Tuần qua, có ít nhất 3 cột phát sóng di động ở Anh bị đốt cháy, những nhân viên của các hãng viễn thông cố gắng duy trì hoạt động của mạng lưới thì bị tấn công và lăng mạ. Lý do rất kỳ cục: Một số người tin rằng các mạng 5G đã lan truyền virus corona.
Thuyết âm mưu này sôi sùng sục trên mạng trong mấy tuần qua, bắt nguồn từ những thuyết âm mưu về mối nguy hại liên quan đến công nghệ di động 5G. Lần này, người ta gắn nó với câu chuyện rằng Vũ Hán là một trong những thành phố thông minh của Trung Quốc và từ đây virus corona lan ra toàn thế giới.
Nhưng không chỉ ở Anh. Đã có 4 vụ đốt hoặc làm hỏng cột phát sóng di động tại Hà Lan và những kẻ phá hoại đã để lại khẩu hiệu chống 5G được phun sơn tại hiện trường của một cuộc tấn công. Những sự cố tương tự cũng xảy ra tại Mỹ.
Vậy điều gì khiến thuyết âm mưu này được lắm người tin như vậy? Rất khó chỉ ra nguyên nhân nhưng có khả năng nó được chia sẻ bởi những người nổi tiếng, trong đó có nam diễn viên Woody Harrelson, ngôi sao truyền hình Amanda Holden và võ sỹ quyền Anh Olympic Amir Khan tại Anh quốc. (Holden sau đó đã xóa tweet).
Đây chỉ là một trong rất nhiều thuyết âm mưu nở rộ thời dịch Covid-19. Những câu chuyện đồn thổi khác thì xoay quanh nguồn gốc của virus này, một số người bảo vệ quan điểm rằng nó là một thứ vũ khí sinh học được tạo ra từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc, kẻ khác khẳng định chính Bill Gates tạo ra virus này để trục lợi từ một chương trình tiêm vaccine toàn cầu. Ngoài ra còn có những thuyết âm mưu nhằm hạ bệ uy tín của Tiến sỹ Anthony Fauci, giám đốc Viện nghiên cứu quốc gia về các bệnh truyền nhiễm và dị ứng (NIAID), một số thuyết âm mưu khác thì nói có một số loại người không thể nhiễm virus này, chưa kể quan điểm cho rằng corona là âm mưu nhằm phá hoại cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.
Cùng với các thuyết âm mưu, có rất nhiều thông tin sai lệch trên mạng, từ những tin thất thiệt về các phương thuốc gia truyền có thể ngăn nhiễm bệnh hoặc chữa trị được Covid-19, những thông tin sai lệch về việc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh đang thực hiện xét nghiệm tại từng gia đình, việc sắp có phong tỏa toàn quốc hay việc triển khai quân đội khắp nơi.
Xin giới thiệu bài viết của chuyên gia Claire Wardle thuộc First Draft, một trong những trang kiểm chứng thông tin (fact-check) hàng đầu thế giới:
Bác bỏ những thuyết âm mưu vô căn cứ thì dễ, nhưng cần xem xét một cách nghiêm túc thực trạng. Một cuộc khảo sát của viện nghiên cứu Pew hồi đầu tháng 4 cho thấy có đến 39% khán giả của kênh truyền hình Fox News thực sự tin rằng con virus này được tạo ra từ một phòng thí nghiệm. Và việc không ít người tin vào cái thuyết 5G lan tuyền virus ở Anh và một số nước khác cho thấy chúng ta không thể làm ngơ.
Vậy báo chí nên đóng một vai trò như thế nào trong cuộc chiến chống lại tin giả trên Internet? Các trang kiểm chứng thông tin trên toàn thế giới đang phối hợp với nhau để bóc trần những thông tin sai trái về virus corona. Nhưng liệu các tòa soạn có nên làm việc này? Năm năm trước, có lẽ câu trả lời dứt khoát là “không” bởi vì mục tiêu của báo chí là thực hiện các phóng sự điều tra và đi tìm sự thực chứ không phải là dọn rác trên mạng.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi. Tạp chí Mother Jones ở Mỹ thực hiện một cuộc khảo sát và hỏi độc giả xem họ nên làm gì để có tác động lớn nhất. Có tới 31% những người trả lời khảo sát khẳng định họ muốn tạp chí này bóc trần những thông tin sai lệch đang khiến mọi người sợ hãi. Đó chính là mong muốn hàng đầu của độc giả.
Nhưng chọn thời điểm phù hợp để đối phó với những thông tin sai trái và những thuyết âm mưu này là điều vô cùng khó khăn. Nhiều cơ quan báo chí, nhất là những cơ quan ở tầm quốc gia hoặc quốc tế, có lượng độc giả rất lớn. Đề cập tới một tin đồn, một thông tin sai lệch vốn chỉ tồn tại ở một nhóm nhỏ, hoặc bóc trần một thuyết âm mưu, có khi lại càng khiến cho nó được để ý. Sẽ có thêm nhiều người được nghe về những thông tin sai lệch đó.
Nhiều nghiên cứu về tâm lý cho thấy nếu việc bóc trần tin giả không được thực hiện một cách đúng đắn – hoặc khi độc giả chỉ đọc tiêu đề bài báo, tweet trên Twitter hay status trên Facebook mà không đọc phần giải thích đầy đủ – thì bộ não của con người nhiều khả năng sẽ nhớ những thông tin sai.
Sự tương đồng và lặp đi lặp lại có ý nghĩa quan trọng trong việc chúng ta ghi nhớ thông tin gì và như thế nào. Vì thế khi nhiều lần nhìn thấy thông tin sai hoặc các thuyết âm mưu trên mạng, rồi lại thấy nhiều tờ báo lớn đề cập với những lý giải tại sao nó không đúng, thì bộ não bắt đầu giằng xé. Nói vậy không có nghĩa là các tòa soạn không nên bóc trần tin sai, mà nên thận trọng về cách làm.
Tại First Draft, chúng tôi nói về điểm bùng phát. Qua việc theo dõi thông tin sai lệch tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới, chúng tôi rút ra kết luận rằng nếu bóc trần một tin đồn quá sớm thì có thể chúng ta càng khiến nó lan truyền rộng hơn. Còn nếu hành động quá muộn thì thuyết âm mưu và thông tin sai lệch đó đã bám rễ sâu nên gần như không thể làm chậm quá trình phát tán và không thể thuyết phục mọi người rằng đó là thông tin sai.
Khi tiến hành tập huấn về chủ đề này, chung tôi luôn lấy ví dụ về thuyết âm mưu Pizzagate (cho rằng quán pizza Comet Ping Pong ở thủ đô Washington D.C. là nơi giam giữ các trẻ em của một đường dây buôn bán nô lệ tình dục, do cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đứng đầu). Mặc dù nhiều nhà báo biết về thuyết âm mưu này khi nó được chia sẻ trên mạng, không ai muốn đề cập vì sợ giúp cho nó tồn tại. Nhưng khi một người đàn ông từ North Carolina lái xe đến quán và nổ súng, thì đã quá muộn để dập tan thuyết âm mưu sai trái này. Đã quá nhiều người tin vào nó.
Đối với thuyết âm mưu về việc sóng 5G làm lây lan virus corona, tôi nghĩ chúng ta đang ở thời điểm bùng phát. James Ball, biên tập viên cấp cao của cơ quan báo chí phi lợi nhuận Bureau of Investigative Journalism, mới đây đã khẳng định trên Twitter: “Tình hình đang ngày càng nguy hiểm. Báo chí chính thống cần phải đề cập nhiều hơn, đây là lúc để bóc trần thuyết âm mưu sai trái này.”
Trong hai cuộc bầu cử gần đây tại Pháp và Brazil, sự hợp tác giữa các cơ quan báo chí đã chứng minh hiệu quả. Khi những tin đồn vượt qua điểm bùng phát, các cơ quan báo chí phải đồng thời đăng tải thông tin mạnh mẽ, và việc này sẽ giúp làm chậm việc phát tán các tin đồn và các thuyết âm mưu.
Cần có một phản ứng tập thể của các tòa soạn trước những tin đồn nguy hiểm về virus corona. Những thông tin sai lệch liên quan đến dịch bệnh Covid-19 sẽ gây ra những tác hại thực sự cho xã hội, dù đó là những thông tin sai lệch về các vấn đề khoa học-y tế, về thực phẩm hay thuốc men, hoặc về những nhóm cộng đồng dựa trên sắc tộc, tôn giáo hay xu hướng giới tính.
Chúng ta cần rút ra bài học từ những ví dụ về đòi hỏi phải đối phó nghiêm túc với thông tin sai lệch. Các tòa soạn cần phải hợp tác với nhau để đẩy ra những thông điệp nhất quán xung quanh những thông tin sai trái. Cần viết những tiêu đề có trách nhiệm chứ đừng sử dụng thủ thuật SEO để câu view mà hậu quả là càng tăng thêm sức mạnh cho tin đồn.
Các trường báo chí không dạy cho sinh viên cách bóc trần tin giả một cách có trách nhiệm, nên chúng ta cần bắt đầu đưa những bài học này vào chương trình. Cũng cần có những khóa đào tạo cho các phóng viên đang hành nghề để biết cách làm chậm quá trình phát tán tin giả thông qua hoạt động tác nghiệp. Và cần lưu ý đến cách đặt tít, chọn hình ảnh và đăng tin phù hợp về các tin đồn và thuyết âm mưu cũng như những thông tin sai lệch. Các tòa soạn cần cập nhật các kỹ năng và kiến thức để đối phó với những thách thức mới này./.
Đọc thêm: