Đây chắc chắn không phải là một bài viết tự truyện, cũng không phải một bài viết đưa ra những giải pháp giành cho những bạn nào đang trầm cảm, bạn hãy xem đây đơn thuần chỉ là một bài viết về một khía cạnh của căn bệnh trầm cảm. Thêm một góc nhìn giúp ta có nhiều góc nhìn hơn, và khi có nhiều góc nhìn hơn, ta lại càng thấy cuộc sống thú vị hơn.
Kết quả hình ảnh cho dorothy rowe
Dorothy Rowe
Tiêu đề này tôi thú nhận là không phải do mình sáng tác ra, mà đó chính là một lý thuyết nghiên cứu về tâm lý học nói chung và trầm cảm nói riêng của nhà tâm lý học Dorothy Rowe. Thế Dorothy Rowe đã nghiên cứu những gì nhỉ? Chúng ta được nuôi dưỡng bởi gia đình, trường học và xã hội, nơi mà từ bé sinh ra, chúng ta đã được dạy phải tuân thủ những quy tắc. Nếu bạn vi phạm những quy tắc ấy, thì bạn sẽ không được chấp nhận, hay đơn giản hơn, chúng ta có khái niệm người TỐT  và người XẤU. Bạn tuân thủ theo quy tắc, như kiểu gieo nhân nào gặt quả nấy, thì bạn là người tốt, nhưng nếu bạn phá vỡ quy tắc, bạn được xem là kẻ xấu. Chính điều này đã đi cùng bạn từ những ngày bé thơ cho đến khi bạn lớn lên, bạn vô thức hành động theo nó mà đôi khi không cần biết tại sao. Điều này sẽ không có gì đáng bàn cãi, cho đến khi bạn đem những quy tắc sống này ra ngoài xã hội rộng lớn, và bạn thấy có những điều ngược lại, thậm chí là rất nhiều điều ngược lại. Giả sử nhé, bạn được dạy rằng nếu bạn cứ đối đãi tốt với người khác, thì bạn sẽ được người khác đối xử tốt với bạn, nhưng thực tế bạn vô tình gặp phải một cái thứ mưu mô xảo quyệt đang lợi dụng bạn và hãm hại bạn. Bạn có thể sẽ nghĩ: tại sao vậy? Tại sao những điều này lại cứ hay xảy ra với mình? Do mình chưa đủ tốt? Do mình đã làm gì sai sao? Sao mình sống tốt mà mấy thứ xui xẻo cứ xảy ra đối với mình?... Tồi tệ hơn nếu bạn là người nhạy cảm, bạn sẽ lại càng trách móc bản thân nhiều hơn, và gặm nhấm nỗi buồn ngày qua ngày, bạn sẽ trở nên trầm cảm.
Gieo nhân nào CHƯA CHẮC gặt quả nấy. Có thể là do mất mùa, quạ tha nhân đi,...
Đó là những gì mà Rowe nói, một góc nhìn của Rowe về căn bệnh trầm cảm. Khi mà một người được dạy dỗ phải tuân theo những quy chuẩn gọi là "tốt" theo định nghĩa của họ, tin vào nó và bước ra đời gặp phải những bất công xã hội. Những niềm tin bén rễ từ lâu trong họ về một khái niệm xã hội công bằng, về niềm tin luật nhân quả sẽ đến với người tốt bấy giờ bị phá vỡ, và bùm, khi họ tiếp cận với một thế giới hỗn loạn và bất quy tắc ngoài kia, họ bắt đầu trở nên mong manh và vỡ vụn.
Để biến những nỗi buồn khổ tự nhiên thành trầm cảm, tất cả những gì bạn cần làm đổ lỗi cho bản thân về những thảm họa ập lên đầu bạn. - Dorothy Rowe -
Vậy thì phải làm sao nhỉ? Việc bạn cần làm là nhận thức được, thế giới ngoài kia không giống như những gì bạn nghĩ, và việc đôi lúc phá vỡ những quy tắc lại giúp bạn khá nhiều trong việc sống một cách dễ chịu hơn. Chỉ cần những việc bạn làm không vi phạm pháp luật, còn lại, đôi khi hãy thử làm khác đi một tí. Có thể ở nhà bạn được rèn là việc tranh luận với cha mẹ là bất hiếu, ấy thế mà ngoài kia nó có thể được coi là phản biện để bảo vệ bản thân. Có thể ở trường, mọi người nói rằng sinh viên giỏi thì phải luôn phải ăn mặc theo "thuần phong mỹ tục", ấy thế mà tôi tin là bạn có thể thử ăn diện theo cách mà bạn muốn và xem thế giới nhìn bạn như thế nào. Và cuộc sống luôn có những biến cố ngẫu nhiên, những việc tồi tệ có thể xảy ra với bạn, nhưng chúng không có nghĩa là tất cả là do bạn tồi, hay là lỗi nằm hết ở bạn. Tôi không nói là bạn lạc quan tếu hay nên đổ thừa cho người khác về những lỗi lầm, nhưng hãy nghĩ thoáng lên. Đôi khi, trở nên "xấu" một chút cũng không sao cả, chỉ là đừng có quá đà là được.