Phần 1

Những chiến lược tâm trí

Thành thật định nghĩa về sự giàu có đối với bạn

Như tui có nói ở trên, giàu có được đo lường khác nhau. Trước khi xây dựng cảm giác giàu có, bạn cần nhận diện "giàu có" đã chứ. Tui không biết bạn hợp cách nào nhưng tui thích viết và tự vấn nên chia sẻ một số câu hỏi cho bản thân như sau:
- (kiểu vô duyên bộp chộp) Với mình, như thế nào là giàu có?
- (kiểu thân thiện) Như thế nào thì mình không cần đi làm nữa nhỉ? Nếu mình có tiền mình sẽ làm/ sở hữu những gì? Thế với mỗi việc mình cần bao nhiêu tiền? Thế tổng mình cần là bao nhiêu?
- (kiểu luồn lách, lươn lẹo) Những lúc mình cảm thấy giàu vc là khi nào? Lúc đó mình làm gì? Có những ai ở đó? Mình đã có những cảm xúc nào khác?
Khi hỏi những câu này, hãy trả lời càng chi tiết càng tốt. Tui hay nghe mọi người bảo: Khi nào có tiền khi nào giàu sẽ làm cái A cái B nhưng khi hỏi lại là Làm sao để biết là mày đã có tiền hoặc giàu thì lại chả nói. Chẳng ai đánh thuế giấc mơ đâu, cứ nghĩ thật lớn rồi rà lại một lượt xem cái gì bỏ được, cái gì muốn giữ. Không đến một tiếng, tui cam đoan các ông có mường tượng sơ sơ về sự giàu có mà bản thân theo đuổi ngay.

Tui khá ấn tượng khi nghe chị Mto bên Viết chữa lành nói rằng: Với mình, trù phú trước hết phải là sự trù phú về mặt thời gian. Chị cũng bảo rằng: Với chị thì đầu tắt mặt tối khác với làm việc hiệu quả. Chị chỉ làm những thứ có giá trị, những thứ cần cho sự phát triển bản thân và tận hưởng công việc. Chị luôn suy nghĩ cách giảm bớt các thời gian làm việc vô bổ. Ví dụ trong mô tả công việc có 5 đầu việc, trong đó, chị hứng thú 2 đầu việc và thấy bản thân phát triển trong đầu việc thứ 3, 2 đầu việc kia thấy không có giá trị với mình. Chị đề xuất làm gấp 2 lần đầu việc mình hứng thú và 1 đầu việc mang tính học hỏi. Với đầu việc không có giá trị kia, chị đề xuất giao người khác. Tất nhiên, cần ý thức đầu việc mà mình giao đi phù hợp với người ta. Cái không dành cho mình không có nghĩa là không dành cho người khác. Vũ trụ cân bằng mà. Nhờ vậy, chị sử dụng thời gian với 100% sự vui vẻ và với chị đó là trù phú về thời gian.
Đấy, sau rất nhiều lần nghe nói về giàu có và tiền bạc, lần đầu tui nghe có người bảo giàu của chị là giàu thời gian trước đã! Vậy nên đừng giới hạn định nghĩa của mình về giàu có nhé, chậm rãi, trò chuyện với bản thân, bạn sẽ nhận ra câu trả lời.
Với tui, giàu có là lúc bản thân thảnh thơi sống nhưng luôn có thể sở hữu niềm vui. Cơ bản thì tui cũng thích giàu thời gian và khả năng sẵn chi cho các nhu cầu sâu nhất! Ý tui là nhu cầu không phải phương tiện nhé.

Áp dụng Be - Do - Have

Có thể bạn đã nghe nhiều về Be - Do - Have nên tui sẽ chia sẻ qua qua cách tôi áp dụng nó để xây dựng cảm giác trù phú nhé.
Be - Bạn phải là nó trước khi sở hữu nó! Điều này nói rằng nếu muốn có cảm giác giàu có bạn hãy cho phép mình cảm nhận nó ngay thời điểm này xem. Hãy thiền hoặc hình dung về viễn cảnh mà bạn nghĩ bạn sẽ có được cảm giác giàu có, quan sát chúng đang xuất hiện trên cơ thể. Bạn cũng có thể đặt câu hỏi cho bản thân rằng: Mình khi cảm thấy giàu có trông như thế nào? Đang ra sao? Đó có thể là lúc mà bạn đang được làm công việc có nhiều đầu việc mình thích nhất, khi đã buông được sự thèm khát công nhận, khi biết điều gì nên ưu tiên trong cuộc sống. Đó có thể là lúc bạn mặc bộ quần áo ưa thích, đang làm điều đã lâu bạn hằng muốn. Hãy cư xử và biết ơn như thế bạn đã có được điều đó rồi. Hãy viết chúng ra giấy và đắm chìm trong đó hết sức.
Do - Bạn hành động như thế nào để có trải nghiệm đó? Khi đã "be", bạn sẽ vạch ra từng bước đạt tới điều đó. Ví dụ, giàu có với bạn là thật nhiều tri thức và nhiều người trả tiền khi bạn sử dụng tri thức đó. Bạn thấy mình đang hướng dẫn ai đó tiếp nhận tri thức của bạn. Vậy bước tiếp theo bạn làm sẽ là học, đọc và nghiên cứu. Cách tui hay làm nhất là đặt câu hỏi cho bản thân mỗi lúc viết morning pages. Không câu nệ chính tả, ngữ pháp, những trang viết buổi sáng tui chỉ đổ suy nghĩ xuống mặt giấy mà thôi. Tui hỏi: Ê giờ muốn mình từng giây từng phút đều làm điều mình vui và có người sẵn lòng trả tiền thì làm gì nhỉ? Tui cứ hỏi thế cho đến khi vài ba câu trả lời xuất hiện kiểu: thử viết sách đi.

Have - Qua hai bước trên, điều tiếp theo đơn giản là hãy mở lòng. Hãy thử hỏi bản thân xem: Điều tồi tệ/ chuyện đáng sợ gì có thể xảy ra khi bạn giàu có, nhiều tiền? Một số người be và do xong nhưng không thể have được vì không thể mở lòng. Họ có những thương tổn về chuyện tài sản nên rất sợ lúc bản thân có tiền. Một số người đã trải qua khoảnh khắc bị cướp tiệm vàng, một số người cho rằng vì tiền mà cha mẹ cãi nhau, ly hôn nên tiền là xấu; một số người xem phim ảnh, đọc truyện rồi nghĩ bọn nhà giàu thường thất đức,... Họ rất khó mở lòng. Lúc đó, hãy chỉ nhẹ nhàng trấn an: Mình luôn giữ được bản thân trong sạch, thuần khiết dù mình có trở nên giàu có. Mình vẫn có thể an toàn, hạnh phúc và được yêu thương khi trở nên giàu có.
Be - Do - Have là tiến trình theo đúng thứ tự như vậy. Nếu chỉ cố chấp để "Have" mà bên trong chưa "Be" bạn sẽ vẫn cảm thấy bất ổn như người có nhiều tiền nhưng vẫn chăm chăm vay nợ, quỵt thẻ tín dụng bạn bè, trả giá gắt gỏng,... Nếu chỉ "Be" mà không "Do", bạn cũng không thể "Have". Hãy kiên nhẫn với tiến trình đó.

Suy nghĩ về việc nhẹ lương cao

Phần này tui cũng chỉ thuật lại quan điểm chị Mto (đã nhắc ở trên) mà thôi. Chị Mto có nhiều cái nhìn hay ho để ta suy ngẫm nên tui rất ưng. Với cụm "việc nhẹ lương cao" chị không xem xét nó theo nghĩa bóng mà tách ra ra, giải nghĩa rằng: Việc nhẹ là việc mà mình thấy làm cả ngày không chán, càng làm càng vui, càng làm càng tăng thêm giá trị cho bản thân. Việc viết với chị là một loại công việc như vậy. Chừng nào chúng không còn như vậy mà trở nên áp lực, khó khăn, chị sẽ không xem đó là việc nhẹ nữa. Lương cao cũng không phải là vài nghìn đô mà là mức khiến chị cảm thấy vui, thoải mái với nhu cầu chi tiêu của bản thân. Ở nhiều thời điểm, chúng đôi khi chỉ là vài trăm hay vài triệu đồng.
Việc nhẹ lương cao hiểu theo cách cũ có thể mang lại sự giàu có nhưng nếu theo cách này có thể giúp bạn có cảm giác trù phú. Để làm được "việc nhẹ lương cao", tui nghĩ có mấy yếu tố cơ bản:
- Buông bỏ cái "nhẹ" và "cao" mà người khác gán ghép để trở lại cái "nhẹ" và cái "cao" theo đúng định nghĩa của bạn ở thời điểm này. Cái này tui nói ở trên rồi nha.
- Tư tưởng mình xứng đáng và cam kết không theo đuổi văn hóa hi sinh. Có đợt tui nói chuyện với một anh HR Manager, ảnh bảo: "Tuyển dụng các bạn Entry Level (mới vào ngành), anh thường đánh vào tâm lý mình chưa đủ tốt của các bạn để kích thích động lực hi sinh, cống hiến và trông đợi vào sự đền đáp sau thời gian dài. Những bạn được tuyển thường là những bạn sợ bị phán xét là người vô trách nhiệm hoặc không biết cách từ chối." Híc, tui nghe mà tui thấy dằm trong tim luôn đó. Tui không biết các bạn như thế nào nhưng từ hồi đi làm đến giờ, chỗ nào manh nha cái tư tưởng này là tui thân ái chào tạm biệt ngay. Ở vài chỗ, tui trông như được trả lương cao hơn năng lực (overpaid) nhưng vì ý thức được nên tui lại luôn chọn làm nhiều hơn điều mình thích hoặc học hỏi nhiều hơn để không bị "over". Thành ra, tui thấy cả tui và công ty đều win-win sau một thời gian. Lúc nào tui cũng nghĩ mình xứng đáng ở cái mức A hoặc B nào đó và chỉ có hơn chứ không có kém đi. Nếu kém đi tui thấy mất động lực lắm nhưng nếu hơn thì tui toàn dùng phần dư đầu tư đi học, đầu tư sách vở để làm tốt hơn, đặc biệt hơn. Công ty rõ ràng là tiềm lực hơn mình, nếu cần một người hi sinh từ đầu và hứa hẹn sẽ bù đắp sau thời gian dài tại sao không phải từ phía công ty mà lại chọn mình đúng không? Người yêu tui trong công việc là tuýp cống hiến, cống hiến mà không biết cách nhận lại. Tui hay đùa: Anh không chủ động nhận những điều anh xứng đáng thì vũ trụ sẽ bắt anh bị động nhận đấy. Mà anh biết bị động nhận là lúc nào không? Là bị hối lộ hoặc bị ốm bệnh nằm để người ta cho đó =))

- Phân bổ thời gian. Biết rồi khổ lắm nói mãi nhưng thời gian của chúng ta đúng là như nhau nhỉ? Thế nên, tui thấy ngoài mấy phân bổ theo mức độ: Quan trọng - Khẩn cấp thì cái dễ làm nhất là: Ngay từ đầu chọn cái việc có nhiều task (nhiệm vụ) mình thích mà làm. Đừng sợ là không có vì vũ trụ luôn đủ đầy mà, miễn bạn đừng hạ thấp tiêu chí là được. Kể cả những bạn đang có việc rồi cũng vậy, hãy mạnh dạn đề xuất để làm nhiều hơn những công việc bạn thấy bạn giỏi và thích. Chúng ta thực dụng lắm, sếp của chúng ta cũng thế thôi. Bình thường bạn chỉ làm được 50% việc X và mất 50% vào việc Y mà hiệu quả lèm nhèm thì bây giờ bạn xin làm 100% việc X hiệu quả khỏi bàn và chuyển 100% việc Y cho người giỏi hơn thì tổng hiệu suất cho cả việc X và Y đều tốt lên. Nếu vấn đề nằm ở kinh phí thì hãy chuyển đổi dần dần đến lúc điều kiện khả quan hơn. Bắt đầu với 60% X và 40% Y chẳng hạn.
Đọc tiếp phần 3 với tui nhé. Cái chủ đề này đặt bút viết xong thấy nhiều thứ muốn chia sẻ ghia.
---
Trò chuyện thêm với mình tại đây nhé:
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài.
Đừng quên ủn mông mình bằng 1 chú upvote ủng hộ ha ^^