Tranh: Overworked and Underpaid bởi Gigi Boldon
***
Có một sự thật rất tàn khốc: mấy cái bài viết nguỵ tri thức càng xàm lố thì hiệu ứng thu về càng cao. Vậy nên, muốn sống tốt thì nhân lúc còn tỉnh táo hãy tránh xa những thứ báo mạng rác rưởi.
Lại một ngày mới, và lại một bài viết bợ đít cho giai cấp tư sản của một “writer” vô danh, những mong được trở nên viral ăn mấy trăm nghìn bạc.

Được™ như ngày hôm nay nhờ những giờ làm thêm?

Xin hỏi cái Được™ ở đây là anh đang nói đến điều gì? Anh đang nói đến tiền? Đến những mối quan hệ? Vâng, tôi cũng đồng ý rằng (1) nếu bạn ý thức được rằng điều gì là có ích nhất cho mình tại thời điểm này, và (2) tiền và những mối quan hệ có được nhờ việc làm tăng ca chính là những thứ mà bạn biết bạn cần đó, thì đúng, chúng chính là cái được của bạn. Tốt cho bạn.
Nhưng nếu mong muốn của tôi là sức khoẻ, là gia đình, là tri thức, là vốn sống, là hạnh phúc, hay là tất cả những thứ còn lại, thế thì tôi được hay mất ở đây? Bạn nghĩ sao nếu tôi bảo rằng, tôi chả quan tâm đếch gì đến việc tăng lương hay thỉ thưởng của nhà bạn, mà cái tôi cần là bạn trả đủ tiền cho những gì tôi làm được, và đến 5h khi tôi về nhà theo đúng giờ giấc đã giao hẹn trong hợp đồng làm việc thì bạn đừng có ngáng đường tôi? Hãy nhớ rằng, muốn nhân viên làm gì và làm được gì, thì hãy giao hẹn với họ từ lúc phỏng vấn hay thử việc, chứ đừng có nói một đằng làm một nẻo.
Thế còn việc nhân viên có “chậm tiến” hay không, thì còn phải xét lại. Vấn đề là chậm tiến dựa trên tiêu chí gì? Tiêu chí đó có thực sự phù hợp và thực sự công bằng hay chưa? Chẳng thà tôi chậm tiến, nhưng sáng sáng tôi vẫn đi làm đúng giờ, khi cần là tôi có mặt, khi yêu cầu các công việc thường ngày thì tôi hoàn thành, thì anh chả có cái lý do gì để phải chê tôi chậm tiến. Còn nếu đã cảm thấy công ty không cần những người chậm tiến như thế, thì cứ thoải mái mà cho nghỉ việc. Không phù hợp thì cho nghỉ là đúng, nhưng đừng vì thế mà lên cái giọng bố tướng dạy đời mà chê bai những ai “chậm tiến.”
Mà đấy là tôi còn chưa thèm động đến luật pháp. Căn cứ theo điều 106 số 2 bộ Luật lao động ghi rõ:
2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Được sự đồng ý của người lao động;
b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;
c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ."
Theo đó, doanh nghiệp không có quyền yêu cầu người lao động làm việc tăng ca bắt buộc. Vì thế, hãy ngưng cái trò thúc ép và tạo cảm giác tội lỗi cho những người lao động “chậm tiến”, và hãy thử nghĩ xem mình có đang đối xử và đãi ngộ họ công bằng hay chưa.

Tôi làm gì khi người khác tăng ca?

Xin thưa, tôi có cuộc sống và khát vọng của riêng mình. Còn cái bè lũ robot không biết cái gì khác ngoài cắm đầu cắm cổ bám víu vào cái công việc văn phòng điều hoà bàn giấy nhà bạn trong kia chúng nó làm cái gì thì tôi quan tâm làm đếch?
Bạn hỏi tôi dựa vào lý do gì mà muốn về sớm, muốn được nghỉ Thứ bảy?
Tôi không hiểu là bạn đang mưu hèn kế bẩn hay thực sự quá ngu dốt về cái gọi là kiến thức đời thường mà phải hỏi câu này. Có quá nhiều cách để một con người sống trong cuộc sống, và công việc thì không phải là tất cả. Với cuộc sống của một con người bình thường, thì ở một mức lương nhất định nào đó khi con người ta không còn phải lo chỗ ngủ, lo cái ăn cái mặc, lo cuộc sống tương lai không biết lấy gì đi tiếp, thì giá trị của mỗi một-nghìn-đồng đã không còn nguyên vẹn. Khi cơm gạo đã đủ đầy, thì những giờ làm tăng ca để đổi lấy thêm một phần lương nữa sẽ không còn thực sự cuốn hút.
Hơn nữa, như tôi đã nói, tôi còn có cuộc sống của riêng mình. Tan sở tôi còn phải đi bơi hay đi tập gym. Tôi không có nhu cầu chết ở tuổi 40 trên bàn làm việc công ty nhà bạn. Hôm nào căng cơ không tập được thì tôi đi học đàn cho đời bớt khô héo vì mỗi ngày 8 tiếng đều đã phải vùi dập cái liêm sỉ và cái tự trọng để cống hiến cho công ty nhà bạn.
_______________________________________________________________________________
Bài liên quan:
Dù là người mới đi làm hay không, hết trách nhiệm là tôi phải được về. Đừng có tụt quần lôi cái chữ “an nhàn” ra ve vẩy trước mặt tôi, ra cái chiều đạo đức lắm. Tôi đếch quan tâm bạn nghĩ tôi an nhàn hay không. Cái tôi quan tâm là sự công bằng trong mối quan hệ giữa người lao động và người thuê lao động.
Còn nếu bạn bảo những ai tan sở về nhà đúng giờ là “biệt đội có tương lai không biết đi về đâu” thì xin lỗi, chắc bạn phải xem lại. Phải biết rất rõ mình cần gì, và tương lai mình muốn gì, thì con người ta mới có thể dành ra được thời gian cho nó. Chỉ có cái bọn khỉ đột không biết làm cái con mẹ gì khác ngoài cắm đầu vào cày cuốc không công cho nhà bạn mới gọi là cái bè lũ không biết tương lai khi bạn đột ngột sa thải họ sẽ phải đi đâu về đâu thôi. Mà nghĩ cũng phải. Bao nhiêu cơ hội, bao nhiêu trải nghiệm ngoài kia mà đáng lẽ họ đã phải bước chân ra để tìm kiếm, thì nay khi nhìn lại, họ đã trao hết cả cho doanh nghiệp của bạn rồi còn đâu? Vậy thì, ừ, tương lai của họ là gì đây?
Cân bằng chính là công việc đi đôi với cuộc sống à? Ừ, cũng đúng. Nhưng mà là việc nào? Việc của doanh nghiệp nhà bạn? Xin lỗi đi. Bạn trả tiền để sở hữu sức lao động của tôi trong vòng 8 tiếng, thì hãy liệu mà giữ lấy cái giao hẹn đó. Còn lại tôi làm gì thì kệ mẹ tôi.

Đừng lãng phí tuổi trẻ của chính mình

Cái này bạn nói đúng quá, tôi chả có gì để thêm. Chỉ mỗi tội là cái định nghĩa thế nào mới là lãng phí, thì tôi cho rằng có lẽ bạn phải xem lại, và rằng mỗi người sẽ có một cái nhìn khác nhau về cách sống làm sao cho không lãng phí tuổi thanh xuân. Nhưng có một điều gần như chắc chắn rằng, tuổi trẻ chỉ có thể bị lãng phí khi bạn chỉ chăm chăm cắm đầu vào một nơi và không bao giờ suy nghĩ về tương lai của mình, về khả năng tự định đoạt cuộc đời của mình, và về cái giá trị xã hội mà bạn đã, đang, sẽ, và có thể tạo ra ở môi trường này hoặc một môi trường nào đó khác.
Một lời khuyên chân thành và hữu ích thực sự mà tôi có thể dành cho các bạn trẻ, đó là không ngừng suy nghĩ về bản thân mình, kỹ năng của mình, tương lai của mình, những gì mình có thể thu được, học được từ những môi trường mà mình đang tiếp xúc, và với mỗi thứ đó thì bao nhiêu là đủ. Tuổi trẻ không lãng phí là tuổi trẻ tỉnh táo, biết mình là ai, biết mình làm gì, cần gì, và bao nhiêu cho vừa. Đừng chỉ vội nghe những lời mời mọc đường mật của các doanh nghiệp mà quên đi bức tranh tổng thể hơn về chính mình.

Hãy nhớ rằng, sự cống hiến an toàn và đem lại nhiều lợi ích nhất cho bạn, đó là sự cống hiến cho chính bản thân mình. Hãy làm những gì bạn cảm thấy tốt nhất cho bản thân.

Theo tôi, có hai kiểu người viết những bài viết tự mãn, ích kỷ và rác rưởi như thế này: một là một ông sếp độc tài và ngu ngốc về quản lý nhân sự, hai là một writer đói rách đang cần có một bài viết được feature trên Cafebiz để nhận dăm bảy trăm ngàn trang trải cuộc sống vì năm nay đã 30 tuổi rồi mà nhìn quanh vẫn chưa có cái thành tựu con mẹ gì và thậm chí còn chẳng có sếp nữa để mà công nhận.
Thế giới đúng là thật tàn khốc, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải vùi dập cuộc đời mình. Và nếu bạn không phải là sếp, thì đừng làm thêm giờ nếu thấy không cần thiết.
Bài cùng tác giả: