[Tạp văn] Nỗi nhớ Hà Nội mùa thu
Mấy hôm nay, thời tiết đã bắt đầu dịu mát dần. Trong những buổi chiều muộn, khi nhiệt độ xuống nhanh, nước hồ đã pha thêm gam màu mới của thứ hơi sương mong manh, mờ mịt,
Những gì trong tôi
Mấy hôm nay, thời tiết đã bắt đầu dịu mát dần. Trong những buổi chiều muộn, khi nhiệt độ xuống nhanh, nước hồ đã pha thêm gam màu mới của hơi sương mong manh, mờ mịt, khiến cho chân trời cũng trở nên mênh mang, trong khói mây lãng đãng, như một nỗi nhớ mông lung.
Hà Nội ơi, mùa thu đã trở lại rồi ư?
---***---
Cách đây một thời gian, khi đợt hoa sữa đầu tiên bắt đầu chớm nở, sau những cơn mưa giao mùa thoáng qua. Đi làm về, rẽ qua khúc quanh để vào trong ngõ, nơi vẫn có gốc cây hoa sữa xù xì. Chợt bồi hồi nhận ra mùi hương quyen thuộc, nồng nàn, sâu lắng. Bất giác không kìm lòng được, mà ngân lên những giai điệu đã khắc sâu trong trí nhớ:
“Em ơi, Hà Nội phố. Ta còn em mùi hoàng lan. Ta còn em mùi hoa sữa. Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ. Ai đón chờ ai, tóc xọa vai mềm”.
Như một ngọn nến vừa được thắp lên, những khung hình bỗng nhiên tràn đầy mầu sắc, mọi thứ trở nên sống động lạ thường.
Mùa thu đang ở đây, Hà Nội đang ở đây, đẹp đẽ trong những trái tim đang ngân lên giai điệu xưa cũ.
---***---
Đến với Hà Nội
Đã như một thói quyen, trong những ngày mưa thu mịt mù, triền miên và ướt át, đêm trở về nhà trọ, sau một ngày có nhiều phần mệt mỏi, lòng thường vẫn nhớ đến những thanh âm trong bài ‘Hà Nội ngày trở về’ ấy:
“Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ, tôi vội vã trở về, lấy cho mình dù chỉ là một chút bóng đêm trên đường phố quen, dù chỉ là một chiều sương dăng lỗi cũ.”
Sự trầm lắng, sâu nặng và thiết tha trong đó xoa dịu tâm hồn mình biết bao nhiêu.
Cùng là những cánh chim phiêu bạt cuối trời, mà ngóng trông về chốn cũ. Tuy không phải là người Hà Nội, nhưng những ca từ, giai điệu ấy vẫn rung lên trong tôi biết bao cảm xúc:
“Tôi bồi hồi khi chạm bóng cửa ô, như ngày xưa mỗi lần chạm vai gầy áo mẹ. Ôi nỗi nhớ, muôn đời vẫn thế, như dòng sông Hồng cuộn đỏ mãi trong tôi”.
Mỗi lần nhẩm đến đây, lòng tôi lại trào dâng nỗi nhớ quê hương tha thiết, những hình ảnh biết bao gần gũi, hòa lẫn với bóng dáng thân thương của mẹ. Tôi thầm nhớ đến dòng sông Hồng mênh mông trong ký ức, cuộn chảy dưới chân cầu Thăng Long, mỗi khi ngồi trên xe khách nhìn ra. Qua cây cầu ấy là đất nội thành của thủ đô Hà Nội, quay lưng lại, quê hương mình đã xa cách ngàn khơi.
Tôi đến với Hà Nội mang theo nỗi nhớ nhà da diết, và sự đồng cảm chân thành với những người con Hà Nội xa xứ, đồng thời cũng là lòng ngưỡng mộ sâu xa với chính mảnh đất này. Địa danh ấy hẳn là phải đẹp đẽ đến nhường nào, mới có thể sản sinh ra những tình cảm dạt dào, khắc khoải và da diết đến như thế?
Nhưng rồi sau những tháng ngày học tập và làm việc lâu dài ở Hà Nội, Hà Nội cũng đã trở thành quê hương thứ hai trong tôi, từ lúc nào không hay. Như trong bài thơ ‘Độ Tang Càn’ của Giả Đảo:
渡 桑 乾 客 舍 并 州 已 十 霜, 歸 心 日 夜 憶 咸 陽。 無 端 更 渡 桑 乾 水, 卻 望 并 州 是 故 鄉。 Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương, Quy tâm nhật dạ ức Hàm Dương. Vô đoan cánh độ Tang Càn thuỷ, Khước vọng Tinh Châu thị cố hương. Làm khách trọ ở Tinh Châu đã mười năm, Lòng muốn về quê nhà, đêm ngày nhớ đất Hàm Dương. Bỗng dưng lại sang sông Tang Càn, Ngoảnh nhìn Tinh Châu, lại thấy như quê cũ. (thivien.net)
Đối với tôi, Hà Nội là hình ảnh ngôi trường Đại học Bách Khoa, nơi lần đầu tiên mở cửa chào đón tôi, với hàng xà cừ cổ kính, in bóng sau khung cửa giảng đường đầy nắng lung linh, là những dãy phòng thí nghiệm nghiêm trang, rợp bóng dưới tán cây xanh biếc xôn xao, … đã gắn bó với tôi suốt 5 năm sinh viên say mê và sôi nổi. Hà Nội với tôi, còn là con đường Quán Thánh, địa chỉ của cơ quan cũ, bên những ngôi nhà từ thời Pháp thuộc cũ kỹ, đã hoen ố màu sơn, dưới hàng sấu già nua, um tùm, giữa một bên là hồ Trúc Bạch phẳng lặng như gương, soi bóng mây trời trong veo, và bên kia là hoàng thành Thăng Long uy nghi, trầm mặc sau lớp rêu phong, vẫn còn 'trơ gan' trước bao gió mưa của thời cuộc. Là hồ Tây mênh mang sóng vỗ, lộng lẫy trong ánh hoàng hôn, là đê Yên Phụ nghiêng nghiêng, uốn lượn như dải lụa mềm mại, bên dòng sông Hồng miệt mài chảy trôi suốt 4000 năm lịch sử. Mà những đêm đi làm về muộn, một mình trong hương hoa sữa thơm bay, tôi đã buột miệng ngân nga:
“Những ngọn đèn nối dài xa thẳm,
Bên con đường uốn khúc trong sương.
Ngày mệt nhọc, trở về yên lặng.
Hương hoa thơm bát ngát trên đường”
Vào mỗi mùa thu của Hà Nội, khi gió heo may se se, lòng lại nhắc nhỏm đến những trang viết của Thạch Lam, thanh đạm như cốm non đầu mùa, và những bài hát của Phú Quang, nồng nàn như hoa sữa, ngát hương trong đêm muộn. Ở nơi đó, tôi vừa cảm nhận được nỗi mong nhớ khôn nguôi của con người xa xứ với quê hương, và cả tấm lòng biết bao trìu mến của một cư dân với cảnh sắc Hà Nội.
“Ta còn em hàng phố cũ rêu phong, và từng mái ngói xô nghiêng, nao nao kỷ niệm. Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng, Chợt hoàng hôn về tự bao giờ”
Hà Nội vào thu mang vẻ đẹp của riêng Hà Nội trong văn chương và âm nhạc. Không phải là Hà Nội của xe cộ ồn ào, khói bụi khét lẹt. Không phải Hà Nội của những cặp mắt cau có, vội vã và bon chen, cho dù đó là một phần thực tại của cuộc sống. Hà Nội của mùa thu, ấy là Hà Nội của những trái tim nhạy cảm, của hoài niệm sâu lắng. Là Hà Nội của những gốc bàng xưa cũ, những góc phố thân quen, bức tường rêu phong, của những gì giản dị, dịu dàng và gần gũi. Hà Nội của những đêm mưa thu dăng dăng, gió heo may se se, hương hoa sữa nồng nàn, của những gì lặng lẽ, trầm tư và tịch mặc. Của đêm khuya trở gió miên man, của mảnh trăng xa xôi, sương thu mịt mờ. Như trong giai điệu của bài hát:
“Vội vã trở về, vội vã ra đi. Chẳng thể nào qua hết từng con phố. Nhưng còn đó mùa thu, mùa thu đầy gió, và rêu xanh bên những gốc cây già”.
Cảm giác Hà Nội còn đang ở đây, mà như thể là Hà Nội của bao năm trước, cảm giác như mùa thu đang ở đây mà như thể là mùa thu của bao năm trước, và … mình … đang ở đây mà cũng như thể là mình của bao năm trước.
Một điều gì xưa cũ, bình yên và xa vắng.
Những gì còn lại
Tôi sẽ chẳng viết ra những dòng này, nếu như không vô tình xem lại một phóng sự ngắn về nhạc sỹ Phú Quang - người đã gieo vào lòng tôi bao tình cảm mến thương với Hà Nội - vào ngay khi Hà Nội đang đón nhận một mùa thu nữa. Nó đã đánh động lại biết bao nhiêu ký ức, bao nhiêu cảm súc, bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu mùa thu đã qua. Nó thôi thúc tôi phải viết ra một điều gì đó, về Hà Nội, về mùa thu, và về nhạc sỹ Phú Quang. Đó là Hà Nội trong tôi, mùa thu trong tôi và nhạc sỹ Phú Quang trong tôi. Cho nên, dù yêu thích nhiều bài hát, trong bài viết này tôi chỉ muốn dùng những giai điệu trong sáng tác của ông để nói lên tiếng lòng của mình.
Hà Nội hôm nay vẫn còn đây 'mùi hoàng lan', Hà Nội vẫn còn đây 'mùi hoa sữa', nhưng đã không còn 'người nghệ sỹ lang thang hoài trên phố' ấy nữa. Khiến cho những người yêu mến Hà Nội, khi ngân lên những giai điệu như “Em ơi Hà Nội phố”, ngoài mong nhớ về mùa thu, cũng hoài niệm thêm đến một người nghệ sỹ tài hoa của Hà Nội – nhạc sỹ Phú Quang.
Cho dẫu như thế, thì những trái tim ‘bồi hồi khi chạm ngõ thủ đô’ ấy sẽ vẫn không ngừng thổn thức, và những tình cảm dạt dào dành cho Hà Nội sẽ vẫn không ngừng “như nước sông Hồng cuộn đỏ mãi không thôi”. Bởi như lời nhạc sỹ: “Nhạc của tôi là những bài hát cất lên từ tình yêu chân thành, thiêng liêng với Hà Nội. Công chúng đến với nhạc của tôi cũng từ một tình yêu Hà Nội chân thật, sâu đậm”.
Tuy nhiên, một lúc nào đó, trong tôi cũng có chút lo âu rằng: Hà Nội đang phôi pha theo tháng năm! Rằng có những ai đó có quyền lực và tiền bạc ngoài kia vẫn cho rằng: Hà Nội phải giống như New York, như Thượng Hải, ... mới có thể trở nên đẹp đẽ.
Không! Hà Nội không cần giống như thứ gì khác! Hà Nội chỉ cần là Hà Nội mà thôi, là Hà Nội của "cây bàng mồ côi mùa đông", của "góc phố mồ côi mùa đông", của "mảnh trăng mồ côi mùa đông", ... gần gũi, giản dị, thân thuộc như thế thôi, đã đủ để say đắm lòng người rồi.
Hiện nay, địa giới hành chính của Hà Nội đã mở rộng. Hi vọng, ta có thể gìn giữ một Hà Nội cổ kính, trầm mặc như xưa, bên cạnh một Hà Nội phát triển và hiện đại. Bởi Hà Nội không đơn thuần chỉ đẹp bởi những "đêm trên đường phố quen", những "chiều sương giăng lối cũ", những "rêu phong bên những gốc cây già", ... mà còn đẹp bởi chính con người Hà Nội, bởi những tâm hồn đầy nhạy cảm, tinh tế, dịu dàng, bởi sự trân trọng, nâng niu, nhớ nhung đến mức khắc khoải, day dứt, những tình cảm sâu nặng, chứa chan, thôi thúc con người trở về để được lắng nghe, và ngắm nhìn Hà Nội, để đứng lâu hơn, để nghe rõ hơn, để sống chậm lại, để lưu giữ và trao truyền tình yêu Hà Nội, qua những trang văn, những bài thơ, những giai điệu, những nét vẽ, những khung hình, ... cho các thế hệ mai sau. Bởi Hà Nội đâu chỉ là một địa danh, Hà Nội còn là 1 phần của lịch sử, của quê hương và đất nước.
Đúng vậy, Hà Nội đẹp bởi chính cảnh quan vốn có của Hà Nội, và cũng đẹp bởi những đôi tai biết lắng nghe, đôi mắt biết ngắm nhìn:
"Dường như ai đi ngang cửa
Gió mùa đông bắc se lòng
Chút lá thu vàng đã rụng
Chiều nay cũng bỏ ta đi."
Và cùng bao trái tim rung động:
"Vội vã trở về cùng tháng năm xưa,
Sau những con đường dầu dãi nắng mưa
Bên quán nhỏ tôi buồn nghe lá trút
Chiều mưa sa giăng kín phố dài.
Hà Nội ơi mỗi khi lòng xác xơ
Tôi vội vã trở về để nghe tim mình
Rưng rưng trong nước hồ thu."
Hà Nội, mùa thu, 22/09/2024
Thanh Phong
Tham khảo:
Các bài viết về nhạc sỹ Phú Quang
[1] congly.vn, Nhạc sỹ Phú Quang và những tác phẩm bất hủ theo thời gian
[2] hanoimoi.vn, Nhạc sĩ Phú Quang: Yêu Hà Nội đến cháy lòng...
[3] vnexppress.net, Phú Quang - nhạc sĩ của những bản tình ca bất hủ về Hà Nội
[4] thanhnien.vn, Có một dòng nhạc Hà Nội mang tên Phú Quang
[5] laodong.vn, Một con phố ở Hà Nội mang tên nhạc sĩ Phú Quang là sự tôn vinh xứng đáng
Hà Nội trong tôi
[1] ‘Hà Nội băm sáu phố phường’ – Những trang viết tỏa ngát hương thơm, gói ghém phong vị Hà Thành
[2] Hồ Tiền trong ký ức sinh viên Bách Khoa
[3] Bách Khoa và Bách Thảo
[4] [Thơ][Tạp văn] Nửa đêm thức giấc
[5] [Thơ][Tạp văn] Tiếng ngỗng mùa thu
[6] [Thơ][Tạp văn] Đêm mưa thu nghe tiếng ngỗng kêu
[7] [Thơ] Đêm nghe gió mùa về
[8] [Thơ][Tạp văn] Người bạn đọc sách
[9] [Thơ] Bà lão trong hiệu sách cũ
[10] [Thơ][Tạp văn] Phương đình, hồ Văn trong mưa xuân
[11] [Tạp văn] Thính vũ
[12] [Thơ][Tạp văn] Chiều xuân muộn qua ngõ
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất