Đã 4 năm trôi qua kể từ bài báo “Người Việt đọc không đến một cuốn sách mỗi năm”, nhiều phong trào khuyến khích đọc được tổ chức, lượng sách được tiêu thụ tăng lên, nhưng đằng sau nó vẫn còn rất nhiều vấn đề. Có vấn đề do người đọc chậm thay đổi, nhưng có vấn đề lại do chính các công ty phát hành sách gây ra.

Thói trưởng giả


Làm màu

Nhiều người mua sách về nhà không phải để đọc, họ chất cho đẹp ngôi nhà mà kiến trúc sư lỡ thiết kế có giá sách, hay chỉ để thỉnh thoảng lôi ra chụp cùng mấy câu trích dẫn nhìn cho sâu sắc, hoặc chụp tự sướng kiểu sách che nửa mặt.
Đáng buồn hơn, họ không nhận thấy điều này là xấu xí, họ lập bè kết nhóm, đặt cho cộng đồng của mình một cái tên: Tsundoku, để “hợp lý hóa” tính xấu của mình.
Và phong trào này được khởi xướng chính từ những công ty bán sách, bởi với họ dù gì cũng cần doanh thu.

Đọc theo thời thượng và số lượng

Cũng phát sinh từ các công ty bán sách. Người đọc hiện nay thường tìm sách theo các màn quảng cáo của họ. Những danh sách như “10 cuốn sách nên đọc trong đời”, “20 cuốn sách kinh điển của nhân loại” thực chất chúng bó gọn trong sách của công ty họ phát hành và dịch mà thôi. 
Những tiêu đề như vậy nhan nhản trên mạng nhưng không một bài nào hướng dẫn người đọc cách đọc hay phân tích giá trị, nó đơn thuần mục đích “Bất cần biết! Hãy mua những cuốn đó đi!”
Do đó người đọc khó khăn khi lựa chọn sách phù hợp, tìm sách cũ lại càng khó vì công ty chỉ quảng cáo sách mới. Giờ đây nói chuyện về sách người ta khoe nhau đọc như đọc tin tức thời sự. Người ta khoe số lượng sách đã đọc thay vì bàn sâu về nội dung. Tất nhiên đọc nhiều sách là tốt, nhưng coi nó là tiêu chuẩn ở trên cảm thụ sâu sắc tác phẩm thì bạn đang đi xa khỏi văn hóa đọc.


Tư duy tiêu chuẩn kép

Tiêu chuẩn kép là cùng một sự vật nhưng lúc thì nói là trái, lúc thì nói là phải, mập mờ hai mặt. Có thể nói tiêu chuẩn kép là dạng tư duy độc hại nhất của các tư duy phản logic có được. Bởi nó đi ngược lại với tính chất cơ bản và đẹp đẽ là sự bình đẳng. Trong tư duy của người tiêu chuẩn kép chỉ đơn thuần là cảm tính, vô nguyên tắc và thiên vị.

Kỳ thị sách điện tử (ebook) và sách nói (audiobook)

Không ít người tự nhận mình yêu sách nhưng dè bỉu sách điện tử và sách nói, họ coi đó không phải là sách, mặc kệ định nghĩa về sách.
Sách: Phương tiện sử dụng từ và/hoặc hình ảnh để truyền tải kiến thức hoặc một câu chuyện.
Nếu hỏi một người vì sao họ từ chối sách điện tử, đa số sẽ trả lời rất ngộ nghĩnh: vì nó không mang đến mùi giấy, cảm giác sần, xốp khi đọc. Thế nhưng nhiệm vụ của sách là truyền tải tri thức cơ mà. Họ từ chối một cuốn sách chỉ vì nó không sần xốp này nọ chứ nhiệm vụ truyền tri thức chỉ xếp hạng hai, dễ dàng bị vứt bỏ chỉ vì hạng một đã không đủ yêu cầu! 
Có bức thư một bà mẹ trẻ gửi cho con, trong đó có dòng “mẹ muốn con yêu sách nhưng biết tránh xa ebook” làm tôi thấy sợ tiêu chuẩn kép khi nghĩ đến ở cách đây rất xa một bà mẹ khác cũng có thể dạy con rằng “hãy yêu thương mọi người nhưng chớ thương xót bọn da đen”. Hay chính quyền Trung Quốc không bao giờ giết nhân dân, tuy nhiên những kẻ biểu tình ở Thiên An Môn không phải nhân dân.

Và ngôn tình, nhiều người tự hỏi ngôn tình có phải sách hay không. Dựa trên định nghĩa về sách mà họ vẫn còn loay hoay tranh cãi thì quả là trí tuệ họ không được cao cho lắm.
Sách cũng như muôn vàn thứ trên đời, luôn hai mặt cùng tồn tại, nếu đã có sách hay đồng nghĩa là có sách dở. Hơn nữa, phải chấp nhận nó là sách đã thì mới có cùng hệ quy chiếu để phán xét. Và sách cũng như các nghệ thuật khác, luôn có thể loại “ăn liền” dùng để giải trí, độc tôn sách là một thứ tinh hoa là tư duy tù túng và kiêu ngạo.

Đánh giá sách bằng doanh thu

Cuối cùng là về những công ty phát hành sách. Tôi rất nghi ngờ về hiệu quả của những phong trào họ tổ chức như “Đọc sách thật phong cách”. Thay vì tổ chức những buổi định hướng đọc sách, hướng dẫn cách tư duy khi đọc, cách đọc hiệu quả, họ lại tập trung vào… chụp ảnh. Không còn biết nói gì hơn.
Hay những event chụp ảnh nhận sách của các fanpage, like/share/comment để được tặng sách, ở đó có thật nhiều sách nhưng lại chẳng có văn hóa đọc.
Lại đến giảm giá sách vô tội vạ. Hành động phá giá không những ép chết các nhà sách nhỏ lẻ, mà người đọc cũng không thật sự được lợi. Điều này hình thành trong tâm lý người đọc muốn chờ khi sách hạ giá mới mua, và khi ấy lựa chọn đầu sách không còn ở nội dung nữa mà bị xen vào yếu tố “rẻ”. Sau cùng, ai dám chắc là các công ty không đẩy giá lên cao hơn bình thường để khi giảm giá họ vẫn lãi?
Chụp và hiệu ứng: Tornad. Ảnh từng đoạt giải NXB Trẻ. ["A! Hắn có tham gia vậy nên bài viết này mâu thuẫn với chính nó, rằng thì là mà..." (Ủa sao nghe quen quen)]
Thế nên, sau 4 năm văn hóa gì ấy nâng cao chứ dứt khoát không phải văn hóa đọc đâu.