Miyamoto Musashi - Kẻ độc hành Vĩ Đại nhất lịch sử Nhật Bản
Ông đã trải qua khoảng 60 trận quyết chiến 1 đấu 1 mà chưa từng nhận thất bại, sáng tạo kiếm kĩ đặc trưng cho riêng mình, và viết một cuốn sách về chiến thuật chiến đấu mà hậu thế vẫn học hỏi và áp dụng.
Nhật Bản là đất nước của các Samurai, của các vị kiếm sĩ kiệt xuất và trọng danh dự. Tuy vậy vẫn có một kẻ trong đó không tuân theo những luật lệ khi chiến đấu của một võ sĩ đạo. Ông đã trải qua khoảng 60 trận quyết chiến 1 đấu 1 mà chưa từng nhận thất bại, sáng tạo kiếm kĩ đặc trưng cho riêng mình, và viết một cuốn sách về chiến thuật chiến đấu mà hậu thế vẫn học hỏi và áp dụng. Đó là Miyamoto Musashi. Tuy vậy mà ông vẫn trở thành hình tượng ảnh hưởng tới văn hoá đại chúng cho tới tận ngày nay. Vậy ông là ai? Và điều gì làm nên một Ronin kiệt xuất tới vậy?
Cuộc đời thuở niên thiếu của Miyamoto Musashi chưa bao giờ thực sự được kiểm chứng. Có nhiều tài liệu khác nhau nói về xuất thân của ông, mỗi tài liệu lại nói một khác. Theo như cuốn sách “The Book of Five Ring” do chính Musashi viết thuật lại rằng ông được sinh ra tại tỉnh Harima. Nhưng theo “Niten Ki”, một cuốn tiểu sử ban đầu của Musashi, thì ông được sinh ra tại Banshu, năm Tensho thứ 12, tương đương với năm 1584 theo lịch hiện đại. Ghi chú của nhà sử học Kamiko Tadashi kể lại, “cha của Musashi là ngài Shinmen Munisai, ông sống tại làng Miyamoto thuộc quận Yoshino của tỉnh Mimasaka. Musashi có khả năng rất cao là được sinh ra tại đây.“
Musashi xưng tên đầy đủ của mình trong “The Book of Five Ring” là Shinmen Musashi-no-Kami Fujiwara no Harunobu. Cha của ông, ngài Shinmen Munisai là một chiến binh của phái Shinmen, cũng là một bậc thầy võ thuật Jiu Jitsu, kiếm thuật và Jitte (hoặc Jutte). Munisai lại là con trai của Hirato Shogen, một chư hầu của lãnh chúa lâu đài Takayama thuộc quận Yoshino, tỉnh Mimasaka. Hirata với những cống hiến của mình đã được lãnh chúa cho phép sử dụng tên Shinmen, vì vậy mà nó được truyền xuống đời của Musashi.
Phụ mẫu của Musashi qua đời ngay khi sinh ra ông, vì vậy ông đã phải lớn lên với sự chăm sóc của cha mình. Vì là một chiến binh, Munisai muốn truyền hết tất cả những gì mình biết cho người con trai. Musashi tiếp thu rất tốt, nhưng ông lại luôn có mâu thuẫn với cha mình, thậm chí là về mặt thể chất. Khi tất cả mọi người luôn kính trọng Munisai, thì Musashi lại luôn chỉ trích ông. Hệ quả là bạo lực luôn xảy ra với 2 cha con. Trong một trường hợp, Munisai đã từng lấy một con dao và ném thẳng nó về phía con trai mình. Musashi có thể né được mũi dao ấy, khiến con dao găm chặt vào bức tường đằng sau cậu bé khi ấy chỉ 7 tuổi. Nhưng cơn thịnh nộ của người cha vẫn chưa chấm dứt. Ông sút Musashi ra khỏi nhà và từ mặt cậu bé.
Musashi đã phải vượt qua một chặng đường dài để tới được làng Hirafuku. Tại đây, Musashi được một người chú tên là Dorin nhận về dạy dỗ. Dorin cũng đã từng là một chiến binh dũng mãnh nhưng đã rửa tay gác kiếm. Hiện ông đang tu hành và sống một cuộc sống an nhàn với việc tiếp thu thêm kiến thức và thiền tụng. Musashi được nuôi dạy tại ngôi chùa nhỏ của Dorin ở phía rìa ngoài của ngôi làng. Tại đây, ông được dạy cho cách đọc viết, cũng như thiền tụng để phát triển về mặt tinh thần.
Niềm đam mê thực sự của Musashi lại nằm ở võ thuật. Ông dành hàng giờ một mình trong rừng để dồn sự căm hận cho cha mình vào những thân cây thông. Đồng thời cải thiện chính những kỹ năng mà ông học được từ cha. Theo cuốn sách “The Lone Samurai” của tác giả William Scott Wilson, tới năm 13 tuổi, Musashi đã có cho mình trận chiến đầu tiên. Lúc đó, có một chiến binh tên Arima Kihei dựng một cái biển thông báo ở ven bờ sông Sayo, thách thức tất cả các kiếm sĩ trong khu vực cho một cuộc đấu một chọi một. Musashi mạnh dạn ghi tên lên tấm bảng. Kihei nghĩ đó chỉ là một trò đùa nhưng vẫn chấp nhận sự thách đấu, vốn để dạy cho thằng ôn con một bài học. Dorin rất sốc khi nghe được những gì thằng cháu mình đã làm. Trong ngày diễn ra cuộc tỉ thí, Dorin đã tới trước để cầu xin huỷ bỏ cuộc đấu vì Musashi còn quá bé và có lẽ chưa thể nhận thức được mình đã làm những gì. Kihei đồng ý, nhưng chỉ khi Musashi xin lỗi để rửa sạch cho mình. Vào đúng lúc thời gian khi trận đấu diễn ra, Dorin bắt đầu xin lỗi Kihei để thay mặt Musashi, nhưng thằng cháu trời đánh sử dụng một cây gậy dài 1m8 và lao thẳng vào Kihei trong khi thét lên lời thách đấu. Kihei đã phản kháng với thanh kiếm Wakizashi của mình nhưng không ăn thua, Musashi gạt ngã Kihei, và phang thẳng cây gậy vào giữa trán. Thừa thắng, Musashi đánh Kihei tới chết.
Tới năm 1599, tức 3 năm sau, Musashi rời làng Hirafuku ở tuổi 15 để khám phá thế giới và rèn dũa kĩ năng kiếm thuật của mình. Cũng trong năm này, Musashi cũng đã có một cuộc giao đấu với một Samurai tên là Tadashima Akiyama ở tỉnh Hyogo, và dành chiến thắng. Sau đó, ông du hành tới thành phố Nakatsu thuộc tỉnh Oita. Trùng hợp thay, đó lại là nơi mà cha ông, Munisai, hiện đang sinh sống. Munisai lúc đó đang phục vụ dưới trướng của Yoshitaka, lãnh chúa của lâu đài Nakatsu. Musashi tới nơi đúng lúc đội quân của cha anh đang ở giữa một chiến dịch nhằm khuất phục đảo Kyshu và gây chiến với các tỉnh phía Tây. Cho rằng đây là một cơ hội hiếm có, Musashi gia nhập binh đoàn và chiến đấu bên cạnh cha anh. Chiến dịch thành công khi cả 2 tỉnh đều thuộc về sự kiểm soát của nhà Yoshitaka. Ngay khi cuộc chiến kết thúc, Munisai rời khỏi quân đội do tuổi cao và lui về sinh sống ở một bến cảng thuộc Kitsuki. Nhưng đối với Musashi thì tất cả chỉ như vừa mới bắt đầu. Trận chiến vừa rồi kích động bản tính đam mê chiến đấu trong ông, khiến ông tìm kiếm thêm nhiều cơ hội chiến đấu nữa để có thể trở thành một chiến binh, một kiếm sĩ huyền thoại như cha ông đã làm.
Tham vọng lớn đã khiến Musashi tìm kiếm thử thách với một trong những trường đào tạo kiếm thuật lớn nhất lúc bấy giờ của gia tộc Yoshioka tại Kyoto. Musashi biết rằng chỉ cần hạ gục được 1 môn đồ tại đây cũng có thể khiến ông được nhìn nhận như là một bậc thầy kiếm thuật. Bởi vậy, vào một buổi sáng, Musashi không nói một lời nào với cha mình và lẳng lặng chuẩn bị hành trang để đi theo tiếng gọi của số mệnh. Đặt chân tới Kyoto, Musashi ngay lập tức đưa lời thách thức và được chấp nhận bởi một trong những kiếm sĩ xuất sắc nhất tại đó, Yoshioka Seijuro. Điều đặc biệt là Miyamoto Musashi xuất hiện cực trễ so với giờ hẹn. Tại buổi giao đấu, Musashi ngay lập tức tung chiêu mà không cảnh báo trước, cũng giống như cái cách mà ông đã làm với trận quyết đấu đầu đời, mặc kệ đối thủ vẫn còn đang phàn nàn về việc tới trễ là một sự sỉ nhục với tinh thần võ sĩ đạo. Như một lẽ dĩ nhiên, Seijuro gục ngã ngay chỉ với một nhát kiếm từ thanh Bokuto của Musashi. Trận giao đấu kết thúc ngay cả trước khi nó được bắt đầu theo một cách đúng nghĩa. Seijuro sau khi thua trận trước một “kẻ vô danh”, ông đã từ bỏ con đường võ sĩ đạo để trở thành một nhà sư.
Sự thua cuộc của kiếm sĩ xuất sắc nhất gây náo loạn cho phái Yoshioka. Tin tức đến tai Denshichiro, anh trai của Seijuro, bất bình trước việc một thằng nhãi từ phía Nam tấn công em trai mình khi người em trai còn chưa chuẩn bị giao chiến. Denshichiro thách thức Musashi để báo thù. Lần này, Musashi tiếp tục đến trễ khiến Denshichiro cực kì bực bội. Tới khi giao chiến, kiếm sĩ nhà Yoshioka nôn nóng ra đòn trước, dự tính kết thúc trận đấu chỉ bằng một chiêu chí mạng bằng một nhát Bokuto ngay đỉnh đầu. Nhưng tức giận sinh mù quáng, Musashi đã né được chiêu thức ấy, cướp được thanh Bokuto từ đối thủ và ra một đòn chí tử duy nhất khiến Denshichiro tử mạng. Tạo nên sự bất ổn trong tâm lý của đối thủ và lợi dụng nó đã giúp Musashi dành được chiến thắng.
2 thành viên chủ chốt của phái Yoshioka bị hạ gục trong một khoảng thời gian quá ngắn đã đánh thẳng vào lòng tự tôn và danh dự của tất cả các thành viên còn lại. Vì vậy, họ quyết định rằng sẽ truy sát Musashi để gột rửa nỗi nhục và để trả thù cho cái chết của Denshichiro. Hơn 100 thành viên của môn phái Yoshioka phục kích Musashi với vũ trang đầy đủ, được dẫn đầu bởi Matashichiro, con trai của Denshichiro. Nắm được thông tin thời gian và địa điểm mình sẽ bị phục kích, Musashi lần này tới sớm hơn dự định, lao thẳng tới Matashichiro và hạ sát anh ta trước tiên, khiến tất cả các thành viên khác chùn bước và giúp Musashi có thể ra đi an toàn.
Gần như tiêu diệt một môn phái được cho là xuất sắc nhất cả thế kỉ, danh tiếng của Musashi vang xa. Tuy nhiên, đối với chàng trai lúc đó chỉ mới hơn 20 tuổi, Musashi cho rằng vẫn còn rất nhiều đối thủ mạnh và còn rất nhiều thứ khác để có thể trở thành chiến binh kiệt xuất nhất toàn cõi Nhật Bản. Anh đến vùng Nara và thách đấu với các chiến binh tu sĩ ở một ngôi đền. Những nhà sư này theo môn phái Hozoin-ryu, một môn võ cận chiến bằng những ngọn giáo dài. Người đứng đầu ngôi đền cảm thấy bất ngờ với khả năng chiến đầu bằng 2 thanh kiếm cùng lúc của Musashi, nên đã sắp xếp một trận giao đấu giữa Musashi với môn đồ xuất sắc nhất của môn phái, Okuzo’in Doei. Tất nhiên, Musashi đã dành chiến thắng một cách thuyết phục khi Okuzo’in gần như còn không thể ra đòn chạm được vào người Musashi.
Cuộc tỉ thí tại Nara kết thúc cũng là lúc Musashi du hành tới Edo. Tại đây, Musashi mở một trường dạy kiếm pháp riêng và thu hút được rất nhiều môn đồ, trong đó có Mizuno Katsunari, một chiến binh rất được nể trọng. Danh tiếng của Musashi lớn tới mức đến được tai của triều đình Edo lúc đó. Shogun cũng đã có lời mời Musashi dạy cho quân lính tại cung điện, nhưng anh đã từ chối vì không muốn dây dưa với gia tộc đối địch Yagyu. Trong giai đoạn từ 1605-1612, Musashi đã hạ gục rất nhiều anh hùng kiệt xuất. Hạ gục Shishido, một chiến binh thành thạo vũ khí Kusarigama tại tỉnh Mie; hạ gục Muso Gonnosuke, bậc thầy chiến đấu với cây trượng dài; hạ gục Osedo và Tsujikaze Tenma tại Edo, và trên hết, đó là cuộc giao đấu với một kiếm sĩ kiệt xuất khác có tên là Sasaki Kojiro.
Sasaki Kojiro là một kiếm sĩ xuất chúng với danh xưng “Con quỷ của vùng phía Tây”, anh thường xuyên sử dụng một thanh Nodachi dài khoảng 90cm, dài hơn hẳn so với một thanh Katana thông thường chỉ với khoảng 70cm. Kĩ thuật khiến Kojiro được nể phục và kinh sợ bởi khắp Nhật Bản thời phong kiến là “Tsubame Gaeshi”, hay còn gọi là “Swallow Reversal”. Tuyệt kĩ này được Kojiro sáng tạo và đặt tên phỏng theo chuyển động đuôi của loài chim nhạn mà anh nhìn thấy tại cầu Kintaibashi ở Iwakuni. Tuyệt kĩ ra chiêu nhanh tới mức khiến Kojiro có thể chém chết được một con chim nhạn khi nó vẫn còn đang bay. Vào năm 1612, ở một vùng ven biển tại Shimonoseki, Kojiro và Musashi đã diện kiến nhau như là đối thủ lớn nhất của cả 2. Truyền thuyết kể lại rằng trong cuộc giao đấu này, Musashi chỉ sử dụng một thanh Bokken, tức một cây kiếm gỗ, mà anh đã cắt ra từ một cái mái chèo của con thuyền được dùng để tới điểm hẹn. Với vũ khí này, Musashi đã hạ gục và đoạt mạng của Sasaki. Ngay sau đó, Musashi đã phải nhảy lên thuyền rời khỏi hòn đảo để chạy trốn khỏi sự truy sát từ các môn đồ của Sasaki Kojiro.
Sau 7 năm tại Edo, Musashi quyết định trở về quê nhà Kitsuki. Lúc này cũng là khi ngài Munisai qua đời và truyền lại tất cả những gì ông có cho Musashi. Nhưng đối với bản thân người kiếm sĩ trẻ, Musashi cảm thấy được giải thoát nhiều hơn là đau buồn trước cái chết của cha mình. Sau đó, anh thừa kế võ đường mà Munisai để lại và bắt đầu dạy học tại đó. Nhưng mới chỉ được 2 năm, Musashi được Katsunari, học trò cũ của mình tại Edo, mời đến để tham gia vào quân đội của Tokugawa trong chiến dịch mùa Đông và mùa Hè nằm 1614-1615. Katsunari tham gia vào trận chiến với người con trai lớn mới chỉ 16 tuổi, nên Musashi sẽ đảm nhận vai trò như là một cánh quân đặc biệt để bảo vệ và giúp đỡ đứa nhóc này. Musashi tất nhiên là đồng ý như là một cách để được tham gia vào những cuộc giao chiến. Và Musashi với vũ khí ưa thích của mình, một cây Bokuto, đã tả xung hữu đột giữa vòng vây của quân đội Toyotomi. Chiến dịch kết thúc với chiến thắng thuộc về phe Tokugawa, định đoạt bởi trận chiến thành Osaka mà Musashi cũng có tham gia chiến đấu. Tuy vậy, đóng góp của ông vào chiến thắng này không được ghi lại cụ thể. Cũng trong trận chiến này, một chiến binh tên Nakagawa Shimanosuke cùng phe với Musashi đã tử trận. Shimanosuke có 3 người con trai cùng tham chiến và đứa bé nhất mới chỉ 11 tuổi. Khi người cha qua đời, Musashi đã đưa cậu bé ấy về và nhận nuôi, lấy tên là Miyamoto Mikinosuke. Sự kiện này đưa cuộc đời của Musashi sang một trang mới, trở thành một người thầy, và cũng là một người cha.
2 năm tiếp theo, Musashi tới Himeji rồi tới Hirafuku, nơi mà người mẹ kế của ông đang sinh sống. Lúc này, ông chú tâm vào chăm sóc người mẹ già cũng như nuôi nấng Mikinosuke, truyền dạy những gì ông biết về kiến thức, học thuật và võ đạo cho người con nuôi. Cũng trong lúc này, lãnh chúa của Himeji, Ikeda Mitsumasa bắt đầu rời khỏi vị trí của mình. Người thay thế cho ông, Honda Tadamasa, cũng từng là đồng đội của Musashi trong trận chiến tại thành Osaka. Bởi vậy, Musashi đã gửi gắm Mikinosuke dưới trướng của Tadamasa như là cơ hội để cậu con trai nuôi của mình phát triển hơn. Tadamasa đồng ý và Mikinosuke chính thức về với cánh tay của con trai ruột của vị lãnh chúa, Tadatoki. Trong 7 năm từ 1615 tới 1621, Musashi nhận công việc giám sát xây dựng, phục vụ cho Ogasawara Tadanao tại tỉnh Harima. Vốn là một người kĩ tính và có mắt thẩm mỹ cao, Musashi rất cẩn thận và nghiêm khắc với công việc của mình, khi từng nhành cây, từng viên đá phải đúng với vị trí mà ông muốn. Đồng thời, ông cũng dạy những người tùy tùng còn sót lại của mình nghệ thuật chiến đấu bằng song kiếm. Đây là quãng thời gian có thể nói là an nhàn và yên bình nhất của Musashi.
Chẳng sự yên bình nào kéo dài mãi mãi. Năm 1626, Mikinosuke đã thực hiện nghi lễ Junshi và qua đời. Junshi là một nghi thức truyền thống trong thời phong kiến ở Nhật Bản, khi mà lãnh chúa qua đời trên chiến trường, bị hạ sát, hay chết do bạo bệnh, những người dưới trướng sẽ phải thực hiện Seppuku, tự sát để tỏ lòng trung thành với vị lãnh chúa. Cái chết của Mikinosuke gây nên một vết thương lòng quá lớn cho Musashi tới mức ông khó lòng mà có thể hoàn toàn phục hồi. Ông cắt đứt mọi liên hệ với xã hội và lui vào rừng ẩn cư. Sau 1 năm Mikinosuke qua đời, Musashi nhận nuôi thêm người con trai thứ 2, tên là Iori, vốn là con trai thứ 2 của Tamara Hisamitsu, một Samurai phục vụ dưới trướng lãnh chúa của thành Miki. Khi thành Miki thất thủ bởi quân của Tokugawa, Hisamitsu trở thành một nông dân, và khi ông qua đời thì Iori đã nhận được sự nuôi nấng của Musashi. Ông sắp xếp cho Iori phục vụ dưới quyền của lãnh chúa Ogasawara Tadazane, và cũng chuyển tới sống tại Kokura thuộc tỉnh Fukuoka để được gần với con trai. Cho tới năm 1637, Musashi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Shimabara và đóng một vai trò quan trọng trong trận chiến này.
Sau cuộc chiến, Musashi phục vụ dưới trướng của một trong những Daimyo lớn nhất Nhật Bản, Hosokawa Tadatoshi. Ông được yêu cầu tới Kumamoto để dạy kĩ thuật song kiếm cho quân lính tại đây. Ông được trao cho một tòa dinh thự thuộc vùng đất của lâu đài. Musashi cũng dành rất nhiều thời gian trên núi Iwato để tìm kiếm sự thanh tịnh thông qua việc thiền tụng và chiêm nghiệm tại nơi đây. Ông tìm được một hang động hoàn hảo cho việc này. Cũng tại đây, ông bắt đầu đưa suy nghĩ và đúc kết kinh nghiệm của mình vào những trang giấy. Năm 1645, Miyamoto Musashi hoàn thành “Go Rin no Sho”, hay “The Book of Five Ring”, đúc kết cuộc đời của mình vào trong 5 cuộn thư “Địa - Hỏa - Thủy - Du (Gió) - Thiên”. Sau khi hoàn thành tuyệt tác này khoảng 1 tháng, Musashi dần nhận thấy cuộc đời mình đang dần đi tới hồi kết. Ông truyền “Gorin no Sho” cho người tùy tùng thân tín, sau đó nhắm mắt và ra đi một cách thanh tịnh. Musashi qua đời vào ngày 13/06/1645, nguyên do cho tới nay vẫn được đồn đoán là do ung thư phổi, nhưng điều này chưa từng được kiểm chứng.
Sau khi Miyamoto Musashi qua đời, bia mộ tưởng niệm đã được đặt tại Kaido, ngay gần nơi sinh sống cuối cùng của ông. Hàng thế kỉ sau, vẫn có những người mỗi khi đi qua đều xuống ngựa và cúi đầu để bày tỏ sự thành kính trước một trong những vị kiếm sĩ xuất sắc nhất lịch sử. Hình tượng của Musashi đã trở thành cảm hứng và lưu truyền cho tới tận ngày nay trong các tác phẩm đại chúng. Từ phim, truyện Manga cho tới Game. Có thể kể tới những tác phẩm thành công nhất như bộ Manga “Vagabond” thành công của họa sĩ Takehiko Inoue dựa vào cuộc đời của Musashi và thêm nhiều chi tiết hư cấu; trò chơi Ryu ga Gotoku Kenzan cũng dựa vào cuộc đời và tính cách của ông; trò chơi Overwatch cũng có nhân vật Genji phỏng theo Musashi; hay trò chơi thẻ bài Magic: The Gathering có lá bài “Isshin, Two Heavens as One” đặt tên theo tuyệt kĩ song kiếm của ông; Gacha Game nổi tiếng Fate/Grand Order cũng có nhân vật cùng tên gần như là lấy hoàn toàn những đặc điểm nổi bật nhất của Miyamoto Musashi.
Đối với hậu thế, Miyamoto Musashi là hình mẫu của một người kiếm sĩ độc hành vĩ đại, phá bỏ khuôn phép để dành chiến thắng và luôn tìm kiếm cơ hội để thúc đẩy bản thân vượt qua giới hạn của chính mình.
“The Only reason a warrior is alive is to fight, and the only reason a warrior fights is to win.”
“Lý do duy nhất một chiến binh tồn tại lại để chiến đấu, và lý do duy nhất một chiến binh chiến đấu là để dành chiến thắng.”
Miyamoto Musashi - The book of Five Rings: The Classic Guide to Strategy.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất