Hồ Tiền trong ký ức sinh viên Bách Khoa
Lần đầu tiên tôi đến với Bách Khoa, đó là ngày đi thi đại học, điểm ấn tượng nhất của tôi về trường, không phải là chiếc cổng parabol...
Lần đầu tiên tôi đến với Bách Khoa, đó là ngày đi thi đại học, điểm ấn tượng nhất của tôi về trường, không phải là chiếc cổng parabol nổi tiếng, không phải hàng sà cừ cổ kính, và cũng không phải là những giảng đường lớn, cửa gương lâp lánh, bàn ghế trùng điệp. Điểm ấn tượng nhất của tôi về trường - chính là hồ Tiền. Nghe thật buồn cười. Nhưng lại là sự thật. Có lẽ vì tôi thích cá :), hẳn vậy. Cậu ruột đưa tôi đi thi, liếc mắt nhìn tôi cười lém lỉnh:
– Bách Khoa có ao cá kìa, thích nhá!
Nói thế - hóa ra tôi thi vào Bách Khoa chỉ vì cái một cái ao?
Có lẽ, đây là một câu chuyện hơi có tính cá nhân một chút. Lùi lại thời thơ ấu vô tư đã xa, cứ tan học là tôi lại xắn quần, la cà ngoài cánh đồng, để bắt những chú cá bé xíu, rồi lén đem về nuôi trong những chiếc bình nhỏ. Ngày nào về quê ngoại, cũng ôm cần, ngồi riệt ngoài bờ ao từ sáng sớm tinh mơ cho tới chiều muộn, lúc những đàn cá còn mấp máy đớp sương, cho tới khi chúng tung tăng bơi trong ánh chiều tà.
Hồi còn đi học, trường cấp một của tôi, một ngôi trường khang trang, tường vôi trắng tinh, mái tôn xanh ngắt, nhưng không có ao. Trường cấp hai với khoảng sân rộng dưới hàm tràm rì rào, nép mình vào lưng đồi nhấp nhô những ngô, khoai, sắn, xanh mướt, rất đẹp nhưng cũng không có ao. Trường cấp ba có một cây đa thật to, bóng cây che kín cả cái sân lớn, mùa xuân quả rụng vàng rực, lấm tấm đầy dưới lối đi. Trường cấp ba cũng chẳng có ao nốt. Vậy mà trường đại học khối kỹ thuật, toàn là máy móc, phòng thí nghiệm, giảng đường, mà lại có ao. Hay thật!
Hôm ấy, tôi ôm bút thước, máy tính, com pa, cùng các bạn đứng ở ngoài phòng thi, đợi giám thị đánh số và gọi tên. Mắt nhìn cái hồ Tiền xa xa, tai lắng nghe loa đoàn trường phát đi bài giấc mơ trưa, thấy ngôi trường trở nên gần gũi, thân thuộc quá. Suốt buổi thi không cảm thấy hồi hộp chút nào, cảm giác rất giống ở bên bờ ao, bình lặng và yên ổn.
Rồi cuối cùng thì cũng leo vào được cánh cổng đại học. Những ngày đầu tiên đi học, hôm nào cũng đi rõ sớm, chỉ để ngắm mấy con cá tung tăng bơi lội trong nắng mai. Bọn chúng thật giống đồng loại ở quê nhà, sớm nào cũng uống đầy nước và ánh sáng.
Thấm thoát, thế mà 5 năm đại học trôi qua thật mau. Trong những ký ức thỉnh thoảng vẫn vọng lại, nhiều kỷ niệm còn in hình trên bóng nước hồ Tiền. Những lần ôm bụng đói, chạy xô từ giảng đường này qua giảng đường khác, băng qua hồ Tiền. Những lần ôn thi hối hả, tranh luận ầm ỹ với đám bạn trên mặt nước sóng sánh hồ Tiền. Những ngày cuối tuần vào trường ngồi học, trưa nào về cũng đứng lại bên hồ Tiền. Cảm giác về sự tĩnh lặng, êm ả và trong sáng, một ngày mùa thu không người qua lại, hàng liễu đung đưa, áng mây thong dong, và tiếng chim vang vọng giữa không trung, nay vẫn còn rõ nét. Những ngày ngủ lại phòng thí nghiệm, sáng sớm trở về lại ghé qua hồ Tiền một lát, chỉ để được hít hà hơi sương buổi mai lành lạnh, tinh khiết.
Sau này, những khi có dịp đi qua Bách Khoa vào cuối tuần, tôi lại ghé qua hồ Tiền. Trong khung cảnh vắng vẻ, bên mặt hồ lặng sóng, tôi như lại được nhìn thấy những hình ảnh đã qua. Ở hành lang nhà D6, bóng dáng những người bạn đang trò truyện trong giờ ra chơi. Vẳng đâu đó những âm thanh quyen thuộc “tao chẳng hiểu học cái môn này để làm gì”, “Thế bao giờ thi nhở”, “Chết rồi, thi đến nơi mà tao chẳng hiểu gì cả”, “Học xong cậu ở lại Hà Nội hay về quê?” …Ở dãy nhà D8, những bàn ghế ngay ngắn, còn bóng dáng của các anh chị khoa cơ khí cùng thước kẻ, bút chì đang loay hoay bên tờ giấy A0 to bản với đủ các loại hình vẽ máy móc. Nhà D9 với những phòng điều hòa cánh sinh viên trọ xa hay vào ngủ trưa để đợi học buổi chiều. Những giảng đường to, những cửa sổ lớn, dãy bàn dài là địa điểm lý tưởng mà những sinh viên cần mẫn, vẫn thường vào học trong những ngày nghỉ cuối tuần. Thư viện Tạ Quang Bửu soi bóng xuống hồ trầm mặc. Trong thư viện có những phòng đọc rộng, và khung cửa lớn, mở ra bầu trời bao la. Ở đó, những đêm yên tĩnh các bạn ký túc thường vào đọc sách, không gian như đặc lại bởi những bước chân rón rén, tiếng lật sách rột roạt và những khuân mặt suy tư.
Hồ Tiền thì còn nhiều thứ đẹp nữa, chỉ có cái tên là không được đẹp mà thôi. Sau này tôi có viết mấy dòng để trâm biếm cái tên ấy (tuy nhiên về sau nữa, tôi mới biết đó là một hiểu lầm ngốc nghếch).
Bách Khoa có một hồ Tiền
Tiền đâu chẳng thấy, toàn phiền người ta
Anh em tan lớp D3
Muốn sang D8 phải qua hồ Tiền
Chuông reo D6 vang rền
D5 tiết tới, hồ Tiền băng qua
Nhà C thí nghiệm đi ra
Trở về D9 lại qua hồ Tiền
Hồ Tiền! hồ Tiền! hồ Tiền!
Tiền đâu chẳng thấy, toàn phiền người ta!
Nói vui vậy, chứ hồ Tiền lúc nào cũng có vị trí đặc biệt trong tâm hồn mỗi sinh viên Bách Khoa, dù là đang ngồi trong giảng trường hay là đã ở ngoài công trường đi nữa. Trong điều kiện nhiều ao hồ Hà Nội đang lần lượt bị bức tử như hiện nay, hi vọng hồ Tiền lúc nào cũng đầy nước, lung linh soi bóng những tâm hồn Bách Khoa bay bổng.
Thanh Phong
Đăng lại 1 bài viết cũ - 08/10/2016
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất