Đến hẹn lại lên, mấy hôm nay dân tình lại loạn lên vì bộ phim Cậu Vàng chuyển thể từ truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao. Các lí luận mà lần này đám đông dùng thật ra không hề mới mẻ, chúng đều là bài cũ xào lại và đều đã được tôi chỉ ra từ bài viết 2 năm trước (Cậu Vàng: Thời đại khán giả nhảy lên làm Thượng Đế). [1]
Còn nhớ bài viết gần nhất của mình được đám đông ủng hộ, tôi đã nói với bạn bè rằng mỗi khi bị đám đông ủng hộ thì tôi cảm thấy mình đang sai. Bởi xưa giờ hầu hết bài viết của tôi đi ngược đám đông, điều này không phải vì tôi cố ý ngược dòng, mà chỉ vì đám đông quá tồi tệ và điên loạn đến mức họ luôn ra phán quyết ngược lại với cái đúng.
Đến mức mà gần đây tôi đã chủ động tạo ra một thí nghiệm nhỏ với đám đông để mong là mình sai, để tôi vẫn có lí do tin rằng đám đông khôn, thế nhưng kết quả vẫn xảy ra không ngoài dự đoán của tôi.
Chủ đề bài viết này sẽ nói về đám đông dựa trên điển cứu Cậu Vàng gần đây; và thay vì sử dụng những thí nghiệm trong sách vở, lần này tôi có thí nghiệm do chính mình tạo ra; tất cả cho thấy tính ngu dốt, điên loạn, côn đồ được đám đông đội lốt bằng lòng yêu nước như thế nào.


I. THƯỢNG ĐẾ, HAY LÀ LŨ HỀ?



1. Các luận điệu cũ rích của “Thượng Đế”

Nói về chủ đề này tất nhiên không thể không nhắc đến bài viết từ 2 năm trước của tôi: Cậu Vàng: Thời đại khán giả nhảy lên làm Thượng Đế. Bài viết ấy ra đời khi bộ phim chưa có poster, trailer hay ảnh tạo hình nhân vật gì cả. Tất cả chỉ có thông tin rằng chú chó diễn vai Cậu Vàng là chó shiba (Nhật). Và điều đó đủ khiến đám đông lên đồng một mẻ ra trò.

Ở bài viết ấy tôi nói ngắn gọn rằng:
•     Chưa biết vào phim con chó sẽ được hoá trang để giống chó cỏ hay không, nên hãy đợi đến khi có tạo hình rồi hẵng chửi.
•     Chưa biết bộ phim có phải là hài nhảm bôi bác hay không, nên hãy đợi đến khi có thông tin về nội dung rồi hẵng chửi.
•     Tất cả tin gầm giường (đạo diễn đi đêm với chủ chó shiba; đạo diễn dùng chó cỏ để đóng thế những cảnh cậu Vàng bị đánh đập) nên xác minh rõ ràng rồi hẵng chửi.

Ảnh trên là câu trả lời điển hình tôi nhận được từ đám đông, vẫn ở thời điểm 2019 chưa có thêm thông tin gì từ phim.
Hài hước ở chỗ bây giờ là 2021, khi đoàn làm phim đã tung ra rất nhiều thông tin bác bỏ, nhưng đám đông vẫn ôm mãi mấy luận điệu cũ, mà không thể tự nhận ra những luận điệu đó vừa ngây ngô vừa vô căn cứ.
•     Người trong ảnh hùng hồn nói rằng có video và ảnh bằng chứng nhưng sau 2 năm ròng rã họ vẫn chưa đưa nổi cái video lên, trong khi bên làm phim đưa teaser, trailer, clip phỏng vấn HLV cho chó v.v. đủ cả. Về cơ bản, nếu không tự chứng minh được thông tin kia, chúng sẽ chỉ là tin giả (fake news).
•     Xem ảnh tạo hình cho thấy rõ ràng con chó đã không còn vẻ mặt “cười  hềnh hệch” nữa rồi. Tôi không quan tâm người ta “khâu ngắn bớt miệng”, hay “nhấn mí mắt” hay “CGI” gì cả, tôi chỉ quan tâm đến sản phẩm. Trong xã hội chuyên biệt hoá, đừng dạy chuyên gia phải làm gì với chuyên môn của họ.
•     Về lòng hận thù quân Nhật, đây là luận điệu kích động thường gặp nhất, nhưng mỗi tội là vô căn cứ, tôi sẽ nói ở phần sau.
Ảnh từ clip phỏng vấn HLV cho chó của đoàn làm phim
Ảnh con shiba bị buộc mõm, buộc mõm là việc khó chịu với chó, người ta đã làm thì cho thấy thông tin dùng chó cỏ ăn đòn thay rõ là tin giả. Chắc tôi không cần phải nói là không đoàn làm phim nào điên đến mức đánh thật khi diễn nhỉ? Con chó bị đánh thật có thể cắn lại, mà người ta dắt chó theo để đóng phim chứ không phải để đánh nhau rồi tốn công băng bó, tiêm dại.

2. Những cái nực cười của lũ hề

Sau khi teaser bộ phim được lên mạng, dư luận đã có ý kiến đa chiều, người thì nói con shiba đã giống chó cỏ, người thì nói chưa giống. Trong khi trên FB có ý kiến đa chiều thì tôi phát hiện diễn đàn VOZ có ý kiến đồng nhất hơn – đồng nhất về tính điên loạn và thượng đẳng – các vozer cho rằng con shiba không hề giống chó cỏ, nó có cái hình dáng khác mà FBker ngu si không thấy chứ vozer toàn người trưởng thành thấy ngay.
Tôi quyết định tạo một thí nghiệm xem trí tuệ của vozer có thật được như vậy hay không.
Biếm hoạ phản ánh dư luận hồi đó. Ảnh: Tuoitrecuoi
Thí nghiệm đối chứng là dạng thí nghiệm chia đối tượng làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất đối tượng nhận can thiệp của người làm thí nghiệm, gọi là nhóm can thiệp; nhóm thứ hai đối tượng không nhận can thiệp thật sự, gọi là nhóm đối chứng. Sau đó bằng việc quan sát phản ứng của hai nhóm, người làm thí nghiệm dùng đó để xác định mối quan hệ nhân-quả của việc can thiệp và việc phản ứng.
Thí nghiệm đối chứng là thí nghiệm có giá trị về mặt khoa học và vẫn thường xuyên được dùng, ví dụ như trong y học, nhóm can thiệp được điều trị thật và nhóm đối chứng được điều trị giả (placebo) để từ đó giới khoa học xác định rõ việc điều trị thật có hiệu lực như thế nào.
Gần gũi với lĩnh vực nghệ thuật, chúng ta có Gs âm nhạc David Cope với phần mềm sáng tác nhạc cổ điển tên là EMI (Experiments in Musical Intelligence - Thí nghiệm về trí tuệ âm nhạc). David Cope gây ra nhiều tranh cãi trong giới nhạc khi phần mềm của ông sáng tác nhạc như người thật, nó đánh vào lòng tự tôn của con người rằng làm nghệ thuật là việc máy móc không thay thế được con người.
Những người đã biết bản nhạc do EMI sáng tác đều đưa nhận xét rằng tuy nó xuất sắc nhưng vẫn thiếu cái hồn, cái tình, và những cái mơ hồ tương tự, những cái… không thể kiểm chứng được. Ta coi đây là nhóm can thiệp.
Nhưng khi David Cope nhận lời thách đấu của Gs Steve Larson, cho nhạc công chơi 3 bản nhạc lần lượt do Larson, Bach và EMI sáng tác, rồi để giảng viên âm nhạc tự nhận xét bản nào do ai sáng tác. Larson tin rằng con người thừa thông minh để “vạch mặt” bản nhạc do máy sáng tác. Thế nhưng kết quả bỏ phiếu: khán giả tưởng nhạc của EMI là của Bach, nhạc của Bach là của Larson, và nhạc của Larson là của EMI. Ta coi đây là nhóm đối chứng. [2]
Tôi cũng thí nghiệm tương tự như vậy với vozer. Ta cùng xem.
Ảnh gốc (trái) và ảnh dàn dựng do tôi ghép trên nền khác
Yêu cầu của thí nghiệm là đối tượng tiếp cận một sản phẩm tương tự nhưng không được can thiệp để tạo định kiến cho đối tượng.
Tôi thực hiện bằng cách lấy nguyên xi tạo hình cậu Vàng từ đoàn làm phim để ghép vào phông nền khác. Ảnh cậu Vàng tôi chỉ phản chiếu gương (để khiến đối tượng khó liên tưởng đến ảnh gốc) và giảm độ sáng (cho khớp với nền mới) mà thôi, không chỉnh sửa gì hết.
Câu chuyện dàn dựng do tôi bịa ra (cosplay vozer giống đến từng lỗi chính tả)
Tiếp theo, để tạo sự tương đồng với phim Cậu Vàng, đó là kể một câu chuyện với con chó là nhân vật chính. Nhân vật chính chứ không phải tất cả, một bộ phim mà chó là tất cả thì chỉ có phim tài liệu về chó thôi. Và đối tượng được tiếp cận là vozer – rất khôn và trưởng thành, như họ tự nhận.

Sau đây là kết quả thí nghiệm:
Thí nghiệm diễn ra trong hai ngày với 88 người tham gia. Thí nghiệm đã kết thúc vào 31/12/2020. Nói như vậy để chặn trước anh chị nào vào đào bới còm ngược lại để cố lật ngược kết quả, thực tế thí nghiệm được chính tôi can thiệp bằng cách nói cho vozer biết vào ngày 31/12 rồi.
Có 5 người thấy nó giống shiba. Bao gồm cả người đang nghi vấn lẫn người khẳng định.
Có 21 người thấy nó giống chó cỏ. Bao gồm cả người đang nghi vấn, khẳng định lẫn những người nêu ra đặc trưng của chó cỏ như dễ nuôi, giá trị thấp và hợp để thịt.
Có 62 người không quan tâm con chó mà chỉ bình luận về nội dung câu chuyện.
Không một ai biết đây là ảnh ghép hoặc chỉ ra cái ảnh có chi tiết gì bất thường.
Còm khẳng định là chó cỏ và chê xấu, rất hợp với bối cảnh chó quê trong  phim. Nếu ai thắc mắc vì sao người trong ảnh tự nhiên chửi càn thì đừng  lấy làm lạ, tôi đã bảo điên loạn là đặc trưng của vozer rồi
Kết luận:
Thứ nhất, số người tưởng con shiba là chó cỏ nhiều gấp nhiều lần những người thấy ra sự thật nó là shiba. Điều này không có chút gì giống với tính thượng đẳng mà các vozer tỏ ra cả, nhưng nó rất giống với đánh giá và dự đoán của cá nhân tôi, đó là tạo hình của bộ phim tương đối đạt khi hô biến ngoại hình shiba thành chó cỏ.
Thứ hai, số lượng áp đảo (62) trong thí nghiệm thuộc về những người quan tâm đến câu chuyện hơn là quan tâm đến con chó thuộc giống gì. Điều này là lành mạnh, bởi nó cho thấy nhóm đối chứng tư duy một cách tự nhiên sẽ khác với nhóm can thiệp tư duy một cách định kiến như thế nào. Bởi như đã nói, bộ phim đó là một câu chuyện với chó là nhân vật chính, chứ không phải là tất cả. 
Một người xem phim lành mạnh cố nhiên sẽ chia đều sự tập trung cho tất cả những gì có trong phim thay vì chỉ tập trung soi mói con chó, và miễn là con chó không mang những đặc điểm quá kì dị như 6 chân 2 đầu 4 đuôi, thì không mấy ai săm soi làm gì. Những người săm soi một con chó trong bộ phim không phải phim tài liệu về chó, họ còn có thể là ai ngoài những người đầu óc méo mó bị nhồi đầy định kiến trong tư duy?
Thứ ba, cái ảnh tôi ghép vốn không phải một sản phẩm toàn hảo, nếu chịu khó soi kĩ sẽ thấy nhiều chỗ ghép lỗi. Thế nhưng không một ai phát hiện điều bất thường về cái ảnh ghép, việc này càng củng cố thêm quan điểm về một khán giả lành mạnh khi tiếp cận sản phẩm sẽ khác một khán giả bệnh hoạn như thế nào.

Nói tóm lại, thí nghiệm này, dù không đạt mức lí tưởng và chuyên nghiệp, nhưng cũng cho chúng ta thấy những cuộc lên đồng kéo dài 2 năm qua thực chất chỉ là ảo tưởng bệnh hoạn của một đám đông khát máu luôn muốn tạo ra nạn nhân.
Đám đông ấy chưa bao giờ thông minh, bất kể việc họ luôn tự nhận là thông minh, là trưởng thành, là thượng đẳng.


II. LÒNG YÊU NƯỚC, HAY LÀ TÍNH BỆNH HOẠN?



Không biết từ bao giờ và vì lí do nào đám đông đang dần đồng nhất việc tẩy chay một bộ phim với lòng yêu nước. Họ hành xử như thể bộ phim đó là một cái gì đó phản quốc, tôn thờ ngoại bang.
Nhưng hãy nhìn vào sự thật, bộ phim này đều do người Việt làm, từ nguyên tác cho đến làm phim. Nếu nó thành công thì người Việt hưởng, thất bại thì người Việt chịu. Con chó gốc Nhật vốn dĩ do người Việt nuôi và huấn luyện, nó diễn tốt hay không cũng đều quy trách nhiệm vào người Việt cả. Tóm lại không hề thấy có yếu tố ngoại quốc xen vào đây.
Xuất xứ của con chó là yếu tố quá nhỏ, bởi quan trọng là công làm chứ không phải xuất xứ. Nó cũng nhỏ như thể xuất xứ của máy quay phim, phần mềm kĩ xảo đều là của nước ngoài, nhưng không ai thấy xấu hổ về điều đó cả vì chúng được người Việt sử dụng. Mấu chốt ở đây là đã tôn thờ chủ nghĩa dân tộc thì tôn thờ đến cùng, chứ đừng tôn thờ nửa mùa, bằng cách đập bỏ máy quay ngoại, tự làm máy quay nội, chẳng hạn vậy.
Cạnh đó lòng hận thù dành cho phát xít Nhật ở đấy cũng rất bất thường và trái tự nhiên, bởi bộ phim này không hề ca ngợi người Nhật, con shiba mà thành công thì là công lao của người Việt, cũng như bộ phim này vốn dĩ không phải phim kích động hận thù. Việc lôi lòng hận thù vào đây về cơ bản là chủ nghĩa dân tộc bị kích động đến mức méo mó và không chính đáng.
Nhưng có lẽ đám đông đang gào rú không thật sự có tinh thần dân tộc đến thế (bởi những sự thiếu hiểu biết sẽ được dẫn bên dưới), họ chỉ đội lốt nó để che lên nguyên nhân sâu xa cho mọi cuộc chửi rủa: tính khát máu.
Hai diễn viên này không phải người Mĩ gốc Ý, nhưng dư luận Mĩ không vì thế mà lên đồng
Tiện nói về chủ nghĩa dân tộc trong phim ảnh. Hãy nhìn các ví dụ như phim Bố Già, Vito Corleone vốn là người Mĩ gốc Ý nhưng hai diễn viên thủ vai đó là Marlon Brando và Robert De Niro hoàn toàn không có gốc Ý, và tuyệt không thấy người Ý lên đồng khi hai diễn viên nhận tượng vàng Oscar.
Lại nói về nhân vật gốc Mĩ trong phim của Mĩ làm nhưng lại được người ngoại quốc thủ vai; đó chính là phim The last of the Mohicans, nhân vật Uncas là người Mĩ bản địa nhưng được Eric Schweig, một diễn viên lai người Canada, thủ vai.
Hay phim The lone ranger, nhân vật thổ dân Tonto nổi tiếng do Johnny Depp, một người không phải người bản địa Mĩ, thủ vai. Nên nhớ hai phim trên, một bắt nguồn từ nguyên tác văn chương kinh điển, một khai thác hình tượng nổi tiếng của người bản địa Mĩ, thế nhưng không có cuộc lên đồng nào nổ ra ở Mĩ cả.
Diễn viên động vật thì chúng ta có The Call of the Wild bản 1972 người ta dùng chó German Shepherd đóng vai Buck, trong khi nguyên tác Buck là chó St. Bernard. Còn phiên bản năm 2019 thì trớ trêu hơn nữa, không có con chó nào đóng vai Buck cả.
Tôi biết một số anh chị sắp sửa lôi dàn diễn viên toàn người Anh của phim Harry Potter vào, với lại phim Hachiko, nhưng chính sự hiếm hoi của những phim như thế này càng củng cố cho sự phổ biến của những phim kia. Nó chỉ càng cho thấy rằng nếu chọn diễn viên thuần chủng được thì tốt, không thì cũng không sao, rất khác với kiểu không được thì khóc lóc ăn vạ như trường hợp cậu Vàng.
Có ai định lên đồng vì không có chó cỏ ở đây không?
Nhắc đến ngành nghề cần huy động những chú chó thông minh thì không thể thiếu ngành cảnh sát. Tôi tự hỏi những người ngày đêm kêu gào rằng chó cỏ khôn không thua chó ngoại khi hay tin chó nghiệp vụ đều là chó ngoại thì sự thật phũ phàng này có khiến tâm hồn mỏng manh của họ bị rạn vỡ không?
Sau đây chỉ là những thực kiện thuần tuý: German Shepherd là giống chó phổ biến nhất để làm cảnh khuyển VN, thứ đến là Belgian Shepherd, các vị trí sau đó thuộc về các giống Rottweiler, Labrador Cocker. Không thấy nguồn tin chính thống nào cho thấy chó cỏ đủ điều kiện làm cảnh khuyển cả. [3]
Nguồn tin kiểu “Tony quen người bạn có con chó cỏ khôn như cảnh khuyển” với lại “Hôm qua hàng xóm nhà Tony thấy chó cỏ được vào đội cảnh khuyển” tất nhiên không phải nguồn tin chính thống, nó là ngồi lê đôi mách.

Gần đây tôi thấy có người đăng video huấn luyện chó của một chiến sĩ công an và nói là nhà làm phim không biết để tuyển. Tôi vào kênh Youtube ấy xem thử thì mới vỡ lẽ ra chiến sĩ công an đang dạy con chó mà họ tung hô cũng chính là người huấn luyện chó cho đoàn làm phim. Anh ấy là Thiếu tá Hà Xuân Hoàng và anh ấy có hẳn một video phỏng vấn do chính đoàn làm phim làm. [4]
Điều này cho thấy đám đông không hề biết cái gì cả, họ lẫn lộn một cách buồn cười giữa “phe ta” và “phe địch”, họ thậm chí không biết đâu là luận điểm có lợi hay có hại cho họ, họ thậm chí còn không biết họ đang chống lại cái gì. Họ hồn nhiên tung một luận điểm tự thể hiện cái dốt của mình và coi đó như là một chiến thắng.

Lại nói về cảnh khuyển, thiết nghĩ những người muốn tôn thờ chủ nghĩa dân tộc đến cùng, chứ không phải tôn thờ nửa mùa, thì cũng nên lên đồng với ngành công an và dạy dỗ lại các chiến sĩ công an cách huấn luyện chó mới đúng, giống như cách họ dạy dỗ đoàn làm phim cách huấn luyện chó (mà thật ra trong đoàn làm phim có sự tham gia của công an rồi).
Còn nếu đã tôn trọng tính chuyên môn của mỗi ngành nghề trong xã hội thì đừng dạy cả công an lẫn đoàn làm phim về cách họ làm công việc chuyên môn của họ. Tôi nhắc lại câu đã nói, trong xã hội chuyên biệt hoá, đừng dạy chuyên gia phải làm gì với chuyên môn của họ.


III. YÊU VĂN CHƯƠNG, HAY LÀ YÊU CHỬI CÀN?



1. Gia đình Nam Cao ủng hộ dự án phim

Bên cạnh việc đội lốt lòng yêu nước, đám đông đang táo tợn đến mức lôi cố nhà văn Nam Cao ra để lấy cớ cho họ chửi rủa. Nam Cao đã mất rồi, chúng ta không bao giờ có thể biết ông nghĩ gì về bộ phim chuyển thể này.
Ý kiến của đám đông chưa bao giờ đáng được coi là một cái gì đó xứng tầm với ý kiến của giới văn sĩ, thật ra thì giới văn sĩ thường đưa ý kiến ngược lại với đám đông mới đúng, trường hợp bộ phim Chúa tể những chiếc Nhẫn bị gia đình Tolkien chỉ trích sẽ mãi mãi là dẫn chứng nặng kí cho vấn đề này.

Nhưng cụ thể trường hợp Cậu Vàng thì sao, gia đình nhà văn Nam Cao nói gì? Đây là câu trả lời.
Nguồn được để cuối bài. [5]
Sỉ nhục hay không là chuyện chỉ đương sự hoặc thân nhân của đương sự mới có tư cách phán xét, và con gái nhà văn Nam Cao ủng hộ dự án này. Vấn đề này có lẽ chỉ cần nói như vậy là đủ.

2. Cậu Vàng trong nguyên tác “béo trùng trục”

Có thể nói rằng nhiều người không bao giờ có khả năng cảm thụ văn học. Bởi để cảm thụ được trước hết người ta cần đọc và hiểu đúng cái tác giả viết, rồi sau đó dựa trên thông tin đúng ấy mới bắt đầu hiểu theo cách riêng của mình.
Nhưng rất nhiều người đọc nghệ phẩm với cái đầu định kiến kiểu người đã nghèo thì chó ắt phải gầy, và họ cứ thế tưởng tượng ra con chó gầy, bất cần biết tác giả viết gì, mà dù có viết gì cũng bất cần hiểu.

Nhưng đây là câu trả lời, trích trong Lão Hạc của Nam Cao.
Thông tin sách ghi cuối bài [6]
Ngoài ra, thông tin thêm là ban đầu nhà lão Hạc nuôi con Vàng vốn để thịt, con lão mua về vốn để thịt cho đám cưới, nhưng hôn sự không thành, con lão bỏ đi xa, lão cố nhiên trở thành người nuôi con Vàng. Và bằng tâm tính thiện lương, lão yêu nó.
Nhưng nên nhớ dòng văn hiện thực có đặc điểm là không rời xa hiện thực, nên bất kể nhân vật trong truyện là những con người nhân hậu, có trái tim rung động cao như thế nào, hiện thực trong văn vẫn diễn ra như hiện thực bên ngoài.
Cuối cùng lão Hạc vẫn bán con Vàng (để rồi thịt), thay vì gửi ai tốt bụng nuôi thay. Mà thật ra gửi người nuôi thay cũng khó vì xã hội VN bấy giờ nuôi chó trước sau gì cũng thịt mà thôi, điều này được phản ánh qua thoại của nhân vật ông giáo: “Vả lại ai nuôi chó mà chả bán hay giết thịt?” [7] hoặc truyện ngắn Cái chết của con Mực bộc lộ nội tâm của một thanh niên yêu chó nhưng vẫn cứ phải giết ăn.
Nói tóm lại, cậu Vàng béo mới đúng theo nguyên tác.


IV. CHẶN HỌNG



Bằng kinh nghiệm quan sát đám đông, tôi dễ dàng đoán trước những nguỵ luận họ có thể đưa ra, và phần bài (quen thuộc) này dùng để đón trước những nguỵ luận đó.

1. Người viết bài này là seeder của đoàn làm phim, nên bài này không có giá trị.
Trả lời: Tôi không có bất kì liên quan gì đến đoàn làm phim, tôi viết đơn giản vì cái đúng cần được nói lên, mọi nghi vấn dạng này chỉ cho thấy đám đông càng thêm tồi tệ khi họ luôn nghĩ xã hội này mọi thứ được làm vì lợi ích nhóm, thay vì cái đúng. Nhưng mặc cho xung quanh đang ngập ngụa tin giả và chửi càn, tôi tin rằng cái đúng và lí lẽ vẫn ngẩng cao đầu và vẫn được những người tử tế tìm đến và đánh giá bằng bộ não có trí tuệ.

2. Sao người viết không nhắc đến vụ đoàn làm phim chửi khán giả?
Trả lời: Tôi biết vụ này, nhưng không nhắc vì chủ đề bài này không liên quan đến nó, chứ không phải tôi bênh nó. Thực tế tôi đánh giá thấp kiểu chửi nhau tay đôi với đám đông, tôi thích mặc kệ đám đông và lẳng lặng xỏ mũi họ hơn. Nhìn chung tôi ủng hộ nếu có ai viết bài tế sống hành động của đoàn làm phim, hành động đó đáng tế lắm, nhưng tôi không viết bài đó, đơn giản vì chủ đề đó không thú vị, và đơn giản tôi không phải cãi thuê cho đám đông. Ai thích, tự đi mà viết.

3. Tôi tẩy chay phim không cần lí do, viết dài làm gì?
Trả lời: Tôi tôn trọng quan điểm đó, và bài này không liên quan gì đến quan điểm đó hết. Thậm chí ai xem hay không tôi còn không quan tâm, bài này viết về đám đông chứ không viết về phim. Nó phản biện các luận điểm đám đông đưa ra mà thôi. Những người không đưa luận điểm thì vốn không liên quan đến bài này, còn những ai thích “vì, là, tại, bởi” thì bài này là câu trả lời.

4. • Đoàn làm phim dùng chó cỏ để chịu đánh đập thay shiba đấy, người viết phản biện đi.
• Đoàn làm phim đi đêm với chủ chó để có vai diễn đấy, người viết phản biện đi.
• Con chó trong phim trông đặc sệt shiba, không giống chó cỏ tí nào, người viết phản biện đi.
• Con chó cỏ của hàng xóm của anh họ của bạn tôi đi cast giỏi hơn shiba nhưng bị đoàn làm phim loại, người viết phản biện đi.
Phản biện:



[2] Homo Deus: Lược sử tương lai, Yuval Noah Harari, NXB Thế Giới.
[6] Nam Cao – Tác phẩm, Tập 1, trang 156, NXB Văn Học, 1976.
[7] Nam Cao – Tác phẩm, Tập 1, trang 158, NXB Văn Học, 1976.



TORNAD
9/1/2021