NOKIA - SỤP ĐỔ VÀ TÁI CẤU TRÚC
Tại sao Nokia sụp đổ trong thời kỳ hoàng kim của điện thoại di động?
PHẦN I : TẠI SAO NOKIA SỤP ĐỔ?
Bài viết này mình dựa trên hiểu biết của mình về Nokia, thế giới công nghệ thời điểm đó và qua cuốn Transforming Nokia : The power of paranoid optimism to lead through colossal change của Risto Siilasamaa Chủ tịch và từng là CEO tạm thời của Nokia từ 2012 tới bây giờ. Bản dịch có tên Nokia từ sụp đổ tới hồi sinh (một cái tít hút khách), thì mình thấy không chính xác để phản ánh tình trạng thực sự của Nokia vào năm 2018, khi Risto bắt đầu viết cuốn này.
Cá nhân mình thấy nội dung trong cuốn này là kho dữ liệu vô cùng quý giá với các startup công nghệ nói riêng và cả thị trường khởi nghiệp nói chung. Nó cũng có ích với các công ty, tập đoàn lớn mạnh trong hiện tại nhưng không có gì đảm bảo cho tương lai.
Sự sụp đổ của Nokia thực sự là rất choáng váng khi bắt đầu từ năm 2009 tới cuối năm 2013, tức gần 4 năm nhưng đã làm tan biến một trong những công ty sản xuất điện thoại lớn nhất trong lịch sử. Quy luật thịnh suy rất tàn bạo, nó không loại trừ ai, nhất là đối với một công ty đã phạm vô số sai lầm như Nokia đã dẫn tới sự suy tàn nhanh chóng.
Mình sẽ viết bài viết thành 3 phần :: Những lý do Nokia sụp đổ, tái cấu trúc từ tập đoàn cồng kềnh thành 1 startup và chính con người Risto Siilasmaa.
Tất nhiên mọi thông tin, dữ liệu và tình hình của Nokia trong bài viết này đến từ thời điểm đầu năm 2019 và đã thay đổi rất nhiều trong năm 2022. Vì thế mong các bạn bỏ qua những so sánh và đánh giá trong hiện tại khi đọc chia sẻ này.
TỪ QUYỀN LỢI ĐI MÁY BAY RIÊNG TỚI CỐC CÀ PHÊ TÍNH PHÍ.
Trước đây không chỉ ở Việt Nam, Phần Lan hay bất cứ Quốc gia nào thì khi tìm đến cửa hàng điện thoại,nhiều người sẽ nói bán cho tôi 1 chiếc Nokia chứ không phải là cho tôi xem mẫu này, mẫu kia”. Lúc đó mọi người khi nói chuyện sẽ mua điện thoại nào thì sẽ trả lời “Chuẩn bị đi mua Nokia”.
Trong thập kỉ 2000, khi cổ phiếu Nokia đạt ngưỡng cao nhất lịch sử là gần 62 Euro 1 cổ phiếu, lúc đó Nokia là một bluechip có ảnh hưởng đến thị trường cổ phiếu thế giới đến mức. Một lãnh đạo trong ban quản trị (BQT) nói rằng Nokia không chỉ bán điện thoại mà còn chịu trách cho việc lên xuống, ổn định của thị trường cổ phiếu Châu Âu và Mỹ.
Không đầy 10 năm sau, trong những mùa đông ảm đạm nhất, năm 2012 có lúc 1 cổ phiếu của Nokia còn chưa mua được 2 bát phở khi xuống tới 1,76 Euro. Còn thấp hơn cả năm 1994-95 khi Nokia suýt phá sản nhưng giá trị cổ phiếu vẫn đạt 2,28 Euro. (Mọi thông tin về cổ phiếu xuyên suốt các mốc lịch sử của Nokia mình tham chiếu trên Finance yahoo và Macrotrends)
Đã có thời các lãnh đạo cấp cao, cấp trung và thấp lên đến hàng nghìn người của Nokia bay đến các cuộc lễ hội, trường đại học, triển lãm công nghệ trên khắp thế giới bằng máy bay Gulfstream, rồi Audi A8 đón tận sân bay đi thẳng tới khách sạn 5 sao do Nokia chi trả. Năm 2012, khi tình hình quá bi đát, nhân viên Nokia còn không được hưởng sự ưu đãi nhỏ bé là uống cà phê miễn phí.
Nokia từng có thời điểm bán hàng trăm triệu thiết bị trong một năm, chiếm lĩnh đến 60-70% thị trường điện thoại di động. Năm 2007, Nokia được định giá trên thị trường lên tới 150 tỉ Đôla, gấp 3 lần giá trị của chính mình tính từ khi Nokia phát triển ngoạn mục nhất từ năm 2001.
Năm 2014 Nokia buộc phải lựa chọn sụp đổ hay thay đổi đã bán mảng thiết bị- dịch vụ là cốt lõi trong kinh doanh và thương hiệu của mình cho Microsoft với giá 5,4 tỉ Euro tương đương hơn 7 tỉ Đôla, thấp hơn cả khi Microsoft thâu tóm phần mềm video chat Skype với giá 8,5 tỉ Đôla vào năm 2011. Vậy điều gì đã xảy ra với Nokia, một tập đoàn được định giá 150 tỉ và nhiều lần được bình chọn là thương hiệu tốt nhất Châu Âu để rơi vào tình thế phải bán mình với giá thấp hơn 15 lần?
CĂN BỆNH ĐỘC TÀI, QUAN LIÊU VÀ NGỦ QUÊN TRONG CHIẾN THẮNG.
Giống như tế bào ung thư khi di căn, Nokia bị tàn phá từ cấp cao nhất cho tới nhân viên trong từng dự án, ngủ quên trong thành công, thời đỉnh cao Nokia vừa là một trong những nơi đáng mơ ước nhất để làm việc, nhưng cũng là sào huyệt tồn tại một nền văn hoá không thích đón nhận tin xấu và sự rời rạc, chia mảnh nghiêm trọng khi ban quản trị khi không tập trung vào cốt lõi của công ty mà lại đi lo những chuyện vô thưởng vô phạt như “Nokia phải duy trì việc nhận giải công ty thân thiện với môi trường nhất thế giới” hay phải tổ chức các cuộc họp cổ đông sao cho thật hoành tráng ở London hay Thượng Hải để thu hút truyền thông.
Những mục tiêu nghe có vẻ giá trị để khuấy trương hình ảnh Nokia nhưng lại bỏ quên đi cốt lõi của một công ty sản xuất điện thoại là sản phẩm mới phù hợp với thời cuộc. Nokia không biết rằng chu kì của cell phone sắp tàn, thế giới đang chuyển mình sang smartphone và có một kẻ hoang tưởng đã xuất phát trước họ là Apple.
Nokia trong năm 2008 được điều hành bởi một BQT theo phong cách “Cách mạng công nghiệp lần thứ 2”, tức là một công ty phải giống như siêu cường quốc được điều hành bởi rất nhiều cái tên danh giá nhưng chỉ 1 người có tiếng nói giá trị nhất.
Lúc đó Chủ tịch của Nokia là Jorma Ollila, người đã có công lớn khi đưa Nokia tới giai đoạn hoàng kim nổi tiếng lịch thiệp, kỹ lưỡng trong trang phục (Lần đầu tiên khi Risto gặp Ollila, anh đã bị khiển trách vì mặc vest nhưng không đeo cà vạt), luôn thích nói những vấn đề vĩ mô, kinh tế thế giới theo cách không thể sai (Lúc đó BQT của Nokia có 1 chuyên gia hàng đầu về kinh tế là Bengt Holmström - người sau này đoạt giải Nobel kinh tế năm 2016 nhưng không bao giờ được lên tiếng). Giống như một nhà độc tài, Jorma Ollila tin vào cách làm của mình sẽ giúp Nokia mãi mãi trường tồn, và đặc biệt không ưa cấp dưới góp ý hay trình bày một lối đi khác. Có thể nói phong cách quản lý của BQT và cá nhân Jorma Ollila lúc ấy đưa Nokia từ trên đỉnh xuống dưới huyệt. Cái tôi Của Ollila lớn và mù quáng đến nỗi đã va chạm với CEO mới (Stephen Elop) và chủ tịch tương lai (tức Risto) rất nhiều trong những năm Nokia suy thoái.
Ở Nokia, các kỹ sư phần cứng không được sử dụng các thiết bị di động của hãng khác. Thậm chí nhiều người biết về iPhone và Android nhưng họ chưa bao giờ trải nghiệm chúng, mà vẫn phải giải đáp câu hỏi “Làm thế nào để chế tạo một thiết bị hoàn hảo nhất cho Nokia, trong khi chính họ bị cấm tiếp cận các sản phẩm di động mới nhất?".
HỌP CẢ NGÀY NHƯNG CHỈ NHẮC ĐẾN APPLE VÀ IPHONE TRONG VÀI PHÚT
Risto Siilasmaa đã mô tả chi tiết cuộc họp đầu tiên với BQT cấp cao Nokia ra sao. Chủ đề trong cuộc họp nhiều đến mức mỗi vấn đề quan trọng, cách thức giải quyết, thực trạng công ty thế nào chỉ có thể nói trong 15 phút. Risto bị choáng ngợp bởi vô số thông tin trong cuộc họp đó. Rất hay, rất hoành tráng nhưng mông lung và ít liên quan đến Nokia.
Từ việc Yahoo từ chối lời mua lại 44 tỉ Microsoft, chuyện xây dựng các cửa hàng thời đại Nokia để phô trương kĩ thuật và sản phẩm trong tương lai, dĩ nhiên chuyện tình hình cổ phiếu thế giới ra sao. Trong cuộc họp cũng nhắc tới Apple và chỉ được nói ngắn gọn trong mấy phút. Cuối tháng 6 năm 2007 Apple dưới thời Steve Jobs giới thiệu một chiếc điện thoại không có phím vật lý, bề mặt cảm ứng hoàn toàn được trang bị camera tối thiểu.
Nó được gọi là iPhone, đẹp đẽ nhưng vô dụng theo sự nhìn nhận của đội ngũ phát triển sản phẩm Nokia và bán với cái giá 499 Đô cho bản 4GB và 599 đô cho 8 GB. Khi ấy giá để xuất của chiếc điện thoại Nokia N95 từ 400 Đô trở lên. Đội kĩ thuật đã gửi báo cáo cho biết chiếc iPhone thua toàn diện khi so sánh phần cứng, hiệu năng, và tính thực dụng với N95 (Thời điểm khi ra mắt 2 điện thoại này mình cũng nghĩ N95 sẽ rất thành công). Lúc đó N95 đã được tích hợp 3G (Một điều mà mọi người ít biết là Nokia và Siemens đã phát triển nghiên cứu công nghệ 3 và 4G trước khi nó phổ biến).
Risto cũng biết ở phòng nghiên cứu của Nokia lúc đó đã nghiên cứu thành công bề mặt cảm ứng tốt hơn của iPhone và có thể hoạt động tốt khi rơi hay ngấm nước. Tuy nhiên niềm tin của BQT về một thế giới điện thoại có bàn phím vẫn sẽ là con đường duy nhất để đảm bảo thành công cho Nokia. Lúc đó Blackberry với bàn phím QWERTY và sự thành công của Motorola với các mẫu điện thoại gập gây chú ý với Nokia nhiều hơn là Apple.
Năm 2008 Nokia bán 115 triệu thiết bị di động, Apple chỉ là 1,7 triệu nhưng giá giá trị vốn hóa trên thị trường của Apple và Nokia lần lượt xấp xỉ 150 và 111 tỉ đô. năm 2007 Nokia tăng 89% còn Apple 133% mặc dù chưa bán iPhone, trong khi đó Nokia vẫn bán hàng chục triệu điện thoại. Năm 2008, Apple đạt giá trị 150 tỉ đô còn Nokia tụt xuống dưới 100 tỉ giữa năm và chỉ còn hơn 50 tỉ cuối năm 2008. Khi ấy là lúc iPhone ra mắt và đè bẹp N95. thị phần smartphone của Apple chỉ chiếm 5%, còn Nokia nắm giữ hơn 40%. Quan trọng hơn Apple đã chiếm lĩnh toàn bộ thị phần cao cấp, bán ít thiết bị hơn nhưng thu lợi nhuận nhiều hơn.
MỘT CEO BỊ ĐÂM SAU LƯNG
*Xin lưu ý phần này dựa trên suy nghĩ và lập luận của mình chứ không phải của Risto Siilasmaa đề cập trong tự truyện.
Nokia đã bổ nhiệm Stephen Elop, một CEO ở bên ngoài vào chứ không đến từ trong Nokia. Trong lịch sử của Nokia,đây là lần đầu tiên một CEO không phải là người Phần Lan. Một điều trớ trêu là vấn đề của CEO mới không nằm ở chuyên môn mà cách điều hành mới mẻ, liều lĩnh đã dụng chạm tới các nhân vật thượng tầng ở Nokia.
Mặc dù Elop trước khi được lựa chọn là CEO của Nokia năm 2011 đã là Giám đốc mảng kinh doanh phần mềm văn phòng của Microsoft cũng như thấu hiểu về các nền tảng, phần mềm và thiết bị hơn bất cứ ai lúc đó ở Nokia. Elop nổi tiếng với chiếc Balo thần kỳ ở bên trong luôn là các thiết bị di động, công nghệ mới nhất để trải nghiệm.
Risto khi ấy chỉ là 1 thành viên trẻ và có vị trí thất nhấp trong BQT Nokia được thông báo là tập đoàn sẽ bổ nhiệm một CEO mới đến từ Mỹ, người này đang điều hành mảng kinh doanh của một công ty lớn nhất ở Mỹ. Risto cho rằng Nokia ngắm tới Tim Cook của Apple vì lúc đó việc Steve Jobs sắp chết vẫn được giữ bí mật và Tim Cook chưa được bổ nhiệm là CEO của Apple. Sau này mới biết chính Steve Job trước đó đã thống nhất với BQT Apple để Tim Cook thay thế khi mình chết. Trong những tháng cuối cùng của Steve Jobs, Tim Cook đã là CEO của Apple trước khi công bố chính thức. Elop đã làm ngứa mắt và mất lòng BQT Nokia và nhiều người dân Phần Lan chỉ vì ông mang phong cách startup kiểu Mỹ tới Nokia.
Elop đến từ một nền văn hoá cho phép bạn mặc áo phông và quần bò diễn thuyết và trình bày kế hoạch trước một loạt nhân vật tai to mặt lớn. Điều này các lãnh đạo cấp cao không hài lòng. Đặc biệt khi Elop soạn email gửi cho 60 nghìn nhân viên Nokia nói về thực trạng của công ty lúc ông nhận chức vụ. Elop mô tả Nokia lúc này “Một giàn khoan đang cháy giữa Đại dương và ai cũng chỉ muốn tháo chạy khỏi giàn khoan”. Việc này được toàn thể nhân viên hoan nghênh nhưng BQT thì không. Từ đó, BQT Nokia đứng đầu là Jorma bắt đầu có những hành động hạn chế quyền điều hành của Elop.
Một vấn đề tế nhị khác là Elop bị coi là “Con ngựa thành Troy”, một gián điệp của Microsoft cài vào để phá hoại Nokia. Vì thế, trong gần 3 năm tại vị, luôn có những thế lực vô hình bằng cách này hay cách khác cản trở sự thay đổi mà Elop mong muốn làm cho Nokia.
CÓ ANDROID NHƯNG PHẢI CHỌN WINDOWS PHONE VÀ SỰ XÂM CHIẾM ĐẾN TỪ TRUNG QUỐC VÀ Ấn ĐỘ
Đầu năm 2012, Risto chính thức được chọn là chủ tịch Nokia kế nhiệm Jorma đã về hưu. Và Risto đã chứng kiến các đối tác bỏ rơi Nokia như thế nào cũng như sự nổi lên của các hãng sản xuất smartphone giá rẻ của Trung Quốc và Ấn Độ.
Nokia đã chấp nhận từ bỏ hệ điều hành hết thời Symbian, lẫn Meego do quá mất thời gian để hoàn thành. Ban đầu Nokia chọn Android khi chứng kiến HĐH này được cài trên các smartphone giá rẻ của Trung Quốc và Đài Loan bùng nổ đã chiếm lĩnh thị trường của chính Nokia. Nhưng Google đã cảm nhận cái chết rất gần của Nokia rồi nên từ chối hợp tác.
Vì thế, lựa chọn Windows Phone của Microsoft là duy nhất và cũng khả thi nhất đối với Nokia tròn cuộc đua smartphone. Cả hai đều đang bị các công ty khác vượt mặt, nhưng khác với Nokia, Microsoft với nguồn tiền dồi dào và bản thân cũng là một công ty phần mềm và vẫn có thị trường nên không lung lay như NOkia. Cuối cùng, dù không phải là lựa chọn tốt nhất nhưng Nokia cũng không tìm được cái phao cứu sinh nào khác.
Việc lựa chọn Windows Phone được thúc đẩy bởi Stephen Elop lẫn các thành viên BQT và các ngân hàng, là chủ nợ của Nokia. Sự hợp tác này sẽ trấn an thị trường khi bên cạnh Nokia là Microsoft của Bill Gates.
Thị trường Trung Quốc và Ấn Độ có đủ nhân lực và quy mô để sản xuất phần cứng giá rẻ và nhanh nhất có thể. Ngoài ra không giống như Nokia bỏ hàng chục tỉ Euro để nghiên cứu và phát triển HĐH, thì các hãng Trung Quốc đã chọn Android do Google cung cấp. Phần cứng rẻ và 1 HĐH linh hoạt, có nhiều hỗ trợ và ứng dụng như Android là hai yếu tố đã thúc đẩy sự tăng trưởng chóng mặt của smartphone giá rẻ ở hai thị trường lớn và rất quan trọng của Nokia. Yếu tố giá rẻ đã không còn là lợi thế của Nokia nữa.
Vào tháng 4/2012, giá trị vốn hoá thị trường của Nokia xuống còn 10 tỷ Euro, trong khi Apple gần 600 tỷ, gấp 60 lần Nokia. Và Nokia đã liên tục sa thải hàng chục nghìn nhân viên trên khắp toàn cầu.
Lúc này Nokia đã ra mắt dòng smartphone chạy Windows Phone đầu tiên là Lumia nhưng rất khó cạnh tranh ở từng phân khúc. Cao cấp Apple đã chiếm hết, ở giữa là Samsung và HTC còn giá rẻ thì Nokia không cạnh tranh được với Trung Quốc với Ấn Độ.
Ngoài ra các bên cung ứng phần cứng và chipset cho Nokia cũng nghi ngờ vào Windows Phone nên sản xuất rất hạn chế. Đó là lý do tại sao Lumia 900 được đánh giá cao, tiêu thụ tốt nhưng không tạo nên sự đột phá do nguồn cung nhỏ giọt.
Mọi thị trường đều xâm chiếm, thiết bị tốt lại thiếu nguồn cung, nhưng đó chưa phải là nhát búa cuối cùng đập xuống quan tài dành cho Nokia.
BỊ ĐỐI TÁC QUA MẶT
Tháng 6 năm 2012 Microsoft ra mắt tablet Surface. Một đòn chí tử dành cho Nokia. Cuối cùng Microsoft đã từ công ty phần mềm nhảy sang phần cứng để chiếm nốt những gì còn lại của Nokia. Microsoft đã hết kiên nhẫn với Nokia và bí mật tạo ra một thiết bị thông minh của riêng mình.
Điều này làm giá trị của Nokia từ 10 tỷ xuống còn 5 tỷ Euro. Nhưng nghiêm trọng hơn, là Microsoft đã thành công trong việc ra mắt tablet, thì có lý do gì ngăn Microsoft chế tạo smartphone? Điều buồn cười ở đây là chính Nokia cũng không cài điều khoản cấm Microsoft chế tạo phần cứng trên biên bản hợp tác. Đơn giản lúc đó Nokia và cả làng công nghệ đều không tin rằng Microsoft nhảy sang phần cứng.
Thực tế Microsoft đã chế tạo cả smartphone song song với Surface, nhưng trong điều khoản đã ký trước đó với Nokia nên đã không ra mắt. Điều khoản cho phép đôi bên từ bỏ quyền hợp tác sau 3 năm nếu không phát triển gì. Microsoft đã làm điều mà ai cũng làm, không tin vào Nokia nữa.
Đến lúc này, Nokia lại phải lựa chọn giữa một trong ba viễn cảnh:. 1 phá sản, 2 bán toàn bộ cho Microsoft và 3 bán một phần để tái cấu trúc.
PHẦN 2 : TÁI CẤU TRÚC NOKIA TỪ TẬP ĐOÀN TRỞ THÀNH STARTUP
TẠI SAO CHỦ TỊCH MỚI LẠI LÀ THÀNH VIÊN THẤP NHẤT
Khi Jorma Olila thông báo từ chức, việc đầu tiên của Nokia là tìm một chủ tịch mới. Điều này có vẻ đơn giản là chỉ cần BQT đề bạt ngay phó chủ tịch hoặc một giám đốc mảng nào đó là xong. Nhưng BQT, những bô lão lâu năm ở Nokia mà Risto mô tả có người còn phải thuê trợ lý riêng để hướng dẫn mình sử dụng smartphone của Nokia đều né tránh việc trở thành chủ tịch. Không ai muốn từ trên bờ leo lên giàn khoan đang cháy để rồi chết cháy cả.
“Tôi chưa bao giờ đối mặt với một thách thức nào mà không giải quyết được”.
Risto Siilasmaa đã nói như vậy khi phó chủ tịch Nokia Marjorie Scardino hỏi về việc sẽ thế nào nếu bà ủng hộ anh làm chủ tịch Nokia.
Giống như một người lập trình nào, Risto tin rằng mấu chốt để giải quyết vấn đề khó khăn nhất là chia nhỏ nó ra thành các mẩu nhỏ có thể kiểm soát được và giải quyết từng phần một.
BQT lúc đó của Nokia ngoài Risto ra chỉ còn 2 người có dòng máu Phần Lan. Sở dĩ Risto tự tin như thế vì 2 người đó đều là CEO của các công ty khác, và không ai mặn mà lắm với chức vụ chủ tịch, nên Risto thực sự là lựa chọn duy nhất.
Risto nói rằng, cốt lõi của mình khi điều hành Nokia theo khái niệm Sisu- Hãy kết thúc những gì đã bắt đầu và không đầu hàng chỉ vì mọi thứ đang trở nên tệ hại.
THỪA NHẬN SYMBIAN LÀ THỨ BỎ ĐI
Việc đầu tiên khi Risto trở thành chủ tịch là bắt tay với CEO Stephen Elop tìm ra lý do tại sao Nokia lại bị tụt lại không chỉ sau Apple, mà là tất cả các hãng thiết bị di động khác. Đặc biệt là sự xuất hiện của HTC - một hãng mới thành lập năm 1997 ở Đài Loan. Năm 2008, HTC ra mắt chiếc Dream, điện thoại Android đầu tiên được bán ra và vài tháng sau HTC đã vượt mặt Nokia về giá trị vốn hoá 34 tỷ so với 33 tỷ Đô la.
Sau đó lần lượt Sony Ericsson, Motorola, Samsung từ bỏ Symbian để chọn Android. Một hệ điều hành thân thiện hơn, phù hợp hơn trong thời gian tới. Dòng Xperia của Sony Ericsson từng một thời làm mưa làm gió trên thị trường Android chính là minh chứng đúng đắn về việc bỏ của chạy lấy người của Sony Ericsson
Đó là một sự sỉ nhục cho Nokia, nhưng Risto càng thất vọng hơn nữa là trước đó đã viết một kế hoạch gửi tới BQT Nokia nói về việc hãy lựa chọn hệ điều hành mới tên là Android song song với Symbian cài đặt trên các thiết bị Nokia. Risto tin rằng tương lai smartphone được quyết định bởi phần mềm chứ không phải phần cứng, là hệ điều hành cùng hệ sinh thái hỗ trợ chứ không còn đúng với cốt lõi của Nokia là bền, rẻ, đẹp.
Symbian là hệ điều hành làm người dùng rất khó chịu khi liên tục gửi thông báo yêu cầu xác nhận đồng ý mỗi khi người dùng thực hiện các thao tác cơ bản nhất trên điện thoại. Ví dụ khi cài đặt một ứng dụng trên Symbian, nó sẽ bắt bạn phải trả lời và xác nhận nhiều câu hỏi có-không. Có ứng dụng phải mất 9 lần đồng ý thì bạn mới có thể tải ứng dụng thành công!
9 lần, trong khi iOS lại đơn giản hơn rất nhiều.
Apple chỉ tạo ra phần mềm cho 1 thiết bị, còn Nokia có đến hàng chục thiết bị, mỗi thiết bị yêu cầu các thông số phần mềm riêng. Một sự hỗn tạp không hơn không kém. Vì thế song song với việc chọn 1 hệ điều hành bên ngoài, Nokia đặt hi vọng vào một dự án tên là MeeGo - một bản sao của Android do Nokia phát triển.
TẤT CẢ CHỈ LÀ MỘT ĐIỀU PHÙ PHIẾM
4/1/2011 Elop gọi Risto đến văn phòng để thừa nhận một điều rằng MeeGo - niềm hi vọng của Nokia chỉ là sự phù phiếm và vô nghĩa. Với tốc tộ hiện tại của đội phát triển MeeGo phải năm 2014 mới có thể ra mắt các thiết bị chạy hệ điều hành này. Nhưng kể cả chấp nhận rủi ro theo đuổi tiến trình phát triển thì MeeGo lại nhắm tới thị trường cao cấp, trong khi Android ngay từ đầu đã nhắm đến thị trường giá rẻ và chiếm lĩnh toàn bộ. Symbian trước đây từng chiếm 70% thị phần, thì toàn bộ đã bị Android lấy hết. Ở thị phần cao cấp, Nokia không có cửa với Apple. Một hệ điều hành mới nhưng không có chân trong thị phần nào.
Nhưng mọi chuyện cũng không ổn với Nokia khi lựa chọn hệ điều hành thứ ba là Windows Phone. Vấn đề không nằm ở kỹ thuật, mà là sự ra mắt chậm chạp của Windows Phone đã không thuyết phục thị trường, giới phát triển ứng dụng lẫn các công ty sản xuất chipset. Tất cả đều ưu tiên iOs và Android và dập tắt mọi nỗ lực của một Nokia mới dưới thời Risto và Elop cho dù những năm cuối cùng đó là thời điểm Nokia thay đổi nhiều nhất và làm tốt nhất.
Nokia đã bí mật tiến hành những cuộc thăm dò khách hàng. Tất cả đều chỉ muốn mua iphone và Android, chứ không nhắc đến Lumia.
1 tuần NOkia Lumia kích hoạt được 300k thiết bị, nhưng Android là 300k 1 ngày. Sau đó là 1 triệu thiết bị một ngày. Mọi thứ đã chấm dứt với Nokia. Risto đã phải nhìn nhận đến một việc Nokia sẽ bị ráo bán trước khi phá sản.
BẮT BUỘC PHẢI BÁN.
Steve Ballmer, CEO của Microsoft thời điểm đó đã gọi cho Risto và Elop nói rằng “Có chuyện muốn bàn”.
Chuyện muốn bàn ở đây là Microsoft thể hiện rõ việc hợp tác Nokia sẽ chỉ làm đôi bên thất vọng về nhau hơn. Vì thế hãy bắt đầu bằng những bước đi mới. Lúc đó Microsoft đã thực sự tiến hành một lúc ba việc. Xem xét chấm dứt toàn bộ với Nokia, mua lại mảng thiết bị - dịch vụ của Nokia và một lựa chọn khác là mua lại HTC. Thực tế Microsoft đã cử một nhóm thương lượng tới Đài Loan để đàm phán với HTC. Điều này mà thành sự thật thì Nokia sẽ chết.
Risto hiểu được suy nghĩ của Steve Ballmer là dù mua lại Nokia hay HTC thì Microsoft sẽ theo đuổi mô hình kinh doanh theo chiều dọc, sẽ tự sản xuất smartphone và dần dần tích hợp vào mảng phần mềm của mình. Đó vẫn là sân chơi mà Microsoft là vua.
Risto nói cần ba tuần để suy nghĩ về gợi ý của Ballmer và xem xét hiện tại Nokia có gì giá trị để bán.
Nokia được cấu thành bởi 3 mảng:
- Thiết bị và dịch vụ chiếm đến 90% doanh thu.
- Here - dịch vụ bản đồ của Nokia tương tự Google máp.
- Nokia Technologies - mảng nắm giữ các bằng sáng chế của Nokia.
Một cái khác mảng dịch vụ viễn thông NSN - Nokia Siemens Networks, nhưng mảng này Nokia chỉ sở hữu một nửa, cũng đã bị Huawei của Trung Quốc lấy 40% thị phần, liên tục phải rót vốn duy trì và quan trọng là Microsoft chả thiết tha gì dù mảng này cũng có tiềm năng trong tương lai.
Vì thế, Risto quyết định sẽ bán mảng thiết bị - dịch vụ cho Microsoft với giá cao nhất có thể.
ĐẤU TRÍ ĐỂ BÁN MỘT THỨ KHÔNG GIÁ TRỊ.
8 tỷ đô la là con số mà Nokia muốn cho mảng thiết bị - dịch vụ.
Nhưng Microsoft chỉ trả 5,25 tỷ đô cho mảng thiết bị - dịch vụ, cộng với cả phần mềm bản đồ Here cùng một bằng sáng chế có giá trị nhất của Nokia. Điều này có nghĩa là Microsoft chỉ định giá 1-2 tỉ đô la. Tức là khớp với con số dự tính nếu trong 6 tháng tới Nokia không bán đi sẽ rơi từ 5 tỷ xuống 1,6. Lần thương lượng đầu tiên rơi vào bế tắc.
Còn về Nokia Lumia 920, đòn chủ lực của Nokia đánh vào thị trường cao cấp chỉ chiếm được 1,3%, thấp hơn kì vọng của Nokia là 2,8%. Nếu như Nokia không quay lại đàm phán với Microsoft thì cái giá 1,6 tỷ cho mảng thiết bị - dịch vụ sẽ xuống dưới 1 tỷ. Nhưng khi đàm phán lần thứ 2, Nokia lại sụt mất thêm 20% giá trị vốn hoá. Vì thế Microsoft lại từ chối cái giá Nokia đưa là 6-7 tỷ đô la.
Lần thứ ba chính Risto và Elop đã bay sang Mỹ để chốt thoả thuận bán với Ballmer. Thoả thuận bao gồm mảng thiết bị, bản đồ here và bằng sáng chế đổi lấy 6,25 tỷ euro. Đôi bên đồng ý và hẹn 2 tuần nữa sẽ công bố chính thức. Nhưng mấy hôm sau, Steve Ballmer đã gọi cho Risto nói: Chẳng có thoả thuận nào hết.
BQT Microsoft với Bill Gates là lãnh đạo tối cao đã gạt đi quyết định của Ballmer. Chuyện một CEO bị BQT thay đổi quyết định đã bàn trước là một điều bất thường. Chứng tỏ Microsoft thực sự coi Nokia đã chết và nghi ngờ quyết định của CEO.
Nhưng vì mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa Ballmer với Risto và cả Elop nữa, đôi bên đã lại thuyết phục cả 2 BQT quay lại đàm phán lần thứ 4. Lần này chính Ballmer lại chủ động hơn cả vì cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm cho cú phốt vừa rồi. Đổi lại NOkia cũng mong muốn Microsoft mua lại mảng thiết bị - dịch vụ hơn bao giờ hết. Doanh số bán đã giảm mạnh, kéo theo giá trị công ty mỗi ngày xuống thấp hơn. Thậm chí Risto đã viết rằng mình sẽ rất vui tặng không cho Microsoft mảng kinh doanh này để cắt lỗ. Ngoài ra, vụ thâu tóm HTC đã đổ vỡ nên Microsoft cũng cần mua lại cái gì đó để chữa cháy.
Cuối cùng Nokia chấp nhận bán mảng thiết bị - dịch vụ cộng giấy phép sở hữu sáng chế quan trọng để đổi lấy 7,1 tỷ đô tương đương 5,44 tỷ Euro. Cao hơn cả cái giá Nokia kì vọng là 3,6 tỷ.
Risto thừa nhận đó là tin vui lẫn tin buồn. Nokia đã được cứu sống nhờ rất nhiều may mắn. Đổi lại Phần Lan đã mất đi doanh nghiệp to lớn nhất của mình.
TÁI CẤU TRÚC ĐỂ TRỞ THÀNH STARTUP
Quyết định bán đi mảng kinh doanh cốt lõi của Risto là hoàn toàn chính xác và đúng thời điểm. Ngay sau đó thị phần cao cấp của Nokia Lumia từ 1,3% xuống dưới 1%
Ngoài ra sự tái cơ cấu từ nhân sự cho tới các mảng kinh doanh đã giúp cho Nokia bớt cồng kềnh và tập trung hơn. Stephen Elop khi công bố mảng Thiết bị - dịch vụ của Nokia được Microsoft mua lại cũng đã quay trở về Mỹ. Rất nhiều nhân viên không còn phù hợp với đường lối mới cũng đã ra đi. Và đây là lúc Risto nói rằng “Nokia trước khi tôi đến là một tập đoàn lớn, còn bây giờ là một Startup”. Gần 100 nghìn nhân viên mới nhưng chỉ không đầy 1% là nhân viên trong thời điểm đen tối nhất.
Từ năm 2014-2018 Nokia đã tái cấu trúc với các mốc quan trọng này.
- Bán Here maps cho các hãng ô tô Đức chung nhau mua với giá 2,8 tỉ euro
- Mua lại cổ phần của Siemens trong mảng dịch vụ viễn thông SMN
- Thâu tóm Alcatel - Lucent để trở thành nhà mạng lớn thứ 2 thế giới với giá 16,6 tỷ
- Thu về tiền bản quyền bằng sách chế mỗi năm hơn 500 triệu Euro
- Cấp phép thương hiệu và giấy phép sản xuất di động giá rẻ của Nokia từ Microsoft và giới thiệu bên thứ ba là HDH. Sau đó đổi thành HMD và nhận linh kiện phần cứng từ Foxconn.
- Phát triển hạ tầng viễn thông và đi đầu trong việc cung cấp dịch vụ 5G
- Bắt đầu tham gia vào lĩnh vực AI.
- giá cổ phiếu của Nokia khi tái cấu trúc đã tăng gấp 3 lần tính từ thời điểm bán đi mảng thiết bị - dịch vụ trong khoảng 2014 - 2018
PHẦN 3 : DẪN DẮT MỘT THƯƠNG HIỆU SẮP SỤP ĐỔ BẰNG SỰ HOANG TƯỞNG
Phần cuối cùng, và cũng là phần thú vị nhất đối với mình khi viết 3 phần về sự chuyển đổi của Nokia. Nhưng lần này lại không về Nokia, mà là về chủ tịch và cũng từng giữ chức CEO tạm thời của Nokia là Risto Siilasmaa.
Nó thú vị ngay từ những bước đầu tiên của Risto khi anh bước chân vào thế giới IT, sáng lập công ty riêng, tham dự BQT Nokia và sau đó trở thành chủ tịch rồi điều hành Nokia bằng sự hoang tưởng của mình. Nghe có vẻ rất điên rồ, nhưng đằng sau sự hoang tưởng này thì Risto Siilasmaa coi là cốt lõi trong cách lèo lái Nokia ở thời điểm khó khăn nhất là sự chuẩn bị kỹ lưỡng đến không ngờ.
Quay trở lại với lý do tại sao mình viết 3 phần về sự sụp đổ và tái cấu trúc của Nokia dưới thời Risto Siilasmaa làm chủ tịch. Vì toàn bộ quá trình Risto kể lại mình thấy giống hệt như các bước startup vậy. Gỡ từng khúc mắc từ con người, vấn đề, cách thực hiện, các kỹ năng cần có ngoài nắm chắc kỹ thuật và một tầm nhìn trong tương lai. Đối với nhiều người sẽ tìm thấy lý do tại sao Nokia lại sụp đổ nhanh chóng bởi một loại các sai lầm và ngủ quên trong chiến thắng. Nhưng cũng sẽ có nhiều người khác lại phấn chấn trước sự thú vị khi Nokia bán đi mảng kinh doanh cốt lõi, rồi chuyển mình sang một hướng đi mới khác.
Điều hành một tập đoàn đã mất hơn 90% giá trị và đang trên đà phá sản với cái cách tương tự như startup, thì Risto Siilasmaa thật sự đáng được nói đến và vinh danh trong phần ba mình viết. Chưa hết. Một bất ngờ cuối cùng mình sẽ để dành ở cuối bài, và mình tin rằng nó sẽ lay động được tất cả ở một tinh thần không ngừng học hỏi và phần nào cả hoang tưởng nhất có thể trong thế giới liên tục chuyển mình theo cách không thể dự đoán.
MỘT NHÀ KHỞI NGHIỆP ĐAM MÊ CHƠI GAME, TỰ HỌC MỌI THỨ VÀ 1 MÌNH DỌN DẸP WC.
Risto Siilasmaa nói rằng vào thập niên 1970 thì Phần Lan là đất nước cuối cùng quyết định đổi mới trong công nghệ mà bạn có thể nghe tới. Lý do là Phần Lan có quá nhiều gỗ để xuất khẩu, nhiều gỗ để chặt đến nỗi thế hệ trẻ không nghĩ đến nhiều về việc trở thành thiên tài công nghệ. Chính Risto trong thời gian đầu cũng như vậy, anh lựa chọn ngành kinh tế công nghiệp mới có liên quan đến kinh doanh và máy tính chỉ vì đó là ngành khó nhất khi thi đại học ở Phần Lan.
22 tuổi, Risto cùng với 1 người bạn mở một công ty tư vấn về IT, nhưng cả hai đều không biết xác định dự án kinh doanh này đến đâu vì mọi thứ vẫn khá mù mờ. Bản thân Risto là một người đam mê máy tính, đã tự mua chiếc máy tính Commodore 64 bằng tiền tiết kiệm khi đi phát tờ rơi quảng cáo. Risto cũng rất đam mê chơi game, sau đó Risto viết những bài hướng dẫn làm game phiêu lưu và gửi đến tạp chí máy tính. Sau đó anh cộng tác với tạp chí Mac, cùng những tờ báo chuyên về máy tính ở Phần Lan viết một loạt bài về chủ đề lập trình và game.
Trong thời gian học đại học, Risto Siilasmaa sáng lập F-Secure một công ty tư vấn về IT và an ninh mạng. Việc thành lập công ty đến từ việc khi học Risto nhận được 1 bài tập “Sáng lập một công ty”. Risto rủ một người bạn có chuyên môn về máy tính không kém gì mình cùng khởi nghiệp. Nhưng vài tháng sau người này nhận được một công việc tốt và lâu dài trong một công ty ổn định. Vì thế trong 5 năm tiếp theo, Risto đã phải mày mò học mọi thứ để giữ cho F-Secure tồn tại. Từ ghi chép kế toán, dịch các ngôn ngữ lập trình từ tiếng Anh sang tiếng Phần Lan, trực điện thoại và cả lau dọn nhà WC Risto đều kinh qua.
Trong cuộc đại khủng hoảng 1990, Risto làm việc 16 tiếng 1 ngày, chỉ tự trả lương cho mình khi đã trả lương hết được cho các nhân viên trong công ty. Ngoài ra anh còn nhận việc viết bài cho các tạp chí, tư vấn cho các công ty khác, đào tạo mọi người sử dụng phần mềm văn phòng khi đó vẫn là điều mới mẻ ở Phần Lan. “Không có khách hàng nào là quá khó, không có lĩnh vực nào không thể làm được, miễn là kiếm được tiền”, Risto kể.
Tại thời điểm khởi Risto khởi nghiệp, không một khách hàng Quốc tế nào muốn làm ăn với một công ty công nghệ ở Phần Lan, nên Risto đã mưu mẹo đăng ký địa chỉ của công ty ở San Jose - California để bắt đầu Quốc tế hoá F-Secure, một công ty chuyên về an ninh mạng. Cuối thập kỷ 1990, khi Nokia bắt đầu thành công rực rỡ, Risto Siilasmaa mới đổi địa chỉ công ty về Helsinki - thủ đô Phần Lan. Năm 2000 là thời điểm F-Secure vươn tới đỉnh của mình khi trở thành nhà cung cấp ứng dụng diệt virus cho hệ điều hành Symbian Serie 60 chạy trên các smartphone của Nokia.
Ba năm tiếp theo cũng là thời điểm Nokia phát triển không thể ngăn cản ở bất cứ đâu. Nokia xây dựng từ một thương hiệu điện thoại thành một văn hoá trên khắp toàn cầu. F-Secure từ một công ty vô danh đã được biết tới ở Phần Lan, và đó là lý do tại sao Risto Siilasmaa sau này được chọn vào BQT Nokia vì thành tích tốt.
Trong thời gian này, Risto đã bắt đầu nhìn nhận về tầm quan trọng về một hệ điều hành là yếu tố sống còn với các công ty điện thoại ở tương lai. Phát triển hệ điều hành, cải thiện phần mềm song song với khả năng hoạt động của phần cứng, chứ không chỉ thiên về một cái chính phương thức thành công. Risto đã thấy Apple làm như vậy thông qua các hành động và khả năng diễn thuyết của Steve Jobs, còn Nokia thì không. Nokia lại đi theo hứng cho phép các thiết bị riêng tuỳ chỉnh Symbian theo từng phân khúc, từng cấu hình. Điều này tạo nên sự phân mảnh nghiêm trọng chứ không tập trung lại thành 1 nguồn ổn định như iOs và sau này là Android.
năm 2008, Jorma Olila đã đưa Risto Siilasmaa vào trong BQT Nokia. Ở độ tuổi 42, Risto là thành viên trẻ nhất. Và 1 điều nữa sau này Risto mới thực sự bất ngờ. Trong BQT Nokia, anh là người ít tuổi nhất và cũng là duy nhất có chuyên môn về lập trình, phần cứng và máy tính. Nói nôm na, trong BQT Nokia không có ai đến từ lĩnh vực công nghệ lúc đó cả.
ANH ĐẾN TỪ MỘT CÔNG TY NHỎ NÊN KHÔNG HIỂU CÁCH NOKIA VẬN HÀNH ĐÂU
Risto Siilasmaa có nằm mơ cũng không thể ngờ rằng trong thời gian 4 năm tiếp theo khi mình là thành viên trong BQT thì cũng là lúc Nokia bước vào thời kì đen tối nhất.
Việc anh lờ mờ nhận ra trong những năm trước đã trở thành hiện thực. iOS đã được tích hợp và trở thành nền tảng cốt lõi của Apple. Ngoài ra nó còn giúp Apple tạo ra một hệ sinh thái và kiếm được lợi nhuận khổng lồ nhờ thu phí từ lập trình viên cho tới hoa hồng của người dùng khi mua ứng dụng trên app store. Sau đó là sự xuất hiện của Android, lần lượt các đối tác trước đây phải mua bản quyền Symbian làm cốt lõi cho thiết bị cũng lần lượt bỏ rơi Nokia.
Mọi chuyện vẫn không dừng lại khi các thiết bị di động mới của Nokia không thể nào chống cứ được iPhone và các smartphone chạy Android.
Trong một lần được nói chuyện riêng với chủ tịch Nokia lúc đó là Jorma Olila. Risto Siilasmaa đã thổ lộ rằng “Có chuyện gì đó không ổn”. Nokia phải ngay lập tức giải quyết dứt khoát. Bản thân anh đã có sẵn kế hoạch và mong muốn BQT Nokia phê duyệt hay ít nhất đem ra cân nhắc.
“Tôi không thấy chúng ta đang thực sự hiểu bức tranh tổng quát đang diễn ra. Chúng ta không dành đủ thời gian để phân tích công nghệ và các công ty cạnh tranh”. Risto nói.
Jorma Olila cảm thấy sốc khi có một người trẻ tuổi, là thuộc cấp và còn vô danh dám lên giọng với mình nên đã nhún vai trả lời.
“Risto, anh đến từ một công ty phần mềm nhỏ, anh không hiểu cách Nokia là một công ty toàn cầu hoạt động thế nào đâu”.
Trong một lần ăn trưa khác với Jorma, Risto lại đặt câu hỏi về vấn đề tại sao BQT không lên tiếng về việc Nokia liên tục trì hoãn ra mắt sản phẩm mới cũng như thời gian gần đây liên tục bị khách hàng phàn nàn về chất lượng sản phẩm.
“BQT không tham gia vào công việc điều hành Risto ạ. Đó là việc của CEO, còn BQT chỉ phê duyệt yêu cầu của CEO”.
Điều này có nghĩa rằng BQT Nokia dưới thời Jorma Olila chỉ đứng ngoài trước những sự việc đang diễn ra ở công ty. Họ muốn giữ hình ảnh, thành công trong quá khứ và rất sợ phải can thiệp vào tình hình Nokia dưới danh nghĩa là BQT. Nhưng chính CEO của Nokia lúc đó là Olli Pekka Kallasvuo lại chần chừ trong việc thay đổi cấu trúc vận hành của Nokia nếu nó không đẹp lòng BQT.
Như mình đã nói ở phần 1, Jorma Ollila là một mẫu chủ tịch độc đoán, tin vào cách trước đây mình đã làm Nokia phát triển và rất ghét ai đó thay đổi điều đó ở Nokia. Vì vậy khi Risto Siilasmaa và CEO đến từ Mỹ Stephen Elop liên tục có hành động vượt mặt thì Jorma đã làm nhiều cách ngăn cản 2 người. Risto Siilasmaa cho biết chính Jorma Olila đã tác động đến BQT để ngăn anh trở thành chủ tịch Nokia.
Một cái vòng lẩn quẩn, nạn quan liêu, thao túng quyền lực ở hậu trường đã tạo thành cái thọng lọng đưa Nokia đến giá treo cổ gần hơn. Trước đây cách mà Jorma Olila vận hành Nokia đúng, còn bây giờ điều đó đã là quá khứ. Tháng 12 năm 2010, Risto vẫn kiên trì viết một bản đệ trình đầy khiêu khích gửi tới BQT Nokia. Nội dung bản đệ trình xoay quanh hai vấn đề :
- Công nghệ đã dịch chuyển từ phần cứng sang phần mềm
- Thay đổi văn hoá công ty. Xoá bỏ sự né tránh những thông tin xấu, bỏ đi rào cản giữa nhân viên và lãnh đạo.
Dĩ nhiên với sự độc đoán của Jorma Ollila, bản đệ trình này coi như không tồn tại. Thậm chí Risto đã gặp riêng Olli Pekka Kallasvuo, CEO lúc đó nhưng Kallasvuo cũng không dám tác độn đến BQT.
Đối với người ngoài khi nhìn vào Nokia sẽ thấy thật khó hiểu tại sao tốc độ đi xuống của hãng lại nhanh chóng như vậy. Nhưng khi người trong cuộc kể lại một loạt chuỗi sai lầm như thiếu tầm nhìn, không muốn thay đổi, nền văn hoá sợ hãi tin xấu và khi tin xấu đến lại đổ trách nhiệm cho nhau rồi đưa ra các giải pháp chữa cháy không hiệu quả... Liên tiếp các sai lầm như vậy, làm rung chuyển từ đỉnh tới nền móng.
Ngay cả khi Stephen Elop từ Microsoft chuyển sang làm CEO cũng vậy. Sự thay đổi diễn ra rất chậm và vẫn tồn tại một thế lực vô hình can thiệp ngăn cản sự thay đổi rất cần thiết đó.
Năm 2012, giá cổ phiếu của Nokia không đạt nổi 2 Euro cũng là lúc Jorma Olila từ nhiệm và Risto thay thế. Và anh sẽ làm gì khi nhận thức rõ không thể cứu được Nokia nữa?
SỰ HOANG TƯỞNG VỀ MỘT FUTURE BACK
Khái niệm hoang tưởng của Risto được định nghĩa là “Việc đủ hoang tưởng để luôn chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống tồi tệ nhất, nhưng giúp bạn lạc quan vì vẫn còn có những cơ hội trong trường hợp xấu nhất đó”.
Đối với Nokia trường hợp xấu nhất là phá sản, cứu cánh mà Risto lựa chọn là bán đi mảng thiết bị - dịch vụ chiếm 90% doanh thu của Nokia. Đổi lại Nokia sẽ có tiền tái cấu trúc lại đường lối kinh doanh của mình vào các mảng khác như viễn thông, phát triển 5G, tham gia vào cuộc đua AI. Đó chính là cơ hội trong lúc bi quan nhất, nhưng đã trở thành hiện thực khi Nokia đã làm được điều đó, một sự chuyển đổi bắt đầu từ sự hoang tưởng của Risto Siilasmaa
Nokia mới và các startup có điểm chung là đều cần rất nhiều tiền và bắt đầu từ vạch xuất phát. Ngoài ra là sự điên rồ và liều lĩnh đến mức ngay cả trong thời hoàng kim của mình, Nokia cũng không có được điều này
Sau khi bán mảng thiết bị - dịch vụ cho Microsoft, dòng tiền dành cho tái cấu trúc của Nokia còn ngốn nhiều hơn cả lúc khủng hoảng. Vậy tiền đâu mà Nokia có để đầu tư và mua lại các mảng kinh doanh mới? Microsoft chính là một trong những người rót vốn vào Nokia mới. Đây là một trong các thoả thuận quan trọng khi Nokia ký kết bán mảng thiết bị - dịch vụ.
Khi đã có tiền thì Nokia liền theo đuổi một tư duy kinh doanh và cốt lõi mới của mình gọi là Programmable World - tạm dịch là Thế giới lập trình được.
Programmable World chính là khả năng liên tục phân tích thế giới thực tế thông qua hàng tỷ cảm biến thu nhỏ, giải thích những gì đang diễn ra dựa trên dữ liệu thu được, đồng thời biến Web thành một môi trường thiết kế được. Đây chính là IoT - Internet of things trong khái niệm của Nokia và AI với Machine learning.
Risto và BQT mới gọi dự án này là Future Back. Việc quan trọng nhất trong kế hoạch này là thâu tóm Alcatel - Lucent , tập đoàn viễn thông nắm giữ rất nhiều tài nguyên, con người quan trọng để Nokia theo đuổi Future Back.
Sau này, cái giá Nokia phải trả để mua lại Alcatel - Lucent 15,6 tỷ Euro. Gấp 3 lần giá trị Microsoft mua lại mảng thiết bị - dịch vụ của chính Nokia. Đổi lại Nokia đã tái cấu trúc thành công, đã trở thành một startup tham gia vào lĩnh vực có nhiều cơ hội trong tương lai.
Tính từ năm 2016, Nokia với hai mảng kinh doanh chủ yếu là viễn thông di động, và cấp phép sử sụng sáng chế đã đứng top 3 công ty có cơ sở hạ tầng viễn thông toàn cầu. Nokia cũng có một mục kinh doanh gồm di động, viễn thông cố định, cáp, định tuyến, quang học, phần mềm, dịch vụ sức khoẻ thông minh, thực tế ảo...
MỘT CÂU NÓI TRỊ GIÁ 100 TRIỆU EURO
Một điều ít ai biết là nhờ tài đàm phán của Risto, Nokia đã tiết kiệm 100 triệu Euro khi mua lại Alcatel - Lucent. Đó là khi thương lượng về việc trao đổi giá trị cổ phiếu khi sáp nhập, thì 1 cổ phiếu của ALu đổi được từ 0,550 tới 0,563 cổ phiếu của Nokia. Tất nhiên bên ALu luôn muốn giá cao nhất. Và đôi bên đã quần thảo nhau từng 0,001 giá trị cổ phiếu.
Khi gặp người đồng cấp với mình bên ALu, Risto kết thúc 30 phút đàm phán bằng một câu yêu cầu trực diện.
“0,550 là cái giá mà tôi muốn anh nói lại BQT của mình”. Điều này vô tình sẽ thúc đẩy đối phương muốn giúp bạn thông qua bằng cách đẩy trách nhiệm giá về phía những người khác trong BQT.
“Tôi có thể tin tưởng anh gửi lời đề xuất này tới BQT của anh được không”.
“Có”. Người kia đáp lại.
Sau đó bên ALU đồng ý giá 0,550 mà Risto đưa giá. Sự chênh lệch giữa 0,550 và 0,563 là hơn 100 triệu Euro. Đôi khi việc sử dụng những từ ngữ phù hợp sẽ có sức mạnh bất ngờ.
50 TUỔI VẪN TỰ HỌC
Vào năm 2017, ở độ tuổi 51, Risto Siilasmaa rất tò mò trí tuệ nhân tạo. Anh ngỡ ngàng trước sự phát triển của máy học và muốn Nokia cũng phải nhanh chân tham gia vào lĩnh vực AI.
Nhưng đây là 1 khái niệm mà Risto chưa bao giờ biết. Dưới danh nghĩa chủ tịch của Nokia, Risto đã tham dự rất nhiều cuộc hội đàm và gặp gỡ các nhà AI hàng đầu thế giới. Nhưng Risto rất bực mình khi ai cũng chỉ muốn thể hiện mình chứ không giải thích cho anh hiểu “Chúng hoạt động như thế nào?”.
“Đừng bao giờ chờ đợi người khác làm điều bạn có thể tự làm - và hãy hành động để bạn không những giải quyết được vấn đề của mình mà còn cả vấn đề của những người khác”. Risto cười khi kể lại.
Vì thế Risto đã tự học trên internet và đăng ký khoá học online. Sau 20 năm anh lại bắt đầu lập trình. 3 tháng sau Risto đã học được các thuật toán nền tảng của máy học, cũng như có thể giải thích một cách dễ hiểu nhất cho người khác hiểu.
Mình sẽ để link ở dưới về bài thuyết trình của Risto tại Nokia về những gì anh học được.
Cuối cùng Risto tổng kết lại quá trình của Nokia qua câu chuỗi sự kiện bắt đầu từ một cái đinh ngựa.
“Muốn có đinh thì mất móng ngựa. Có móng ngựa thì mất ngựa. Mất ngựa thì thất trận.Vì thất trận nên mất đất. Mất đất vì muốn có đinh ngựa”.
Bạn hãy đảm bảo đinh nằm đúng chỗ. Đó là cách tôi đem Nokia trở lại.
NHỮNG GÌ MÌNH HỌC HỎI TỪ RISTO SIILASMAA
Tất nhiên là sự hoang tưởng về những cơ hội trong hoàn cảnh xấu nhất. Trở thành một con người hoang tưởng sẽ giúp bạn đối diện và chịu đựng nỗi đau cũng như sớm hành động, đón đầu những tác động của tương lai.
Mình cảm thấy mình yêu thích kinh doanh vì cốt lõi của nó là tương tác với con người.
Cốt lõi của sáng lập viên và startup là coi từng thách thức, từng vấn đề và tin xấu là cơ hội để học hỏi và hoàn thiện.
Bất cứ khi nào bắt đầu một việc gì đó quan trọng. Hãy dừng lại. Hãy lùi lại một bước trong tâm trí và chắt lọc ra bản chất của vấn đề.
Đừng tự trói mình theo tư duy cũ. Hãy sử dụng năng lực tư duy của chính mình để hành động phù hợp với tình huống hiện tại.
Bạn không cần dẫn dắt, bạn chỉ cần làm và mọi người sẽ làm theo bạn.
Bạn càng làm việc, càng luyện tập, bạn càng gặp may.
Link video Risto giải thích về AI
Các bạn có thể tìm hiểu thêm qua cuốn Transforming Nokia
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất