[Nhìn lại năm cũ] Về việc viết một Spidessay
Vài kinh nghiệm cá nhân của tôi trong việc viết một Spidessay.
Đây là xê-ri bài “Nhìn lại năm cũ” được tôi bắt đầu khởi xướng từ năm 2020, mỗi năm lên một bài vào 30 Tết âm lịch, với mục đích điểm lại những gì đáng nhớ trong năm vừa qua, đồng thời làm cột mốc đánh dấu số năm tôi viết ở Spiderum.
Thành thật mà nói, nếu không tính các dự án dịch thuật văn chương miễn phí được tôi đăng trên Spiderum, thì năm nay tôi viết khá ít trên nền tảng này. Đã viết ít mà cuối năm lại còn tự tin chia sẻ kinh nghiệm viết thì quả là hơi ngại.
Tuy nhiên, bởi vì hồi đầu năm tôi đã hứa với một bạn là sẽ chia sẻ về kinh nghiệm viết nghị luận xã hội của mình, đồng thời trong năm cũng có nhiều người, cả trên Facebook lẫn Spiderum, hỏi rằng làm sao để viết được như tôi, vậy nên tôi nghĩ mình vẫn nên viết bài này. Tính tôi đã hứa rồi là sẽ làm, nhiều khi lời hứa ấy quan trọng với tôi hơn cả với người được tôi hứa.
Spidessay là từ được tôi ghép giữa Spiderum và essay. Ý tôi muốn nói rằng essay này không hoàn toàn là essay theo định nghĩa vẫn có, mà nó là dạng essay đậm chất Spiderum. “Chất Spiderum” như thế nào là thứ mà có lẽ mỗi người một cảm nhận, vì rốt cuộc đây vốn là một mạng xã hội ai cũng đăng bài được. Nhưng riêng với tôi “chất Spiderum” là những thứ tôi cảm nhận và rút ra từ những người viết thế hệ đầu tiên cùng với mình, như là Husky, Bảo Trung, Cheshire, v.v., hoặc những người viết thế hệ sau như là Trantuanst22, v.v., – những bài viết như của họ là thứ khó bắt chước, chúng yêu cầu sự đầu tư, chỉn chu, sẽ vẫn còn giá trị trong thời gian dài nữa, và theo tôi đó là những yếu tố mà một Spidessay cần.
Là một người đã có các bài xã luận đăng trên tạp chí semi-academic (bán hàn lâm), như Tia Sáng chẳng hạn, tôi nhận thấy sự khác biệt lớn nhất của chúng với Spidessay là ở văn phong và số chữ. Các tạp chí dẫu tự do đến mấy vẫn không thể chấp nhận văn phong suồng sã vung vít được, và họ cũng thường giới hạn chữ ở khoảng 2000-3000. Trong khi đó, không ai kiểm soát được văn phong của bạn khi viết Spidessay, bạn được tự do múa gì thì múa trong khi vẫn giữ được phần nội dung ở mức độ semi-academic.
Sự cân đối giữa tính thoải mái và tri thức này sẽ kích thích và khích lệ người viết hơn rất nhiều, dẫu hiệu ứng gây ra với người đọc không hẳn là tốt hơn – ví dụ nhiều người đọc không đọc được các Spidessay của tôi vì giọng văn. Nhưng ở bài viết này, tôi không quan tâm đến người đọc, có một nguyên tắc xuyên suốt mà tôi vẫn giữ bao năm qua chính là “Hãy viết sao để mình thấy hay là được, người khác thấy sao không quan trọng.”
Còn sau đây là vài kinh nghiệm cụ thể:
1. Tìm kiếm ý tưởng
Cái đầu tiên của việc viết, dĩ nhiên rồi, là phải có ý tưởng. Trong vấn đề này, tôi luôn tâm niệm một quan điểm của Oscar Wilde trong tác phẩm De Profundis, rằng để viết được thì người viết cần sự đồng hành của các ý tưởng, hãy để cuộc sống của mình được bao quanh bằng ý tưởng, và tránh xa những mối quan hệ tầm thường. Hầu hết các tiểu luận kinh điển của Wilde đến từ các buổi dùng bữa và trao đổi với người bạn văn Robert Ross.
Tôi thường để cuộc sống của mình bao quanh bằng sách, trong tâm trí tôi lúc nào cũng có ít nhất một quyển sách và những ý tưởng của nó lởn vởn trong đầu, và thời điểm nào trong cuộc đời tôi cũng đều là quãng thời gian đang đọc dở một quyển sách nào đó – có thể đọc nhanh, có thể đọc chậm, nhưng tôi hiếm khi có một ngày nào mà lại không đọc sách. Tôi làm điều này không phải với mục đích để có tư liệu viết bài, mà chỉ bởi vì tôi cảm giác cuộc đời mình sẽ cao đẹp hơn, sẽ hướng thượng hơn khi nó được vây quanh bằng sách vở và ý tưởng.
Mà thật ra nếu không để cuộc đời vây quanh bằng ý tưởng, thì chúng ta sẽ để nó vây quanh bằng gì bây giờ? Nhẽ bằng Trấn Thành, trọc phú, mê tín, hay nhậu nhẹt, drama, gái ngành?
Nói về trò chuyện và trao đổi, tôi có nhiều người bạn rất giỏi và sẵn lòng nói chuyện với mình, tuy nhiên tôi nhận thấy mình không thường xuyên nói chuyện với họ đủ nhiều, bởi vì bản tính cố hữu của tôi là không thích giao tiếp thôi, chứ tôi vẫn cho rằng việc giao tiếp với người giỏi là mảnh đất màu mỡ của ý tưởng. Nhưng tôi khắc phục điều này bằng cách chăm chỉ đọc những gì họ viết ra, may thay bạn bè tôi cũng là dân viết lách.
2. Xây dựng văn phong đặc trưng
Georges-Louis Leclerc có danh ngôn nổi tiếng “Văn phong mới là con người ta” (Le style est l'homme même) bắt nguồn từ bài diễn văn Discours sur le style. “Kiến thức, sự kiện và kết quả khám phá rất dễ bị lấy mất, bị chuyển đi, và thậm chí thích hợp hơn khi nằm trong bàn tay diệu nghệ khác. Những sự ấy không thuộc về con người ta, văn phong mới là con người ta. Văn phong không thể bị lấy mất, bị chuyển đi hay bị bóp méo: nếu văn phong cao đẹp, quý phái, trác tuyệt, tác giả sẽ được ngưỡng mộ mãi mãi; bởi chỉ chân lí ấy mới tồn tại lâu bền, và vĩnh hằng.”
Câu nói “Văn là người” bắt nguồn từ chính bài diễn văn trên đây, tuy nhiên nguồn gốc của nó không hề nói về đạo đức và nhân cách, nó nói về chủ đề thú vị hơn nhiều: Đó là cái cốt tuỷ của người viết nằm ở văn phong, chứ không phải kiến thức hay những thứ tương tự. Kiến thức có thể được truyền lại hoặc bị đánh cắp, và rất có thể kiến thức ấy vào tay người khác lại phù hợp hơn vào tay mình, nhưng văn phong là thứ không thể bị đánh cắp, mỗi người đều có văn phong riêng, và nó là thứ đặc trưng để xác định con người ta.
Khi tôi nói văn phong riêng hiển nhiên không phải chỉ đến văn phong gây sốc. Chúng ta không cần văn phong gây sốc để thu hút sự chú ý. Bản thân tôi từng dùng văn phong gây sốc nhưng nay đã sửa chữa để bớt sốc đi nhiều và tôi thấy sức hút của nó vẫn cao, thậm chí còn cao hơn trước.
Thảy chúng ta cần là tránh thứ văn phong vô hồn của Wikipedia, hãy xây dựng văn phong riêng và dần dần mài giũa cho nó hay hơn.
3. Theo đuổi một chủ đề cụ thể
Tôi vốn không phải người quá dồi dào ý tưởng, và mỗi khi không nghĩ được ý tưởng mới là tôi lại ngẫm nghĩ về những bài viết cũ của mình. Điều này bao giờ cũng có lợi. Thứ nhất là nó khiến tôi liên tục phải kiểm tra lại các kiến thức cũ của mình, và thứ hai là nó thôi thúc tôi đào sâu hoặc rộng hơn về kiến thức mà mình đang có.
Lấy ví dụ chủ đề chủ nghĩa dân tộc, bắt nguồn từ các thắc mắc đời thường “Tại sao có nhiều thành phần người Việt lên đồng khi bị chê đồ ăn Việt/ chê tiếng Việt/ thua bóng đá/ bỏ Sử làm môn bắt buộc/ v.v.?” tôi đã tìm đến các kiến thức về chủ nghĩa dân tộc, truyền thống tân tạo, bản sắc nhóm hình thành qua lòng thù hận, tư duy chúng ta-chúng nó, sự tương đồng giữa chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo. Kết quả là tôi đã viết được bốn bài viết xoay quanh chủ nghĩa dân tộc, thảy đều nhờ cách suy tư như vậy.
Và tôi hoàn toàn có thể triển khai thêm với các câu hỏi: “Chủ nghĩa dân tộc liên quan đến ngôn ngữ như thế nào?” “Con người ta có bắt buộc phải yêu nước hay không?” Nhìn chung là tương đối năng sản nếu chịu đào bới tiếp.
Ngoài ra thì theo tâm lí bình thường “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, tôi thấy rằng độc giả có xu hướng đánh giá cao những người viết có hiểu biết sâu rộng về một vài chủ đề nhất định, thay vì chủ đề gì cũng viết và cố nhiên sẽ viết với độ sâu rộng thấp hơn. Tất nhiên có những người hiểu biết sâu rộng đa lĩnh vực thật, nhưng họ chỉ là thiểu số.
4. Tìm kiếm thông tin
Chắc hẳn các bạn đã ít nhất một lần được nghe các ý kiến chê bai Wikipedia khi có ai trích dẫn nó. Nhưng đừng bao giờ đánh giá thấp Wikipedia, và đừng ngạc nhiên khi tôi nói rằng hầu hết kiến thức tôi có được bắt đầu với Wikipedia. Ở đây có hai điều cần làm rõ:
Thứ nhất là cách sử dụng Wikipedia. Đừng bao giờ dùng Wikipedia để trích dẫn và đừng bao giờ tin tưởng bất kì điều gì ở phần nội dung của nó, thay vào đó hãy đọc phần nội dung với tâm thế tham khảo và lấy cái nhìn bao quát về vấn đề. Sau đó đến phần quan trọng nhất của Wikipedia là dẫn nguồn, chúng ta có thể tìm các sách mà Wikipedia dẫn để xác thực những kiến thức sơ lược mình vừa được biết, cũng như để tìm hiểu sâu thêm về nó.
Tôi không bao giờ thiếu sách đọc một phần cũng nhờ mục dẫn nguồn này của Wikipedia, và tôi có được hiểu biết rộng phần nhiều nhờ Wikipedia theo cách như vậy đó. Người ta không bao giờ nên xấu hổ khi thú nhận mình dùng Wikipedia, bởi cốt lõi là cách dùng, chỉ những người nông cạn mới có tâm lí cứ thấy Wikipedia là chê bai.
Thứ hai là Wikipedia nào mới được? Từ đầu đến giờ tôi chỉ nói về Wikipedia tiếng Anh mà thôi, tôi không dùng Wikipedia tiếng Việt nói riêng và các trang tin tiếng Việt nói chung. Có thể nói không ngoa rằng Wikipedia tiếng Anh có độ đáng tin cao hơn hầu hết các trang kiến thức tiếng Việt.
Lấy ví dụ “Hiệu ứng Dunning-Kruger” vào thời điểm mà tôi viết bài giải ảo về nó trên Spiderum. Lúc ấy không hề có trang tin tiếng Việt nào viết đúng về Hiệu ứng Dunning-Kruger hết. Toàn bộ các trang tiếng Việt đều lan truyền cái biểu đồ nguỵ tạo về đồi với núi, các giai đoạn nguỵ tạo về đỉnh núi ngu ngốc với sườn đồi khai sáng gì đó. Trong khi đó kiến thức đúng về Hiệu ứng Dunning-Kruger đều miễn phí trong các tài liệu tiếng Anh. Các trang tin tiếng Việt thật vô cùng thảm hại và độc hại. (Đến bây giờ thì Wikipedia tiếng Việt đã sửa cho đúng, nhưng các trang tin tiếng Việt thì vẫn chưa.)
Một ví dụ khác, anti-natalism vẫn đang là kiến thức khá mới mẻ ở Việt Nam, và theo tôi thấy chưa có bài viết tiếng Việt nào bao quát được. Thế nhưng Wikipedia tiếng Anh rất tuyệt vời, nó bao quát rất rộng và sâu về tư tưởng này, phần quan trọng nhất là nguồn cũng được dẫn đầy đủ. Các bạn có thể kiểm tra ngay lập tức.
Về tìm kiếm thông tin, có thể tóm lược như sau:
• Đầu tiên lên Wikipedia để tìm hiểu bao quát.
• Sau đó tìm hiểu qua sách và các nghiên cứu trên tạp chí khoa học mà Wikipedia dẫn. Hai nguồn này là thứ nguồn uy tín nhất mà bạn có thể mơ tới rồi. Các vấn đề khác như mức độ uy tín của từng nhà xuất bản, tác giả, tạp chí, cơ sở dữ liệu cũng quan trọng nhưng có thể dần dà tìm hiểu sau.
• Không tìm kiếm ở các trang tin tiếng Việt.
• Vài năm nay ChatGPT nổi lên, tôi thường xuyên nhờ ChatGPT tìm giúp các đầu sách theo chủ đề. Nhìn chung ChatGPT đáp ứng cũng rất tốt. Nhưng hãy nhớ áp dụng với ChatGPT nguyên tắc của Wikipedia: Nội dung do ChatGPT đưa ra chỉ để tham khảo, cái cốt tuỷ là tìm đọc sách mà ChatGPT dẫn (thi thoảng nó dẫn sách không có thật), và luôn dùng tiếng Anh để giao tiếp với AI.
5. Trích dẫn
Ngắn gọn: hãy luôn luôn dẫn nguồn, càng nhiều càng tốt và càng kĩ càng tốt.
Tôi vẫn biết rằng có những hạng người không thích trích dẫn, họ nghĩ rằng làm vậy là kiêu ngạo vì khoe chữ, hoặc là tự làm giảm uy tín bản thân vì không tự nghĩ ra được kiến thức mà phải đi mượn, hoặc là mất công một cách vô ích. Nhưng tôi hi vọng rằng tất cả những ai đi vào con đường viết lách đừng bao giờ có suy nghĩ ấy, vì đó là tư duy bài tri thức.
Hạng người bài tri thức luôn có lối tư duy dị hợm rằng người ta phải có “tri thức nguyên bản” trong khi họ không hề biết rằng hầu hết những gì được viết trên Internet đều là kiến thức đã tồn tại trong sách rồi, đã được người đi trước nghĩ đến và viết ra rồi. Thực tế mọi thành quả của loài người đều có được nhờ tích luỹ tri thức của người đi trước, hiếm ai làm được cái gì đó từ con số 0. Tư duy “tri thức nguyên bản” mới chính là kiêu ngạo, kiêu ngạo một cách ngô nghê, không những thế còn hoang tưởng.
Hạng người bài tri thức cũng luôn thấy ngại, hoặc thấy không cần thiết, khi dẫn chi tiết ra tác giả và tác phẩm mà họ tham khảo. Họ cho rằng việc trích dẫn là “khoe chữ” và cứ im im mượn kiến thức của người khác mới là khiêm tốn. Không. Trích dẫn đầy đủ chính là biểu hiện của lòng khiêm tốn và lương thiện tri thức, nó vừa thể hiện sự tử tế khi biết ghi công người khác, vừa thể hiện sự trung thực khi thừa nhận minh bạch đâu là cái của mình và đâu là cái của người khác.
Ngoài ra trích dẫn có thể giúp người đọc tìm hiểu kĩ hơn hoặc xác minh những gì ta viết có thực giống với nguồn tham khảo hay không. Tôi biết có một số hạng người trơ trẽn đến mức viết ngược lại với những gì nguồn dẫn nói, vậy nên việc đọc nguồn để xác minh rất quan trọng. Và nếu viết ở những môi trường chính quy, trích dẫn giúp ta không phạm vào tội đạo văn.
Vậy nên bình thường khi viết bài mà lấy kiến thức ở đâu đó, tôi luôn trích dẫn ngay lập tức chứ không đợi đến khi viết xong mới trích. Về format trích dẫn, bởi vì đang nói về Spidessay và cách cân bằng giữa sự thoải mái và tri thức, nên tôi chỉ nói rằng bạn trích thế nào cũng được miễn sao đủ rõ ràng để người đọc xác định được tài liệu và tự tìm đọc được sau đó.
Cá nhân tôi thì trích dẫn theo format qua trang Mybib, trang này có rất nhiều format từ AMA, APA đến MLA. Mỗi format dành cho một loại bài viết khác nhau, tuy nhiên thú thật là tôi không tự khắt khe với mình trong vấn đề này lắm, tôi dùng format được mặc định chọn là MLA 8 thôi.
6. Đừng quan tâm đến số vote
Tuy thuộc dạng người viết có nhiều vote ở đây nhưng thật sự là tôi chưa bao giờ quan tâm đến vote cả, suốt tám năm nay, kể từ khi tham gia Spiderum vào 2016. Số vote không đem lại cho bạn điều gì cả ngoài những ảo tưởng. Vả lại, những ai chọn viết ở Spiderum có lẽ nên xác định ngay từ đầu là viết không vì vote, bởi nếu cần vote cao thì Facebook, TikTok hay gì đó là nơi hấp dẫn hơn nhiều. Ở Spiderum chỉ 200 votes đã đủ cho bài viết lên #1 của fortnight, trong khi trên Facebook nhiều khi người ta shitpost vài chục chữ đã được 500 likes rồi.
Vậy thì viết vì cái gì? Đối với riêng tôi, trước là viết vì niềm vui với chữ nghĩa và tri thức, sau là viết vì hi vọng ý tưởng của mình sẽ sống lâu hơn mình. Con người chỉ là da, thịt, xương và không tồn tại được quá một trăm năm, nhưng ý tưởng là thứ tồn tại rất lâu và rất đáng để hi vọng.
Cuối cùng, tôi e rằng những bạn mới viết sẽ thấy bài viết này không giúp ích được gì nhiều. Tôi sẽ không lấy làm lạ và cũng không lấy làm thất vọng trước điều này. Bởi tôi không bao giờ cho rằng chỉ qua một bài viết 3000 chữ mà thay đổi hoàn toàn được ai đó – viễn cảnh này chỉ có trong mồm bọn lừa đảo và bọn self-help thôi (mà hình như hai loại này là một).
Viết cũng như bao nhiêu kĩ năng khác, để làm tốt cần rèn luyện với thời gian dài, và không có đường tắt. Những bạn đã viết được ở mức khá rồi thì có thể thấy bài viết này hữu ích, những bạn mới viết thì hãy cứ coi như đây chỉ là chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của tôi mà thôi.
TORNAD
09/02/2024
30 Tết Giáp Thìn
Hình ảnh được tạo nhờ AI
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất