‘Hà Nội băm sáu phố phường’ – Những trang viết tỏa ngát hương thơm, gói ghém phong vị Hà Thành – Phần 1: Tình Yêu với Hà Nội
Nếu như Thạch Lam từng viết về cốm như là ‘một thức quà của lúa non’. Thì trở lại, ‘Hà Nội băm sáu phố phường’ cũng là một thức quà...
Nếu như Thạch Lam từng viết về cốm như là ‘một thức quà của lúa non’. Thì trở lại, ‘Hà Nội băm sáu phố phường’ cũng là một thức quà từ một tâm hồn đầy tinh tế và nhạy cảm. Và nếu như, cốm là kết tinh ‘chất quý trong sạch của trời’ được gói ghém trong chiếc lá sen già sạch sẽ, thơm tho. Thì, ‘Hà Nội băm sáu phố phường’ của Thạch Lam là sự ấp ủ của những tình cảm nồng nàn, chân thật phía sau những cảnh vật và con người Hà Nội. Và một điểm giống nhau nữa, cả hai đều là đặc sản riêng của đất Hà Thành, cốm của làng Vòng và ‘Hà Nội băm sáu phố phường’ của Thạch Lam.
Trong khi một mùa thu nữa đang trở lại, những buổi sớm đã bắt đầu dịu mát mà thêm một thời gian nữa thôi, sẽ mang cái lạnh se se và hơi sương hiu hắt – tức đầy đủ hương sắc của mùa thu Hà Nội. Có ai có ý định mua một ít cốm về để thưởng thức không? Nhưng nếu trong điều kiện giãn cách xã hội như hiện nay mà không mua được? Hoặc giả như cũng không biết mua ở đâu, thì phải làm sao đây? Vậy thì, đêm nay, hãy cất chiếc điện thoại, vặn to ngọn đèn và lật từng trang của ‘Hà Nội băm sáu phố phường’, để có thể thưởng thức một ‘thức quà’ khác – cũng rất cốm – của Hà Nội.
Tình Yêu với Hà Nội
Có bao người con của Hà Nội ‘dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội’. Có người ‘mỗi khi lòng xác xơ’ lại ‘vội vã trở về, lấy cho mình dù chỉ là chút bóng đêm trên đường phố quyen, dù chỉ là một chiều sương giăng lối cũ’. Lại có người đêm ngày ‘mong về Hà Nội’, chỉ là ‘để nghe gió sông Hồng thổi’ (1). Và cũng có nhiều người khác, dù chưa bao giờ đến Hà Nội, nhưng vẫn cứ nặng lòng với mảnh đất ấy. Đôi khi, chỉ vì, một lần lỡ bắt gặp những giai điệu thiết tha trong ‘Em ơi Hà Nội phố’ của nhạc sỹ Phú Quang. Vậy, Hà Nội là mảnh đất như thế nào, mà cứ tự nhiên đi vào thơ ca bao thế hệ như thế?
Và nếu như sự yêu thương, trân trọng một điều gì là thứ có thế lây lan được, thì có lẽ ai đó sẽ phải đi tìm xem nguồn lây ban đầu ở đâu. Vậy thì, tập bút ký ‘Hà Nội băm sáu phố phường’ của Thạch Lam đích thị là F0 đầu tiên rồi. Bởi Thạch Lam, có lẽ là người đầu tiên công khai bày tỏ những tình cảm của mình với Hà Nội một cách chân thành, dịu dàng và tha thiết đến thế. Và quyển sách vốn ban đầu chỉ là tập các bài báo đăng riêng lẻ theo kỳ ấy, đã trở thành nguồn cảm hứng dồi dào cho các nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ sau này tiếp tục viết về Hà Nội. Để cho những tình cảm về Hà Nội, những vẻ đẹp của Hà Nội cứ ngân vang mãi qua bao trái tim, qua bao thế hệ, không ngừng lay động biết bao tâm hồn
“Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải… Trong các sách vở, trên các báo chí, họ nói đến thành phố của họ một cách tha thiết, mến yêu… Chúng ta cũng có Hà Nội, một thành phố có rất nhiều vẻ đẹp, vì Hà Nội đẹp thật (chúng ta chỉ còn tìm những vẻ đẹp ấy ra), và cũng vì chúng ta yêu mến”.
Có ai tò mò, một nhà văn nhạy cảm như Thạch Lam, sẽ yêu Hà Nội như thế nào không? Hãy nghe tác giả kể:
“Nhưng đối với người tản bộ đi chơi, lòng thư thả và mải tìm sự đẹp, thì phố xá mới không có thú vị gì. Không có những cái khuất khúc dành cho ta nhiều cái bất ngờ, không có một ngọn cây hoa nhô sau bức tường thấp, khiến chúng ta đoán được cả một thửa vườn nhỏ bên trong, ở đấy biết đâu lại không thướt tha một vài thiếu nữ khuê các như xưa.”
Đoạn văn tuy viết về con đường mới theo hơi hướng đô thị hiện đại, nhưng vô tình đã tiết lộ thói quyen ‘lang thang hoài trên phố’ (1) của tác giả. Hẳn những ‘phố nhỏ, ngõ nhỏ’ đã ‘mòn lối’ với dấu chân chàng nghệ sỹ tài hoa.
Nếu như văn chương cũng giống như ẩm thực, thì Thạch Lam sẽ không giống như một thực khách bước vào hiệu phở, cất tiếng gọi món và ngồi đợi cho người ta bưng ra. Thay vào đó, Thạch Lam giống một cô gái bán hàng rong, kĩu kịt đôi quang gánh, mải miết đi qua biết bao nhiêu con phố hơn. Có lẽ vì thế mà ‘Hà Nội băm sáu phố phường’ lại càng giống một thức quà hơn không?
Phải vậy không? Khi Thạch Lam có thể viết về những con phố, những gánh hàng mà không phải người Hà Nội nào cũng có thể biết tường tận và chi tiết như thế. Đó là gánh qùa ‘súi ỉn’ ‘chỉ bán quanh quẩn mấy đường lối gần Hàng Buồm và phố Mã Mây’. Đó là thứ ‘bánh bò chê’ ‘chỉ quanh quẩn trong mấy phố gần trung tâm Hà Nội: Hàng Bè, Gia Ngư, Hàng Bạc, Hàng Buồm’, và chỉ ‘bán buổi sáng vào quãng từ bẩy giờ đến chín giờ’. Đó là một gánh phở rất ngon trong nhà thương "từ sáu giờ đến bảy giờ - chỉ quãng ấy thôi, vì ngoài giờ gánh phở ấy hết". Hay những phiên ‘chợ Xanh’ chỉ bắt đầu họp từ hai, ba giờ đêm.
‘Hà Nội băm sáu phố phường’ cũng không đơn thuần là một tập phóng sự, do một người lang thang trong các con ngõ nhỏ để viết ra. Có những nhà văn phải tìm cách lăn lộn trong cuộc sống để có đủ tư liệu cho bài viết. Nhưng với Thạch Lam, độc giả có thể nhận ra rằng, có nhiều chi tiết, nhiều con người của Hà Nội đã ở rất xa trong quá khứ và tại thời điểm viết thì không còn nữa, nhưng vẫn được tác giả mô tả lại một cách đầy trân thực và sinh động. Ví như ba bà cháu bán bánh cuốn, những đêm đông giá rét trong căn lán nhỏ dưới gốc cây xoan của phố hai mươi bốn gian. Thạch Lam dường như đã ngắm nhìn Hà Nội từ rất lâu, đã nếm các hương vị của Hà Nội từ rất lâu và lắng nghe Hà Nội cũng từ rất lâu. Vào một lúc nào đó, khi Thạch Lam không muốn đi đâu, không muốn nhìn ngắm điều gì, thì Thạch Lam ngồi viết – viết ra những gì của Hà Nội sẵn có trong trái tim mình.
Và một điểm nữa, người đọc cũng có thế dễ dàng nhận ra, là ở những khung cảnh của ‘Hà Nội băm sáu phố phường’, rất nhiều trong đó là vào buổi đêm. Người đọc có cảm tưởng về một Thạch Lam ‘còn vui chân lang thang mãi trên các vỉa hè của Hà Nội để nghe tiếng gót giày của mình vang động’. Có phải vì khi những âm thanh ồn ào của ban ngày đã lặng, những ánh đèn lòe loẹt đã tắt, Thạch Lam có cơ hội tiếp xúc với những gì sâu lắng, thầm kín nhất của Hà Nội hay không? Có đêm khuya, tác giả đứng lặng trong một con phố và cảm nhận:
“Lúc đó những cửa hàng mới mẻ đã đóng cả, và cái phố với căn nhà đều phô bày vẻ thật. Các nhà chỉ thay đổi có phía dưới sự thay đổi ít khi lên đến tầng trên. Và bây giờ, nếu người ta có phép gì cắt bỏ các tầng dưới và đặt các tầng trên xuống đất, chúng ta sẽ có một hàng phố cũ kỹ với những hàng bát quái, mảnh gương và dơi bay một phố từa tựa như phố của kinh kỳ xưa, chắc thế.”
Theo chân Thạch Lam, ‘Hà Nội băm sáu phố phường’ khá phong phú cảnh sinh hoạt của người Hà Nội. Một buổi mai, Thạch Lam theo bà cụ bán xôi bắt đầu đi từ Yên Phụ ‘đội thúng ngô, tay thủ cái áo bông và cất tiếng rao …’, hay theo ‘người bán bánh cuốn Thanh Trì đội mẹt và rổ trên đầu, từng tụm năm, bảy người từ phía Lò Lợn đi vào trong phố, dáng điệu uyển chuyển và nhanh nhẹn’. Một trưa vắng, tác giả ngắm nhìn những người Hà Nội túm tụm ăn bún ốc “Có ai buổi trưa vắng hay buổi đêm khuya, đi qua nhà cô đào, các chị em thanh lâu thấy họ ăn thức ấy một cách chăm chú và tha thiết đến đâu không”. Hay một đêm khuya vắng lặng, trong một con ngõ tối nào đó, Thạch Lam lặng lẽ dõi theo tiếng rao của người bán giầy giò: “Chậm chạp và thong thả, bác hàng quà đi nhẹ như chân ma, thỉnh thoảng cất lên một tiếng rao khe khẽ, ngắn và chóng chìm vào quãng tối. “Giầy giò... giầy giò ...”.” mà thầm thương cảm cho một kiếp người cơ cực.
Với Thạch Lam, Hà Nội dù là những gì nhỏ bé và bình dị nhất, cũng ẩn dấu những nét đẹp riêng. “Những phố cũ, hẹp và khuất khúc, với những nhà thò ra thụt vào, những mái tường đi xuống từng bậc như cầu thang, những cửa sổ gác nhỏ bé và kín đáo” hay “Một ngọn cây hoa nhô ra sau bức tường thấp”, đều khiến Thạch Lam không ngừng ngắm nhìn, không ngừng lắng nghe và cảm nhận. Có lẽ, khả năng cảm nhận và trân trọng vô tận với cuộc sống sinh động ấy, đã tạo nên sự tinh tế tuyệt vời trong những trang viết của tác giả. Thạch Lam tựa như một em bé dễ thương với đôi mắt mở to long lanh, đôi tai lắng nghe chăm chú, tất cả thế giới diệu kỳ ngoài kia và luôn tràn ngập yêu thương với mọi vật.
Đọc văn Thạch Lam, độc giả có cái nhã thú, thong dong ‘của người tản bộ đi chơi, lòng thư thả và mải tìm sự đẹp’, có cái tò mò khi lang thang trong ‘những phố cũ, hẹp và khuất khúc’, và để cùng tác giả ngắm nhìn những ‘ngọn cây hoa nhô ra sau bức tường thấp’.
Thanh Phong
Tháng 9/ 2021
Các phần còn lại:
Chú thích:
(1): Xin được mượn lời các ca khúc viết về Hà Nội:
- Nhớ về Hà Nội của nhạc sỹ Hoàng Hiệp
- Hà Nội ngày trở về, Em ơi Hà Nội phố của nhạc sỹ Phú Quang
- Mong về Hà Nội của nhạc sỹ Dương Thụ
Những tư liệu được trích dẫn trong bài viết:
[1] “Thạch Lam - người nghệ sĩ nặng tình của đất Hà thành”, Thu Hằng, nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn
Những nguồn ảnh sử dụng trong bài viết:
[2] Album ảnh HÀ NỘI 1940 của Harrison Forman, được up bởi thành viên ManhHai trên trang flickr.com.
(các ảnh trong bài viết đã bị giảm kích thước, không được rõ như ảnh gốc)
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất