“Sự thông thái của bạn không bao hàm tri thức mà bạn đã có, mà là sự truy cầu tri thức liên tục, cũng là hình thái trí tuệ cao nhất. Chính vì lý do này mà tu sĩ ban Lời sấm Delphi thời Hi Lạp cổ đại chủ yếu chỉ nói về Socrates, người luôn tìm kiếm sự thật. Bà nói rằng ông là một huyền thoại sống thông thái nhất, bởi ông biết mình chẳng biết gì cả”

Khi bạn là người nghe

Cách đây khoảng một năm về trước, khi một người bạn thân của mình có nhắn tin cho mình rằng có chuyện muốn nói. Thế là mình liền gọi điện cho bạn đó, lúc đó cũng muộn rồi, mình nghe thấy tiếng nức nở ở đầu dây bên kia. Mình hỏi có chuyện gì, rồi bạn mình bắt đầu kể câu chuyện thất tình của nó, mình im lặng lắng nghe nó kể trong tiếng nấc. Thi thoảng khi nói chuyện mình có nói xấu người yêu cùng bạn. Sau hai tiếng đồng hồ kết thúc, cả hai gác máy. Khoảng 1 tháng sau, cũng người bạn đó gọi cho mình lại kể lại việc thất tình, và còn nói hôm nay ngồi xem lại ảnh nên buồn và rất nhớ cô ấy. Lần này mình không lắng nghe, mình bảo rằng quan tâm bạn gái kia làm gì nữa, mạnh mẽ lên, còn nhiều thứ phải lo,… Nói chung là những lời khuyên.
Xong bạn mình im lặng.
Cả hai im lặng trong một lúc lâu rồi cuộc gọi kết thúc. Giờ mình mới nhận ra, lúc người ta tâm sự, không phải là muốn giải quyết vấn đề, mà họ chỉ muốn ai đó lắng nghe họ thật sự.
Việc có một người lắng nghe những gì mình nói thì rất khó. Việc mình ngồi lắng nghe ai đó thật sự cũng khó tương tự như vậy, thậm chí còn khó hơn nhiều lần.
Mình đi làm thêm cũng một thời gian, những đồng nghiệp mình đến rồi rời công ty nhanh chóng. Sếp mình kết luận là họ có nhiều vấn đề nhưng không chịu chia sẻ, nên sự ấm ức cứ nằm đó mà không giải quyết được. Nhưng thật ra là không ai trong công ty chịu ngồi lắng nghe họ. Mọi người chỉ “nghe” nhưng không “lắng nghe”.
Mọi người thường không ngồi lắng nghe được là do ai cũng nghĩ mọi câu chuyện cần được giải quyết ngay trong cuộc nói chuyện. Thấy một người bạn bị sếp mắng mỏ nhiều, người bạn đó bực tức và liền bộc bạch với bạn, thường mọi người sẽ có xu hướng hỏi thêm những câu sao mà bị mắng, sao lại để bị mắng, lần sau làm như này như kia để tránh bị mắng này,… Câu hỏi đặt ra là liệu một người mang trong người một cảm xúc tiêu cực như tức giận, buồn bã, cáu gắt,… thì họ có suy nghĩ sáng suốt được hay không? Và liệu có cần phải có câu trả lời đó luôn hay không? Liệu người tâm sự có cần giải quyết vấn đề hay họ muốn giải tỏa cảm xúc?
Cũng cần phải biết lên tiếng khi nghe
Nếu như đối phương (người nói) đang nói lệch chủ đề, thì người nghe cần phải đặt câu hỏi hoặc lên tiếng để câu chuyện đi đúng hướng ban đầu đề ra. Hoặc người nói mà bạn không hiểu thì cũng nên lên tiếng, cuộc trò chuyện sẽ chả còn là cuộc trò chuyện nữa nếu bạn cứ chấp nhận chỉ nghe và bỏ ngoài tai những gì người nói đang kể. Vậy thì sự xuất hiện của bạn ở thời điểm đó cũng chả có ý nghĩa gì. 
Hãy nói trung thực những gì bạn nghĩ, nhưng hãy đảm bảo điều đó mang tính xây dựng. Sự thật thì mất lòng, nhưng rồi những người mất lòng họ chỉ bị tổn thương một hai ngày, rồi sau đó họ sẽ hiểu ra. Lúc đó lời nói của bạn mới thật sự là ý nghĩa (Biểu hiện của một người bạn đúng thật sự - chương 3)
A Universe of Podcasts: A Summer Listening Guide for Elementary ...

Khi bạn là người nói

Chúng ta thường có cảm giác sẽ giúp đỡ được ai đó khi họ gặp rắc rối, bạn đã bao giờ nghi vấn về động cơ của mình chưa? Liệu sự tiềm ẩn trong hành động đó là vì bạn muốn thể hiện bản thân ( có thể lắm, dù ít dù nhiều, hãy suy nghĩ kỹ về động cơ này) hoặc bạn nghĩ những gì mình biết là chân lý, và muốn áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác ( sếp bị chửi à, là do abc, là do xyz, và những lý do đó đa phần chỉ là bạn lôi ra từ câu chuyện của bản thân).
Jordan B. Peterson – một giáo sư về tâm lý – kể lại rằng một lần ông gặp một khách hàng đang gặp rắc rối về chuyện gia đình. Vị khách đó đến chỗ giáo sư và nói “con vợ của tôi là đồ chết tiệt”, giáo sư ngồi im nhìn thẳng vào mặt vị khách nhưng không nói gì. Một phút sau đó, người khách kia cúi đầu xuống và nói “Tôi thực sự không có ý nói vợ tôi như thế, chúng tôi gặp nhiều chuyện rắc rối, luôn có gì khúc mắc giữa chúng tôi, đa phần lỗi là bắt đầu từ sự bốc đồng của tôi, tôi nghĩ tôi cần phải sửa lại hành vi của mình với vợ,…”. Khi gặp ai đó thực sự lắng nghe mình, bạn sẽ dễ dàng tâm sự hơn, đó là mục đích của việc nói chuyện.
Việc nói chuyện không chỉ có tác dụng là truyền đạt thông tin cho người nghe, mà còn giúp bạn sắp xếp thông tin trong đầu mình. Bạn học được một điều mới, bạn rất háo hức để kể câu chuyện đó với người bạn khác, nhưng khi bắt đầu kể bạn sẽ bị ậm ừ ở đoạn đầu câu chuyện, dường như bạn đang phải sắp xếp lại các ý chính của câu chuyện để kể chúng một cách hay nhất và và bạn muốn người nghe phải có cảm xúc như khi bạn học về điều đó. Nếu bạn có bị ậm ừ trong việc kể chuyện cho những người bạn của mình, đừng có ngại, việc kể chuyện là vậy, bạn cần phải nói cho ai đó nghe để chính bạn sắp xếp lại các ý chính và truyền đạt lại ý nghĩa của câu chuyện, nếu không bạn sẽ quên hết những ý nghĩa của câu chuyện đó. Khi học được điều gì đó hãy luôn kể cho những người bạn mình nghe, đừng giấu nó, nếu bạn muốn mình tiến bộ hơn. Nếu chưa có ai để kể thì ít nhất hãy viết chúng xuống, quá trình bạn viết hoặc bạn giao tiếp là quá trình bạn đang chuyển hóa kiến thực bên ngoài thành của bạn. Nhiều người nghĩ chỉ cần ngồi đọc rồi nói sẽ thành của mình, không phải, khi bạn đọc kiến thức mới chỉ đang gõ cửa nhà bạn thôi, nếu bạn lịch sự nên mời chúng vào trong nhà của mình.
Việc thuyết trình, hùng biện hay giảng bài cũng là một sự giao tiếp. Một người đứng trên bục và nói về kiến thức mình biết cho những khán giả nghe. Để bài thuyết trình thực sự cuốn hút và khiến người nghe đồng cảm với bạn hơn. Bạn nên tập trung vào một số người trong khán phòng, nhìn vào họ mỗi khi bạn nói và theo dõi cảm xúc của họ. Nếu họ gật đầu và chăm chú, thi thoảng họ cười theo câu chuyện bạn chọc, hoặc lặng thinh nhìn bạn khi bạn kể một câu chuyện ý nghĩa,… Điều đó sẽ giúp bài thuyết trình của bạn có sự lôi cuốn và dễ tiếp cận với khán giả hơn. Nhiều học sinh, sinh viên thuyết trình chỉ là muốn hoàn thành xong bài tập của mình, họ không thực sự giao tiếp, chính vì vậy đa số bài thuyết trình khá nhàm chán.
Trong quá trình giao tiếp, bạn cũng nên tóm tắt ý của người nói đối diện, để hai bên cùng hiểu rằng là đang nói về một chủ đề và hướng đi của cuộc nói chuyện là như thế, thậm chí bạn phải nói lên cảm xúc của người nói nữa. Bằng cách này khiến hai người đồng nhất hơn, và hiểu nhau hơn trong cuộc nói chuyện. Nhưng sẽ nhiều người lo lắng là bản thân sẽ mất đi quan điểm cá nhân khi làm vậy. Nếu bạn nghĩ vậy là bạn đã quá tự tin vào những kiến thức của mình, nếu bạn nghĩ vậy từ đầu thì bạn không nên đi nói chuyện với họ làm gì, điều dẫn đến sự thông tuệ là nhu cầu học hỏi liên tục. Kiến thức chúng ta luôn có những điểm hạn chế, và cũng có những chỗ hay nữa, việc cần làm là luôn củng cố kiến thức và giao tiếp, điều này sẽ giúp bạn nhận ra được nhiều lỗ hổng trong kiến thức của mình, hãy cứ lắng nghe như người nói đang kể về một điều hay ho mà mình không biết.
“Bạn đang ở nơi mình nên ở, với một chân đứng vững trong trật tự, còn chân kia dò dẫm duỗi ra để đặt lên sự hỗn loạn và cái chưa biết”.
  ---------------------------------------------------------
Nguồn tham khảo: Chương 9 cuốn 12 quy luật cuộc đời - Jordan B. Peterson
Series dich: Tại sao học viết lại quan trọng với người trẻ:
Series cảm nhận về cuốn sách 12 quy luật cuộc đời: