Hán tự. Nếu bạn để ý thì chữ Phúc được cấu thành từ:
- Bộ Miên 宀 tượng trưng cho mái nhà.
- Bộ Khẩu 口 tượng trưng cho mấy cái mồm bé bé háu ăn.
- Và bộ Điền 田 tượng trưng cho ruộng đất.
Bằng chứng thứ hai ủng hộ cho thuyết lịch sử kể trên là tín ngưỡng phồn thực. Ở Bắc Bộ vẫn còn tồn tại các biểu tượng “sinh thực khí” trong lễ hội Trò Trám, lễ cầu mưa làng Đồng Kỵ, lễ cầu mưa của dân tộc Lô Lô, và ở miền Trung có lễ “Ri chà nư cành” của dân tộc Chăm.
Cuối cùng, do điều kiện sinh sống thuận lợi, các cô bé bắt đầu có kinh nguyệt sớm hơn so với thời kỳ săn bắn, đây là dấu hiệu một cô bé bị xem là người trưởng thành trong độ tuổi sinh đẻ. Mà đẻ sớm thì càng tốt, vì những đứa trẻ này sẽ đóng góp thêm lực lượng lao động cho gia đình. Kết quả, tục tảo hôn được hình thành. 
Nếu một người phụ nữ đẻ quá nhiều con gái, thì năng suất lao động của gia đình đó sẽ kém. Vì thế, các bậc phụ huynh xem "con gái là con nhà người ta", nên không phân chia tài sản gì cho con gái. Họ xem con gái như một món hàng, rồi bày ra tục thách cưới nhằm tống các “bộ khẩu” có sức lao động thấp sang “bộ miên” hàng xóm bằng cách đổi lại những tài sản phục vụ nông nghiệp như gia súc, gia cầm. Cụ thể hơn, cha của Ngọc Hoa Mỵ Nương là Hùng Vương thứ 15 rất quý con rể Sơn Tinh, vì anh ta có nhiều thú nuôi phục vụ nông nghiệp. Chưa kể đến, nhân vật huyền thoại này là người bảo vệ ruộng đất xuất sắc vì chàng có biệt tài trị thuỷ. Ngược lại, Hùng Vương thứ 18 thì sao? Ông cụ nổi giận đùng đùng sau khi biết tin Tiên Dung Mỵ Nương lấy phải trai nghèo không ruộng nương, không có sính lễ cưới vợ là Chử Đồng Tử.
Với tư tưởng trọng đàn ông khinh phụ nữ, tục tảo hôn, và coi hạnh phúc bằng số con mà họ có. Hủ tục này đã tiếp tục tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử gắn liền với nền văn minh lúa nước Việt Nam. Dẫu biết rằng đẻ nhiều là khổ, nhưng hoàn cảnh chính trị, chiến tranh liên miên, địa lý khắc nghiệt ép buộc các cụ phải đẻ trong giai đoạn Nam Tiến.

Nam Tiến thì phải đẻ, không đẻ thì chết.

Từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 17, người Việt liên tục mở ra làn sóng Nam Tiến bằng bạo lực với các vương quốc phía nam, hoặc là di cư trong hòa bình bằng chính sách khai phá đất hoang, mở rộng bờ cõi. 
Tuân lệnh vua, các cụ đi tới đâu thì định cư bằng nghề nông đến đấy. Và câu chuyện đẻ con đông để phục vụ nông nghiệp hoặc bù quân số vẫn còn đó.
Một yếu tố khác làm cho các cụ không thể thoát ly ra khỏi văn hoá cũ là do địa hình khắc nghiệt của miền Trung. Phía Tây của miền Trung là địa hình núi dốc đứng, còn phía đông là vùng đồng bằng nhỏ hẹp. Điều này, làm cho tốc độ dòng chảy của các con sông chạy theo hướng từ Tây sang Đông nằm ngoài khả năng trị thuỷ của con người. Vì thế khi Nam Tiến, các cụ bị ràng buộc vào chủ nghĩa tập thể nhằm nương tựa vào nhau để sinh tồn. Giả sử có ai đó đi theo chủ nghĩa cá nhân, thì họ cũng bị tập thể coi là kẻ vô đạo đức. Trong tác phẩm Sống Chết Mặc Bay đã nói lên tư tưởng tập thể thù ghét cá nhân vị kỷ như trên.
Cuối cùng, quá trình Nam Tiến đã kết thúc ở thế kỷ 18, khi người Việt và người Hoa cùng nhau khai phá tới vùng cực nam Việt Nam. Nhưng quan niệm về sinh sản vẫn không thay đổi cho đến khi nền văn minh phương Tây chính thức xâm chiếm Đông Dương.
Thế kỷ 20 đánh dấu cột mốc chiến tranh Việt Nam, trong giai đoạn từ 1955 đến 1975, hai miền Nam Bắc đều khuyến sinh nhằm bù đắp tổn thất về người trong chiến tranh. 
Sau chiến tranh Việt Nam, với các nỗ lực đầu tiên trong chính sách kế hoạch hóa gia đình của chính phủ Việt Nam thống nhất. Năm 1975, số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 6,3 con xuống 5,25 con.
Sau 1975 đến năm 2000, chính phủ Việt Nam tạo làn sóng xây dựng kinh tế mới khai phá đất hoang phát triển kinh tế nông nghiệp trên khắp cả nước. Người dân ở vùng đồng bằng sông Hồng di chuyển lên miền trung du Bắc Bộ, miền núi Tây Nguyên, đồng bằng Đông Nam Bộ, và những vùng ven biển. Tương tự như vậy, đối với những thành phần tàn dư của Việt Nam Cộng Hoà, vì lý do chính trị, dân thành thị ở Sài Gòn phải chuyển ra vùng kinh tế mới. Với hai bàn tay trắng, các bác và ông bà của chúng ta vẫn tiếp tục đẻ nhiều để phục vụ kinh tế gia đình. Theo thống kê của chính phủ năm 1990, số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 5,25 xuống còn 3,8.
Cho đến khi trình độ dân trí lên cao bởi chính sách khuyến học, kế hoạch hóa gia đình, bài trừ hủ tục tảo hôn – sinh con nối dõi, công nghiệp hóa nền nông nghiệp… thì tỷ lệ sinh của người Việt Nam bắt đầu giảm. Đến giai đoạn 1991 – 2000, để bắt kịp xu thế của nền kinh tế công nghiệp hóa. Chính sách “mỗi gia đình hai con vợ - chồng hạnh phúc” đã được ban hành. Kết quả là gen X bắt đầu ngán tư tưởng con đàn cháu đống, một phụ nữ chỉ sinh 2,0 con, tức là Gen Y và Z hiện nay đa số là con một hoặc là “nhà có hai anh em”. Dù có muốn hay không, các gia đình gen X cũng không muốn đẻ thêm, vì trong giai đoạn kinh tế hiện nay, gánh nặng kinh tế dành cho con cái đã nhiều hơn trước. Cho đến hiện tại, trung bình một người phụ nữ trưởng thành chỉ có 1,9 lần sinh con.
Tóm lại, thông qua các minh chứng lịch sử. Tổ tiên chúng ta đẻ con không phải để giải trí, mà là để làm giàu, hoặc tệ hơn là vì sự tồn tại của gia đình ở trong thời đại ai ai cũng dựa vào nông nghiệp. Mặt khác, nếu các cụ muốn thoát ra khỏi truyền thống, thì họ sợ không có chỗ dung thân, bởi chủ nghĩa tập thể thời xưa coi thường cá nhân.

GEN Y VÀ GEN Z “YÊU TRẺ - NGẠI SINH CON”.

Thời đại Hư vô.

Trong các buổi thảo luận triết học mà tôi trực tiếp hay gián tiếp tham dự. Tôi nhận ra một điều rằng, những người trẻ đang ngồi nghe ngóng trong hội trường chỉ là những con người mất định hướng trong thời đại hư vô. Các giáo sư triết học trong các buổi thảo luận đã nói: "Giới trẻ ngày nay bắt đầu quan tâm tới triết học, tôn giáo, tâm lý học nhiều hơn thế hệ trước".
Nhưng tại sao lại như vậy?
Giáo sư Nguyễn Hữu Liêm nói về tự do của con người ở thế kỷ 21.
Từ cuối thế kỷ 20 trở về trước, con người luôn được định hướng bởi tôn giáo với sự hứa hẹn về thế giới bên kia. Những phong trào triết học khai sáng, những cuộc cách mạng, chiến tranh ý thức hệ vạch ra những phương hướng để cho con người chiến đấu và phát triển. Tất nhiên, thế hệ trước đã đấu tranh giành giật lấy những gì mà họ không có và coi đó là hạnh phúc trọn vẹn. Sau đó, họ để lại toàn bộ di sản cho bọn trẻ như chúng ta: nữ quyền, tự do dân tộc, tự do dân chủ, bình đẳng giới, tự do cá nhân, chủ nghĩa xã hội,… Nhờ đó, các bạn trẻ được giải phóng ra khỏi những tư tưởng kiểu cũ, họ không bị ràng buộc trách nhiệm với bất cứ thứ gì. Nói trắng ra là không mục tiêu nào đáng giá để thế hệ trẻ đấu tranh.
Hiện tại, một cuộc chạy đua kinh tế tới chết đang diễn ra đối với Gen Y và Gen Z. Mà như Karl Jaspers đã than thở rằng:
Con người có cảm tưởng như mình chỉ còn là một bánh xe đang chờ đợi được ráp vào một bộ máy khổng lồ nào đó. Đứng lẻ loi, họ không còn đáng giá gì cả và cũng không còn biết làm gì nữa. Và đôi khi nếu có tự ý thức được một giây lát, thì lập tức “ông khổng lồ” của thế giới này lại tóm cổ họ và lại đem họ ráp vào bộ máy nghiền nát.
Họ bị thúc đẩy bởi những mối quan tâm bên ngoài như tiền bạc, danh tiếng, hình ảnh. Trong khi thời gian dành cho cá nhân và sự liên kết cộng đồng ngoài đời thực bị giảm sút trầm trọng. 
Kết quả, ngày càng xuất hiện nhiều cá nhân hướng nội tự xưng. Họ lúc nào cũng suy nghĩ, trăng trở vì chẳng biết mình là ai. Họ bắt đầu chậm lớn về mặt tâm lý, để rồi quyết định sống chậm hơn, đầu tư vào các ngành dịch vụ chăm sóc tâm lý nhiều hơn. Tất nhiên, họ cân nhắc nhiều hơn về mọi việc trước khi đưa ra quyết định, và ngay cả việc sinh sản cũng thế: “Tôi đã đau khổ rồi, liệu con tôi có sướng gì khi tôi chưa có đủ kinh tế?” 

Gánh chịu nền kinh tế trong giai đoạn suy thoái.

Trong quá khứ, các cụ ở châu Âu đã thi đua phát triển công nghiệp hóa với mong muốn bắt máy móc ra làm nô lệ, kèm theo đó là những cuộc đình công đòi tăng lương giảm giờ làm. Nhờ đó, chúng ta có ngày chủ nhật để dành cho bản thân, và lịch làm việc tám tiếng đáng giá. Nhưng cho đến lúc này, di sản đó là quá xa xỉ với giới trẻ. 
Thứ nhất, ngày làm 8 tiếng chỉ nằm trong mơ. Do áp lực làm giàu quá nhanh chóng bởi tham vọng chạy đua kinh tế với phương Tây. Giờ làm nơi công sở ở Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc không giảm, đã thế còn tòi ra cái văn hóa chết tiệt 996 – làm từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, liên tục 6 ngày trong tuần. Thậm chí nhiều người còn không biết trên tấm lịch của mình tồn tại ngày Chủ Nhật hay không.
Thứ hai, trong cuộc đại suy thoái kinh tế do hậu quả của đại dịch covid, thế hệ trẻ chưa kịp cống hiến gì cho tập thể thì bị đá đít ra khỏi công ty. Số nợ sinh viên chưa trả hết, trong khi giá nhà đất tăng lên do nạn đầu cơ bất động sản. Cho nên vấn đề an cư lạc nghiệp đang nằm ngoài tầm với của người trẻ.
Thứ ba, bài ca than thở lương đi ngang nhưng vật giá leo thang trong nhiều năm trước vẫn tiếp tục tiếp diễn ngay lúc này:
- Giờ thêm gánh nặng mơ hồ trong tương lai, khi các em phải nuôi cha mẹ mình và cả cha mẹ người khác. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ quan ngại: trong tương lai, một người trẻ phải nuôi 4-5 người già.
Hiện tượng chậm đẻ này rốt cuộc bắt nguồn từ lý tưởng không còn hợp thời của thế hệ trước. Bây giờ, thời đại của sự hư vô đã đến, muốn thoát khỏi sự chán chường thì sự chăm chỉ, sự phát triển bản thân phải được ưu tiên. Muốn có gia đình hạnh phúc, họ phải có sự nghiệp và nhiều tiền. Để đổi lại những điều trên, họ trả giá bằng thời gian của tuổi thanh xuân. Giới trẻ sẽ không còn thì giờ kết nối với gia đình và xã hội nữa.
"ai mà không muốn đẻ"
Giả sử, hai thế hệ này cứ chạy mãi cho đến khi không còn một mục tiêu vật chất gì nữa. Họ sẽ giật mình nhận ra bản thân đã quá độ tuổi sinh sản. Đồng thời, bạn bè, anh chị em và mối quan hệ xung quanh ít nhiều đã có con. Áp lực đồng trang lứa sẽ xảy ra, vậy là một cuộc khủng hoảng hiện sinh mới lại bắt đầu.

ĐÃ ĐẾN LÚC CHÍNH PHỦ VIỆT NAM PHẢI TOÁT MỒ HÔI HỘT. 

Bạn biết loài cá betta không? Đặc điểm sinh sản thú vị của loài này là nếu điều kiện môi trường nhân tạo không an toàn, thì chúng không chịu sinh sản. Giới trẻ cũng vậy, chúng đang hoặc là sắp nín đẻ.
Tất nhiên, công dân trẻ không đẻ là một nỗi sợ hãi của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Vì già hoá dân số đem đến cho quốc gia đó rất nhiều hệ luỵ: Thứ nhất, quốc gia đó sẽ thiếu hụt lao động dẫn tới suy thoái kinh tế. Thứ hai là tăng gánh nặng ngân sách cho lương hưu và y tế khiến người dân phải đóng thuế nhiều hơn. Thứ ba, suy yếu tiềm lực quốc phòng, kèm theo đó là những cuộc xâm lăng không cần súng đạn của sắc dân nhập cư làm biến mất bản sắc văn hoá dân tộc bản địa… và còn nhiều hậu quả khác nữa.

Chủ nghĩa cá nhân chân chính là giải pháp.

Ai cũng muốn mình trở thành Socrates khiếm khuyết còn hơn là biến thành một con heo hoàn hảo.
–Nishida Kitaro-
Thế thì giải pháp ở đây là gì? Không còn gì khác ngoài chủ nghĩa cá nhân, nhưng nó không phải là chủ nghĩa khoái lạc lợi kỷ - đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu và chà đạp lên lợi ích của người khác.
Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc người trẻ đang đề cao chủ nghĩa cá nhân, vì hệ tư tưởng này chống đối chủ nghĩa tập thể - một tư tưởng tàn dư của Nho giáo trong văn hóa công sở. Tất nhiên, chủ nghĩa cá nhân đang được bọn họ phát huy, nhưng nó là một tư tưởng bị họ bẻ què quặt thành chủ nghĩa khoái lạc lợi kỷ. Thực trạng ở đây là những lối sống quái dị như tích trữ rác thải trong nhà, tin vào tôn giáo quái thai, coi sự khoái lạc nhục dục làm thú giải trí, và một thế hệ chuột túi – nằm yên – thức khuya đang trả thù đời.
Nếu thủ lĩnh triết học Kyoto - Nishida Kitaro có đội mồ sống dậy. Chắc có lẽ, ông ta sẽ lắc đầu ngao ngán và thuật lại những gì ông đã viết:
“Giống như những con heo hoàn hảo chạy theo dục vọng vật chất, chúng ta không thể phân biệt tính cá nhân của những con heo này”
Theo triết học Kyoto.
"Chủ nghĩa cá nhân không phải là chủ nghĩa lợi kỷ, lấy khoái lạc ích kỷ cá nhân làm mục đích. Chủ nghĩa cá nhân là sự kết hợp giữa cá nhân và tập thể. Chỉ khi mỗi cá nhân sống trong một xã hội đều có thể hoạt động một cách trọn vẹn, mỗi người đều được phát huy tài năng thiên bẩm của riêng mình, xã hội mới có thể tiến bộ. Xã hội xem nhẹ cá nhân chắc chắn không thể nói là một xã hội kiện toàn". [4]
Cá nhân muốn hoàn thiện nhân cách, đạo đức thì phải cần tới tình yêu, vì:
“Gia đình là cấp bậc đầu tiên mà nhân cách chúng ta phát triển ra xã hội. Mục đích nam nữ kết hợp để trở thành gia đình, không chỉ nhằm duy trì nòi giống con cháu đời sau, mà còn hoàn thiện nhân cách thông qua tình yêu. Nam nữ vốn là một thể, hai yếu tố đó kết hợp với nhau mới tạo nên một con người hoàn chỉnh”. [5]
Tất nhiên, cá nhân nằm trong gia đình là tế bào của xã hội. Nhân cách của gia đình là nhân cách của quốc gia[6]. Nên quốc gia không được vứt bỏ cá nhân:
Mục đích tồn tại của quốc gia chân chính không phải là những thứ mang tính vật chất và tiêu cực như: quốc phòng trong phương diện đối ngoại, bảo hộ tài sản quốc gia hay sinh mệnh quốc dân trong phương diện đối nội,  hay là coi tập thể làm ưu tiên rồi vứt bỏ cá nhân. [7]
Nhưng ông cũng cho rằng các quốc gia ngày nay chưa đạt được điều đó, vì chủ nghĩa thế giới chưa hình thành[8]. Đồng thời, mục đích của chủ nghĩa xã hội Việt Nam cũng hướng đến một thế giới đại đồng giống như chủ nghĩa thế giới, và nước ta vẫn chưa tới đích đến này.
Tóm lại, điều triết gia này muốn nói là dựa trên công án thiền Bích Nham Lục, tắc 16, của Thiền Tông. Trong đó miêu tả, khi gà con là cá nhân bắt đầu nở, thì gà mẹ là quốc gia không bao giờ can thiệp vào quá trình tự phá vỏ trứng của con, vì đó là tài năng thiên bẩm của gà con. Nhưng gà mẹ sẽ không bỏ rơi gà con yếu đuối đang nằm yên trong trứng. Với bản năng làm mẹ, “bà ta” sẽ mổ vào vỏ trứng, thúc giục gà con yếu đuối tự lực chui ra ngoài.
Như vậy, các quốc gia mà trong đó có Việt Nam, phải ít nhiều xem trọng cá nhân trong thời đại mới, thực tế là chính phủ Việt Nam chưa bao giờ trừng phạt một cá nhân nào nếu họ không sinh con. Nhưng chưa có chính sách nào tạo ra cảm giác đủ an toàn cho các cặp đôi cả. Nếu muốn giới trẻ sinh con theo nguyện vọng của quốc gia, nhằm duy trì dân số vàng, thì quốc gia phải tạo điều kiện thuận lợi hơn, an toàn hơn cho các cá nhân trẻ, đặc biệt là các cặp đôi. Còn nếu không, trong vài chục năm tiếp theo, đa số các cặp đôi sẽ “tịt ngòi” vì không còn thời gian dành cho bản thân và gia đình nữa.

Giấc mơ Work-Life Balance.

Ở châu Âu, các quốc gia đã gánh chịu già hoá dân số trong thời gian dài, nhưng họ đã bắt đầu lắng nghe cá nhân nhiều hơn. Với những gì tôi tìm hiểu được, thì quốc gia Thuỵ Điển có tiêu chuẩn tương đồng với triết lý Kyoto:
- Đầu tiên, quyền bình đẳng giới cho phép lực lượng lao động nam nữ được cân bằng. Ngoài ra, người dân có quyền cân bằng công việc với cuộc sống gia đình nhờ vào các dự án tăng năng suất lao động - giảm giờ làm.
- Thứ hai, các bà mẹ hoặc ông bố đơn thân được phép nghỉ thai sản có lương bổng trong vòng 480 ngày. Nếu là các cặp đôi, thì mỗi người được nghỉ luân phiên và hưởng 240 ngày có lương. Nếu đứa trẻ được sinh ra từ năm 2016 trở đi, mỗi phụ huynh có 90 ngày nghỉ dành riêng cho trẻ sơ sinh. Theo thống kê thì các ông bố Thuỵ Điển cũng khoái chăm con, họ chiếm khoảng 30% tổng số ngày nghỉ thai sản.
- Thứ ba, chi phí cho học tập không còn là gánh nặng. Trẻ em Thuỵ Điển được miễn học phí từ 6 tuổi đến 19 tuổi.
- Thứ tư, chi phí cho các phụ huynh sinh đẻ thấp, vì các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ Thuỵ Điển đã được nhà nước trợ cấp.[8]
- Thứ năm, trẻ em được phát triển trọn vẹn thiên bẩm của mình theo quan điểm của triết học Kyoto. Triết lý giáo dục Scandinavia đã đề cập như sau: "Trẻ em tiến bộ dựa trên tốc độ của riêng mình. Mỗi đứa trẻ là cá nhân duy nhất và nhận được sự quan tâm từ giáo viên dựa trên mức độ trưởng thành của trẻ. Mỗi đứa trẻ sẽ được nhận công việc phù hợp của mình theo trình độ lớp học".[9]
Còn chúng ta có gì? Chỉ là bài ca than thở gánh nặng sinh con hoặc chỉ trích sự trốn tránh trách nhiệm lập gia đình của Gen Z và Gen Y mà thôi.

KẾT.

Như vậy, tôi đã làm rõ, vì sao giới trẻ ngày nay bắt đầu mở mồm phát ngôn những câu xúc phạm gia đình nghèo khó. Lỗi không phải ở họ, mà thời đại mới buộc họ phải nói ra hệ diễn ngôn của riêng mình. 
Điều mà tôi làm ở bài viết này cũng chỉ là nỗ lực đính chính lại hệ diễn ngôn của thế hệ mới.
Để trả lời tư tưởng của họ là gì, tôi đã trình bày triết học Kyoto đã thiết kế con đường cho thế hệ mới của Nhật Bản ra sao. Nhưng thế hệ mới đã không làm được, bởi vì tàn dư Tân Nho Giáo đang bó buộc tư tưởng của họ.
Trong cái thời mà Việt Nam đang trên đà chạy đua bắt kịp các nước châu Á phát triển. Hàng ngày hàng giờ, truyền thông Việt Nam trên mọi phương diện đều hướng ánh nhìn sang giới trẻ Nhật - Trung - Hàn để xem: họ đang bị què quặt về mặt tư tưởng, và nương tựa vào lối sống quái thai như thế nào. Tất cả những búa rìu dư luận này là để đánh lạc hướng, và cho ta nhìn ngắm đau khổ của người khác, với mục đích nâng cao lòng tự tôn dân tộc. Nhưng ai biết được!? Cứ chê đi! Cứ tự tôn đi! Có khi chúng ta đã đi vào bãi lầy của Nhật - Trung - Hàn rồi đấy!
P/s: Dành tặng chị Lâm Duệ Nghi.

Nguồn tham khảo.

[1]Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Thuật yêu đương – Chương 5. Phần B.2. Nhân sinh quan, NXB. Văn Học, 2006.
[2] Jared Diamond, Súng, vi trùng và thép - Chương 4. Sức mạnh của nhà nông, Nxb. Thế Giới.
[3] Yuval Noah Harari, Nguyễn Thuỷ Chung (dịch), Sapiens: Lược sử về loài người - Chương 5. Sự lừa dối lớn nhất trong lịch sử, Nxb. Tri Thức, 2017.
[4],[5],[6],[7] Nishida Kitaro, Nguyễn Mạnh Sơn (dịch), Cái thiện - Hành trình kiếm tìm tự ngã chân chính, Nxb. Tổng hợp Tp HCM, 2021, tr.137. tr.232. tr.237 - tr.239.
[8] In Sweden, it's possible to combine career with family life. Here's why, Sweden Sverige, 2024, [https://sweden.se/work-business/working-in-sweden/work-life-balance]