Ảnh Sputniksdream
Ảnh Sputniksdream
Trước đây mình có chia sẻ rằng mình chỉ nghe nhạc Piano hoặc Jazz khi làm việc. Cụ thể là viết và đọc. 
Năm 2021, từ tháng 3 cho tới tận cuối tháng 11 thì mình chỉ nghe Piano (đa phần là Mozart) và nhạc Jazz (Jazz coffee music) trên Youtube và Soundcloud. 
Piano và Jazz là thứ âm nhạc tách mình khỏi những tiếng ồn ào khác như xe cộ, nhạc có lời, tiếng người trò chuyện khi đọc và viết trong quán cà phê.
Cách này hiệu quả nhưng hiện tại mình đã tìm được thứ âm nhạc còn hiệu quả hơn cả Piano hay Jazz (chỉ đối với mình thôi nhé) là Lo-Fi. 
Có một điểm mình rất thích Nhạc Lo-Fi hơn Piano cổ điển, ví dụ như Mozart là Lo-Fi không có những quãng âm điệu lên quá cao hay quá thấp theo giai điệu. Lo-Fi cũng có sự mềm mại và trẻ trung hơn Jazz, dù không rộn ràng và vui tai bằng. 
Tuy nhiên, mình vẫn thấy nhạc Lo-Fi hiệu quả nhất với mình nó hiện đại, sáng tạo, mang hơi thở và nhịp điệu của thời đại. Quan trọng hơn, khi nghe Lo-Fi mình tìm được nhiều Ý TƯỞNG hơn, thoải mái hơn chứ không chỉ là tập trung như Piano và Jazz. 
Và để xem liệu âm nhạc thực sự có giúp cho mình tập trung hơn để đem tới hiệu quả cho việc đọc và viết hay không thì mình phải có những bài test kiểm chứng .
Trong 1 tuần vừa rồi mình có thử nghiệm khi đọc viết và ghi chép bằng những kiểu âm thanh khác nhau như.
1. Không đeo tai nghe mà cứ để tiếng nhạc, tiếng người trò chuyện hay tiếng xe cộ bên ngoài khi đọc và viết.
2. Nghe nhạc tiếng Việt khi đọc và viết.
3. Nghe nhạc Lo-Fi khi đọc và viết.
Kết quả như sau. 
1. Cách này ổn nhưng hiệu suất trung bình. Không thấp cũng không cao.
Khi không đeo tai nghe thì mình vẫn đọc và viết được, nhưng mất nhiều thời gian để vào flow - dòng chảy vì tiếng ồn bên ngoài không tạo ra sự ổn định để mình dễ đi vào nhịp điệu làm việc. Đặc biệt là khi đọc, còn viết thì không bị ảnh hưởng nhiều lắm. 
Kết quả trung bình 60 phút khi đọc và viết trong 1 tuần mình đọc được 55-60 trang (đúng với tốc độ đọc trung bình của người Việt. 1 phút/trang) và viết được khoảng 1500 chữ. 
2. Nghe nhạc có lời bằng tiếng Việt là một thảm hoạ với việc tập trung sâu!
Thứ nhất do não bộ của mình hiểu và biết ngôn ngữ mẹ đẻ nên nó dễ dàng bị phân tán, sao nhãng và đi theo giai điệu của những bài hát. Trái ngược với Piano, Jazz hay Lo-Fi là kiểu âm nhạc đưa bạn vào nhịp điệu của mình chứ không phải là chạy tiếng gọi của âm nhạc. 
Thứ hai nhạc có lời bằng tiếng Việt khiến cảm xúc không ổn định vì chủ đề của các ca khúc đa phần là tình yêu, sự tổn thương, nỗi nhung nhớ… Điều này mình không thấy trong nhạc không lời như Piano hay Lo-fi, ít nhất là đối với mình. Quan trọng nhất khi nghe nhạc tiếng Việt có tính gây nghiện và chuyển đổi sự chú tâm sang ÂM NHẠC chứ không phải là ĐỌC hay viết. Và vì vậy nên tinh thần và sự tập trung của mình liên tục bị sao nhãng hay phân tán. Điều này đúng ngay cả với một người liên tục duy trì kỷ luật tập trung như mình.
Kết quả là… wao… trung bình mình đọc được 25-40 trang tiểu thuyết trong 60 phút. (thể loại sách dễ đọc nhất đối với mình). Thậm chí, thứ Sáu tuần trước mình chỉ có thể đọc 18 trang nhưng tiêu tốn những 1 giờ đồng hồ! 
Mình không thể viết hay ghi chép liền mạch được khi nghe nhạc tiếng Việt. Đó chỉ là những sự rời rạc hoặc mình sẽ phải chỉnh sửa lại vài lần thì những gì mình viết mới đọc ra hồn. 
3. Khi nghe nhạc Lo-Fi thì hiệu suất của mình đã gia tăng gấp 3 lần.
Ảnh Itsnachi
Ảnh Itsnachi
Mình đọc 177 trang với tiểu thuyết và 136 trang sách khoa học chỉ với 60 phút.
Mình viết gần 3000 chữ trong 60 phút trên Notes ở iPhone và viết 9 trang tiểu thuyết trên sổ cũng chỉ với 60 phút. 
Cả hai hiệu suất này đều vượt xa hai cách trên là chấp nhận âm thanh bên ngoài một cách thụ động bằng tiếng Việt. 
Kết quả cũng không đổi khi mình đọc và nghe Lo-Fi trong 30 phút vẫn đọc tới 65 trang - gấp đôi tốc độ đọc trung bình. 
Nhưng tại sao lại như vậy?
Đối với mình thì việc lựa chọn âm nhạc để làm việc chính là công cụ giúp mình ngăn cách những tiếng ồn bên ngoài. 
Đa phần những tiếng ồn này gây ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc chính là cách tạo ra MÔI TRƯỜNG phù hợp nhất đối với mình để có thể THOẢI MÁI làm việc mà không bị phân tâm. 
Môi trường phù hợp với bản thân quan trọng chẳng kém gì một không gian riêng để bạn cảm thấy chính là mình thường không bao giờ có sẵn và ở trạng thái lý tưởng. 
Nó không có ở trường học, nơi làm việc, quán cà phê hay bất cứ đâu. Nhưng bạn có thể chủ động tạo ra môi trường đó, và âm nhạc chính là trợ thủ vô hình giúp bạn tạo ra thế giới lý tưởng đó cho riêng mình. 
Trong thế giới đó bạn đi vào nhịp điệu và dòng chảy của mình. Trong thế giới đó bạn đạt được sự thoải mái và đạt hiệu suất cao, điều này tạo ra chất lượng cho những gì bạn làm. Và quan trọng nhất trong thế giới đó bạn được là chính mình, bạn đắm chìm trong vô vàn ý tưởng và luôn tận hưởng những gì bạn muốn, bạn cần cho bản thân mà không cần thế giới bên ngoài đem tới cho mình. 
Âm nhạc cũng giống như thuốc lá, cà phê, giấc ngủ hay tình dục (mình nói thật đấy) là chất dẫn truyền giúp những tế bào thần kinh hoạt động đúng công suất và khả năng của mình. Nó khai mở những khả năng khiến bạn ngạc nhiên và tự hỏi tại sao mình không biết tới điều kỳ diệu này sớm hơn chứ?
Nhưng âm nhạc cũng có điểm khác biệt khi nó không gây nghiện và ảnh hưởng tới sức khoẻ như thuốc lá hay cà phê. 
Âm nhạc cũng không cần bạn nghỉ ngơi hay bạn tình để đạt được trạng thái tốt nhất. Nhờ sức mạnh của công nghệ và internet, âm nhạc trở nên tiện dụng và ai cũng có thể biến nó thành chất xúc tác đến bản thân một cách hiệu quả nếu tìm được đúng thể loại với mình. 
Mình luôn có quan điểm rằng những ngày lý tưởng để sống, làm việc và tận hưởng là thứ xa xỉ mà thế giới bên ngoài thường không bao giờ đem tới cho chúng ta. 
Những tạp âm và các xung động bên ngoài như ai đó trả lời điện thoại với giọng điệu lớn tiếng cũng đủ khiến chúng ta cáu gắt, bực bội do bị âm thanh đó gây ảnh hưởng, làm mất nhịp tập trung. Thời đại ngày nay gọi đó là ô nhiễm âm thanh, ô nhiễm tiếng ồn khi môi trường vượt quá ngưỡng nhất định gây khó chịu cho chúng ta. Trong hoàn cảnh và môi trường đó thì chúng ta sẽ mệt mỏi nhanh hơn, hiệu suất làm việc kém hơn và tâm tính, sức khoẻ cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. 
Bạn không thể chọn được nơi bạn sống. Bạn cũng không thể chọn được nơi bạn làm việc. Nhưng bạn có thể chọn và tạo ra môi trường phù hợp để mình đạt được sự hiệu quả và thoải mái nhất có thể. Ít nhất là đối với âm thanh bạn nghe và âm nhạc chọn.
Đó là thứ âm nhạc không chỉ giúp bạn thưởng thức hay thư giãn mà còn bổ trợ bạn trong cuộc sống và công việc. 
Đó là thứ âm nhạc đưa bạn vào nhịp điệu, vào sự thoải mái và là chính mình trong khi xử lý những công việc phức tạp hay học một kỹ năng mới. 
Và thứ âm nhạc kỳ diệu đó đối với mình trước đây là nhạc Piano, nhạc Jazz còn bây giờ là Lo-Fi. 
Đó cũng chính là thứ âm nhạc đã giúp mình có cảm hứng viết chia sẻ này về sự hiệu quả của nó cùng cái cảm giác tận hưởng vừa chơi vừa làm việc một cách nhẹ nhàng mà không tốn sức lực. 
Khi viết đến đây, mình vẫn đang nghe Lo-Fi. Mình ngăn cách những thứ ở bên ngoài nhưng lại mở toang những khả năng ở bên trong một cách không giới hạn. 
Mình đang ở trong trạng thái tuyệt vời đến mức thay vì tiểu thuyết, viết dự án cho khách hàng thì mình lại viết về sức mạnh của âm nhạc đối với hiệu suất làm việc.
Bạn cũng thế. Bạn cũng có thể thử và đo lường sự hiệu quả bằng những thể loại âm nhạc mình đang nghe ngay bây giờ để tìm ra thứ âm nhạc phù hợp nhất với bạn. 
Đó là thứ âm nhạc không chỉ khiến bạn thư giãn mà còn phải là thứ âm nhạc bạn được là chính mình và khai mở hết mọi khả năng của bạn. 
Photo: Sputniksdream