Thời điểm dịch bệnh Corona 2020 là thời điểm vô cùng nhạy cảm. Mình và những người bạn đã được tận mắt chứng kiến một cuộc suy thoái kinh tế (hay có khả năng hơn là một cuộc khủng hoảng kinh tế) là như thế nào. So với năm 2008 khi còn bé tí và cha mẹ bận kiếm tiền hộ thì cảm nhận nó không được rõ ràng lắm.

Ngày quay ngày, đọc những bài báo về thất nghiệp, về các nhà hàng đóng cửa, các công ty phải giải thể, gần hơn là nghe tin những người bạn của mình bị giảm trừ lương hay phải từ bỏ công việc hiện tại để tìm một công việc mới thì ta lại cảm nhận rõ hơn cái sự ... của nền kinh tế nó ghê gớm cỡ nào. Cũng vì vậy, con người ta mới quan tâm đến tài chính hơn bao giờ hết, bởi lẽ, ngay từ đầu chúng ta rất ít được dạy về chủ đề này. Mình cũng vậy, tranh thủ lúc được ở nhà, mình cũng đọc thêm một chút về tài chính nhằm có sự chuẩn bị tốt hơn cho tương lai, và hy vọng những bài học mình đọc được trong cuốn Các quy luật của tiền, tác giả Suze Orman sẽ là thứ đồng hành với mình và có thể đồng hàng với các bạn trong những năm tiếp theo.
Mình từng rất nghi ngờ những quyển sách kiểu này, vì thực ra nếu không đọc sách, chỉ biết Tiếng Anh thôi thì các bạn cũng có thể kiếm được hàng tá bài về các quy luật tiền bạc đầy rẫy trên mạng, nhiều lúc chả biết cái nào đúng cái nào sai. Theo mình thì gọi là phù hợp thì đúng hơn, rồi mỗi người sẽ tìm được quy luật phù hợp với bản thân sau khi áp dụng nó, vì về cơ bản dù có là 100 mẹo tiền bạc đi nữa thì quay đi quẩn lại nó vẫn mang vài quy tắc cơ bản mà mỗi người sẽ tự điều chỉnh cho phù hợp bản thân. Cái hay mà mình nhận ra ở những quyển sách này là nó kể cho mình nghe những câu chuyện của một nhà tư vấn tài chính cá nhân, dù không phải ở Việt Nam, đâu đó sẽ có sự khác biệt nhưng mình tin là sự khác biệt không quá lớn và chúng ta hoàn toàn có thể học được từ đó, từ những cái sai của người khác. Nếu ai đó không lúc nào cũng sẵn có người đi trước để dẫn đường, thì sách cũng là một sự lựa chọn tốt chứ nhỉ, nó sẽ giúp ta học được một số bài học mà đáng lý ra nếu ta tự mò, thử và sai sẽ mất rất nhiều thời gian. 

Dưới đây là 5 bài học mà mình học được từ Suze Ozman:

1. Hãy luôn nói sự thật

Cho đến khi được đi nhiều hơn và được nghe nhiều hơn về các câu chuyện tài chính. Mình mới thấy là có những người nhìn vậy nhưng không phải vậy. Một cách hiển nhiên, nếu bạn nhìn thấy một người bước xuống từ xe hơi và một người chỉ chở con đi học bằng xe máy thông thường, bạn dễ kết luận rằng người đi xe hơi đó hẳn là giàu có và dư dả tài chính, còn người phụ nữ chở con đi học kia chỉ kiếm được đủ ăn. Thực tế là chưa chắc, vì người bước xuống từ xe hơi đó có thể đang gánh đằng sau những khoản nợ còn người phụ nữ đi xe máy đi thì đang rất hài lòng với cuộc sống của mình, thậm chí cô ta còn có khoảng vài khoản đầu tư chứng khoán hay bất động sản nữa chứ. Đó là cách mà chúng ta thường hay vội đánh giá người khác và cũng vô tình như vậy, chúng ta sợ bị người khác đánh giá. Bạn chắc cũng không lạ gì chuyện nhiều người che đậy sự tự ti bên trong bằng những món đồ đắt tiền bên ngoài. Tất nhiên, nếu bạn dư dả tài chính cho việc đó, và việc khoác trên mình những món đồ đắt tiền nhằm phục vụ công việc thì không sao, nhưng nếu bạn chỉ muốn thỏa mãn cảm xúc tức thời, thì nó có thể là thảm họa. 
Giá trị của bạn không thể được quyết định bằng cảm xúc của người khác được.
Hãy thành thật với bản thân và những người xung quanh bạn, về mặt tài chính, bạn có ít tiêu ít, có nhiều tiêu nhiều, không có tiền để có thể tham gia những cuộc chơi cùng những người bạn, thì cũng hãy thẳng thắn chia sẻ điều đó.
Có một thời mình đã từng nghĩ, việc vung tiền thoải mái vào những cuộc chơi đắt tiền với nhiều nhóm bạn khác nhau và không quan tâm đến lượng tiền chi ra là thể hiện sự rộng lượng và biết cách kết giao xã hội(lúc đó còn đang xài tiền mẹ cho). Tất nhiên mình đồng ý là trong việc đi học và đi làm, luôn có những khoản chi cho bạn bè và các mối quan hệ, mình cũng không bảo các bạn cô lập bản thân với xã hội, nhưng nếu trong trường hợp bạn đang không đủ tiền cho nó hoặc đang dành dụm tiền cho những mục đích khác quan trọng hơn, thì bạn vẫn hoàn toàn có thể từ chối các cuộc chơi. Điều này cũng không làm cho bạn bè có ác cảm với bạn, vì nếu họ là bạn thực sự, họ sẽ hiểu cho bạn.
Khái niệm YOLO đôi lúc không hiệu quả lắm theo kiểu sống nay mà không biết ngày mai mà đem hết tiền ra tiêu. Những lúc thất nghiệp, chuyển đổi công việc, phá sản hay khó khăn về tài chính nói chung thì thành thật với bản thân là điều tốt nhất để bạn không phải thể hiện mình với người khác là bạn ổn. Bạn không sài Iphone X không có nghĩa là bạn không sành điệu, bạn chưa đi được 20 địa điểm hot nhất Việt Nam trước 25 tuổi không có nghĩa là bạn đang lãng phí tuổi trẻ, hãy để tiền bạn đang có phục vụ cho điều bạn cảm thấy là tốt nhất với bản thân mình hơn là để đáp ứng các tít trên mạng xã hội. Bởi vì, cách bạn phản ứng với tiền phản ánh con người thật của bạn.

2. Nhìn vào những gì bạn đang có, không phải thứ bạn đã có

Đây hẳn là một nguyên tắc thiên về cảm xúc và tâm lý nhiều hơn. Đặc biệt với những người từng kiếm một khoản tiền lớn sau đó vì một lí do nào đó đã làm mất, và đâm ra dằn vặt mỗi ngày. Bài học quan trọng trong nguyên tắc thứ 2 này là hãy tập trung vào số tiền bạn có hiện tại và từ đó đưa ra quyết định cho kế hoạch của bạn sắp tới.

Theo dõi chi tiêu hằng tháng thì nhiều người biết nhưng không phải ai cũng làm và có làm cũng không chắc kéo dài được bao lâu. Nhưng đây là thói quen mình cho là khá hữu ích mà bạn nên duy trì để biết được trong tháng bạn đã chi cho những khoản nào. Thông thường, chúng ta sẽ có một khoản dự trù ngân sách đầu tháng do ta tự ước lượng với mức chi tiêu của bản thân, tuy nhiên, đến cuối tháng thì mọi thứ sẽ hơi chệch một tí. Việc ghi chép sẽ giúp chúng ta biết được ta đã quá tay vào khoản nào, nhất là với những người có thói quen vung tay quá chớn.
Bạn hãy cứ xem bạn như một doanh nghiệp vậy, bạn phải kiểm soát dòng tiền vào và ra sao cho hợp lý, bên cạnh đó là duy trì dòng tiền đều đặn để phục vụ cho các mục tiêu của bạn đã vạch ra ban đầu, đó là chưa kể những lúc bất ngờ như đại dịch Covid này.
Không cần biết lúc ở nhà, hay đi học bạn được hỗ trợ bao nhiêu tiền, nhưng khi đã đi làm rồi, hãy ghi thật chi tiết số tiền bạn thực sự có được, và học cách chi tiêu trong khoảng đó, bạn đầu có thể hơi khó chịu vì bạn đã quen với việc được trợ cấp từ gia đình, nhưng rồi bạn cũng sẽ dần quen thôi, những bạn tự lập sớm sẽ hiểu rõ được điều này.
Và cho dù, bạn có mất việc đi chăng nữa, hãy tự tin rằng khi đảm nhiệm một công việc mới dù lương thấp hơn, bạn sẽ chỉ gặp khó khăn ở giai đoạn đầu, hãy cố gắng tận dụng kỹ năng ở công việc cũ của bạn để làm cho bạn nổi bật ở môi trường mới. Dằn vặt sẽ không giúp được bạn nhiều, thay vào đó, hãy nhấc mông lên, học một cái gì mới và bắt đầu một hành trình mới. Nghe có vẻ dễ và quen thuộc vì đây là điều bạn đã nghe đâu đó trên mạng, ấy thế mà vẫn có người mất niềm tin vào bản thân, hình thành thói quen xấu và đi vào ngõ cụt.

3. Làm những điều đúng với bản thân

Điều đúng với bản thân là gì, là trước khi nghĩ đến điều gì lớn lao, hay muốn chăm lo cho ai khác, thì hãy đảm bảo rằng bạn đã sống đủ ở mức cơ bản ở hiện tại. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng rất nhiều người lại vi phạm quy tắc này. Tại sao lại thế, chúng ta có xu hướng im lặng và hy sinh cho người khác, để rồi một là chúng ta sẽ phải chịu đựng sự thiếu thốn và stress, tệ hơn nữa là nếu khoản tiền hy sinh đó không giúp được nhiều rồi người được chúng ta giúp lại stress, xong rồi cả hai lại stress hơn. Rất quen thuộc phải không nào, đó là những hình ảnh người cha người mẹ nhịn ăn nhịn tiêu để lo cho đứa con một cách tốt nhất, và nếu may mắn đứa con biết suy nghĩ thì không sao, nhưng chẳng may chúng hư một cái là thôi rồi: "Ôi thằng con bất hiếu, lo cho nó ăn học bao nhiêu giờ nó quay lại cãi bố mẹ!!!". Tuyệt vời nhất là hãy cho đứa con biết rằng tình hình tài chính của gia đình là như thế nào và người con cũng có một phần trách nhiệm trong đó ra sao. Hãy tưởng tượng, những người cha người mẹ vay nợ nhưng rồi không cho con biết sợ con lo lắng, đứa con thì học đại học xa, ảnh hưởng từ xã hội, bạn bè, chúng bắt đầu tiêu tiền không thương tiếc vì bố mẹ nó an ủi: Không sao đâu con, bố mẹ lo được cho con hết. Cho đến khi mọi chuyện vỡ lẽ, nợ chồng nợ, dịch đến, cha mẹ thất nghiệp, đứa con biết được rằng thì ra bố mẹ nó đang còng lưng trả nợ cho nó thì lúc này đây cả nhà đều khổ. Nên là đôi khi, về lâu dài, hy sinh hạnh phúc của bạn để giúp người khác sẽ gây đau khổ cho bạn.

Gia đình cũng nên thoải mái chia sẻ về vấn đề tài chính để cùng nhau giải quyết vấn đề.
Nói đến đây, lại đề cập đến nợ, điều tiên quyết chúng ta phải làm là thanh toán hết các khoản nợ. Chúng ta thường hay ngưỡng mộ và bàn tán về những người kiếm được rất nhiều tiền nhưng lại không nói về việc khả năng giữ tiền của họ hay họ đang nợ bao nhiêu và khả năng trả nợ họ thế nào. Trong cuộc sống, bạn sống một mức sống khác với những người khác, bạn biết như thế nào là phù hợp với bản thân mình, vì cảm nhận tài chính, độ rủi ro của mỗi người rất khác nhau. Có người chỉ cần 10tr là sống đủ nhưng có người có thể cần nhiều hơn. Việc chúng ta cần làm, và thực sự rất khó, đó là hiểu bản thân và biết đâu là mức chi tiêu phù hợp.

4. Đầu tư vào thứ bạn biết

Nghe đầu tư thì có vẻ vĩ mô khó khăn, nhưng đúng là khó khăn thật. Đó là những khoản đầu tư vào bất động sản, vàng hay cổ phiếu,... Vấn đề này thì chắc sẽ có một bài riêng dành cho nó. Về cơ bản, lời khuyên là chúng ta hãy thực sự tìm hiểu kĩ càng trước khi bỏ tiền vào những thứ mới lạ, có những người chơi bitcoin được, kiếm được nhiều tiền thì bạn nên tìm hiểu kỹ về nó trước khi dấn thân vào cuộc chơi.

Còn như mình, mình chỉ đầu tư nhiều vào bản thân, vì mình hiểu bản thân mình hơn mấy cái kia. Cười!

5. Bản thân tiền không có sức mạnh

Nguyên tắc này khá là đơn giản, nó đơn thuần là điều chỉnh lại góc nhìn của bạn với tiền và cũng là tổng hợp của 4 nguyên tắc trên. Tiền bản thân nó không có ma thuật nào ghê ghớm cả, tất cả nằm ở người sử dụng nó. Bạn thiếu thiền, bạn chi tiêu quá mức, bạn hoang phí, bạn chưa sử dụng triệt để được sức mạnh của tiền thì tất cả nằm ở bạn. Kể cả bạn ra đường bị cướp giật mất ví tiền thì cũng TẠI bạn...xui. Nói vui vậy thôi, nếu ngân sách của bạn có hạn, bạn hãy sử dụng sao cho có hiệu quả nhất thì lúc đó tiền mới phát huy được sức mạnh của nó. 
Trên đây là những bài học mình học được từ Suze Orman, một cố vấn tài chính nổi tiếng ở Mỹ. Hy vọng cho bạn thêm vài góc nhìn về tiền giúp cho bạn quản lý tài chính tốt hơn.
Vậy các quy luật của tiền có thật không nhỉ? Hmmmm, tùy bạn thôi!