Hiện tôi đang làm việc với vai trò một cộng tác viên báo chí, một content freelancer về mảng du lịch. Nghĩ về những bước đi của mình, tôi nghiệm ra một điều nghe có vẻ đơn giản, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn. 
TRẢI NGHIỆM CHÍNH LÀ CHÌA KHÓA 
Ngắn gọn và đơn giản vậy nhưng đây lại là câu châm ngôn đã thức tỉnh tôi. Câu này có thể áp dụng được trong hầu như tất cả hoàn cảnh, công việc, không chỉ với dân freelance. 
Image result for experience

Lỗi của người mới khi nhảy vào một môi trường không phải thiếu năng lực, mà là trải nghiệm thực tế. Tệ hơn nữa là thể hiện mình biết trong khi mình không biết, biết một chút tức là không biết, là còn "ngu". Tôi trước đây tính khá bảo thủ, đề cao cái tôi, tự cho là mình đọc và hiểu nhiều hơn người ta nên nhiều vấn đề mình phủi tay cho là không cùng đẳng cấp để nói chuyện. Đây là tình trạng thật, đáng trách vì như thế không phải tôi giỏi, mà chỉ là thiển cận. Người thức thời là người lắng nghe, không phải kẻ giảng đạo. 
Những gì mình đọc biết chưa là gì cả, vì sách vở, lý thuyết trong môi trường thực chiến cũng như đi tất bước vào vũng nước, là việc gần như vô ích. Tôi từng nghĩ là mình cũng viết lách ra gì lắm, cho đến khi vào làm ở agency, quản lý fanpage về thời trang. Ngay trong thời gian thử việc, tôi bị choáng và gần như kiệt sức sau ngày làm việc, vì áp lực kinh khủng quá. Tôi nhận ra viết được, không có nghĩa là cái gì cũng biết viết, nội dung kiểu nào cũng làm tốt. Trước khi làm agency tôi viết cộng tác cho Kenh14, đòi hỏi bên này dễ, chỉ cần lấy tin và viết cho văn hoa lên là được. Tôi cũng viết truyện ngắn, câu chữ tưởng rằng cũng khá. Nhưng lối viết văn chương không dùng được ở chỗ công sở cần tính lôi cuốn, tốc độ sản xuất nội dung nhanh. Nhất là phần tốc độ. Cứ 10 phút tôi lại nhận được lời thúc giục, cứ cắm đầu vào làm, viết quên giờ giấc. Lúc ngẩng đầu lên thường đã là chiều muộn. 
Tôi thu về một điều quan trọng:  
Nhu cầu của KHÁCH HÀNG QUYẾT ĐỊNH mặt hàng có CHẤT LƯỢNG hay không.

Dùng văn viết truyện để nhắm tới khách hàng mua túi xách là không cần thiết. Có thể bạn văn hay, vẫn lái được khách hàng về với mục đích chính là mua túi, nhưng hiếm ai đi đọc văn lan man khi họ thường chỉ dành tối đa 10s cho 1 bài post. Nếu nội dung quá nhiều chữ, ngôn ngữ cao siêu, dài đến 3 đoạn văn vẫn chưa vào vấn đề chính, thì khả năng cao content ấy sẽ bị bỏ qua. Đương nhiên, ảnh hưởng đến lượng rating bài viết, và làm sụt giảm đáng kể sự quan tâm đối với thương hiệu. Nói tóm lại, văn hay không bằng văn đúng. Dùng dao mổ trâu để mổ gà là việc làm lãng phí, tự vắt kiệt sức lao động của mình.
Image result for exhausted

Tôi tiếp xúc với nhiều người đàn anh, đàn chị, trong các buổi workshop hay có thể chỉ là cuộc trò chuyện bình thường. Mình bị cuốn vào câu chuyện, cảm thấy họ nói rất hay. Bởi vì họ nói thật, nói đúng vấn đề mình đang quan tâm nên cuộc nói chuyện tưởng như tán gẫu lại thu về thật nhiều giá trị. Giá trị về truyền cảm hứng từ chính những trải nghiệm của họ. Giá trị về tư duy chọn lọc để có trải nghiệm tốt ( không phải cứ nhiều trải nghiệm là hay, tận dụng thời gian thử nghiệm trong những lĩnh vực, vai trò cần thiết cho mình mới là tốt). Khác với kiểu người chỉ nói mà không làm, bạn sẽ thấy ngay khi các câu hỏi bạn đặt ra nhận được hồi đáp rất chung chung, quanh co. Người có kinh nghiệm, trải nghiệm, để truyền đạt họ không cần quá nhiều lời. Vì vấn đề của bạn, cũng là vấn đề họ từng phải đối mặt.  
Image result for saving hands

"Trải nghiệm là chìa khóa" là cách giải thích cô đọng nhất. Vấn đề ở đây là giá trị niềm tin. Khi bạn có trải nghiệm, lời nói của bạn có sức nặng, khiến người khác lắng nghe. Trải nghiệm là việc đưa bản thân vào thử nghiệm một lãnh vực mình chưa biết, lần mò tiên phong khai phá bản thể mới. Có câu nói thế này:
EXPERIENCE IS THE BEST TEACHER. 
AND THE WORST EXPERIENCES TEACH THE BEST LESSONS "
Nói theo dân gian thì "trèo cao, ngã đau", nhưng ngã đau mới biết cây cao, nguy hiểm. Đấy là ý nghĩa thứ nhất của trải nghiệm: hiểu được về môi trường và tự lượng sức mình. Ai cũng nên ngã đau ở lần thử đầu tiên, để hạ thấp bớt tiêu chuẩn của mình xuống. Vấn đề chung của anh em mới ra trường là cái tôi quá lớn, nhất là các cá nhân có máu độc lập, sáng tạo mạnh, thường đặt mình quá cao so với tiêu chí của nhà tuyển dụng. Nhưng môi trường tập thể tốt hay không không bởi 1 cá nhân đơn độc, mà bởi sự hòa hợp của cả tập thể. Việc bị từ chối CV, hoặc đuổi việc, hoặc nghỉ việc, cũng là những trải nghiệm quý cho bạn hiểu thêm về mình.
Đối với dân freelance, học từ các trải nghiệm có khó khăn hơn, vì phải tự uốn nắn, chỉnh đốn mình sau mỗi lần vấp ngã. Hệ quy chiếu duy nhất là bản thân, chẳng có áp lực nào từ cấp trên, đồng nghiệp. Những vấn đề như thời gian làm việc, kế hoạch, KPI tháng, ... phải chủ động ý thức, nếu không rất dễ bị tính trì hoãn, sự lười biếng kéo xuống. Làm freelance muốn nhàn thì rất nhàn, muốn bận thì rất bận, tùy thuộc lựa chọn của bạn. Qua trải nghiệm bạn sẽ biết cách cài đặt một chế độ làm việc hợp lý cho mình. Hoặc cũng có thể sẽ nhận ra rằng hóa ra bạn chẳng hợp để làm freelance, thì ngừng tay, quay bước về với môi trường công sở. Nên hiểu rằng, chẳng môi trường nào là tốt, chỉ có môi trường và công việc phù hợp.
Trải nghiệm còn giúp bạn mở khóa kết nối với những người cùng hệ tư tưởng, chung mối quan tâm. Giả sử bạn quan tâm đến nấu ăn nhưng chưa từng vào bếp, mới đọc sách và xem clip nấu ăn và cảm thấy "mình làm được", thì chắc chắn bạn không thể "huấn luyện" đứa em mình cách kho gà đúng kiểu, mà kể cả kho thành công, thì cũng chưa phải công thức chuẩn với khẩu vị của bạn. Trải nghiệm là thứ gia vị cần thiết với định lượng vừa đủ để món ăn "sách vở" được thổi "hồn", có tính ứng dụng hơn. Cái định lượng ấy không có một trang sách nào đong đo cho ta hết, mà phải do chính mình nhận định, rút ra. Nhân viên lâu năm sẽ có những thủ thuật riêng, để đẩy nhanh tiến độ công việc mà không bị quá tải. Người nhiếp ảnh có kinh nghiệm sẽ để lại dấu ấn của mình trong cách edit ảnh, góc máy, ánh sáng,... Chính những điều nho nhỏ mang màu sắc cá nhân đó mới là ý nghĩa nhất, cũng là thứ các newbie muốn được nghe, còn mớ lý thuyết suông thì google không đánh thuế, chăm research một tí là cái gì cũng có. Đương nhiên, việc các tiền bối chia sẻ cũng chỉ nên dừng ở một vài tips về mặt kỹ thuật, thao tác nhanh. Newbie phải có cảm nhận riêng, tiếp thu nhưng không bắt chước, sau thời gian anh ta sẽ rút ra một cách khác để tiếp cận vấn đề. 
Image result for practical

Trải nghiệm là chìa khóa, và nên nhớ rằng đấy là chiếc chìa khóa vàng nằm lấp dưới lớp bùn đáy hồ. Nhưng nếu tập trung vào kết quả cuối khi tự "phát minh" ra mẹo vặt nào đó xử lý vấn đề cấp tốc hơn, thì bạn đang nhắm sai mục tiêu. Thời gian trải nghiệm, va chạm, vấp ngã, mọi thiếu sót trong hành trình đi tới hoàn thiện mới là những bài học đắt giá nhất. Người ta lặn xuống đáy hồ tưởng như để tìm chìa khóa vàng, nhưng được ở trong hồ mới là tuyệt vời. Có những người cứ bơi mãi, họ chẳng cần rút ra một điều gì, nhưng họ có thể nói về tất cả với một tâm thái thật nhẹ nhàng. Người giàu có, không nhất thiết phải có nhiều của cải vật chất, mà là giàu những trải nghiệm. 
Có 3 đặc trưng của một người giàu trải nghiệm: điềm tĩnh, đơn giản, tự do. Mọi yếu tố này đều là chìa khóa cho những khúc mắc của một người: Điềm tĩnh chế ngự nóng giận, đơn giản khai mở sáng tạo, tự do là để giải thoát chính mình. Còn cách đến với những điều này ra sao thì mỗi người sẽ có câu trả lời riêng. Nhưng trước hết hãy thử đặt câu hỏi, mục đích của trải nghiệm bạn chuẩn bị đặt chân vào là gì?
Dưới đây là những người sống giàu trải nghiệm mà tôi rất ngưỡng mộ:
Image result for trần đặng đăng khoa
Travel Blogger Trần Đặng Đăng Khoa (ảnh: Zingnews.vn)

Image result for Tâm Bùi
Travel blogger- Photographer Tâm Bùi ( ảnh:nguoi dua tin)
Image result for Khoai lang thang
Travel vlogger Khoai Lang Thang (youtube: Khoai Lang Thang)
Travel Blogger Backpacker Banter (ảnh: http://www.backpackerbanter.com/blog)
Image result for eva zu beck
Travel Vlogger Eva zu Beck (ảnh: Unearth Women)

Image result for fun for louis
Travel Vlogger Fun For Louis ( ảnh: Man of Many)

Mình là Paya, cảm ơn đã đọc bài viết! Major của mình là mảng du lịch, đời sống, chia sẻ trải nghiệm. Bạn có thể theo dõi mình tại các platform dưới đây để đọc thêm nhiều nội dung nữa nhé: 
Fanpage: One small step of Paya | Facebook
Insta: One small step of Paya (@mottraidudu)