Review Never Let Me Go - một cuốn Sci Fi không nên đọc theo kiểu Sci Fi
Bài viết được đăng lại từ Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) cùng với một số chỉnh sửa về nội dung. Link bài...
Bài viết được đăng lại từ Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) cùng với một số chỉnh sửa về nội dung. Link bài gốc được đăng ở cuối bài.
--={[ REVIEW NEVER LET ME GO ]}=--
🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕 🌑🌑🌑
7.0/10
TL;DR
Mắt Biếc x Boyhood, kèm vài giọt Algernon.
***
GIỚI THIỆU CHUNG
Never Let Me Go là một tiểu thuyết Dystopia xuất bản năm 2005 của tác giả người Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro. Truyện về cơ bản là cuốn hồi ký của một người phụ nữ làm nghề chăm sóc người bệnh, thuật lại cuộc đời của cô ta từ lúc còn nhỏ cho đến khi trưởng thành cũng như cách mối quan hệ giữa cô và hai người bạn thân biển đổi theo thời gian.
***
MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG
Trước tiên anh em cần xác định một điều: hãy đọc quyển này với tâm thế đây chỉ là tiểu thuyết thuần túy, không có chút mùi Sci Fi nào. Nếu để chữ “Sci Fi” lọt vào trí óc trong lúc đọc, khả năng mọi người sẽ thấy cái quyển này sụp đổ cực kỳ nhanh (lát sẽ bàn thêm sau).
Và ngay cả khi đã xác định sẽ đọc nó như là tiểu thuyết thường rồi, anh em cũng phải tiếp tục xác định thêm một một điều nữa là sẽ không đọc lấy cốt. Tại sao ư? Bởi vì cái truyện này không có một cái Inciting Incident về cốt nào.
Tớ nói cực kỳ nghiêm túc.
Trong trường hợp anh em nào chưa biết, Inciting Incident là sự kiện mang tính khơi mào, giúp mạch truyện đi tới trước. Troung group từng có một bài chi tiết về khái niệm này rồi, anh em có đọc thêm ở đây nếu muốn:
Về lại với tác phẩm. Nếu xét thật chuẩn xác thì đúng là truyện cũng có Inciting Incident đấy, nhưng gần như những cái Inciting Incident này đều nhỏ đến mức không giúp thúc cái cốt đi đến đâu hết mà chủ yếu chỉ mang tính tạo drama giữa các nhân vật thôi. Thế nên nếu đọc theo cốt, mọi người sẽ rất dễ phát bực vì thấy câu chuyện rề rà mãi chẳng làm một cái gì cả.
Đọc thêm:
Để dễ hình dung, mình sẽ giả sử đây là truyện Harry Potter nhé. Quyển truyện sẽ cứ nhẩn nha để thằng Harry ngồi lê la trong nhà Dursley mãi, và tít tầm 1/3 truyện gì đó thì mới bắt đầu có cảnh Harry nghe thấy tiếng phành phạch. Đọc đến đấy, chúng ta sẽ nghĩ, “Ok, có tiếng vẫy cánh, thế là cú sắp mang thư đến rồi này, chuẩn bị vào mạch chính thôi.”
Nhưng rồi đùng một cái, hóa ra đấy là tiếng thằng Dudley đang tuốt lươn. Và cái sự kiện này chẳng làm gì khác ngoài để 2 thằng Harry và Dudley có cớ ngồi nói chuyện tâm tình về tuổi dậy thì vài trang. Sau đó thì Harry lại tiếp tục lê la trong nhà Dursley như cũ 🐧.
Ôi cái đê ca ma ma nhà nó nữa chứ.
Tuy nhiên, một khi đã xác định xong tư tưởng như vậy, anh em sẽ thấy cuốn này đọc rất trôi, và thậm chí còn có thể nói là lôi cuốn nữa. Văn phong của Ishiguro rất êm đềm và nhẹ nhàng, khiến ta đọc vào sẽ thấy dễ chịu và thư thái vô cùng, như thể đang ngồi nhâm trà trên một sân hiên vắng lặng giữa một sớm hè quang quẻ, với gió mát hiu hiu thổi và một con mèo nằm rừ rừ trong lòng ấy.
Kết hợp với giọng văn này là một cấu trúc kể chuyện đậm tính trò chuyện tâm tình. Kathy, nhân vật dẫn truyện, cứ nhảy từ ký ức này sang ký ức khác theo một trình tự hơi lộn xộn, không hẳn bám theo đúng một mạch thời gian nào (dù vẫn có thể được chia thành ba phân đoạn tách bạch), chưa kể thỉnh thoảng giữa mạch kể còn chạy lan man tả thêm những thứ bên lề, nhưng cái kết cấu ấy lại mang đến một cảm giác rất chân thật, giúp ta thấy mình không phải đang đọc một quyển sách mà được trực tiếp ngồi nghe một người phụ nữ với trải nghiệm sống đặc biệt thuật lại cuộc đời mình, và cứ thế chìm trong hành trình trưởng thành của cô.
Chính vì cái kiểu kết cấu như vậy, truyện này sẽ rất thích hợp đọc theo kiểu bổ nhỏ ra từng mẩu một, căn những lúc cần giải tỏa đầu óc thì tìm đến đọc một phần nhỏ của nó, xong tạm gác lại và chờ đến lúc thích hợp khác thì đọc sau. Vì đã biết trước bản chất truyện là thế nào rồi, lần này mình đã đọc nó theo đúng cái kiểu đấy. Chính thế nên dù quyển này tương đối ngắn, phải mất hơn cả tháng trời mình mới đi xong nổi. Tuy nhiên, dù nhẩn nha lâu la đến thế, mình không cảm thấy như thể vừa phải “lết” cố một chặng đường nặng nhọc gì cả. Sự dông dài của nó chỉ đơn thuần là một khía cạnh đi cùng với việc tận hưởng nó thôi, chứ không hẳn là một vấn đề với bản thân tác phẩm.
Đọc thêm:
Mặc dù tất nhiên, nếu anh em không thích nhùng nhằng lâu la mà chỉ muốn đánh thẳng vào vấn đề, hoặc chỉ đơn thuần sờ vào quyển này lúc đang trong tâm trạng không phù hợp, thì cái phong cách nhẩn nha này sẽ là một điểm trừ rất nặng rồi 🐧.
***
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
Sở dĩ lúc bên trên mình có nói mọi người đừng đặt nặng việc việc đây là Sci Fi bởi vì nó kiểu gì cũng sẽ khiến mọi người chú ý vào cái bối cảnh và thế giới của truyện, và một khi đã nhìn vào cái này rồi thì hỡi ôi, cái quyển này sẽ trở nên nhảm một cách kinh khủng khiếp.
Truyện ban đầu gần như chẳng đưa ra tí tình tiết nào về sự đặc biệt của cái thế giới này cả, và anh em gần như sẽ chẳng hiểu nó Sci Fi ở chỗ nào. Nhưng dần dần, có một số manh mối được nhỏ giọt vào cho tác phẩm, khiến chúng ta dần dần nhận ra bối cảnh thực của nó là một tương lai với một hệ thống xã hội khá lạnh gáy.
Nhưng khốn nạn một điều là tác giả chẳng chịu làm cái gì với nó hết.
Cứ thỉnh thoảng, sau khoảng một hồi rất dài chỉ có mấy cái nội tâm với tả sinh hoạt bình thường, tác giả sẽ dần dẫn dắt và thả một cái tiểu tiết bắt đầu có vẻ thú vị, báo hiệu ta sẽ đi sâu vào phần Sci Fi của tác phẩm. Và vì như đã nói ở trên đấy, văn phong thanh niên viết rất trôi, thế nên đến mấy đoạn này, anh em kiểu gì cũng sẽ bị cuốn theo guồng, đặt tạm cốc nước xuống, ngồi thẳng lưng lên, chuẩn bị chờ một…
Vààààààààààà chúng ta lại quay về với tả trời tả đất và đờ-ra-ma nào!
(Nam) mô (a di) đà phổ ke.
Xã hội và thế giới này có tiềm năng rất lớn, bởi vì nó chứa đựng đủ thứ câu hỏi triết lý, nhân văn, và hàng loạt vấn đề đi kèm mà nếu đào sâu vào thì hứa hẹn sẽ biến quyển truyện thành một Brave New World hiện đại. Nhưng lộn ruột một cái là cứ khi nào tác phẩm mon men đến gần cái thế giới ấy, tác giả lại ngay tắp lự quay về với những thứ cực kỳ tầm thường gì gì đó. Anh em sẽ cảm nhận được rất rõ là trong nhà có một bữa tiệc cực kỳ thịnh soạn đang được bày ra, với cứ đôi lúc lại có những mùi hương nức mũi bay ra ngào ngạt. Tuy nhiên, thứ duy nhất tác giả dọn ra cho mọi người là một đĩa rau muống luộc (thậm chí còn chẳng có mắm chấm đi kèm luôn), và bắt mọi người ngồi ngoài ăn. Cho dù đĩa rau đấy có được luộc ngon thật, nhưng nó vẫn cứ là rau muống! Ngồi nhai mớ rau nhạt thếch trong khi ngay sát nách là đủ loại cao lương mĩ vị nóng hôi hổi, bảo không điên tiết sao được?
Khốn nạn thêm một cái nữa là đến tít tận cuối tác phẩm, tác giả có dành ra một phần nho nhỏ để đi sâu hơn về cái thế giới này. Ôi trời đất, càng nghe tả thì anh em sẽ càng thấy cáu thêm, bởi vì thế bất nào cái phần được tả lại không được lấy làm cốt chính vậy hả người?! Có quá nhiều thứ hay bị bỏ lỡ, có bao cơ hội và đề tài đáng lẽ đã có thể được mang ra phân tích, nhưng tất cả đều bị phí hoài. Tiếp tục cái so sánh ban nãy, nó cũng giống như lúc tiệc tàn rồi thì mọi người được mang ra cho đúng một miếng gà để ăn. Thay vì khiến mừng vì cuối cùng cũng có một miếng ngon để nhấm, mọi người sẽ chỉ thấy bực vì đã biết chính xác mình vừa bỏ lỡ thứ gì.
Đọc thêm:
Và việc không đi sâu vào cái thế giới ấy cũng khiến nó trở nên rất lủng củng và khó tin. Cái tiền đề của thế giới này đúng là nghe rất thú vị, nhưng nếu nghĩ kỹ về nó một tí, mọi người sẽ thấy nó hổng lỗ cha lỗ chỗ. Mấy cái lỗ này không khổng lồ đến mức không cách gì vá được, nhưng vấn đề là ông tác giả có dành thời gian để vá chúng nó đâu, thế nên rốt cuộc nền móng thế giới hiện lên vẫn cứ xiêu xiêu vẹo vẹo, và nếu những yếu tố khác của câu chuyện không giúp anh em ngó lơ được phần này thì tác phẩm coi như thất bại hoàn toàn.
***
NHÂN VẬT
Bên cạnh cái không khí ra thì thứ quyết định sự thành bại của truyện trong mắt mọi người sẽ là nhân vật, bởi lẽ tác giả gần như nướng sạch thời lượng vào miêu tả nội tâm với cách nhìn đời của nhân vật.
Lẽ đương nhiên, sâu sắc nhất chính là nhân vật Kathy, người kể chuyện của chúng ta rồi, vì mọi thứ đều được mô tả qua góc nhìn của nhân vật này mà. Và như đã nói ở trên đấy, tác giả có cái văn phong nhẹ nhàng lắm, thế nên ta sẽ có thể đồng cảm rất dễ với nhân vật chính, cảm thấy đây như một người bạn đang ngồi cà phê với mình vậy. Cả ba giai đoạn cuộc đời của đồng chí này đều có một nét cuốn hút rất riêng, chạy từ những trò nghịch trẻ con đầy ngộ nghĩnh hồi nhỏ, những băn khoăn lo lắng và bão tố cảm xúc trong giai đoạn tuổi mới lớn, cho đến cái sự lãnh đạm gần như đầu hàng số phận của tuổi trưởng thành. Dưới sự dẫn dắt của Kathy, anh em sẽ rất dễ cảm thấy như được hồi xuân ấy, và tự thân mình cũng không khỏi nhớ lại những tháng ngày tuổi trẻ của bản thân và cái hành trình đầy những vui buồn mà lúc bấy giờ ngỡ tưởng to tát lắm, nhưng nay nhìn lại mới thấy thật vặt vãnh.
Các tuyến nhân vật phụ trong này cũng không thiếu, nhưng mà không được sâu sắc bằng Kathy. Lý do đơn giản vì Kathy là người dẫn thì sao mà chui vào đầu mấy nhân vật kia được? Nhưng nói vậy không có nghĩa là dàn nhân vật bổ trợ không có gì ấn tượng. Hầu như tất cả đều được khắc họa với một nét tính cách riêng biệt, sống động, đặc biệt hai người bạn thân của Kathy là Tommy và Ruth, những người sẽ cùng Kathy đi xuyên qua cả quyển sách. Ta được thấy cách hai nhân vật này vừa tự trưởng thành theo thời gian như Kathy, vừa dần dần giúp Kathy định hình nhân cách của mình nữa.
Nhưng thực tình mà nói, sâu sắc chưa chắc đã đồng nghĩa với thú vị. Bộ ba nhân vật kia lắm lúc sẽ không khỏi khiến anh em cảm thấy phát bực, bởi vì họ cứ toàn nảy sinh ra những cái drama không đáng có. Nếu không ưng được cái kiểu drama lắm khi tiệm cận phim tình cảm Hàn thì chắc anh em sẽ phải nói lời gg với dàn nhân vật này. May mắn là trong truyện vẫn còn một số nhân vật không dính dáng gì nhiều đến mấy cái drama đó, tiêu biểu là các giáo viên tại cái trường hồi nhỏ của mấy thanh niên kia, và họ có những khoảnh khắc tỏa sáng về mặt nội tâm một cách hết sức thú vị, đặc biệt khi đọc đến phần cuối, và sẽ phần nào bù đắp được lại cho bộ ba đấy.
***
TỔNG KẾT
Never Let Me Go là một tác phẩm hơi khó nói anh em có nên đọc hay không. Xét theo một số phương diện, đây là một cuốn đọc rất ổn, mang đến cho ta nhiều thứ để suy nghĩ và không phải là không có dư vị đọng lại. Nhưng xét theo một số phương diện khác, thanh niên này lại bỏ lỡ rất nhiều cơ hội và có khả năng sẽ gây ức chế khi đọc. Như cái điểm số mình gán cho nó đã cho thấy, cá nhân mình thấy quyển này vẫn đáng đọc mặc dù có khơ khớ sạn. Nhưng mà một là vì đợt đầu với cuối năm đang hơi ong não giấy tờ sổ sách nên muốn tìm đến với những ông nhẹ nhàng tí, hai là vì đã đọc từ trước nên lần này biết phải làm thế nào để tối ưu hóa trải nghiệm rồi, thế nên cái quyển này mới được cái điểm như vậy. Anh em hãy đọc kỹ review và sau đó tự rút ra quyết định có nên triển nó không nhé.
----- Xem bài viết gốc tại:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất