Bách Khoa và Bách Thảo
Ngày nọ, một người bạn của tôi, khi vừa mới bước chân vào trường, đã phán ngay một câu:...
Ngày nọ, một người bạn của tôi, khi vừa mới bước chân vào trường, đã phán ngay một câu:
- Trường Bách Khoa bọn cậu nhiều chim thật đấy !
Uh, cái này thì khỏi phải bàn, bạn nào đến trường trong những ngày cuối tuần, ngày nghỉ thì rõ, không gian yên tĩnh, tiếng chim ríu rít rất vui. Ngoài ra, với ai hay đi học sớm, hoặc ở lại phòng thí nghiệm qua đêm, thì cũng phải công nhận rằng, sáng sớm tiếng chim còn rộn ràng, ầm ỹ đến điếc tai nữa kia.
Sau đó, bạn này cũng hồn nhiên tặng luôn thêm một câu nữa:
– Bách Khoa có khi chuyển thành Bách Thú được !
– E..e hè..è..m! cậu bảo ai là bách thú đấy!
Nói vui vậy, chứ Bách Khoa không những có thể trở thành Bách Thú, mà còn có thể trở thành Bách Thảo được nữa kia. Trong trường có rất nhiều cây xanh. Những hàng xà cừ, hàng sấu cổ kính đã làm nên những nét rất riêng cho trường. Dãy phòng thí nghiệm bên hành lang xanh ngắt những tán cây, những con đường tĩnh lặng, rợp bóng mát, tỏa ra một không khí thật thanh tịnh, hàn lâm và trang nghiêm.
Ai có dịp đến trường đầu năm mà không khỏi suýt xoa trước từng tràng hoa sưa rụng trắng tinh lối vào nhà gửi xe C5, những ngày xuân mưa phùn lất phất. Ai ra khỏi trường mà lại không nhớ hàng bằng lăng tím ngắt đường vào ký túc B8, những ngày hè ồn ã tiếng ve. Đối với tôi, đó còn là cửa sổ phòng thí nghiệm HiTech với những bông hoa gạo rực rỡ tháng ba. Trong giấc mơ, thỉnh thoảng vẫn chập chờn khung cửa giảng đường, với những tia nắng vàng óng ả, hắt qua tán xà cừ lấp lánh.
Những cây xanh trong trường đâu chỉ là những nét vẽ, những gam mầu để tô điểm thêm. Ẩn sâu trong những tán cây ấy, là ký ức, là tâm hồn của những cư dân Bách Khoa trong suốt 5 năm gắn bó. Dưới tán bằng lăng rậm rạp khu nhà kho D8, ai đó đang hì hụi viết lách, tính toán. Bên khung của sổ rực rỡ hoa phượng D6, bạn nào đương bóp trán suy tư. Gốc đa cổ kính bên hồ Tiền là địa điểm quyen thuộc, nhiều nhóm sinh viên hay hội họp trong những ngày ôn thi. Nhà nấm dưới tán lá xanh um, là quán nước với bao chuyện vui buồn của bạn bè trước giờ “lên thớt”. Khuân viên sau C2 có gốc cây xà cừ xù xì, già nua, những hàng tre rì rào là cả một Hoa Quả Sơn của đoàn thanh niên, văng vẳng tiếng ghi ta, tiếng cười trong trẻo. Những cây xoài sai quả, như còn đó hình ảnh bác bảo vệ đứng đợi – vài cậu sinh viên tụt xuống – dưới gốc cây.
Và còn đó rất rất nhiều nữa, là những con đường rợp lá phượng bay trong gió xôn xao lối vào cổng Parabol. Những hành lang ngan ngát hương hoàng lan, buổi chiều thu nắng vàng óng ả. Và có cả những cây mà tôi cũng chẳng hề biết tên, thân cây cao lớn, chiếc lá to bản như chiếc quạt nan. Mỗi lần đi qua, làm tôi đều nghĩ tới dãy Trường Sơn hùng vĩ, bao la, nơi đã ghi dấu chân bao sinh viên Bách Khoa xếp bút nghiên lên đường cứu nước. Có lẽ cây ấy được mang về từ đó …
Đúng vậy, Bách Khoa không chỉ đẹp bởi những con người, những căn phòng, những giảng đường, … mà còn bởi rất nhiều cây xanh ở nhiều chủng loại khác nhau.
Hà Nội, những năm trước đây từng rộ lên phòng trào chặt cây:
“Mùa mưa là dịp chặt cây
Chặt cho phố xá như cầy trụi lông”
Nhiều con đường đẹp đẽ dưới tán cây đã biến mất sau phong trào ấy, khiến tôi cũng lo cho số phận những cây xanh trong trường. Nghe các anh khóa trên nói, trước đây trường mình còn nhiều cây xanh hơn cơ, nhất là khu vực ở trước C9, nhưng sau đó đã bị chặt đi để có chỗ tổ chức hội trại. Ừ thì những cây xà cừ này hi sinh vì nghĩa lớn, đây là vinh dự của các đồng chí ấy. Mong rằng, trong tương lai sẽ không còn có đồng chí nào phải hi sinh thêm nữa. Để Bách Khoa sẽ mãi mãi là ngôi trường xanh tươi, trong cảnh quan và trong những tâm hồn tươi trẻ.
Thanh Phong
Đăng lại 1 bài viết cũ - 13/10/2016
Một số hình ảnh về cây xanh Bách Khoa:
Nguồn ảnh trích dẫn:
Cuối bài viết có trích dẫn một số hình ảnh tại link: https://www.youtube.com/watch?v=BxiLZgBZDJY
Tuy nhiên hình ảnh tại link này có lẽ cũng được cóp nhặt từ nhiều nguồn. Vì vậy, bạn nào biết chính xác tác giả và nguồn tư liệu của những ảnh này, xin hãy đóng góp ý kiến. Mình sẽ sửa lại cho đúng.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất