Yeah, I know, đây là một đề tài cũ rích
Nếu hỏi Đắc nhân tâm, Nghĩ giàu làm giàu, Đọc vị bất kỳ ai, Cha giàu cha nghèo, Tôi tài giỏi bạn cũng thế có phải là sách self-help không? Hầu như tất cả sẽ đồng thanh là "phải".
Nhưng nếu hỏi, Đường xưa mây trắng của Thích Nhất Hạnh, Hành trình nội tại của Osho hay mấy cuốn về marketing của RIO Book có phải self-help không, chắc chắn sẽ nhận được một khoảng lặng của phân vân, nếu không phải là lời chối bỏ vụng về (vì "self-help" nghe như bất cứ cuốn sách nào mà người đọc đọc xong tự thấy có ích cho chính mình).
Chính vì không hề có một sự phân loại chính xác nào với dòng sách self-help mà cuộc tranh cãi quanh nó chưa bao giờ đi đến hồi kết. Hai tiếng "self-help" giống như một umbrella term, một lớp vỏ khái niệm mà người ghét sẽ nhét vào đó những tên sách dở và người thích sẽ đặt vào đó những tựa sách hay.
Sở dĩ có tranh cãi là vì trước đây có một thời gian người ta xiển dương self-help. Đó là thời kỳ lên ngôi của nghề diễn giả, thời kỳ miệt mài chuyển ngữ của First News, thời kỳ bùng nổ của những thứ như "kỹ năng mềm", và cũng là thời kỳ hoạt động hùng hổ nhất của các tổ chức tiếp thị đa cấp ở Việt Nam. Một số nơi còn xem sách dạy làm giàu như kinh thánh, mà mỗi lần diễn thuyết đều lôi ra cái mô hình cashflow quadrant của Robert Kiyosaki (dù tôi ngờ rằng đó chỉ là một trò lừa bịp nhưng chưa bao giờ nghiêm túc tìm hiểu để phản biện, vì không hứng thú cho lắm. Dẫu vậy, trong lúc đọc Rich dad poor dad, tôi thấy một số lổ hổng khác mà sẽ sớm chia sẻ với mọi người).
Chính vì từng có hẳn một giai đoạn "xiển dương" self-help, nên nếu chiếu theo cái mà Hegel gọi là dialektik, sự xuất hiện tiếp theo đó của trào lưu bài trừ self-help trở nên thật dễ hiểu. Cũng như câu chuyện của ngôn tình hay K-Pop ngày trước, người ta lếch từ cực đoan này sang cực đoan kia cho đến khi (có vẻ như) đạt được điểm cân bằng.
Hành vi lên án self-help mang tính bầy đàn tôi thấy phần nào giống như nỗ lực tự làm khuây khỏa ấm ức tâm lý vậy. Không cần phải làm thay phần việc của các cơ quan kiểm duyệt trong việc bài trừ (buồn cười ở chỗ, một số người vừa chống kiểm duyệt nhưng đồng thời cũng chống luôn sự tồn tại của một số dòng sách nhất định), cũng như không cần phải làm thay phần việc của những nhà phát hành trong việc chiêu tuyết cho self-help.
Tôi vẫn luôn nghĩ, trước mọi cuốn sách, một người đọc chỉ cần chọn giữa đọc hoặc không đọc - mà ở thời buổi này, biết không đọc thậm chí còn quan trọng hơn cả biết đọc.
26.02.20