Trước hết là phải tạo ngữ cảnh: chính bản thân tôi hiện tại cũng đang làm trong ngành mà tôi yêu thích, hay nói theo đúng cái chữ phổ biến của giới trẻ hiện nay là ngành tôi “Đam Mê™.” Thế nhưng, tuyệt nhiên khi các em sinh viên đến bảo với tôi rằng “Em rất Đam Mê™ ngành A này nhưng điều kiện B, C và D xem chừng không cho phép. Anh có lời khuyên gì cho em không?” thì gần như 100% tôi sẽ trả lời rằng “Không. Em ôm cái đống Đam Mê™ lổm nhổm đấy về cho anh. Để đây chướng mắt.”
Tôi biết nói ra điều này sẽ khiến rất nhiều các bạn trẻ khó chịu, nhưng với tư cách là một người cũng (không may) có một đam mê của riêng mình và phải buộc mình vào với nó, tôi phải nói thẳng với các bạn là hai cái chữ Đam Mê™ của bạn nó nông cạn, hời hợt, và là một lời xúc phạm lớn đối với tinh thần lao động cũng như công lao của bố mẹ dành cho bạn suốt bao nhiêu năm qua. Bởi, một khi bạn đã là sinh viên, hay thậm chí là đã đi làm, thì việc bạn cần làm là bắt đầu tập dần để trở thành một người có ích cho gia đình, hay rộng hơn một chút là cho xã hội thu nhỏ của bạn. Đam mê của bạn, chỉ nói về mặt khái niệm thôi, đã không giúp ích được cho ai khác ngoài chính bản thân bạn rồi. Bạn định hành hạ người khác đến bao giờ nữa?
Chưa kể, có những thành phần mà như ví dụ tôi nhắc đến ở trên, mồm thì cứ ra rả bài ca Đam Mê™, ra cái chiều đau khổ lầm than ghê gớm lắm, rằng ngoài mặt thì vui vẻ nhưng trong lòng thì nước mắt trào dâng nào ai có hay chăng, nhưng đến khi nhìn vào chính bản thân và hành động của mình thì không bao giờ thấy nhấc cái đít mình lên và cố gắng vì cái đam mê đó. Các cái thành phần này nếu bạn có gặp ngoài đời thì tôi khuyên là nên một là cắt đứt tiệt mối quan hệ, hai là đập nát cái chữ Đam Mê™ thẳng vào mặt nó để giải ảo, âu cũng là điều tốt cho nó. Để lâu lại nghĩ bản thân mình là một nạn nhân của những sự o ép trong gia đình và xã hội. Những kẻ tự xưng là có Đam Mê™, nhưng ban ngày vẫn mải miết viết báo cáo tài chính cho ngân hàng để cuối tháng nhận lương đều đều, tối về vẫn thong dong lượn lờ quán trà sữa, thì đó là cái thứ đam mê rác rưởi, không đáng để ai tôn trọng. Không ai coi thường công việc tưởng chừng như “nhàm chán” của bạn, nhưng bạn cũng đếch có cái quyền để thở ra cái chữ Đam Mê™.
Thế còn đối với những người có đam mê, và thực sự nghiêm túc đối với nó, thì tôi chỉ xin phép thay lời các bạn để nói thế này, bởi tôi biết các bạn đều nắm quá rõ được hết cả rồi: cái đam mê bản thân nó thì vô giá trị, mà nó chỉ có giá trị khi nó làm động lực thúc đẩy bạn học tập, khám phá, kiếm tìm những con đường để biến giấc mơ của bạn thành những giá trị thực sự, tạo ra của cải vật chất hoặc các dịch vụ có ích, trước hết là đem lại lợi ích cho chính bạn (hay còn gọi là nuôi được bản thân bạn), xa hơn là lợi ích cho gia đình bạn, và nếu được thì xa hơn nữa là cho xã hội. Nếu bạn có thích một điều gì đó, chưa lên đến mức đam mê, thì hãy dành thời gian cho nó, tìm hiểu nó, mài dũa những kỹ năng cho bản thân mình vì nó, và xem xem có những phương án lâu dài nào để vừa có thể nuôi được nó, vừa có thể giúp bạn sống sót được. Chứ còn đam mê mà không tạo ra giá trị, thì đó chỉ đơn giản là SỞ THÍCH.
Và nếu đã có gan mở mồm thở ra hai cái chữ đam mê, thì con người cũng phải có đủ tầm để xứng đáng với nó. Bởi hai chữ “đam mê” là vô cùng đắt giá, và cũng là bởi một khi con người của bạn đã có ích ở một mức độ nhất định, thì câu chuyện ở đây không còn là câu chuyện của đam mê nữa, mà là câu chuyện của giá trị bản thân. Xét cho cùng, bạn muốn con người mình được xác định bằng cái đam mê, hay bằng cái giá trị lợi ích của bản thân bạn đối với xã hội? Xin đừng nhầm lẫn, bởi không một nhà tuyển dụng nào đồng ý tuyển bạn vì bạn có đam mê. Họ tuyển bạn vì bạn có trình độ, và bạn có tiềm năng để vươn xa hơn nữa. Cuộc đời là vất vả, không có ai rảnh và cũng đừng nghĩ rằng sẽ có ai rảnh rang thừa tiền để nuôi cái thứ đam mê vô dụng của bạn. Không-một-ai quan tâm đến nỗi đau khổ hiện sinh thầm kín nơi tâm hồn pha lê đáng thương của bạn đâu. Mà tốt hơn hết là nên như thế. Liệu mà lôi cái tấm thân què quặt của bạn ra ngoài đường kia và trở nên hữu dụng, chứ đừng ngồi một góc mà khóc thương cho cái đống đam mê bùi nhùi của bạn.
Cho nên chốt lại một câu: đừng bao giờ nói chuyện đam mê với tôi, mà hãy chứng minh cho tôi thấy con người bạn có giá trị. Chỉ có cái bọn trẻ ranh ăn bám mới hay nói chuyên đam mê và mơ ước viển vông. Còn nếu bạn không biết cách biến đam mê của mình thành giá trị thực, thì mong bạn đừng có tụt quần và ve vẩy cái đam mê của bạn trước mặt tôi. Vì nó nhược tiểu và nói chung là tởm lắm.