Cuốn Ngày xưa có một chuyện tình là tác phẩm mới tinh thứ hai trong năm 2016 của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, được coi là tập tiếp theo của truyện Mắt biếc

Nguyễn Nhật Ánh – Nhà văn của tuổi thơ 

Nhắc tới Nguyễn Nhật Ánh, độc giả sẽ nghĩ ngay tới những mỹ từ như “nhà văn của thiếu nhi”, “nhà văn của tuổi thơ”... Thế nhưng, có phải ông chỉ viết truyện cho trẻ con? 
Không, gọi Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn viết cho thiếu nhi là chưa đủ, chưa đúng. Ông thành công khi viết truyện cho thiếu nhi và tuổi học trò, thế nhưng Nhật Ánh cũng viết cho người lớn. 
Nhà văn của mọi thế hệ
Nhà văn của mọi thế hệ
Bởi vì, tất cả chúng ta đều từng là thiếu nhi mà! Ở truyện của Nguyễn Nhật Ánh, đám trẻ con thích thú khi được đắm chìm vào từng khung cảnh thơ mộng mà ông dệt lên, còn người lớn chúng ta bùi ngùi tiếc nuối mà hoài niệm về những tháng ngày thơ ấu đã xa… 

Lại là tình yêu tuổi học trò 

Tình yêu tuổi học trò là chủ đề quen thuộc trong các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Lần này, ông vẫn lựa chọn lối đi đó, và một motip kinh điển là tình tay ba: Anh yêu em, em yêu anh ta. Điều trái ngang ở đây là, “anh” với “anh ta” lại là bạn thân. 
Tuy nhiên, Ngày xưa có một chuyện tình khác với những cuốn sách trước đây của Nguyễn Nhật Ánh vì đó là câu chuyện tình yêu tuổi học trò, không chỉ bảng lảng, mơ màng ở tuổi mới lớn kiểu Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh mà trực diện các vấn đề giới tính, tình dục, về sự hèn nhát và lòng cao thượng, đổ vỡ và hàn gắn… 
Lần này, các nhân vật nhí của ông không dừng lại ở tuổi học trò mà tiếp tục lớn lên, đi làm, sinh con đẻ cái, đối diện với thực tại khắc nghiệt của đời sống người lớn. 

Và mối tình tay ba đầy ngang trái 

Ngày xưa có một chuyện tình kể về mối tình thuở thơ ấu xuyên suốt tới thiếu thời của ba nhân vật chính: Vinh, Miền và Phúc. Vinh thích Miền, ngay từ lúc mới là cậu học sinh cấp hai. Và cái sự “thích” ấy lâu dần trở thành “yêu”. 
Vinh có một cậu bạn thân tên là Phúc, và tất nhiên, Phúc biết Vinh thích Miền, hơn nữa còn hết mực ủng hộ tình yêu này. Miền với cái nhạy cảm của người con gái, chắc chắn biết được tình cảm của Vinh dành cho mình, thế nhưng cô không thể cưỡng lại sự hấp dẫn từ Phúc.
Cuối cùng, tam giác tình yêu hình thành giữa ba người bạn. Vinh thích Miền, nhưng cô với Phúc lại thành đôi. Những ngày tháng tuổi học trò của họ tưởng trôi qua êm đềm nhưng thực chất đầy dữ dội, sớm báo hiệu một chuyện chẳng lành. 
Ngày ấy đã đến khi Miền có thai, cùng lúc đó Phúc đột ngột biến mất khỏi thị trấn Gò Rùa. Cả ba nhân vật Vinh, Miền và Phúc đều lớn lên, đều phải đối mặt với những toan tính, sự khắc nghiệt của trưởng thành. Bởi vậy, Ngày xưa có một chuyện tình không hẳn là một cuốn sách viết cho trẻ con, vốn là thế mạnh của Nguyễn Nhật Ánh – nhà văn của tuổi thơ. 

Hình tượng nhân vật quen thuộc

Nhân vật Vinh được Nguyễn Nhật Ánh xây dựng như một người hùng trong tình bạn lẫn tình cảm. Cậu là người chịu nhiều thiệt thòi và bất công, lặng lẽ đứng từ xa ngắm nhìn Miền và Phúc bên nhau.
Vinh luôn tôn trọng và bảo vệ bạn thân của mình là Phúc, tình cảm ấy có sự nể phục lẫn tôn trọng. Cậu biết ơn Phúc vì đã đứng ra bảo vệ mình trước sự bắt nạt của thằng Hưởng – anh trai Miền, và đôi bạn thân luôn sẵn sàng chia sẻ với nhau mọi điều.
Thế nhưng, tình cảm là thứ không thể cưỡng cầu, hai cậu học sinh đều có chung tình yêu với cô bạn Miền. Tuy ngỡ ngàng với hoàn cảnh trớ trêu ấy nhưng cách Vinh hành xử đã khiến nhiều người phải thán phục. 
Vinh nhút nhát nên chỉ thể hiện tình yêu với Miền qua những quan tâm nhỏ nhặt, âm thầm và lặng lẽ. Cậu không có vẻ cuốn hút của Phúc, chỉ còn lại tình cảm trong sáng, thuần khiết nhất dành tặng Miền.
“Tôi đến với Miền vì tình yêu tinh khôi như ánh mặt trời và cưới Miền dưới bóng mây đen của quá khứ. Nhưng tôi không quan tâm Miền có còn yêu Phúc hay không, vì tôi biết chỉ những ai điên rồ mới húc đầu vào bức tường dĩ vãng. Tôi chỉ cố sống trọn vẹn tình cảm của mình như con tằm nhả đến sợi tơ cuối cùng cốt để nói với Miền rằng khi yêu em tôi đã dốc hết lòng mình, không còn giấu giếm hay giữ lại chút gì cho riêng tôi nữa.”
Trên đời này, hiếm ai có được tình yêu như thế, cao thượng và hy sinh vì người mình yêu nhiều như Vinh. Hết lần này tới lần khác, người chịu tổn thương vẫn luôn là cậu. 
Suốt bao năm trời, Vinh đều hết lòng yêu thương Miền, bỏ lại sau lưng quá khứ lầm lỗi của tuổi trẻ để ở bên cô. Vậy mà trong phút chốc, Miền đã có ý định rời bỏ cậu để theo đuổi hạnh phúc cô đã bỏ lỡ.
Nếu đã đọc nhiều truyện của Nguyễn Nhật Ánh, bạn chắc chắn thấy bóng dáng của Vinh lờ mờ đâu đó trong các tác phẩm trước đó của ông. Đa phần các nam chính đều mang mối tình đơn phương với nữ chính, cùng trải qua thời thơ ấu với nhau ở một xóm nghèo xa lắc xa lơ đâu đó miền Trung. 
Chàng luôn khờ dại, nhút nhát, chỉ có tấm lòng thành dâng nàng làm quà còn nàng thì bỏ ngỏ, chạy đi kiếm tìm hạnh phúc ở nơi khác. 
Vinh rất giống với Ngạn trong Mắt biếc. Giống đến kinh ngạc. Vinh với Ngạn đều nhút nhát, Ngạn yêu Hà Lan ra sao thì Vinh yêu Miền như thế, có khi còn yêu hơn. Ngạn hy sinh vì Hà Lan thế nào, Vinh cũng vì Miền từng ấy. 
Thế nhưng trong Ngày xưa có một chuyện tình, liệu có một kết cục tốt đẹp hơn dành cho Vinh so với Ngạn? Hãy mong lần này Nguyễn Nhật Ánh sẽ không làm chúng ta thất vọng.  

Vinh còn hy sinh vì Miền nhiều hơn thế 

Sau khi Phúc đột ngột biến mất khỏi thị trấn Gò Rùa, những tưởng chuyện tình Vinh và Miền sẽ nên thơ nhưng không, Miền có thai. Cái thai của ai thì độc giả chắc cũng biết, tình hình là trước khi rời làng Miền và Phúc có gặp nhau và họ đã tò tí te, kết quả là tòi ra một thằng cu. 
Miền bỏ học sau đó, lấy cớ vào ở với cô trong Cần Thơ để trông trẻ nhưng thực chất là để sinh con. Vài năm sau, khi thằng cu đã lớn, cô mới dám trở về. Tất nhiên, Miền vẫn giấu kín thân phận thực sự và cha của đứa bé, Vinh không hề hay biết. 
Tình cảm Vinh trao Miền dường như không phôi phai mà ngày càng sâu đậm hơn theo thời gian, là thứ tình cảm mưa dầm thấm lâu, nước chảy đá mòn. Tuy nhiên Miền mòn hay chưa thì cũng chẳng rõ. 
Vinh là người đầu tiên trong làng biết sự thật về đứa bé, người mà anh vẫn tưởng là cháu của Miền. Trái tim anh quặn lại vì đau khổ, phần vì ngỡ ngàng, phần vì quá thương xót Miền. 
Lúc này, Vinh quyết định cầu hôn Miền. Anh yêu cô, và anh cũng yêu bé Su như con đẻ của mình. Miền như tìm được tấm phao giữa biển trời mênh mông, cô chỉ còn cách cố nắm lấy tia hy vọng le lói duy nhất ấy. 
Vậy là Vinh với Miền kết hôn và chung sống hòa thuận. Vợ hiền con ngoan, Vinh sống trong những ngày tháng đẹp nhất của cuộc đời. Ký ức về Phúc phai nhạt dần và tưởng như chìm vào quên lãng, cho tới khi Phúc quay trở lại làng. 
Ngày Phúc trở về và biết được sự thật về bé Su, tam giác tình yêu một lần nữa lại luẩn quẩn xung quanh cuộc sống của ba người: Vinh, Miền và Phúc, giờ đều đã trưởng thành. 

Một lần nữa, Phúc và Miền lại làm cõi lòng Vinh tan nát.. 

Phúc rủ Miền, dù lúc này đã nên vợ nên chồng với cậu bạn thân của anh, bỏ trốn cùng bé Su. Anh vẽ ra đủ thứ chuyện trên đời, với vô vàn lời hứa hẹn về cuộc sống đoàn tụ, về tình máu mủ ruột thịt và về việc tiếp diễn mối tình dang dở đã mất. 
Miền thì sao? Cô có dao động không? Có chứ, Miền vẫn yêu Phúc. Cô tưởng những tháng ngày biền biệt kia đã xóa nhòa anh khỏi tâm trí mình, nhưng khi Phúc trở về, được nhìn ngắm Phúc bằng da bằng thịt, ngọn lửa tưởng từ lâu đã tắt ngúm trong cô nay lại cháy lên dữ dội. 
Trước sự quả quyết của Phúc, Miền như rơi vào cơn mụ mị, cô đồng ý. Vinh ở ngoài đã nghe rõ toàn bộ câu chuyện, một lần nữa lại lùi về sau trọng chuyện tình tay ba này. Anh lấy cớ đi công tác vài ngày, thực chất là để Miền không vướng bận gì mà tót đi theo tình nhân. 
Đêm hôm đó là đỉnh điểm của thiên truyện này. Những cuộc đấu tranh nội tâm, những ràng buộc về tình yêu, máu mủ, về tình bạn đan xen giữa ba nhân vật Vinh, Miền và Phúc. Chỉ tới đây, người đọc mới được chứng kiến nhân vật Miền lên tiếng. 
Qua lời kể của cô, các nút thắt dần được nới lỏng. Ba giờ sáng hôm đó, Phúc ở điểm hẹn chờ Miền và bé Su. Trong thoáng chốc, Miền nhìn ra cửa sổ và mọi thứ chợt ùa về. Chọn Vinh hay Phúc, chọn con tim hay là nghe lý trí, lặp lại quá khứ hay trông đợi tương lai? Những câu hỏi trở đi trở lại trong tâm trí người phụ nữ. 
Vào đêm hôm đó, trong Phúc cũng diễn ra cuộc đấu tranh nội tâm dai dẳng. Anh một phần muốn giành lại thứ đã từng thuộc về mình, một phần lại tự trách bản thân vì quá hẹp hòi, xấu xa. Anh không khỏi hổ thẹn trước hành động của mình bấy lâu với Vinh. 
Cuối cùng, Phúc lên chuyến xe về thành phố, bỏ lại toàn bộ quá khứ sau lưng. Anh thầm chúc gia đình Vinh một cuộc sống hạnh phúc. Ở chiều ngược lại, Miền cũng quyết định không đến điểm hẹn. Cô lặng ngắm nhìn đứa con yêu dấu đang ngủ say, tin rằng điều mình vừa làm là đúng đắn. 

Câu chuyện tình yêu về những tâm hồn cao thượng 

Sau cùng, Ngày xưa có một chuyện tình là một câu chuyện tình yêu về những tấm lòng cao thượng. Độc giả đã quá quen với sự vị tha đến ngờ nghệch của Vinh mà quên đi Phúc và Miền. Nguyễn Nhật Ánh đã không để điều đó xảy ra, phân đoạn cuối đã xóa đi hoàn toàn những cái nhìn ác cảm của chúng ta dành cho cặp đôi này. 
Ngoài lề một chút thì Ngày xưa có một chuyện tình có nhiều lời thoại đẹp đến thơ mộng, mà không phải chỉ là mấy câu ngôn tình xàm xí đâu. Sâu sắc thực sự. Để hiểu rõ hơn về quyết định của Miền, bạn nên nghe câu thoại sau: 
“Cuộc đời tôi giống như một quả táo bị sâu, trong khi tình yêu Vinh dành cho tôi không một tì vết.” – Miền 
Cuộc đời này Miền gặp là Vinh là phúc diễm, là quý nhân. Vinh nâng đỡ Miền, toàn tâm toàn ý vì Miền, may mắn lắm mới kiếm được ông chồng như Vinh. 
Tình cảm Vinh dành cho Miền không phải cơn mưa rào xối xả đầu hạ, nó là cơn mưa phùn lún phún đầu xuân, nhưng dai dẳng nhiều ngày, nhiều tuần. Tình yêu ấy không làm thối đất thối cát, nó âm thầm mà thấm lâu vào trong từng tầng đất, vào tâm hồn con người ta để muôn hoa nở rộ. 
“Có thể tôi rất sẵn sàng chết vì Phúc, nhưng tôi chỉ sẵn sàng sống vì Vinh. Tình yêu tôi có với Vinh là thứ không làm cho con người tê liệt đi mà nâng con người ta lên. Nó không gây cảm giác ta bị nhiễm độc tình cảm. Nó không nhúng ta vào vũng lầy mụ mị, làm cho trái tim ta sưng tấy lên một cách bất thường. Như kiểu giữa tôi và Phúc.” – Miền nói 
Tự dưng giống câu giữa Joker và Harley Queen quá nhỉ, khi mà Joker nói: “Would you die for me? That’s too easy. Would you live for me?”. Bài học đấy nhé, hãy yêu ai mà họ làm mình tha thiết sống, gắn bó với đời chứ cứ yêu chết đi sống lại là 100 phiếu red flag ngay. 
Nói thêm là Nguyễn Nhật Ánh đã đính chính quyết định của Miền là đúng đắn vào cuối truyện. Người hạnh phúc nhất lúc này có lẽ là Vinh, khi mà bao suy tư đè nặng trong đầu chợt tan biến khi đặt chân về nhà sau đợt công tác. 
Một viễn cảnh không thể tươi đẹp hơn mở ra trước mắt Vinh và Miền, và trong cả tâm tưởng của bạn đọc! 

Điểm trừ của cuốn sách này là gì? 

Nãy giờ khen đủ rồi, giờ tới phần chê nhé. Cách hành văn và dẫn dắt của Nguyễn Nhật Ánh vẫn lôi cuốn, tuy nhiên một vài đoạn ông đan cài cảnh bé Su nói chuyện với Phúc rất độc đáo,  nhưng để bé Su nói hơi nhiều triết lý nhân sinh.  
Ông đã dồn nhiều trọng trách vào một đứa trẻ mẫu giáo, vì thực sự là đọc mấy câu này chẳng ai nghĩ là trẻ con nói được cả. Người lớn có khi còn không nghĩ được chứ đừng nói tới trẻ con. Đó vẫn có thể được xem là điểm độc đáo của truyện, tuy nhiên nhiều câu lại hơi lố và khiến bạn đọc thấy sao mà điêu điêu. 
Ngày xưa có một chuyện tình vẫn còn vài trang cuối rất hấp dẫn mà chỉ bạn nào đọc rồi mới phát hiện. Miền ở lại với Vinh chưa phải kết thúc, Nguyễn Nhật Ánh thậm chí còn cho một cái kết viên mãn hơn. Có vẻ như ông muốn bù đắp cho Ngạn và bạn đọc thì phải.. 
Hãy tìm đọc và tự khám phá điều đó nhé! 
P/s: Bài viết được tham khảo từ chính bài đăng trước đó của mình trên Revelogue, bạn nào thích phân tích kỹ hơn thì thêm nhé: