Hình ảnh mô phỏng AlphaGo - AI chờ cờ vây do Deep Minh phát triển
Hình ảnh mô phỏng AlphaGo - AI chờ cờ vây do Deep Minh phát triển
AI - Trí tuệ nhân tạo chính là một trong những phát minh ngoạn mục nhất trong lịch sử nhân loại. Có lẽ không một phát minh nào đã được con người theo đuổi từ trong thần thoại (câu chuyện về những Avatar) hàng nghìn năm trước cho tới tận bây giờ, vì trí tuệ nhân tạo mỗi ngày càng trở nên thông minh và hữu ích hơn.
Tuy nhiên chính vì nó thông minh hơn con người rất nhiều thì những gì nó tạo ra và ảnh hưởng đến chúng ta có hoàn toàn là an toàn và đem lại sự tốt đẹp như những nhà phát triển hứa hẹn hay không thì lại là một câu chuyện khác.
Một câu chuyện trải dài từ những ngày đầu tiên khi Ada Lovelace viết về suy nghĩ của mình sẽ thế nào khi máy móc trở nên thông minh hơn, cho tới thời điểm hiện tại khi các nền tảng với sự giúp đỡ của AI đang thao túng và điều khiển hành vi của con người, đặc biệt là thế hệ trẻ.

LỊCH SỬ VỀ NHỮNG SIÊU MÁY TÍNH VÀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO ĐẦU TIÊN

Một điều thú vị là thất bại đầu tiên của con người trước máy tính không phải trong cờ vua, mà là trong một trò chơi khác. Đó là một trò chơi có lịch sử và tuổi đời lên tới 5000 năm với tên gọi là Backgammon.
Năm 1979 chương trình BKG do Hans Beliner phát triển đã chiến thắng 6-0 trước một nhà vô địch thế giới trong trò Backgammon.
Năm 1989 đã diễn ra hai trận tỉ thí cờ vua giữa Garry Kasparov – người được coi là siêu đại kiện tướng cờ vua vĩ đại nhất lịch sử với máy tính Deep Thought của IBM mà ở thời điểm đó nó cũng là một nhà vô địch trong thế giới máy tính.
Kết quả Kasparov dành chiến thắng cả hai ván khá dễ dàng nhưng tuyên bố của ông còn đáng nhớ hơn khi nhận định rằng “Máy tính còn lâu nữa mới có thể chiến thắng con người trong cờ vua”
Năm 1996, IBM mang tới cho Kasparov một đối thủ khác là Deep Blue, một siêu máy tính vượt trội hơn rất nhiều so với Deep Thought. Kết quả Deep Blue thắng một ván, hoà 2 ván và thua 3 ván trước Kasparov.
Năm 1997, Deep Blue tái ngộ Kasparov với một bản nâng cấp toàn diện hơn đánh bại Kasparov sau 6 ván cờ. Deep Blue thắng 2, hoà 3 và thua 1. Đáng nói hơn là trong ba ván hoà đó thì Kasparov đều có lợi thế hơn nhưng cũng không thể dồn ép Deep Blue phải đầu hàng. Kasparov sau này cũng nói rằng đã nhìn thấy sự sáng tạo bất ngờ trong vài nước đi của Deep Blue.
Cũng trong năm 1997 đó, Máy tính cũng chiến thắng con người trong trò Othello (cờ lật) khi phần mềm Logictelo thắng cả 6 ván trước nhà vô địch thế giới Takeshi Murakami.
Năm 2003 Kasparov một lần nữa tranh tài với siêu máy tính X3D Fritz. Lần này là kết quả hoà sau 4 ván. Kasparov thắng 1 thua 1 và hoà 2.
Trong những năm 2000 tới 2010 thì máy tính và các phần mềm tự động đã đánh bại con người trong Scrabble, bài Bridge, Poker, Freecell...
Năm 2011, Watson – siêu máy tính thế hệ mới nhất của IBM và dĩ nhiên nó cũng thông minh hơn Deep Blue nhiều lần đã lại đánh bại một lúc hai người chơi giỏi nhất trong trương trình hỏi-đáp Jeopardy! Watson đã thắng cả Brad Rutter, người thắng nhiều tiền nhất mọi thời đại trên chương trình Jeopardy!, và Ken Jennings, người giữ kỷ lục chức quán quân lâu nhất (thắng liên tục nhiều lần liên tiếp) của chương trình này.
Năm 2016 AI đánh bại con người trong cờ vây. Dù con người đã lường trước sự tiến bộ cũng như những gì mà một AI - Artificial Intelligence (trí tuệ nhân tạo) đem tới, nhưng việc một AI chiến thắng kỳ thủ cờ vây giỏi nhất thế giới vào năm 2016 thì vẫn là một chuyện hết sức sửng sốt.
Vào năm 2012, các chương trình chơi cờ vây chỉ đạt tới cấp độ cao thủ nghiệp dư, và giới chuyên gia dự đoán rằng cần ít nhất một thập kỷ nữa thì AI mới có thể chiến thắng con người trong cờ vây. Thực tế thì AlphaGo đã làm được điều đó trong khoảng thời gian ngắn hơn cả nửa thập kỷ. Nó chỉ cần 4 năm phát triển để đánh thắng đại diện giỏi nhất của con người trong cờ vây. Một trò chơi thiên biến vạn hoá hơn cờ vua rất nhiều.
Năm 2017, AI Dota do OpenAI – công ty phát triển AI mà Elon Musk rót vốn nào đã đánh bại những game thủ chuyên nghiệp trong Dota2 một cách thuyết phục trong thể thức 1vs1. Thậm chí Dendi - game thủ nổi tiếng trong cộng đồng Dota 2 Thế giới đã từ chối đánh trận thứ 3 với AI sau khi đã thua 2 trận liên tiếp.
Nhưng cũng trong năm đó, Song Byung Gu – game thủ người Hàn đã một mình đánh bại bốn con AI đến từ Mỹ, Na Uy, Úc và Hàn Quốc trong StarCraft2. Bốn AI này đều có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng AI chơi StarCraft.
Đặc biệt AI của Mỹ là thành quả đến từ công sức nghiên cứu và phát triển của Facebook. Còn AI của Na Uy thì có khả năng thực hiện được tới 19.000 hành động trong game chỉ với thời gian là một phút. Đây là con số khủng khiếp khi một game thủ StartCraft chuyên nghiệp chỉ đạt được trên dưới 1000 hành động trong một phút. Ngay sau đó Deep Mind – công đã chế tạo ra AlphaGo tuyên bố rằng sẽ tạo ra một AI chuyên chơi StartCraft với khả năng phân tích, học sâu từ dữ liệu sẵn có thì sẽ sớm chiến thắng con người trong trò chơi này.
Đối với giới nghiên cứu và phát triển AI thì những chiến thắng của AI khiến họ rất phấn khích trước một tương lai và thú và hứa hẹn. Với những con người bình thường và giới truyền thông lại phản ứng bằng một thuyết âm mưu khơi dậy nỗi lo sợ việc sẽ sớm thôi Robot sẽ đè đầu cưỡi cổ con người, chấm dứt sự cai trị của đám con cháu Adam và Eva.
Nhưng câu chuyện về sự phát triển, lợi ích và nỗi sợ khi AI trở nên thông minh trong thực tế là sự pha trộn giữa của rất nhiều yếu tố và hoàn cảnh. AI thực sự đã biến đổi cuộc sống của chúng ta theo một cách mà các nhà phát triển có lẽ cũng ngờ đến. Nhưng thay vì lo sợ, thì các công ty sở hữu AI lại đi theo ngã rẽ mà AI đã tạo ra để biến đổi tư duy và hành vi của con người.
Thực tế AI thông minh hơn không huỷ diệt nhân loại (hiện tại là thế) nhưng nó đã biến chúng ta càng ngày càng trở nên giống máy móc hơn bao giờ hết.

CHO ĐẾN KHI NÀO MÁY TÍNH SẼ TƯ DUY NHƯ CON NGƯỜI VÀ VƯỢT QUA CHÍNH CHÚNG TA?

Nhưng trước khi AI đánh bại con người trong cờ vua, giải câu đố và cờ vây thì ngay từ thời điểm ban đầu của buổi bình minh chế tạo máy tính đã xuất hiện câu hỏi “Đến một lúc nào đó thì liệu một cỗ máy sẽ có khả năng tư duy như một con người? Đây không phải là một câu hỏi siêu hình hay đậm chất triết học mà là sự khởi đầu của một chuỗi nhân quả sẽ dẫn đến câu trả lời là CÓ. Một định mệnh chẳng thể nào lẩn tránh hay coi như không tồn tại.
Nữ lập trình viên đầu tiên trong lịch sử là Ada Lovelace, cô con gái của nhà thơ Byron sống ở thế kỷ 19 và đã đã trở nên bất tử trong giới máy tính khi Ada là viết phương trình cho máy Giải tích – chiếc máy tính cơ học đầu tiên do Charle Babbage chế tạo. Ada đã viết trong nhật kí rằng “Liệu máy tính sẽ có khả năng thông minh hơn con nguời hay không?” cùng niềm tin vào tương lai sẽ xuất hiện những chiếc máy tính vượt trội hơn rất nhiều máy giải tích, vốn là công cụ tính toán tốt nhất trong lịch sử trong thời đại của Ada Lovelace. 
Hơn 50 năm sau cái ngày Ada Lovelace suy tư về một trí tuệ nhân tạo, thì trong cuốn sổ ghi chép của mình, Nikola Tesla thậm chí còn đi xa hơn khi không hề giấu giếm việc ông sẽ tự tay chế tạo một cỗ máy có trí thông minh cho riêng mình. Lý do ông muốn chế tạo cỗ máy như vậy là vì mục đích hoà bình cũng như không gây đổ máu nếu chiến tranh xảy ra.
“Phải gạt con người ra một bên. Máy móc đánh nhau với máy móc. Nhà phát minh có nhiệm vụ tạo ra những cỗ máy có hoạt động như thể là một phần của con người. Không đơn thuần chỉ là một sản phẩm của cơ khi mà cỗ máy này sẽ có nhiều chức năng cao cấp hơn cho phép nso thực hiện những bổn phận của mình như trí tuệ, kinh nghiệm, sự phán xét và một trí não thực thụ”.
Đây chính là một phiên bản Avatar giống như các vị thần mà Tesla muốn hướng đến cho con người. Ông tiếp tục viết trong sổ ghi chép.
“Ban đầu đó sẽ là một cỗ máy được điều khiển từ xa, bằng ánh sáng hoặc sóng âm, nó chỉ nhận lệnh từ một cá thể ra lệnh bằng công cụ điểu khiển... Nhưng tôi sẽ làm tốt hơn như thế nhiều. Tôi muốn cỗ máy này có thể đạt được một trí thông minh riêng, tách rời khỏi người điều khiển và hoạt động độc lập, có khả năng thu thập, nhận biết và đưa ra quyết định tiếp theo...”.
Và Tesla đã chế tạo thành công cỗ máy này. Một cỗ máy không cần người vận hành, được điểu khiển bằng sóng radio.
Tesla đặt tên cho cỗ máy là Telautomatics. Nó có hình dạng giống tàu ngầm, dài khoảng 3 feet tương đương gần 1 met. Năm 1898, Tesla đã mang Telautomatics tới hội chợ ở New York và khiến mọi người sửng sốt khi ông điều khiển Telautomatics từ xa thông qua một thiết bị phát sóng radio. Nhưng Tesla không dừng lại ở đây.
Khi chiếc ô tô đầu tiên được sản xuất hàng loạt với giá rẻ là Model T của Ford thì vào năm 1908 thì những năm tiếp theo Tesla đã bắt đầu nghiên cứu và chế tạo ô tô tự hành dựa trên thành công từ Telautomatics. Năm 1915 tới 1917 Tesla đã gửi thư cho bạn bè và ghi chép về ý tưởng và tiến độ triển khai của dự án ô tô tự hành. Tesla đặc biệt nhấn mạnh rằng chiếc ô tô này sẽ có trí thông minh riêng như con người vậy. “Bất kể khả năng thực tế của phát minh này là gì, thì đây sẽ là sự đánh dấu của một khởi đầu của một kỷ nguyên cơ học mới”.
Đáng tiếc là toàn bộ thành quả về chiếc ô tô tự hành của Tesla đã biến mất khi phòng thí nghiệm của ông bị hoả hoạn, cũng như thông tin sau đó về việc dự án này có được Tesla tái triển khai hay không vì bất cứ lý do thì cũng chẳng được đề cập tới. Nhưng Tesla đã đúng khi sớm nhìn nhận rằng chiến tranh trong thời hiện đại sẽ là cuộc chiến giữa máy móc với máy móc. Tuy nhiên đó không phải là các cỗ máy giết chóc mà là những siêu máy tính được tạo ra để giải mã lẫn nhau.
Trong Thế chiến thứ hai, vào năm 1943 Mỹ là bên đã hữu chiếc siêu máy tính đầu tiên trên thế giới có tên gọi là ENIAC. Mục đích ban đầu là để giải mã mật mã của phát xít Đức. Sau này chính nhờ ENIAC cùng những phép tính toán của nó mà các nhà khoa học đã phát triển những công nghệ mới bao gồm cả chương trình Apollo và dự án Mặt trăng của NASA.
Đồng thời gian 1942-1943 đó thì ở anh Alan Turing cũng đang âm thầm chế tạo một chiếc siêu máy tính để giải mã ENIGMA của Đức quốc xã. ENIGMA cũng là một chiếc máy tính có khả năng tạo ra 100 tỉ mã hoá khác nhau. Việc giải mã được ENIGMA là điều không thể nếu chỉ dựa vào khả năng tính toán của con người. Qua những lần bế tắc thì Turing biết rằng chỉ có chiến thắng máy móc bằng máy móc.
Nhưng Turing cùng với những đồng đội của mình đã thành công. Sau không biết bao nhiều lần thử nghiệm thất bại thì cuối cùng cũng đã chế tạo ra BOMBE, chiếc siêu máy tính có thể giải mã hơn 150 nghìn tỉ ký tự. Nhờ có BOMBE nên nước Anh đã thành công trong việc giải được mật mã của Đức do chiếc ENIGMA tạo ra. Theo tính toán nếu không có BOMBE thì chiến tranh sẽ kéo dài thêm 2 năm, đồng nghĩa với hàng chục cho tới hàng trăm nghìn người sẽ mất mạng.
5 năm sau hoà bình được lập lại, Alan Turing cũng đã suy nghĩ về việc Máy tính có thể suy nghĩ và vượt trội hơn con người như Ada Lovelace và Tesla đã nhận định hay không. Ông đã tạo ra phép thử Turing nổi tiếng như sau: Một người chơi thực hiện một cuộc thảo luận bằng ngôn ngữ tự nhiên với một con người và một máy tính, cả hai đều cố gắng chứng tỏ mình là con người. Ba bên tham gia phép thử được cách ly với nhau. Nếu người chơi không thể nhận ra máy tính không phải là con người, máy tính đó vượt qua phép thử.
“Máy tính sẽ được gọi là thông minh nếu nó có thể đánh lừa con người tin rằng nó là con người". Turing kết luận.
Sáu năm sau, trí tuệ nhân tạo đã được coi là một lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu khi Dự án mùa Hè Dartmouth được khởi động. Đây là bước khởi đầu và sự công nhận cho việc nghiên cứu về mọi khả năng mà một AI -Trí tuệ nhân tạo có thể đạt được.
Tuy nhận được đầu tư, tài trợ và thu hút nhiều nhà khoa học, nhưng trong khoàng thởi gian kéo dài gần 6 thập kỷ từ 1955 tới 2015 lĩnh vực trí tuệ nhân tạo lại không cất cánh để dẫn tới viễn cảnh mà Ada, Turing, Tesla và nhiều người khác mong đợi. Tất nhiên việc các siêu máy tính đánh bại con người trong nhiều trò chơi là một điều kinh ngạc, nhưng đó chỉ là một phần trong bức tranh tổng thể mà thôi. Nhiều người đã hi vọng rằng Trí tuệ nhân tạo sẽ phải đạt tới sự thông minh và phổ biến như trong các bộ phim mà Hollywood xây dựng.
Lý do đến từ cả chủ quan lẫn khách quan khi các nguồn lực trong hai thập kỷ 1960-1970 chịu tác động và ảnh hưởng bởi chiến tranh lạnh lẫn mối quan tâm hàng đầu lúc đó là không gian khi hai cường quốc Mỹ và Nga ganh đua nhau trong việc đưa người lên Mặt trăng và khám phá vũ trụ. Các siêu máy tính được tạo ra để giúp cho việc phóng tên lửa đem lại lợi ích hơn là trả lời câu hỏi “Máy tính có thể vượt qua con người không?”.
Nhưng khi nhìn vào những gì mà máy tính đã làm được, từ việc giải mã cho tới tính toán thì thực sự chúng đã đem lại quá nhiều lợi ích hơn là nỗi lo sợ về sự nổi loạn của máy móc. Trong quá khứ, máy tính thực sự là các thiên thần và sứ giả hoà bình hơn là quỷ dữ mà Elon Musk sau này đã mô tả về AI.
Việc giới hạn trong phần cứng và đặc biệt là thiếu dữ liệu đã khiến Trí tuệ nhân tạo có một khoảng thời gian khá dài im hơi lặng tiếng cho tới khi thời điểm hội tụ công nghệ bùng phát trong những năm cuối thập kỷ 90 và ngay chính lúc này đã dẫn tới sự tiến bộ vượt bậc trong ngành này. Trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực cần được đầu tư theo cách ném tiền qua cửa sổ, con số lớn đến mức mà các chính phủ cũng phải giật mình và từ bỏ. Nguồn vốn thực sự đã khiến lĩnh vực AI phát triển như ngày nay là đến từ tư nhân chứ không phải nhà nước. Trước Đây ENIAC, ENIGMA hay BOMBE chỉ có thể được chế tạo trước sự bảo trợ của chính phủ. Còn bây giờ những siêu máy tính hay AI như Deep Blue, Siri và AlphaGo thuộc sở hữu của các công ty công nghệ.
Nhưng những công ty này không chỉ có tiền mà còn có dữ liệu. Mà dữ liệu lại đến từ người dùng. Nhưng đa số người dùng không hề biết AI là gì và sự ảnh hưởng của nó đến trải nghiệm internet và cả cuộc sống của mình ra như thế nào.
Trước khi tạo ra những AI thao túng hành vi của con người bây giờ thì các công ty công nghệ phải nắm được cốt lõi phát triển công nghệ AI. Những công ty này đã dùng tiền vừa để phát triển AI của riêng mình cũng như sử dụng những từ đô la để thâu tóm lại những startup AI tiềm năng nhất.

CUỘC CHẠY ĐUA CHẾ TẠO, THÂU TÓM VÀ SỞ HỮU AI GIỮA CÁC CÔNG TY CÔNG NGHỆ HÀNG ĐẦU

Trước những ngày tháng Ba năm 2016 định mệnh đó, khi AlphaGo của Deepmind, một công ty phát triển AI ở Anh mà Google thâu tóm với giá khoảng 400 tới 500 triệu đôla thì đã xuất hiện những AI phiên bản đơn giản được ứng dụng hẹp đầu tiên. Đây là những AI được phát triển bởi những công ty công nghệ hùng mạnh nhất như Amazon, Apple, hay Microsoft. Apple ra mắt Siri năm 2011, (Chính xác là Siri là một công ty mà Apple thâu tóm bằng 200 triệu đôla) Alexa của Amazon xuất hiện lần đầu vào năm 2014, Google Assistant năm 2016 hay mãi tới năm 2017 thì Cortana do Microsoft phát triển mới được công bố. Tất nhiên những AI này được biết tới và phổ biến nhất trong hàng nghìn AI đã và đang được phát triển trên khắp thế giới.
Trong thế giới của những cá mập công nghệ thì song song với việc phát triển AI mà còn là cuộc chiến thâu tóm những công ty hay startup phát triển những phần cứng và phần mềm thông minh. Việc tạo ra một AI là việc không hề đơn giản, ngay cả với những công ty công nghệ quy mô nhất. Ban đầu là phải tập hợp một đội ngũ có chuyên môn rất cao, tiếp theo là một tầm nhìn phát triển dài hạn và cuối cùng là sản phẩm – AI đó sẽ giải quyết vấn đề gì, đem lại lợi ích và ưu thế cạnh tranh như thế nào cho chủ sở hữu.
Điển hình nhất là Google khi không chỉ mua lại Deep Mind mà trước đó vào năm 2014 là Nest (một công ty sản xuất những bộ cảm ứng nhiệt thông minh) hay gần đây là Fibit (thiết bị theo dõi sức khoẻ thông minh). Hãy lưu ý rằng, trước khi xe điện của Tesla trở thành một biểu tượng thì Google đã mất nhiều năm phát triển xe tự hành, một dạng AI thông minh dưới hình dạng một chiếc ô tô chạy điện. Qua những dấu viết Google để lại thì không khó nhận thấy rằng những gì Google phát triển và mọi thứ Google mua đều có dính lứu đến dữ liệu, thiết bị thông minh và AI trước khi AlphaGo giáng một cái tát vào mặt nhân loại.
Cũng trong năm 2014, Facebook dù chỉ tập trung dồn nguồn lực để thâu tóm các nền tảng giải trí quan trọng như Instagram nhưng nó vẫn chi ra một số tiền không nhỏ để sở hữu Oculus – công ty với công cốt lõi là công nghệ thực tại ảo hứa hẹn sẽ là bước đột phá tiếp theo trong trải nghiệm giải trí. Và công nghệ ảo cũng có thể tích hợp được với AI. Năm 2016, Facebook thừa nhận phát triển AI rất khó khăn nhưng vẫn sẽ theo đuổi mục tiêu này nhằm gia tăng trải nghiệm trên chính nền tảng của mình. Thành quả của quá trình đó nằm ở việc AI đã giúp Facebook đưa ra gợi ý tối ưu nhất từ thông tin, quảng cáo hay nhận diện hình ảnh.
Năm 2018, Oculus, công ty mà Facebook mua lại công bố đã chế tạo và thử nghiệm một thiết bị thực tại ảo tên là Half Dome cùng phần mềm hỗ trợ Deep Focus, mà có sự xuất hiện của AI trong đó nhằm giúp gia tăng trải nghiệm cho người dùng. Dù không ồn ào và háo hức như Google, nhưng Facebook không hề bỏ qua những cơ hội mà AI đem lại. Cả Google lẫn Facebook đều có niềm tin lạc quan vào tương lai của công nghệ và nhân loại sẽ phụ thuộc vào sự phát triển của AI trong mọi lĩnh vực.
Cũng phải kể nhắc tới Twitter, nền tảng nhắn tin nhanh có hàng trăm triệu người dùng cũng khẩn trương thâu tóm và sáp nhập những startup chuyên về học máy và trí tuệ nhân tạo là Madbits vào năm 2014, Whetlab 2015, Magic Pony 2016 và Fabula AI năm 2019. Những vụ thâu tóm này được Twitter lý giải rằng nhằm tăng cường trải nghiệm người dùng tối ưu hơn khi phân tích dữ liệu chính xác hơn. Đây cũng chính là ưu điểm mạnh nhất của AI.
Năm 2010, Apple mua Siri, một dạng AI đơn giản và tích hợp nó vào iOS trên iPhone ngay lập tức. Nhưng Siri không phải là công ty AI duy nhất mà Apple mua lại. Apple thường tránh sự ồn ào và bảo mật thông tin về những vụ thâu tóm một cách tối đa. Apple đã lần lượt mua lại Turi, Lattice Data, Inductiv, Silk Labs, Pullstring rồi cả Akonia Holographics – một startup chuyên về thực tế ảo tăng cường. Với tốc độ thâu tóm một công ty trong một tháng của mình, thì tính tới thời điểm này Apple chắc chắn đã mua lại các startup về AI nhiều hơn so với công bố của mình.
Và đúng là định mệnh khi tháng 8 năm 2014 (lại là năm 2014) thì sau khi đọc cuốn Siêu trí tuệ của Nick Bostrom ngay lập tức Elon Musk có đăng lên Twitter lời cảnh báo rằng “AI là mối tai hoạ với con người hơn cả bom nguyên tử”. Với tầm nhìn cùng trí thông minh sắc bén, Musk đã không đứng ngoài cuộc khi cơn lốc AI đang làm mưa làm gió vào thời điểm đó.
Nhưng trái với hồ hởi đón nhận những lợi ích của AI đem lại hay bị cuốn vào cơn lốc thâu tóm những startup Ai, thì Elon Musk cùng với những người khác thành lập OpenAI vào cuối năm 2015 với mục đích nghiên cứu và kiểm soát AI trước khi chúng trở nên thông minh hơn rồi trở thành mối đe doạ với con người. Elon Musk đã đi ngược với cả giới công nghệ khi công khai ý định lợi dụng sức mạnh của AI để khống chế AI cũng như tạo ra AI an toàn hơn.
Tuy nhiên đến năm 2018 Elon Musk bất ngờ rời khỏi hội đồng quản trị OpenAI với lý do có thể gây ra xung đột lợi ích khi Tesla – hãng xe điện của Musk cũng sẽ tạo ra một AI riêng cho xe tự hành của công ty trong tương lai. Nhưng Tesla không phải lý do duy nhất khiến Elon Musk rời khỏi OpenAI khi bản thân anh cũng đã thành lập Neuralink – một công ty đầy tham vọng với mục tiêu tăng cường não cùng thần kinh người thông qua chip điện tử và internet. Tất nhiên trong lĩnh vực vô cùng phức tạp này thì AI đang giúp sức cho những nghiên cứu và phát triển của con người rất nhiều.
Thông qua Neuralink, Elon Musk đã để lộ khát khao rất lớn khi muốn nâng cấp não sinh học trở nên một bộ phận có thể mở rộng, bổ sung và cải tiến như phần cứng của máy tính, là hình dạng vật chất của AI. nếu Neuralink thành công thì điều này sẽ tạo ra một bước ngoặt trong lịch sử khi con người sẽ có khả năng học tập và mở rộng bộ nhớ như những siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo.
Tính từ thời điểm xuất hiện các AI đơn giản như Siri rồi năm 2014 khi các vụ thâu tóm và sáp nhập những startup AI của các công ty công nghệ hùng mạnh đã diện ra với tốc độ điền cuồng, cũng như chiến thắng của AlphaGo trong cờ vây vào năm 2016 tới thời điểm này cũng hơn 5 năm trôi qua thì mọi thứ lại trở nên im hơi lặng tiếng một cách kì lạ.
Nửa thập kỷ là một khoảng thời gian không ngắn nếu quy chiếu sự phát triển của AI theo Định luật Moore trong công nghệ khi sức mạnh của phần sẽ tăng gấp đôi sau 18 hoặc 24 tháng mà giá thành lại rẻ hơn hoặc không đổi. Đây cũng là khoảng thời gian mà những đồng tiền điện tử như Bitcoin và công nghệ Blockchain làm mưa làm gió cho và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Có lẽ việc Facebook công bố về Metaverse, thế giới thực tại ảo tăng cường của mình là một sản phẩm được gắn kết với AI là ồn ào hơn cả khi so với việc xe tự hành hay chip điện tử cấy vào não vẫn là những dự án chưa đem tới sự thành công đột phá. Nhưng điều này không đồng nghĩa rằng lĩnh vực AI đang chậm bước sau thời gian tăng tốc bất ngờ. Trái lại là với sức mạnh của phần cứng và lượng dữ liệu khổng lồ (big data) thì AI của các công ty công nghệ vẫn đang được nghiên cứu và phát triển để trở nên thông minh hơn. Thực tế thì công nghệ nhận diện khuôn mặt, giọng nói, phân tích hành vi, trong y học và cả thị trường chứng khoán, tài chính đang ứng dụng những lợi thế mà AI đem lại khi thông tin, hình ảnh và âm thanh có sự chính xác rất cao. Gần đây AI của Google có thể dự đoán được khả năng ung thư vú dựa trên dữ liệu chính xác lên tới hơn 90%. AI này có tốc độc chẩn đoán nhanh hơn gấp đôi so với một chuyên gia trong lĩnh vực này.
Chúng hiểu người dùng hơn chính họ hay bạn bè biết về họ một cách kinh ngạc. Chúng cũng chuẩn xác đến mức đã biến đổi con người theo cách mà các nền tảng và công ty công nghệ muốn. Đặc biệt là trong việc cung cấp trải nghiệm gây nghiện và thao túng tư duy lẫn hành vi của chúng ta. Bản thân các công ty sở hữu AI cũng bất ngờ trước kết quả của AI đem lại. AI đã khiến các công ty này rẽ sang một hướng khác đi chệch ra khỏi lý tưởng “Công nghệ sẽ làm thế giới tốt đẹp hơn” sang một hình thức khác là: sở hữu tâm trí của người dùng như một nô lệ để phục vụ cho những mục đích của những nền tảng và công ty công nghệ sở hữu AI.
Tiến bộ trong kỹ thuật và công nghệ không có nghĩa là sẽ tốt hơn. Việc AI thông minh hơn không đồng nghĩa với sự huỷ diệt. Sự đáng sợ của AI nằm ở việc nó sở hữu sức mạnh để biến chúng ta trở thành máy móc mà không có bất cứ một hành động chống đối nào có thể ngăn cản được.
Đây chính xác là những gì đang diễn ra trong cuộc sống của con người dưới sự thao túng vô hình của AI. Chúng ta là con người nhưng cũng không hẳn là con người. Chúng ta có ý chí nhưng ý chí đó không có tự do mà lại phục tùng vô điều kiện. Chúng ta lệ thuộc vào công nghệ mà các nền tảng và công ty đem tới như đám thần dân sống trong Nhà nước độc tài mà bản thân họ không hề có ý thức chống đối hay phản kháng.

NGÃ RẼ XẢO TRÁ CỦA CÁC CÔNG TY CÔNG NGHỆ

Khái niệm về một AI – Trí tuệ nhân tạo chính là những gì mà Ada Lovelace, Alan Turing hay Nikola Tesla nhìn nhận đều giống nhau đến ngạc nhiên khi một cỗ máy được gọi là AI thì nó phải có một trí thông minh riêng dù được con người tạo ra. Nó có khả năng phân tích, thu thập dữ liệu, học hỏi, nhận biết và có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn con người rất nhiều. Đây cũng chính là cốt lõi trong việc nghiên cứu và phát triển AI trong thời điểm hiện tại.
Bây giờ để được công nhận là một AI thì AI đó phải đạt được một số điều kiện sau:
- AI cũng giống như tâm trí con người nhưng tư duy nhanh hơn nhiều. Về mặt khái niệm đây là dạng thức siêu trí tuệ dễ phân tích nhất. Một hệ thống có thể làm được mọi thứ mà một người thông minh nhất có thể làm nhưng với tốc độ nhanh hơn nhiều.
- AI cũng là một dạng thức siêu trí tuệ tập thể với hiệu năng vượt trội nhưng bằng cách tập hợp các trí tuệ nhỏ hơn là những dạng trí tuệ trong nhiều lĩnh vực phổ thông dựa trên phân tích dữ liệu
- AI cũng phải là một siêu trí tuệ chất lượng, một hệ thống tương đương não bộ con người nhưng thông minh hơn nhiều về chất lượng. Nó phải trở nên đáng tin cậy hơn khi đã loại bỏ sự giới hạn trong cấu trúc sinh học và cảm tính của con người.
Với ưu thế từ vật lực tới nhân lực mà các công ty dốc vào lĩnh vực AI thì không hề nói quá khi cho rằng đây là thời hoàng kim, là nền tảng để tạo ra một AI siêu thông minh. Trước đây điều này là không thể khi thiếu dữ liệu cũng như phần cứng, thì bây giờ cả hai yếu tố cần phải có này đều đã hội tụ đầy đủ.
Như chúng ta đã biết thì hai khái niệm Machine learningDeep learning có sự liên quan chặt chẽ với AI nhau để tạo ra một trí thông minh siêu việt đến từ máy móc. Chúng là ba vòng tròn lồng vào nhau với vòng tròn bên ngoài là AI, vòng tròn thứ hai là Machine learning và vòng trong cùng là Deep learning. Deep learning là một tập hợp con của Machine learning. Machine learning là một tập hợp con của AI.
Đọc thêm:
Machine learning là khái niệm về việc máy tính tự học để cải thiện một nhiệm vụ mà nó đang thực hiện. Hiệu suất của máy tính sẽ cải thiện khi nó lặp đi lặp lại nhiệm vụ đó nhiều lần. Machine learning dựa trên Big data (dữ liệu lớn) và thuật toán phân tích Big data để cho ra kết quả dự đoán tốt hơn. Google Search chính là một ví dụ về Machine learning. Khi bạn dừng lại ở những kết quả lâu hơn hay truy cập vào link trên mục tìm kiếm thì Google Search sẽ ghi nhận là những thông tin đó có ích cho bạn. Ngược lại nếu bạn chỉ dừng lại những kết quả đó chỉ trong vài giây thì Google Search sẽ biết thông tin đó không phù hợp và nó sẽ tự động điều chỉnh để những lần tìm kiếm tiếp theo của bạn sẽ chính xác hơn.
Còn Deep learning là một hệ thống phân cấp các khái niệm, nhận biết và tìm ra sự khác biệt của những thứ có vẻ tương đồng nhưng vẫn có những sự khác biệt. Ví dụ Deep learning giúp AI nhận dạng sự khác nhau giữa sư tử và hổ thông qua hình ảnh và thông tin cơ bản là chúng có những điểm tương đồng như đều thuộc họ mèo và là loài ăn thịt. Những gợi ý về thông tin, quảng cáo, sản phẩm trên các mạng xã hội. Nhận diện hình ảnh trên facebook chính là kết quả mà Deep learning đem lại. Chúng chính xác đến mức người dùng phải giật mình.
Cả Machine learning và Deep learning đều cần một lượng dữ liệu khổng lồ và hệ thống phần cứng mạnh mẽ để hoạt động. Và những công ty công nghệ có cả hai thứ chất liệu quan trọng này để tạo ra những AI hiệu quả nhất trong việc tạo ra trải nghiệm gây nghiện chứ không phải huỷ diệt thế giới. Gần như tất cả các nhà sáng lập của những nền tảng luôn nhắc đi nhắc lại rằng “Dữ liệu là tất cả” đối với công ty mình. Dữ liệu vừa là mỏ vàng và cũng là nhược điểm chí tử đối với chính các nền tảng công nghệ.
Mark Zuckeberg đã giận dữ gào lên khi Apple có động thái ngăn chặn ứng dụng Facebook trên iOS thu thập dữ liệu của người dùng. Điều này khiến Facebook không thể tìm hiểu sở thích, thói quen để đưa ra những gợi ý quảng cáo hay thông tin chính xác tới chúng ta. Điều này dẫn tới doanh thu suy giảm và người dùng mới cũng giảm. Hậu quả là ngay sau đó là đầu năm 2022 giá trị của Facebook (Meta) trên sàn chứng khoán bị thổi bay hơn 250 tỷ đôla.
Sự phổ biến và gây nghiện của TikTok đến tức cách nền tảng này tận dụng AI để phân tích dữ liệu tốt đến mức đến mức khi người dùng mở ứng dụng, trung bình họ sẽ dùng nó hơn 10 phút, dài hơn ba lần so với Instagram. Điều này chứng tỏ rằng các đề nghị dựa trên thuật toán và AI của TikTok từ việc phân tích sở thích, sở thích của người dùng thông qua tương tác của họ với nội dung và hiển thị nguồn cấp nội dung được cá nhân hóa cho từng người dùng tốt đến mức nào.
Khi AI TikTok đã biết một số điều cơ bản về video bạn xem, giờ đây nó sẽ đưa ra những gợi ý về video tiếp theo cho bạn. Sau đó nó sẽ đánh giá phản hồi dựa thời gian, like, giới thiệu tới bạn bè hay bình luận để tính toán và xếp loại giá trị của video đó ở mức độ nào. Nói đơn giản, khi bạn xem TikTok nhiều hơn thì AI càng hiểu về bạn hơn. Điều này dẫn tới một sự tiền định không thể thay đổi: bạn càng trở nên nghiện Tiktok hơn khi xem nhiều video hơn. Một sự trừng phạt khi trải nghiệm được gia tăng.
Nhưng đây không phải là lỗi của AI. AI chỉ đang làm quá tốt những mệnh lệnh mà các ông chủ nền tảng trao cho nó. AI của TikTok, Facebook hay Instgram đang làm tốt đến mức chính những nền tảng này cũng phải ngạc nhiên. Những AI này cùng chức năng của mình nhằm đạt được mục tiêu ban đầu như phân tích hành vi, thói quen của người dùng đã được biến đổi và bóp méo mục tiêu đó theo cách mà các công ty công nghệ muốn: tối ưu hoá trải nghiệm nhằm gây nghiện để người dùng cống hiến thời gian nhiều hơn nữa.
Từ thời điểm này đã xuất hiện lối rẽ xảo trá của các nền tảng, khi những công ty chủ quản không chi gia tăng mức độ thu thập thông tin mà còn đánh vào nhược điểm của người dùng với lý do bao biện rằng điều này là cần thiết để gia tăng trải nghiệm. Khi AI có thể đủ dữ liệu mô phỏng não bộ con người thì nó sẽ liên tục học sâu và lặp lại các bài phân tích cho tới khi nào tìm ra những cách tối ưu nhất để đem tới khoái lạc cho con người đến mức không thể rời xa các nền tảng giái trí – chủ nhân của AI.
Mục tiêu của các AI mà các nền tảng vận hành chính là : tối đa hoá những giá trị và phần thưởng mà bạn có thể tìm thấy trong thời gian trải nghiệm. Và để tối đa hoá mục tiêu tối thượng, AI sẽ loại bỏ những hệ giá trị khác mà người dùng có thể tự triển khai để chống lại nó như bỏ qua các năng lực tinh thần, ý chí tự do, nhận thức và khả năng tư duy lẫn sự phản biện. Đó là cách mà nhiều công ty đã vận dụng tâm lý học để gắn chặt khách hàng với sản phẩm và dịch vụ của mình. Còn giờ đây AI còn chặn mọi lối thoát và khai thác từng lỗ hở nhỏ nhất trong tâm trí chúng ta để tối đa hoá khoái lạc nó đem lại.
Về bản chất việc phân tích dữ liệu và thông tin người dùng giúp AI bỏ đi những gì không quan trọng với nó vả chính nền tảng mà AI phục vụ. Đó là những buổi trò chuyện, những cảm nhận tinh tế để nhận biết cảm giác của người đối diện. Sự nhảy cảm trong cảm trước sự việc , sự xúc động trước một cảnh tượng đẹp hay niềm phần khích khi dopamine được giải phóng sau những công việc khó khăn cần sự tư duy và tập trung. Tất cả những điều này đều vô nghĩa với AI, nhưng đó lại là những cốt lõi giá trị của con người chúng ta. Cá thể độc nhất trong hàng tỷ những cá thể độc nhất.
Khi con người tìm kiếm những trải nghiệm và hành động bên ngoài để tìm kiếm những giá trị nội tại thông qua internet thì AI có thể thoả mãn những mong muốn ấy bằng khả năng của mình khi nó trở nên thông minh và có năng lực hơn. Điều này lại đến từ dữ liệu chúng ta cung cấp cho nó. Càng sử dụng internet nhiều, con người trở nên máy hoá hơn.
Có thể nói rằng một AI sẽ biến đổi giá trị nội tại của con người trước đây là sự tương tác với nhau, sự tư duy trừu tượng khi ở một mình, các hoạt động gia tăng thể chất và tâm trí bằng việc online nhiều hơn, tiếp thu những thông tin có sẵn hơn, tương tác với thiết bị số nhiều hơn và lãng quên khả năng tương tác bên thế giới thật.

VÀ ĐỐI TƯỢNG NGƯỜI DÙNG ĐANG BỊ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO DẪN DẮT HÀNH VI

Trong lịch sử thì sự toàn trị trong tư tưởng và chính trị trên khắp thế giới chưa bao giờ đạt được dù đã từng xuất hiện những thể chất hùng mạnh và tàn bạo. Thế giới vật lý đang tận hưởng quãng thời gian hoà bình ổn định, lâu dài cùng sự ảnh hưởng của dân chủ và tự do hơn bao giờ hết. Nhưng những điều này dường như không tồn tại trên không gian mạng, khi hàng tỷ người dùng đã và đang trở nên giống nhau và thuần phục một sức mạnh đến từ việc trải nghiệm nội dung.
Tất nhiên trong vương quốc của trải nghiệm trên internet thì nó cũng có những thần dân trung thành của mình. Đó những người sinh ra sau năm 2000 hoặc trẻ hơn nữa (những đối tượng tiềm năng) là các thế hệ khi sinh ra đã biết tới internet và smartphone, đồng thời được trải nghiệm từ rất sớm. Đây chính là lớp người dùng mà các nền tảng công nghệ đang ra sức cạnh tranh nhau mời chào họ trải nghiệm. Người dùng các trẻ thì họ càng dành nhiều thời gian để đắm chìm trong những trải nghiệm giải trí đã được tăng cường với sự trợ giúp của AI. Và cũng chính lớp người dùng này sẽ là những nhân tố thúc đẩy sự lan toả và phổ biến của các ứng dụng gây nghiện như Tik Tok hay Instagram. Đó là sự khác biệt rất quan trọng khi người dùng không chỉ trải nghiệm bằng sự thụ động mà còn chia sẻ gây ảnh hưởng đến bạn bè, cộng đồng xung quanh mình.
Ở Việt Nam, từ trong những phòng ăn cho tới các quán cà phê có không ít những đứa trẻ giờ được cha mẹ dỗ dành (bản thân họ cũng là đối tượng trải nghiệm những nền tảng gây nghiện) bằng thời gian chơi game hay xem Youtube trên iPad. Việc đồng nhất trí thông minh của trẻ con dưới 3 tuổi khi trải nghiệm thiết bị công nghệ là không đúng. Từ thiết bị phần cứng cho đến những phần mềm các trẻ nhỏ này sử dụng thành thạo khiến người lớn phải ồ lên khen ngợi thực chất đã được tối ưu trải nghiệm đến mình dễ dàng nhất để cả những người 80 tuổi cũng có thể nhanh chóng sử dụng thành thạo.Và cũng có rất nhiều những thiếu niên đang được gia đình áp dụng quy chế Thưởng/Phạt bằng việc được cầm smartphone để giải trí sau những buổi học căng thẳng. Vì thế những thứ thế hệ trẻ và rất trẻ này coi việc trải nghiệm các nền tảng và thành công trong cuộc sống được đo đếm bằng những phần thưởng trên mạng là điều đương nhiên.
Chính TikTok hay Instagram là những nền tảng thu hút rất nhiều người trẻ tuổi và sử dụng nhiều nhất. Giống như 20 hay 10 năm trước, khi những thế hệ đã coi Google, Yahooo! rồi Facebook là những nền tảng không thể thiếu. Tuy nhiên có sự khác biệt rất lớn ở đây là những thế hệ sinh trong thập niên 80 và 90 ít nhiều đều đã được tận hưởng một không gian và khoảng thời gian thiếu vắng internet.
Trong thế giới đó họ có thể tìm kiếm những trò chơi và lựa chọn giải trí đích thực như thể thao, đọc sách, tham gia các trò chơi trí tuệ như chơi cờ hay đố chữ với những con người thật chứ không phải qua mạng. Cũng có rất nhiều trong thế hệ người dùng này cũng đang bị các nền tảng đã được AI tăng cường trải nghiệm gây ảnh hưởng nhưng họ cũng ý thức rằng thế giới mạng không phải là cái gì đó không thể thiếu đối với mình.
Bằng ký ức và kinh nghiệm, thế hệ đã 30 hay 40 tuổi này phần nào đã nhận biết được những giá trị và bài học trong việc chứng kiến sự bùng nổ của internet, mạng xã hội hay các nền tảng giải trí. Họ có thể trải nghiệm nó, họ có thể nghiện nó, họ có thể không chống lại nó, nhưng họ biết thứ đang đầu độc thế hệ trẻ không phải là tất cả. Vì thế họ từ chối phổ biến nó nhưng cũng không ngăn cản người khác trải nghiệm nó, bởi bản thân họ cũng đang ra sức chống lại hoặc đã đầu hàng trước các trải nghiệm tăng cường của những nền tảng.
Giờ đây, khi các nền tảng áp dụng AI nghiên cứu hành vi của người dùng, đặc biệt là những người dùng thế hệ trẻ, là đối tượng không thể chống lại sự cám dỗ thì nó đã thành công trong việc biến nhiều người dùng trẻ này thành những con rối chẳng khác gì đám đười ơi liên tục leo trèo và làm trò sau song sắt để nhận được đồ ăn.
Luật chơi của các nền tảng bây giờ là để nhận được phần thưởng là sự quan tâm và mức độ lan toả của đám đông trên các nền tảng, thì những người dùng trẻ liên tục phải nghĩ ra nhiều thứ buồn cười và nhảm nhí hết sức có thể. Chưa kể là vô số thời gian lãng phí của tuổi trẻ được dành ra để xem video hay theo dõi tin tức. Và vì họ dành quá nhiều thời gian để tìm kiếm sự mới lạ dù điên rồ tới đâu cũng được, miễn là được giải trí thì AI sẵn sàng gợi ý những video hay thông tin như vậy đến với họ. Sau đó sẽ có một số video bùng nổ trở thành hiện tượng được lan truyền đến hàng trăm người dùng bắt chước điệu nhảy, hành vi hay lời nói đó nhằm thu hút sự chú ý. Rất nhiều người cho rằng những trào lưu trên Tik Tok, Youtube hay Instagram là sự vô tình đến từ một cá nhân nào đó, nhưng thực chất thì mọi thứ đã được sắp xếp bằng sức mạnh của một trí tuệ nhân tạo.
Cơn nghiện trải nghiệm các nền tảng giải trí có sự tương đồng với cơn nghiện xem phim khiêu dâm, khi cả hai lĩnh vực này đều tìm mọi cách thức làm mới lạ nội dung, thậm chí là điên rồ vượt qua mọi giới hạn để người dùng sẽ không bao giờ thoát ra khỏi được cơn khoái lạc. Giống như phim khiêu dâm khi la liệt những nội dung bệnh hoạn như cưỡng hiếp tập thể ở nơi công cộng, hiếm dâm con dâu hay mẹ vợ để gia tăng sự kích thích và hứng thú với người xem thì những nền tảng đã sử dụng AI để phân tích người dùng cũng như tăng cường trải nghiệm cũng sẽ làm tương tự như thế. Nó bắt bạn phải mặc gì, nói gì, hát gì và nhảy múa như thế nào để nhận được phần thưởng. Hệt như cách mà chúng ta đối xử với những loài linh trưởng trong sở thú vậy.
Chủ nghĩa tiêu thụ trong thời đại ngày nay lẫn tương lai sẽ không phải là vật chất nữa. Vì định nghĩa vật chất trong những thập kỷ tiếp có thể sẽ gắn liền với các nền tảng đã được tăng cường trải nghiệm đến mức được nó vượt xa cả trải nghiệm thật. Thậm chí là cả cảm xúc trong việc cảm nhận cái đẹp hay ham muốn cũng vậy, khi những thế hệ trẻ nối tiếp sẽ được trải nghiệm tất cả với sự vô hạn mà công nghệ thực tế ảo tăng cường hứa hẹn đem lại, như Metaverse của Facebook chẳng hạn. Tất nhiên AI sẽ đóng vai trò cốt lõi trong thế giới đó khi nó hiểu con người hơn chính con người và trở thành Chúa Trời của chúng ta khi chi phối cả tâm trí lẫn hành vi.
Một kịch bản đi xa hơn nữa là trong tương lai con người chúng ta cũng sẽ trở thành những Cyborg với chip điện tử cấy vào não, thị lực được gia tăng gấp nhiều lần nhằm tăng cường trải nghiệm và rất nhiều dây dợ được luồn vào cơ thể giúp chúng ta tiếp nhận năng lượng thông qua điện chứ không cần phải ăn nữa. Tất cả những điều này sẽ đưa đẩy con người tới việc trở thành một cỗ máy đúng nghĩa nhằm phục vụ cho những gì mà AI muốn khi nó thấu hiểu và chi phối con người tới từng tận tế bào.

VÀ CON NGƯỜI CÙNG THẾ GIỚI NÀY SẼ ĐI VỀ ĐÂU KHI TRÍ TUỆ NHÂN TẠO SẼ TRỞ NÊN THÔNG MINH HƠN?

Khách quan mà nói là con người sẽ không thể ngăn cản được bình minh của AI, khi trong những thập kỷ tới trí tuệ nhân tạo trở nên phổ biến và xuất hiện nhiều hơn trên mọi khía cạnh của cuộc sống.
Thứ nhất điều này trải với quy luật và động lực phát triển của chính con người.
Thứ hai bản thân chúng ta cũng sẽ không để điều đó xảy ra vì những lợi ích mà AI đem lại là rất xứng đáng đánh đổi lấy rủi ro.
Tự động hoá đã và đang đem lại nhiều lợi ích, an toàn và chính xác hơn sự vận hành của con người. Máy móc và AI không có những hạn chế và nhược điểm sinh học, không cần ngủ nghỉ hay đòi quyền lợi mà lại có thể tự cải thiện để trở nên tối ưu và an toàn hơn chứ không chỉ là đáng sợ hơn.
Trên khắp mọi lĩnh vực và trong các ngành công nghiệp gia tăng sử dụng AI để tăng cường sự cạnh tranh. Hiện tại, các khoản đầu tư của con người vào AI là quá lớn để có thể rút lại quyết định. Thật tế thì sẽ không bao giờ có khả năng đó khi những gì AI đem lại là rất hứa hẹn và quan trọng hơn là không thể vứt bỏ được. Quan trọng hơn cả là đánh giá của chúng ta về AI hiện tại khả quan hơn, an toàn hơn là sự đe doạ. Ít nhất là trước khi có một AI siêu trí tuệ như Elon Musk và tác giả cuốn Siêu trí tuệ là Nick Bostrom lo sợ. Chế tạo AI vốn đã gặp nhiều khó khăn nhưng chế tạo một siêu AI thì là một thách thức hơn cả việc đưa con người lên không gian hay tạo ra bom hạt nhân.
Để tạo ra nhưng AI có trí tuệ phổ quát trong mọi lĩnh vực chứ không chỉ là trong công nghệ thì cần một lượng dữ liệu khổng lồ đến từ mọi phía. Việc sở hữu AI có thể tự học để thực hiện các tác vụ mới và tìm ra những tác vụ mới cần thực hiện là một lợi thế lớn với cả một tổ chức hay chính phủ. Nhưng điều này đòi hỏi AI phải có khả năng lý luận, học tập, lập kế hoạch với năng lực vượt trội và bao phủ trong nhiều lĩnh vực. Nó cần một trí tuệ phổ quát được dự trên big data. Khả năng tự động hoá của AI sẽ giúp nạo tự cải thiện trí tuệ của chính nó nhanh chóng và dẫn tới điều kì diệu hoặc tai ương với con người. Đó cũng là lý do tại sao Google hay Apple đang ra sức thâu tóm mọi startup liên quan đến AI, Machine learing hay các thiết bị thông minh để tăng tốc trong quá trình phát triển một AI siêu trí tuệ.
Hiện tại một AI đang tỏ ra có ích, có thể kiểm soát và một chút ngốc nghếch nữa. Nhưng không thể dự đoán được một AI siêu trí tuệ có thể làm gì khi một AI ngoan ngoãn đã có thể thao túng và thay đổi tâm trí lẫn hành vi của chúng ta, đặc biệt là các thế hệ trẻ. Và cũng chính họ, chứ không phải chúng ta trong tương lai sẽ phải đối mặt với AI siêu trí tuệ nếu thực sự chúng ta đang tạo ra nó trong thời điểm bây giờ.
Trong giới hạn của ngu ngốc thì thông minh hơn là an toàn. Còn trong địa hạt của trí tuệ thì thông minh hơn là nguy hiểm.
Vế một ứng với sự nhìn nhận của chúng ta về AI trong hiện tại. Còn vế hai thì chỉ thời gian mới có thể trả lời, nhưng AI đang trở nên thông minh hơn là một thực tế không cần tương lai mới có thể trả lời cho chúng ta biết.
I.J.Good – nhà toán học từng cộng tác và làm việc với Alan Turing từng nhận xét về một siêu trí tuệ nhân tạo rằng:
“Một cỗ máy có thể vượt qua mọi tư duy hay trí tuệ của một người hay một nhóm người thông minh nhất. Vì việc thiết kế máy móc là một trong những hoạt động trí tuệ đó, nên một cỗ máy siêu thông minh có thể tự nó thiết kế ra những cỗ máy tốt hơn nữa. Khi đó sẽ một sự bùng nổ trí tuệ của máy móc và chúng sẽ bỏ xa trí tuệ của loài người. Vì thế một siêu trí tuệ đặt trong máy móc có lẽ là phát minh cuối cùng mà con người tạo ra”.
Và tại sao lại là phát minh cuối cùng vì con người đã không cần thiết để sáng tạo ra bất cứ thứ gì nữa khi AI có thể tự nó làm được tất cả. Nhưng cũng có thể điều này sẽ không xảy ra khi các thế hệ tiếp theo bằng một cách nào đó sẽ chế ngự được AI và bắt nó phải phục tùng nhưng nó đã từng làm trong quá khứ.
Sẽ không có câu trả lời nào cho vấn đề này trong thời điểm này cả. Vì chỉ có những người sống trong tương lai, những người trực tiếp đối diện với AI thông minh mới có thể viết tiếp câu chuyện này, dù không ít người nắm giữ câu trả lời đó đang bị chính AI điều khiển mà chẳng hề hay biết.
Photo: Hình ảnh về khối rubic mô phỏng AlphaGo – AI chơi cờ vây của Deep Mind phát triển.
Đọc thêm: