Tết & Dòng chảy của thời gian
Sau một năm xoay quần kiệt sức với công việc, sự nghiệp, gia đình thì đáng ra cái Tết nên là thời điểm lý tưởng để phục hồi sức khỏe...
Sau một năm xoay quần kiệt sức với công việc, sự nghiệp, gia đình thì đáng ra cái Tết nên là thời điểm lý tưởng để phục hồi sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng nhiều người lại cảm thấy Tết đầy áp lực, nặng nhọc và vô nghĩa. Đối với họ, việc đón Tết thật nặng nề. Kiểu như đang sống yên lành, tự nhiên Tết đến, rồi nhà sinh ra bao việc phải làm. Có phải chăng vì những người đó đã được lớn lên trong nhung lụa nên việc xoay sở chuẩn bị cho những ngày Tết với họ là một điều khó khăn? Không phải vậy. Có một nguyên nhân sâu xa hơn thế. Đó là về cái cách mà xã hội hiện đại này vận hành, đã đang ăn mòn và hủy hoại những thế hệ trẻ một cách từ từ, dẫn đến sức khỏe tinh thần của họ không khác gì một nồi thập cẩm quá hạn. Và khi họ bước vào một dòng chảy truyền thống như dịp lễ Tết, cái nồi thập cẩm đó khiến họ mất hết mọi phương hướng. Bạn có cảm thấy bản thân cũng như vậy không? Hãy thử cùng bài viết đi tìm nguyên nhân sâu xa này và tìm lại dòng chảy thời gian của chính mình.
Xã hội hiện đại mang đến sự phát triển phồn thịnh. Con người hiện đại mong đợi một cuộc sống sung túc. Những nơi vui chơi giải trí cũng phổ biến khắp nơi phục vụ nhu cầu con người. Đồng thời với đó là sự mở rộng về kiến thức và tầm hiểu biết cho con người trong nhiều những lĩnh vực khác nhau. Con người ngày xưa từ những kiến thức truyền miệng lạc hậu trong quá khứ thì nay đã trở nên hiểu biết về khoa học nhiều hơn và cũng trở nên lý tính hơn rất nhiều. Những câu chuyện cổ tích thần tiên, truyền thuyết được người xưa kể lại thì bây giờ người ta (hiện đại) với lý tính và logic chỉ xem đó là những chuyện hư cấu và giả tưởng. Con người thà tin vào câu chuyện thuyết tiến hóa của Darwin hơn là chuyện mẹ Âu Cơ, kể cả khi điều thứ nhất khiến họ trở nên tầm thường khi tổ tiên của họ chỉ là một loài thú bốn chân lông lá sống chui nhủi trong hang. Hay khi họ tin rằng chẳng có linh hồn, sau cái chết thì chẳng có gì cả, chẳng có luân hồi, thiên đường hay địa ngục.
Nhưng cứ cho sự lý tính như vậy là đúng đi. Thì nó ảnh hưởng ra sao, và tại sao lại được nói đến trong bài viết này? Nietzsche đã từng lý luận rằng sức mạnh tinh thần - ý chí - của một người được đo lường bằng số lượng sự thật chân lý mà họ có thể đón nhận và chịu đựng. Và liệu họ sẽ pha loãng, làm mờ đi, thay đổi bản chất, xa nhất là coi như chưa biết gì về sự thật chân lý ấy khi nó vượt sức chịu đựng? Chúng ta có thể lấy một ví dụ điển hình cho hàm ý này từ bộ phim Ma Trận (1999). Khi mà bản thân ta một ngày nhận ra rằng thực tại của chính mình và tất cả các trải nghiệm chỉ là một chương trình máy tính mô phỏng. Chúng ta được mở rộng tầm nhìn, có được chân lý sự thật, nhưng đồng thời cũng sẽ thấy xa lạ với sự tồn tại của chính mình. Liệu chúng ta sẽ đủ sức mạnh ý chí để đón nhận sự thật ấy hay sẽ uống viên thuốc màu xanh để che mờ đi và coi như chưa biết gì?
Đó chính là quá trình con người tự bóp nghẹt bản thân mình khi đi trên con đường tìm kiếm tri thức. Cùng với quá trình này, con người sẽ bị kéo dần về phía những ý niệm của chủ nghĩa hư vô, hậu hiện đại, nơi mà họ hoàn toàn thấy xa lạ với bản thân, không thấy còn điều gì là linh thiêng nữa. Khi tất cả chỉ còn tuyệt vọng chen, khi mọi điều đều là vô nghĩa. Một anh chàng tài năng, dấn thân và sáng tạo, anh ta rất giỏi trong công việc của mình. Anh ta ổn khi không suy nghĩ gì. Nhưng khi anh ta nghĩ về những thứ mình đang làm thì anh ta bắt đầu đưa mình vào ngõ cụt. Anh ta nghi ngờ về sự hữu ích của những việc mà mình đang làm, thấy chúng thật vô nghĩa (dù chúng thật sự hữu ích). Những ý nghĩ ấy rút cạn động lực và năng lượng của anh ta. Trí khôn lý tính đã làm anh ta phân ly khỏi sự hiện hữu của bản thân mình. Hãy lấy một ví dụ cụ thể hơn. Khi một anh chàng được sang du học và sinh sống ở một đất nước phương Tây. Vào một ngày cuối đông, anh ta trang trí cây thông nô-en theo truyền thống nơi đó. Rồi lý trí anh nhận ra rằng anh chẳng có một mối liên kết nào với cây thông và cả hành động trang trí đó. Anh cảm thấy vô nghĩa khi làm vậy và chợt thấy lạc lõng giữa xã hội này. Anh khao khát một điều gì quen thuộc hơn. Anh cần một thứ để tựa vào.
Vấn đề này xảy ra không chỉ mang tính cá nhân mà còn lan ra toàn xã hội. Nhưng hiện tại không có giải pháp đơn giản rốt ráo nào để giải quyết nó. Với sự lý tính, con người buộc phải tìm kiếm một thứ gì đó mới thay thế vào để làm cái nền cho sự tồn tại. Một cái bè để họ bám vào giữa cuộc đời sóng gió. Một bản dạng nhóm hay một tập thể để thuộc về. Nếu không họ sẽ cảm thấy bị chơi vơi, choáng ngợp trước sự phức tạp vô lý của cuộc đời.
Chúng ta - con người hiện đại hoàn toàn có thể tự sáng tạo ra niềm tin cho mình. Nhưng chúng ta xét cho cùng chỉ là người thường. Vậy liệu một cá nhân riêng lẻ trong mỗi chúng ta đủ sức để tạo ra một điều ý nghĩa to lớn cho chính mình mà vẫn tách rời nó khỏi nhân loại không? Có thể. Nhưng thực tế khó hơn rất nhiều do sự hạn chế về thời gian và công sức. Chúng ta không đủ sức khỏe và sự minh mẫn bất tử để theo đuổi cho đến khi niềm tin hoàn thành. Hơn nữa, một khi chúng ta nhận ra rằng thế hệ kế tiếp sẽ không tiếp quản công việc dang dở mà ta đang làm, ta sẽ thấy chơi vơi, lạc lõng và bỗng chốc thấy cuộc đời vô nghĩa. Bởi vậy, không nhất thiết phải trở thành phiên bản siêu nhân của chính mình để tự đứng vững trên mặt đất như cách mà Nietzsche đã gợi ý. Thay vào đó chúng ta có thể tiếp nối một nhánh nhỏ của truyền thống. Đứng trong một nhánh rẽ nhỏ của dòng chảy thời gian và giữ nó cho riêng mình.
Để làm được điều này, con người hiện đại cần học cách để được kết nối vào dòng chảy quá khứ - hiện tại - tương lai. Để cảm nhận được tính liên tục của dòng chảy và hòa mình vào trong nó. Hãy nhìn vào dòng chảy lịch sử của nhân loại, ở các dân tộc khác nhau luôn tồn tại các dòng chảy riêng biểu hiện qua các lễ hội, thần thoại, tôn giáo, nghi thức, tín ngưỡng... Là điều đã góp phần hình thành ý nghĩa cuộc sống cho con người ở xã hội đó. Con người hiện đại cần tìm về các truyền thống thiêng liêng tương tự để làm chỗ dựa tinh thần cho mình. Nhưng điều quan trọng, những điều đó phải sự giữ được cân bằng giữa thực tế và sự mơ hồ. Để lý trí phiên bản con người hiện đại có thể đón nhận. Để họ không bị phân ly khỏi sự hiện hữu một lần nữa.
Trở về với Tết truyền thống của dân tộc Việt. Giờ chúng ta đã có thêm một cách nhìn mới hơn về nó. Từ đây, chúng ta sẽ lựa chọn và tách ra những dòng chảy riêng lẻ để hòa mình, để không còn cảm thấy Tết áp lực và vô nghĩa nữa. Chúng ta sẽ nhìn thấy việc đi hái lộc hay lì xì như một phong tục đặc biệt và lâu đời, chứ không phải là một thứ gì đó ma mị, hư cấu, giả tưởng, càng không cần phải dùng tiền lixi để so đo. Chúng ta thấy được việc quây quần gói nấu một nồi bánh chưng bánh tét là góp phần cộng hưởng để tạo nên ý nghĩa không chỉ cho cái Tết mà cho cả cuộc đời của riêng mình. Hay ta sẽ thấy khao khát trong việc tự tay mình làm nên món đồ Tết hơn là chọn con đường tắt là dùng tiền mua về. Chúng ta sẽ thấy việc trồng cây ngày Tết mang nhiều ý nghĩa hơn ta tưởng. Vì dù ngay cả khi ta không còn nơi trần thế, ta vẫn biết rằng cái cây ta trồng vẫn còn hiện hữu và các thế hệ sau sẽ nối tiếp truyền thống để thay ta chăm sóc nó. Như đang nhìn vào một bức tranh tổng thể, chúng ta sẽ nhận ra việc chuẩn bị Tết là một dòng chảy lâu đời và ý nghĩa, không còn là nỗi sợ và áp lực. Và chúng ta biết cách để tìm lại được dòng chảy thời gian của riêng mình.
Trong những năm gần đây, các nền văn hóa khác du nhập lấn át dần những nét truyền thống của dân tộc. Thế hệ trẻ yêu thích cái mới mẻ ấy, và đang xa rời dần các nghi thức truyền thống. Đấy chính là sự hình thành nồi thập cẩm đã được nhắc đến ở đầu bài viết. Về lâu về dài họ sẽ mất dần phương hướng, không biết điểm tựa thực sự của mình đang ở đâu. Rồi họ tìm hoặc bị lôi kéo đến thế giới vật chất của cải, tưởng rằng chúng là điểm tựa mới. Nhưng không, khi thiếu đi thế giới tinh thần thì ý nghĩa không bao giờ toàn vẹn đối với một con người. Bởi vậy, cái ý tưởng nổi lên gần đây muốn đổi Tết ta sang theo tết Tây thực sự sẽ dẫn đến sự bào mòn rất mạnh vào sức sống tinh thần của dân tộc về lâu về dài. Nó giống như cách ngày xưa người ta đốt sách chôn nho, thiêu trụi văn hóa để tiêu diệt cả một dân tộc mà không cần phải ra tay tàn sát ai cả.
Năm nay có lẽ sẽ là một cái Tết vô cùng đặc biệt đối với nhiều người. Những người cách ly bởi vùng dịch, những người không được trở về nhà vì vùng dịch. Họ sẽ không phải chịu cái "áp lực Tết", có được một cơ hội đón một cái Tết không theo truyền thống, không có những nghi lễ, nghi thức quen thuộc. Điều này có thể sẽ là một điều tốt, để họ có được một cái nhìn về Tết truyền thống và nhận ra sự mất mát tinh thần khi thiếu hụt nó. Để họ thêm yêu quý và trân trọng Tết cổ truyền nhiều hơn khi trở lại. Để họ sẵn sàng đón mấy chục cái Tết trong tương lai với một tâm thế hoàn toàn khác, khi mà họ đã hiểu được ý nghĩa của Tết và dòng chảy thời gian .
Hôm nay cũng đang là dịp Tết đễn xuân về. Xin chúc tất cả mọi người một cái Tết an lành, ấm no và hạnh phúc.
-ThanhCj-
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất