Disclaimer: Tui không phải là một người giàu có như bạn đang nghĩ. Thu nhập bình quân hàng năm của tui còn chưa tới 500 triệu Việt Nam đồng nhưng tui cho rằng: bản thân không nhất thiết phải là triệu phú, tỷ phú mới có thể lên tiếng về sự giàu có, trù phú, thịnh vượng hay những điều tương tự!
Ngoài ra, bài viết này của tui cũng không hề định nghĩa lại từ "giàu có" theo hướng giàu tình cảm hay giàu niềm tin. Nó nói về tiền, về sự sở hữu và về từ "affordable" (tui luôn cố gắng dùng tiếng Việt khi viết nhưng thật lòng không biết dùng từ gì để miêu tả ý này)
Lưu ý: Bài dài nên nếu lười như tui thì copy cho lên Google đọc giùm cho đỡ mệt :>>> - trích vài lời chân thành từ đáy tymm <3
---
Ngày tất cả những người bạn trên Facebook tổng kết về năm đã qua, tui ngủ ngất đi từ 1h sáng hôm trước đến 10h tối hôm sau (ngày 31/12). Tỉnh dậy và đọc những dòng chia sẻ về năm 2020 của mọi người, tui bỗng nghĩ: 
- Ơ thế năm vừa rồi mình đã làm được gì nhỉ? 
Hỏi ngớ ngẩn thế nhưng câu trả lời đến nhanh như chưa từng nghĩ vậy:
Thành tựu lớn nhất năm 2020 của tui không phải là trở nên giàu có mà biết cách xây dựng & duy trì cảm giác giàu có từ bên trong một cách hợp lý.


Giàu có và cảm giác giàu có

Như tiêu đề bài viết, tui muốn tập trung vào việc tách biệt hai khái niệm này. Bài viết này tui không đăng trong mục quan điểm - tranh luận nhưng về cơ bản tui muốn nói lên những trải nghiệm và suy nghĩ của mình về 2 điều trông na ná nhau ở trên.

Đọc thêm:

Hồi tham gia một lớp về Giao tiếp phi bạo lực (NVC), tui được tiếp cận một giả định nói rằng: 
Ẩn sâu dưới tất cả những hành vi của chúng ta đều là những nhu cầu rất trong sáng và đẹp đẽ. Những nhu cầu đó đảm bảo cho chúng ta một cuộc sống "có tính người" nhất và vì chúng ta là con người nên những nhu cầu đó đều tương tự nhau. Liệt kê đơn giản một vài ví dụ trong bộ các nhu cầu đó sẽ bao gồm: Các nhu cầu vật lý (không khí, nước, đồ ăn,...), các nhu cầu thể hiện bản thân (có giá trị, ý nghĩa, được công nhận,...), các nhu cầu xã hội (thuộc về, trật tự,...),... Tuy chưa đọc được tài liệu chính thống nhưng tui ngầm hiểu rằng bộ các nhu cầu đó là bản chi tiết hơn, gọi thành tiếng hơn của các tầng nhu cầu trong tháp Maslow. Trong điều kiện lý tưởng, các nhu cầu đó được đáp ứng mà cách đáp ứng không tạo ra bất cứ xung khắc nào, chúng ta đạt được trạng thái hạnh phúc, viên mãn cuối cùng. Tuy nhiên, cùng với giả định đó là giả định khác, đại ý cho rằng: Tuy có nhu cầu như nhau nhưng cách định nghĩa & đáp ứng các nhu cầu đó ở mỗi người là khác nhau. Cùng là nhu cầu yêu thương nhưng người A cần yêu thương biểu hiện qua lời nói, quà cáp trong khi người B chỉ đơn giản tìm kiếm sự gắn kết & xúc chạm. Chính sự khác biệt trong việc đáp ứng (phương tiện) các nhu cầu khiến chúng ta có những hành vi mất kết nối/ mang tính bạo lực với người khác.
Tư tưởng của điều này khá giống đoạn sau trong bài Tâm lý học của sự thay đổi bản thân mà anh Trà Kha đã đăng.
Tui quan sát thấy rằng: Giàu có được đo lường khác nhau ở mỗi người. Giàu có với má tui là sở hữu trọn vẹn một căn nhà 2 tầng và một con KIA Morning màu đỏ hạp mệnh trong khi má người yêu tui tin rằng giàu có là phải phấn đấu tổng tài sản lên mức vài nghìn tỷ.
Sự giàu có, vì được đo lường theo các cách khác nhau nên mỗi khi nhắc đến thì mỗi chúng ta sẽ có những mường tượng khác nhau về nó. Tuy nhiên, tui nhận thấy rằng: Sự giàu có là phương tiện để chúng ta hướng đến cảm giác giàu có!
Nhưng nếu xét theo NVC thì cảm giác giàu có thực ra vẫn chưa phải là cái đích cuối cùng. Khi đặt câu hỏi với bản thân và một số khách hàng, tui lại phát hiện: Cảm giác giàu có hoàn toàn có thể tách rời khỏi sự giàu có. Về cơ bản, cảm giác giàu có thực ra là tổ hợp cảm giác, cảm xúc khi họ được thỏa mãn một hoặc một vài trong số loại nhu cầu sau:
- Tự do lựa chọn (Freedom)
- An toàn & đảm bảo (safety & security)
- Sự trân trọng & chúc mừng (appreciation & celebration)
- Thể hiện bản thân (sefl-expression)
- Sự chấp nhận (acceptance)
- Là người quan trọng (to matter) và sự quan tâm (consideration)
.....
Nếu bạn thắc mắc tui đã rút ra cái kết luận này từ đâu thì tui cũng chia sẻ luôn: Với các khách hàng vướng mắc vấn đề tài chính, tui hay rảnh rỗi sinh nông nổi kết bạn, hỏi thêm vài câu khảo sát vui kiểu: Theo cậu như thế nào là giàu có? -> Thế nếu hình dung về sự giàu có đó, cậu nghĩ cậu sẽ có những cảm giác hay cảm xúc nào? -> Cảm xúc và cảm giác đó có thường hay xuất hiện không và xuất hiện lúc nào? -> Lúc đó cậu nghĩ là nhu cầu nào của cậu vừa được đáp ứng (tui share cho khách tui 1 list các nhu cầu theo NVC cho người ta ngẫm nghĩ, lựa chọn). -> Tập trung vào một nhu cầu, cậu thử ngẫm lại xem: ngoài viễn cảnh giàu có mình nói lúc nãy, cậu đã từng thỏa mãn nó bằng cách nào khác?
Và sau nhiều lần, tui nhận ra có một số dạng nhu cầu liên tục được khoanh tròn (những cái tui liệt kê ở trên) và một số người tuy chưa đạt đến sự giàu có theo định nghĩa của họ nhưng vẫn có cảm giác đủ đầy mà họ cho rằng phải giàu có mới được trải nghiệm (hình dung về vài lần lương thưởng về quá mức dự đoán hay những lần ném tiền của bạn vào các chầu mua sắm, biếu tặng xem nhé)

Đọc thêm:

Đấy thui, tóm lại giàu có cũng là phương tiện mà cảm giác giàu có cũng là phương tiện. Tuy nhiên, cảm giác giàu có thì là game dễ chơi hơn và có thể luyện tập để duy trì hơn, mức độ bấp bênh cũng ít hơn.

Dù vậy, tui vẫn muốn nhấn mạnh rằng: Cả hai đều không phải là đích đến cuối cùng. Nếu chỉ tập trung vào sự giàu có để che lấp cảm giác thiếu thốn, các ông dễ bị cuốn theo và rơi vào bẫy của sự bám chấp, hi sinh để đạt bằng được cái viễn cảnh mà mình đề ra. Nhưng nếu chỉ tập trung vào mỗi cảm giác giàu có thì cũng chui xuống hố của việc mất động lực. Đợt tui nghe một cái talkshow trực tuyến, có một câu chuyện khá là hay ho như sau: 
"Một con sóc đột biến sở hữu khả năng đặc biệt. Nó chỉ cần ăn một lần là đủ thấy no cho đến hết đời. Sau vài giờ tìm kiếm, nó thu về một hạt dẻ thơm bùi và to bự. Theo bản năng, nó chén đến cùng hạt dẻ đó và ngập chìm trong cảm giác no nê vĩnh viễn. Và chính vì luôn có cảm giác no nê đó, nó đ** cần đi kiếm ăn nữa. Suốt mấy ngày, nó nằm hưởng thụ, miệng cười tươi, mắt nhắm nghiền đê mê và rồi nó chết! Nó chết vì cơ thể không được cung cấp đủ năng lượng. Nếu không bị đột biến, con sóc đó sẽ có thể cảm thấy đói/ thiếu ăn - dấu hiệu để nó biết là mức năng lượng của cơ thể đang sụt giảm và nó phải xách mông lên mà đi kiếm ăn."
Bài này của tui nói nhiều về cảm giác giàu có nhưng yên tâm, tui không chỉ đưa các ông lên mây ngồi cho mát đâu!

Làm cách nào để xây dựng và duy trì cảm giác giàu có?

Qua một số chia sẻ trên, hẳn bạn cũng đoán được là cách tui tạo ra cảm giác giàu có sẽ dựa trên mấy nguyên lý sau:
- Tăng kiếm thêm -> có nhiều khả năng cao thấy giàu có. Nhưng như tui đã nói ở trên là cách này đòi hỏi sự tích lũy, dễ gây áp lực nếu buộc phải làm trong thời gian ngắn, chưa kể đôi khi có nhiều nhưng vẫn thấy thiếu. Tuy nhiên, phần này tui cũng có đề cập cách thực hiện ở đoạn việc nhẹ lương cao, gieo hạt trù phú, phần "Do" của BE-DO-HAVE và một số nghi thức tâm linh dưới đây.
- Thay đổi chiến lược đáp ứng nhu cầu. Khi nhận ra nhu cầu nằm sau cảm giác giàu có thì tui sẽ tìm các chiến lược đáp ứng đơn giản hơn chiến lược "tăng thu" trên. Cái này nằm ở phần trung thực với tình hình hiện tại, phần "Be và Have" trong BE-DO-HAVE, chăm sóc luân xa và kết nối với tiền. 
Ví dụ như khi thèm đi du lịch hoặc tiêu cái gì đó tui sẽ luôn hỏi: À nhu cầu mình sẽ đáp ứng khi mua cái đó/ đi du lịch là gì? Có cách nào đáp ứng nhu cầu đó ngoài việc tiêu này không. Vụ đi du lịch hay là phương tiện tui muốn làm để đáp ứng nhu cầu vui chơi và thường kết thúc bằng mấy tiếng vừa chơi vừa nói chuyện với mèo Na & mèo Xam. Nhiều lần thế tui đạt cảm giác giàu có rất nhanh (à vì tui cho giàu có suy cho cùng là việc sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bản thân mà).

Một số điều có thể bắt tay làm ngay

Trung thực với tình hình hiện tại của bản thân

Đôi khi bạn thấy thiếu thốn hay lo lắng với tình hình tài chính vì bạn không biết rõ hoặc thiếu trung thực về việc mình đang có bao nhiêu và cần bao nhiêu thôi, thật đấy. Thử ngồi xuống "kiểm kê" một cách trung thực đôi khi sẽ làm bạn bớt căng thẳng hơn vì thấy mình không cần nhiều như mình nghĩ hay hóa ra để đạt được giá trị mà mình theo đuổi, bạn chẳng cần tiết kiệm như ai kia. Từ "trung thực" tui dùng ở đây là muốn nhấn mạnh rằng: Hãy nhìn vấn đề như nó vốn là, không lạc quan quá nhưng cũng đừng bi quan quá. Nếu sau một vài giờ tính toán bạn nhận ra bạn cần có 100 triệu cho việc A. Hãy chỉ nhận diện bạn cần 100 triệu, đừng cho là điều đó quá dễ dàng mà chủ quan cũng đừng khổ sở than thân trách phận: biết bao giờ cho đạt được. Đừng thêm sắc thái cho nó, chỉ cần nhận biết thôi.
Tui thường dùng file sau để "kiểm kê". Bạn cũng có thể thoải mái tham khảo nhé. Thực ra có nhiều App tài chính cá nhân để sử dụng nhưng mà tui không quen giao diện, thích Excel hơn =))). Nói chung tùy bạn nhé. 
Tham khảo trang lập mục tiêu tài chính mà tui đã dùng ở đây nha: https://tcinvest.tcbs.com.vn/tcwealth#/home-redirect
Tuy nhiên, dùng gì thì dùng đừng quên "kiểm kê" hàng tháng, quý, năm hoặc ít nhất là ngồi xuống khi thấy bồn chồn về sự giàu có của mình. Có những khoản thu - chi không theo tháng/ quý hãy chia đều chúng ra. Mình lười nên hay làm theo quý. Hãy nhận diện khoản bạn đang có, khoản bạn sẽ có, khoản bạn cần tiêu và khoản bạn cần để ra, một cách trung thực và bình tĩnh nha.
Ngoài ra, tui cũng dùng file này nữa cho bao quát. File này sử dụng của bên chị Amy Advise.

Gieo hạt mầm trù phú

Đừng nghĩ gieo hạt mầm trù phú là cái gì đó khó khăn. Việc bạn trả đúng hóa đơn điện nước, giữ đúng lời hứa trả các khoản lớn bé trong sinh hoạt hoặc khi hài lòng vui vẻ sẵn sàng tips thêm cho những dịch vụ như grab, baemin hoặc cô bán rau đầu ngõ là được rồi. Dù chỉ là 1k hay 2k, dù là sát hạn chót cũng được, những điều nhỏ bé đó đã giúp bạn gieo hạt mầm vào dòng chảy trù phú rồi đó. Bất cứ lúc nào thấy tiền về chậm, bạn hãy thử nghĩ xem bạn đã chậm hóa đơn nào hay khoản nợ nào trong quá khứ chưa? Nếu có hãy hóa giải chúng bằng cách gieo hạt trên hoặc chơi lớn hơn là nhẹ nhàng phóng tay mời bạn bè một chầu đơn giản. Xởi lởi thì trời cho mà. 

Tóm lại đừng bo bo giữ tiền mà hãy thả chúng vào lưu thông. Thả vào không phải để mong cầu nhận lại mà vì bạn biết: cái gì của bạn đều sẽ về với bạn thôi, bạn chỉ đang dùng chúng để mua một niềm vui be bé.
Nói đến đây chợt nhớ cái cái câu: If you can’t buy it twice then you can’t afford it. (Đại ý chỉ khi có khả năng mua được x2 cái món đồ nào đó thì anh em mới đủ sức sở hữu nó). Thế nên thích cái gì mà mua được x2 nó thì cứ mạnh dạn thả tiền vào lưu thông nha, bạn "afford" mà.

Dài quá, đọc thêm về các cách thức khác và quan điểm về cho vay - đi vay ở phần 2 nha.