Bài viết được đăng lại từ Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) cùng với một số chỉnh sửa về nội dung. Link bài gốc được đăng ở cuối bài.
Trong bài so sánh giữa Dragonsbane và The Witcher hôm qua, mình có đề cập đến một khái niệm tên là The Tiffany Problem, dùng để mô tả những tình tiết nghe thì có vẻ rất bịa, nhưng lại tồn tại thật ngoài đời. Nay xin được làm nguyên một bài nghiêm chỉnh, bàn sâu hơn về mô típ này.


Mô típ này xuất phát từ một sự thật rất thú vị trong lịch sử, ấy là nguồn gốc của cái tên Tiffany. Đây là một cái tên rất phổ thông ngày nay đối với phụ nữ phương Tây, kiểu như Huyền với Linh nhà chúng ta ấy. Chính thế mà rất nhiều người nghĩ rằng nó là một cái tên hiện đại, tức là ra đời cách đây không lâu lắm, tầm thế kỷ 19, 18 gì đó là cùng (tương tự như Bob hay Jake).
Mỗi tội sự thật lại không phải là như thế.
Tiffany đã có từ tận thế kỷ 12 rồi.
Để so sánh, Leonardo da Vinci sinh ra vào thế kỷ 16. Huyền thoại về Robin Hood ra đời vào thế kỷ 13.
Vâng, Tiffany còn già hơn cả Robin Hood 🐧.
Ảnh: hậu bối của Tiffany
Tiffany là cách dân Anh phát âm cái tên Theophania, một cái tên gốc Hy Lạp thường được đặt cho các bé gái sinh ra gần lễ Theophany (Lễ Hiển Linh). Thế nên nếu có ai viết một cuốn truyện Epic Fantasy lấy bối cảnh Trung Cổ, họ hoàn toàn có thể đặt cho một nhân vật nào đó trong tác phẩm của mình cái tên Tiffany này.
Nhưng lại chẳng ai làm thế cả, bởi vì nghe nó cứ lệch lệch thế nào ấy.
Bất chấp nếu làm vậy thì vẫn rất hợp với lịch sử.

Đọc thêm:

Định nghĩa cụ thể hơn về The Tiffany Problem
Chính từ đây, Tiffany trở thành gương mặt đại diện cho một nghịch lý rất nực cười mà nhiều tác giả gặp phải trong quá trình sáng tác: thực tại đôi khi nghe quá điêu, và thế là người ta buộc phải sửa hoặc ăn bớt thực tại đi cho nó “thật.” Nguyên nhân xảy ra hiện tượng này cũng khá đa dạng, nhưng chủ yếu là do chúng ta đã bị các sản phẩm văn hóa như phim, truyện, nhạc,… luyện cho quen mường tượng ra một số thứ theo những kiểu nhất định rồi. Mấy tác phẩm đấy dù gì cũng là để giải trí, thế nên chúng nó phải tí toáy tô hồng bôi đen thực tại lên tí để mọi thứ trông có vẻ ngầu với nuột nà hơn; hoặc có khi chỉ vì có thanh niên nào nghe hơi nồi chõ thông tin rồi nhớ nhầm và viết ra tác phẩm hay quá, thế là những ông hậu bối kể cả biết sự thật cũng cứ cắn răng “tiếp nối” truyền thống này, bởi vì không tài nào xóa nhòa nổi hình ảnh đã hằn in trong đầu độc giả được.
Ví dụ về cách các sản phẩm văn hóa đầu độc khán giả
Trong Sci Fi thì cái The Tiffany Problem kinh điển nhất có lẽ chính là Star Trek, cái series Sci Fi đã giúp định hình Space Opera cho cả một thế hệ. Gene Roddenberry, cha đẻ của series, biết rất rõ rằng ngoài vũ trụ chẳng có không khí nên sẽ không có môi trường dẫn truyền âm thanh, và ban đầu ông định sẽ tắt tịt hết tiếng những đoạn ngoài vũ trụ để nó chân thật. Tuy nhiên, khi đem ra cho một nhóm khán giả xem thử thì họ lại thấy nó cứ sai sai, và thế là Roddenberry phải lồng lại tiếng vào.

Đọc thêm:


Những cảnh ngoài không gian thế này đáng lẽ phải là phim câm
Sunshine, một bộ phim rất cố gắng biến mình thành Hard Sci Fi, cũng buộc phải giữ một số tình tiết như âm thanh ngoài vũ trụ với việc sao trời vẫn trông thấy được (đáng ra sao sẽ phải tàng hình hết, vì bị ánh sáng tỏa ra từ mặt trời che khuất), bởi lẽ cũng như Star Trek, “thật” như thế thì lại thành “giả” với người xem thử.

Với một vầng dương mạnh thế này thì ánh sao xa sẽ chẳng đấu lại được
Bộ truyện Hyperion Cantos thậm chí còn móc mỉa cái The Tiffany Problem với hệ thống farcaster của mình (đây như cánh cổng thần kỳ của Đôrêmon ấy). Ban đầu thì các cổng farcaster trong thế giới của Hyperion Cantos hoạt động rất mượt, chỉ cần bước chân qua một cái cổng bất kỳ thôi là sẽ được tele thẳng sang một hành tinh khác. Tuy nhiên, vì nó hoạt động mượt quá, khiến cho người dùng cảm thấy có gì đó không “thật,” thế là về sau các cổng farcaster này phải tích hợp thêm một cái máy tạo cảm giác ngứa râm ran cho những người bước qua cho nó có vẻ là họ thực sự vừa được di chuyển sang thế giới khác.

Một cổng farcaster trong Hyperion
Fantasy thì lẽ đương nhiên cũng có The Tiffany Problem rồi, bởi vì đây gốc vốn là vấn đề của nó mà 🐧. Ngoài vụ tên tuổi ra thì còn vô thiên lủng các loại The Tiffany Problem khác nữa, chẳng hạn việc rút kiếm ra là phải có cái tiếng “xoeng” đi kèm. Đấy là tiếng kim loại mài nhau, trong khi cái bao kiếm thường làm bằng da 🐧. Thậm chí đến cả việc thiên hạ tối ngày dùng kiếm chém nhau cũng là một loại Tiffany Problem nốt. Vũ khí hiệu quả nhất trên chiến trường sẽ là những thứ có tầm với xa như thương giáo, và vũ khí cận chiến hiệu quả nhất sẽ là chùy và dùi cui vì nó có thể truyền lực qua được áo giáp và gây tổn thương phần mềm, còn kiếm thì có khi đối thủ mặc áo đủ dày là cũng phế rồi (nói rất nghiêm túc, hãy tra thử giáp gambeson 🐧 ).

Gambeson - áo khoác độn đóng vai trò như giáp nhẹ
Nếu muốn ví dụ cụ thể hơn thì anh em có thể nhìn vào cái game God of War, với đội dev ban đầu định làm trang phục của các nhân vật sát với những gì dân Hy Lạp cổ mặc nhất có thể. Nhưng vì người chơi thử thấy hàng thật nhìn như lởm, họ rốt cuộc đã phải sửa lại cho nó “thật” hơn (tua đến mốc 22:40 của clip bên dưới để nghe nhân viên thiết kế God of War chia sẻ).

Và cũng như Sci Fi, cũng có một tác phẩm Fantasy từng chế nhạo cái The Tiffany Problem này, và đó là một tác phẩm chúng ta hẳn ai cũng quen thuộc: ngụ ngôn Aesop. Trong một câu chuyện của Aesop, có một anh hề diễn trò cho công chúng trong một thị trấn bằng cách giả tiếng lợn kêu. Ai cũng khen cái tiếng đấy nghe giống thật, trừ có một ông nông dân thì chê là giả. Tức khí, anh hề mời ông ta thử làm tiếng lợn thật xem nào. Ông nông dân liền thụt đầu vào trong chiếc áo choàng của mình, và sau đó một âm thanh chói tai vang ra từ trong đấy. Cả đám đông cười ồ lên và chế nhạo ông ta, bảo là giả tiếng ngu thế mà cũng đòi chê dân chuyên nghiệp. Nhưng rồi bro nông dân tự nhiên hất tung cái áo choàng của mình đi, và cả đám ngỡ ngàng khi thấy bên dưới chiếc áo là một con lợn con, và cái tiếng ban nãy chính là do nó phát ra khi bị ông ta véo tai.

Ông nông dân "giả" tiếng lợn, minh họa hiện đại hơn chút
Mặc dù nói ra thì nghe hay thế thôi, nhưng The Tiffany Problem cũng cho thấy cách các sản phẩm văn hóa đại chúng có thể khiến con người ta có cái nhìn méo mó về thực tại đến nhường nào.  Ví dụ điển hình cho một hậu quả nguy hiểm nó có thể mang lại là cách nó dạy cho chúng ta nhìn nhận về các loại vũ khí. Vũ khí được ra đời để làm một việc duy nhất: gây sát thương. Ngay cả những thứ vũ khí “lành” như súng phóng điện cũng có thể gây chết người nếu chích điện vào quá gần tim, hay như các thanh niên biểu tình “ôn hòa” tại Mỹ vừa rồi đã nhận ra: đạn cao su cũng có thể gây chấn thương cực kỳ nghiêm trọng, và thậm chí còn có thể gây tử vong.

Đạn "không sát thương"
Thêm một cái nữa cũng rất nguy hiểm mà các tác phẩm hư cấu hay “dạy” chúng ta là nếu bị đạn găm vào người hay dao đâm thì việc đầu tiên là phải móc được viên đạn hoặc rút con dao ra đã. Bruh, trừ trường hợp có dụng cụ sát trùng và cầm máu ngay tại đấy, việc đầu tiên cần làm là tuyệt đối không sờ soạng gì vào nạn nhân cả mà gọi cứu thương ngay và xin hướng dẫn. Viên đạn với con dao kia có thể đang bít mạch máu, và rút chúng nó ra thì điều tiếp theo cần làm là hãy chọn ngôi sao hy vọng, bởi vì có khả năng người kia sẽ còn chưa đầy vài phút trước khi chảy sạch máu trong người. Trên thực tế, Tổng thống Mỹ James Garfield còn đã chết sau khi bị bắn vì các bác sĩ tìm cách lấy đạn ra khỏi người ông, dẫn đến làm ông bị nhiễm trùng và qua đời. Kẻ ám sát tổng thống Garfield còn đã nêu hẳn cái dữ kiện đấy ra để làm bằng chứng chạy tội, bảo rằng thực ra kẻ giết tống thống là bác sĩ điều trị chứ không phải hắn (tất nhiên tòa vẫn sổ toẹt 🐧 ).

James Garfield trút hơi thở cuối cùng
Và lẽ đương nhiên, nếu có bro nào học tập Con An đi liếm láp các thứ chất lạ tại hiện trường án mạng thì nên khẩn cấp khấn ông bà cố tổ bảy mươi đời phù hộ độ trì cho mình chẳng nếm thấy gì ngoài vị cứt đi, vì nó mà là chất gì khác là sẽ xuống gặp các cụ luôn đấy 🐧.

Ăn mừng được rồi đấy, nhưng nhớ súc miệng trước nhé cu 🐧
-----
Xem bài viết gốc tại: