Tóm tắt: Tư tưởng về con người của Teilhard đã mở ra tri thức mới về triết học tự nhiên cũng như triết học về cá nhân và xã hội. Ông đã mạnh dạn thay đổi tư duy cũ về nguồn gốc của con người bằng việc đặt luận giải về con người nằm trên Kitô theo luận điểm “Tiến hóa luận”.
Ảnh: Lê Diễm Diễm
Ảnh: Lê Diễm Diễm

Phần 1: Bối cảnh chung

Bối cảnh kinh tế, xã hội, chính trị 

Từ cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản đã chuyển từ tự do cạnh tranh sang giai đoạn độc quyền. Các nước đế quốc bên trong thì bóc lột nhân dân lao động, bên ngoài thì tăng cường áp bức nhân dân thuộc địa. Mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa thực dân ngày càng gay gắt, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra sôi nổi ở các nước thuộc địa. Trong khi đó, tình hình nước Pháp cũng có nhiều biến động. 
Về chính trị - xã hội
Nền cộng hòa Pháp thường xuyên ở trong tình trạng khủng hoảng nội các và các vụ bê bối chính trị, nạn hối lộ, tham nhũng tràn lan trong chính phủ. Đến những thập niên cuối của thế kỷ XIX, Pháp ráo riết chạy đua vũ trang để trả thù Đức và thực hiện các cuộc xâm chiếm thuộc địa ở châu Á và châu Phi. 
Về kinh tế - xã hội
Do thất bại trong chiến tranh Pháp - Phổ và chủ trương coi trọng xuất cảng tư bản cũng như không đầu tư nhiều cho nền công nghiệp trong nước, đã khiến nền kinh tế Pháp phát triển chậm lại vào những thập niên cuối của thế kỷ XIX. Nông nghiệp thì phát triển chậm lại và đất đai bị chia nhỏ. Còn công nghiệp chủ nghĩa tư bản đầu thế kỷ XX đã chuyển từ tự do cạnh tranh sang giai đoạn độc quyền, từng bước chi phối đời sống kinh tế Pháp. 
Trong khi đó, thành tựu khoa học kỹ thuật của các nước tư bản những năm 30 cuối thế kỷ XIX đạt đến trình độ phát triển cao. Những phát minh trong các lĩnh vực như sinh học, vật lý, hóa học đã nâng bước con người khám phá được nguồn năng lượng vô tận của thiên nhiên. 
Những điều kiện về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, kỹ thuật của thế giới nói chung và nước Pháp nói riêng đã góp phần tác động vào tư tưởng của Teilhard, thôi thúc ông tìm hiểu về con người, về Hiện tượng con người và giải phóng họ khỏi những xiềng xích và khổ cực. 

Đôi nét về Teilhard de Chardin

Teilhard de Chardin không những là nhà khảo cổ sinh vật học nổi tiếng với việc tham gia vào khám phá vượn Bắc Kinh năm 1929, ông còn là một nhà nghiên cứu triết học và thần học người Pháp. Do đó, tư tưởng của ông về con người còn bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng của những nhà nghiên cứu trước đó. 
Một trong những học thuyết ảnh hưởng đến tư tưởng về con người của Teilhard là học thuyết tế bào. Đây là học thuyết khoa học mô tả các tính chất của tế bào cũng như giải thích nguồn gốc của sự sống bắt đầu từ các tế bào. Học thuyết này cho thấy tính thống nhất của sinh giới và cũng là tiền đề để học thuyết tiến hóa của Darwin ra đời. 
Theo đó, thuyết Darwin cho rằng, mọi loài sinh vật ra không phải do Chúa sinh ra mà xuất hiện và phát triển nhờ quá trình chọn lọc tự nhiên. Thêm vào đó, sống trong thời đại phong trào giải phóng con người và xã hội đang phát triển, tư tưởng của Teilhard cũng chịu ảnh hưởng phần nào từ tư tưởng của Mác về học thuyết khoa học và cách mạng về con người, về mối quan hệ giữa con người - tự nhiên - xã hội, về sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng xã hội cũng như sự phát triển toàn diện của con người (Đặng Hữu Toàn, 2018). Hơn nữa, với tư cách là một linh mục Dòng Tên nên Teilhard ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng của những giáo sĩ thời Phục hưng như Luther hay Erasmus. Ảnh hưởng về tư tưởng khi họ đề xuất cải cách Giáo hội dựa trên Tân Ước theo khuynh hướng của chủ nghĩa nhân văn để từ đó nổ ra sự Kháng Cách cũng như những cuộc tranh cãi và tranh chấp tôn giáo đương thời. 
Kế thừa những học thuyết đó, Teilhard đã có những luận giải về con người theo luận điểm “Tiến hóa luận”: sự tiến hóa qua quá trình lâu dài đi từ tế bào đến nhận thức của con người.

Về cuốn sách Hiện tượng con người của Teilhard de Chardin

Nội dung tư tưởng về con người của Teilhard de Chardin được thể hệ rõ trong toàn bộ cuốn sách Le Phénomène humain (Hiện tượng con người) của ông. Xuyên suốt tác phẩm là những chứng cứ luận giải về con người theo luận điểm “Tiến hóa luận”. 
Khi nhắc đến thuyết Tiến hóa, người ta thường nghĩ ngay đến Charles Darwin. Tuy nhiên, Darwin không phải là người đầu tiên hay duy nhất quan tâm đến vấn đề này. Trong cuốn Nguồn gốc các loài, có thể thấy, Darwin không nói đến nguồn gốc Con người mà chỉ đưa ra nhận định: “Rồi ánh sáng sẽ soi sáng nguồn gốc và lịch sử của con người”. Nhưng nếu đọc cuốn sách này, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng, thuyết Tiến hóa của ông áp dụng được trong trường hợp của loài người. Đây là điều mà Darwin gặp rắc rối vì vấp phải sự chống đối từ những người tin rằng, Chúa tạo ra con người. 
Cho đến khi tác phẩm Hiện tượng con người ra đời với sự dày công nghiên cứu của Teilhard, thuyết Tiến hóa đã được kế thừa theo cách của một nhà cổ sinh vật học. Nhờ đó, vấn đề tiến hóa của con người được trình bày rõ ràng hơn và thuyết phục hơn với những minh chứng từ nhiều ngành khoa học. 
<i>Ảnh: Lê Diễm Diễm</i>
Ảnh: Lê Diễm Diễm

Phần 2: Hiện tượng con người dưới góc nhìn của Teilhard de Chardin

Triết học về tự nhiên, siêu hình học về Oméga

Là một nhà cổ sinh vật học, Teilhard đã căn cứ vào các yếu tố về địa chất học, cổ sinh học và cổ nhân học để xác định rằng vũ trụ không phải là một trật tự mà trải qua quá trình lâu dài và biến đổi liên tục từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp: từ Tiền sinh tới mầm sống đầu tiên cho đến khi con người xuất hiện cùng với sự ra đời của tư duy và cuối cùng là sự sống siêu việt (Bùi Đăng Duy, Nguyễn Tiến Dũng, 2005, p. 289). 
Do vậy, lý thuyết tiến hóa của ông là chìa khóa để chứng minh được bản chất và xu hướng phát triển của vũ trụ. Quá trình tiến hóa đó bắt đầu từ Sự tiền sinh bởi những dạng vật chất cơ bản thống nhất với nhau về mặt cấu trúc, trọng lượng và cách hoạt động mặc dù chúng có tính đa nguyên. Do đó, Vũ trụ cũng là một thể thống nhất có hệ thống và là một lượng tử bởi năng lượng của mình. Cũng như nguyên tử là “hạt tự nhiên” của Vật chất không có tổ chức thì tế bào là “hạt tự nhiên” của Sự sống (Teilhard de Chardin, 2014, p. 110). Sự chuyển tiếp từ Hạt Vật chất đến Hạt Sự sống là một quá trình lâu dài và liên tục biến đổi. 
Chính những điểm khởi đầu của Sự sống có tổ chức, tức là lúc xuất hiện tế bào và với năng lực sinh sôi nảy nở của “Trái Đất non trẻ” đã giúp sự sống lan rộng hơn và tiến hóa hơn. Cột mốc đánh dấu thời đại mới của sự tiến hóa này chính là sự xuất hiện của con người và nhờ sức mạnh của nhận thức mà con người đã được nâng lên một tầm cao mới. Như vậy, cũng có thể nói, con người là đỉnh cao của sự tiến hóa. Trong đó, tiêu chí để đánh giá sự tiến hóa của cơ thể bậc cao là trình độ của bộ não và bộ não con người hoàn thiện hơn so với con vật. Bởi vì, trong khi hệ thống thần kinh và bản năng ở động vật lớp Thú khác dần tăng trưởng nhưng bị hạn chế và bị ngừng lại bởi những phân dị thứ yếu, thì ở bộ Linh trưởng, sự tiến hóa đã đạt đến hướng ý thức cao nhất (Teilhard de Chardin, 2014, p. 262). 
Tuy nhiên, tại đây lại xuất hiện một nghịch lý gây bối rối cho chúng ta khi mà “khoảng cách hình thái học giữa con người và khỉ giống người là không giống nhau nhưng con người lại khác động vật ấy” (Lời người dịch). 
Chúng ta có thể truy xét về thời đại Tiền sinh, khi mà kết cấu vật chất của Vũ trụ là một thể thống nhất về mặt cấu trúc, trọng lượng, cách hoạt động và không thể chia cắt được. Từ sự tiến hóa đó, con người cũng có kết cấu giống con vật về mặt giải phẫu học, nhưng điều làm cho con người là đỉnh cao của sự tiến hóa đó chính là sự đi lên của ý thức. Mà Sự sống chính là sự tự đi lên của ý thức (Teilhard de Chardin, 2014, p. 251). Theo ông thì “Tâm thần của con người khác một cách đặc thù với tâm thần của các sinh vật xuất hiện trước con người”. Sự khác biệt đó có được là nhờ sự phản tư. Có thể hiểu phản tư như một năng lực tự quay về bản thân không chỉ để nhận thức mà còn biết và biết rằng mình biết (Teilhard de Chardin, 2014, p. 270). Trong khi đó, con vật không đạt đến sự phản tư. Con vật biết, nhưng chắc chắn nó không biết rằng mình biết. Do đó, con người không những khác con vật mà còn là một sinh vật khác. Chính sự tiến đến năng lực phản tư này đã biểu lộ ra hình thức đặc biệt và tới hạn của biến đổi để làm nên sự siêu-sáng-tạo hay sự-tái-sinh cho Sự sống (Teilhard de Chardin, 2014, p. 273). Để đi đến sự phản tư trong con người, Sự sống đã cần chuẩn bị trong thời gian dài và có sự liên kết của nhiều nhân tố. Như vậy, có hai điểm kỳ diệu đã xuất hiện: quá trình tiến hóa tạo ra mầm sống đầu tiên: điểm sinh hóa; sự xuất hiện của con người: điểm nhân hóa. Hai điểm kỳ diệu này đã góp phần thay đổi bộ mặt phát triển của Vũ trụ cũng như là điều kiện để Sự sống trên Trái đất đánh dấu sự thay đổi lớn.
Trở lại để xem xét về cấu tạo của Trái đất. Chúng ta từ lâu đã được thống nhất công nhận hành tinh này được cấu tạo theo đới. Trong đó, Kim quyển có kim loại nằm giữa, được bao bọc bởi Thạch quyển, phía trên là Thủy quyển và Khí quyển, còn Sinh quyển là sự đan xen bởi hệ thực vật và hệ động vật của Trái đất (Teilhard de Chardin, 2014, p. 303). Tuy nhiên, chính sự phát triển của trí tuệ con người đã có tác động ngày càng mạnh mẽ đến sự tồn tại và phát triển của Trái đất. Tư duy hình thành và đã vượt lên trên mọi hình thức khác của sự sống. Cũng tức là Tinh thần đan kết với nhau tạo thành một tầng quyển mới: Tuệ quyển (noosphere) (Teilhard de Chardin, 2014, p. 319). Bởi vì “sự sống khi được đưa đến cấp độ có tư duy, về cấu trúc, sẽ không thể tiếp diễn mà không đòi hỏi vươn lên cao hơn mãi” (Teilhard de Chardin, 2014, p. 399). Tuy nhiên, Teilhard tin rằng, con người vẫn chưa biết hết được giới hạn về khả năng tư duy và sáng tạo của mình. Do đó, tư tưởng về Tuệ quyển đã dẫn chúng ta đến viễn cảnh Người sau khi nhìn thấy sự tiến hóa của chính mình
Vậy sự tiến hóa theo quan điểm của Teilhard cuối cùng rồi sẽ đi về đâu? Nó sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa hay sẽ rơi vào một điểm vô cực tối tăm và đầy bế tắc? 
Về mặt thần học, ông cho rằng, cuối con đường ấy, tức là mắt xích cuối cùng, đỉnh điểm tột cùng của tiến hóa chính là “điểm Oméga” - là một trạng thái nhận thức tối cao, là Chúa (God). Khi đó, các tầng thức về nhận thức sẽ hòa quyện trong nhau và mỗi khía cạnh cá nhân của nhận thức sẽ tiếp tục ý thức về bản thân nó vào cuối quá trình này. 
Có thể nói, sự tiến hóa theo Teilhard bắt đầu từ một điểm xác định là “điểm Alpha” đến những điểm trong quá trình phát triển thế giới là: giới tự nhiên vô cơ (Tiền Sự sống: thạch quyển), vật chất hữu cơ (Sự sống: sinh quyển), thế giới tinh thần (tư tưởng: tuệ quyển) và Chúa (“điểm Oméga”). Trong đó, con người là một thực thể có ý thức, tồn tại hướng đến Chúa và Chúa thể hiện với tư cách như là mục đích tối hậu của sự phát triển của thế giới (Nguyễn Vũ Hảo, 2016, p. 391). Như vậy, theo Teilhard thì điểm Oméga là nơi dung hợp của Vũ trụ Kito, là nơi sinh thành của Vũ trụ cũng là nơi xuống thế của Kito. Có nghĩa là Teilhard đã đặt luận giải về con người theo “Tiến hóa luận” lên trên Kito và Oméga là nơi hội tụ giữa thần thánh và tự nhiên, là “đỉnh” gặp gỡ giữa con người và vũ trụ. Quan điểm này có thể hiểu như “sự hòa tan” Chúa vào thế giới tương tự như tư tưởng của Bruno ở thời đại Phục hưng. 
<i>Ảnh: Lê Diễm Diễm</i>
Ảnh: Lê Diễm Diễm
Vậy nếu tiến hóa đang dẫn dắt thì vai trò của Chúa là gì và nằm ở đâu? 
Quan điểm Oméga đã lộ ra quan điểm Phiếm thần luận và tư tưởng này của ông đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ phía Giáo hội bởi sự đồng nhất hai sự sinh thành này. Quan điểm này đã khiến ông bị kết án là tà giáo khi mà mọi học sinh Công giáo đều được dạy rằng, Đức Chúa Trời là bất biến. 
Nếu xem xét theo suốt chiều dài của sự tiến hóa, chúng ta có thể nhận thấy Vũ trụ là hiện tượng thời gian. Hiện tượng thời gian ở đây được hiểu là vũ trụ tiến hóa theo chuyển động của thời gian và chúng ta vẫn đang sống trong vũ trụ đang hình thành và chưa hoàn thành. Nút thắt của vấn đề nằm ở chỗ “tham số của tính phức tạp tăng lên” hay là tình trạng ngày càng phức tạp hơn của vật chất (Bùi Đăng Duy, 2014, p. 131). Từ đó, chúng ta biết được sự vận động không phải là “đường cong hình sin đi lên mà là một đường xoắn bắn lên theo hình đinh ốc”, “một cái gì đó đang diễn ra và tăng lên không ngừng, bằng những cú kéo giật, theo cùng một hướng” (Teilhard de Chardin, 2014, p. 240). Những biểu hiện của sự tăng lên không ngừng ấy thông qua những biểu hiện là “sự tiến hóa của các đơn chất qua phóng xạ, - sự phân tách granit của các lục địa, - và có thể cả sự cô lập của các lớp vỏ bên trong của Trái đất; và còn nhiều sự biến đổi khác ngoài vận động cốt yếu, hẳn tạo nên một điệu nhạc liên tục, theo những nhịp điệu của Trái đất” (Teilhard de Chardin, 2014, p. 241). Sự tiến hóa ấy, cùng với ý thức, theo thời gian đã dẫn đến mắt xích cuối cùng trong quá trình tiến hóa chính là điểm Oméga, với tư tưởng về Phiếm thần luận đã giải thích ở trên.
<i>Chiều hướng tiến hóa trong tự nhiên</i>
Chiều hướng tiến hóa trong tự nhiên
Có thể coi triết học về cá nhân và xã hội của Teilhard gắn liền với chủ nghĩa nhân đạo. Vì những băn khoăn, những trăn trở của ông được thể hiện trong tác phẩm Hiện tượng con người chính là minh chứng cho điều này. Ở cuối phần Dẫn nhập, tác giả có khẳng định rằng: Con người không phải là tâm điểm tĩnh của Thế giới, - như từ lâu họ vẫn nghĩ; mà Con người là trục và hướng của sự tiến hóa. Do đó, con người luôn có tầm quan trọng và là đối tượng mà Teilhard quan tâm đặc biệt. Như đã phân tích ở trên, nhờ có ý thức mà con người đã tạo nên nền văn hóa trên Trái đất. Một tiến bộ khác trong thuyết tiến hóa của Teilhard là sự xã hội hóa của loài người. 
Theo ông, con người trưởng thành trong sự đồng quy của các nhóm trên cơ sở của sự hòa hợp tinh thần, toàn cầu hóa, không kỳ thị chủng tộc, màu da, tôn giáo,… còn động vật thì bị chi phối bởi một quá trình chia rẽ (Bùi Đăng Duy, 2014, p. 134). Như vậy, có thể thấy, đây không phải là chiến thắng của bản năng bầy đàn mà là sự hội tụ văn hóa của nhân loại đối với một xã hội duy nhất. Sự tiến hóa ấy đã đi xa như nó có thể để hoàn thiện con người về mặt thể chất, đó là xã hội. Teilhard đã có thể nhìn thấy trước sự tiến hóa như vậy và ngày càng có nhiều liên kết được thiết lập giữa chính trị, kinh tế và thói quen tư tưởng của những người khác nhau trong một tiến trình rõ ràng (The Editors of Encyclopaedia Britannica, n.d.). 
Chính vì vậy, ông khẳng định, sự xã hội hóa thể hiện trình độ của nhân loại và nó cũng là điều kiện cần thiết để hình thành văn hóa. Trong đó, lao động là hành động tạo ra trí quyển (tức nền văn hóa). Văn hóa cũng chính là kết quả của sự tổng hợp, tập trung của các dân tộc trên thế giới. Qua đó, ông cho thấy những lợi ích khi con người hợp sức lại để giúp thế giới tốt đẹp hơn thông qua việc sáng tạo khoa học kỹ thuật và có cả những thảm họa nếu những hành động ấy đi chệch hướng (Bùi Đăng Duy, 2014, p. 136). Ông cũng nhìn thấy được sự ảnh hưởng của kinh tế tới sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và khoa học kỹ thuật cũng có tác động mạnh mẽ đến xã hội hóa. Do đó, việc xây dựng một cuộc sống hài hòa đòi hỏi sự thống nhất quyền năng của con người và lao động là nhân tố tích cực giúp tạo ra khả năng để đạt được mục đích cao cả. Cho nên, phải tôn trọng lao động vì nó tích lũy nền tảng vật chất cho văn hóa. 
Teilhard còn thể hiện tư tưởng nhân văn qua những quan điểm của mình và thẳng thắn phê phán chủ nghĩa vị kỷ khi ông nhận thấy rằng, con người đang có xu hướng tách ra để “đơn độc” hơn, để tồn tại nhiều hơn và bắt đầu sống cho bản thân nhiều hơn. Có một giáo lý về “sự tiến bộ về sự cô lập” đang thôi miên loài người: Chủ nghĩa Chủng tộc. Sự phân biệt chủng tộc thể hiện một sự “ích kỷ tập thể”, phô diễn sức mạnh mà không hề biết rằng, những kẻ yếu là nguồn gốc để tạo nên “khối đông đảo không thù hình” mà họ đang khinh miệt. Ông lập luận rằng, “chúng ta chỉ có thể tìm thấy con người mình bằng cách hợp nhất với nhau” (Teilhard de Chardin, 2014, p. 453). Theo ông, nguyên tắc bình đẳng còn thể hiện ở lý luận về đạo lý (tĩnh và động). Trong đó, đạo lý động mới là đạo lý đích thực giúp nhân cách của con người đạt được trình độ phổ quát trong việc tiếp xúc với các nhân cách khác, thông qua tình yêu. Bàn về tình yêu, Teilhard cho rằng, thông thường, chúng ta chỉ xét tình yêu về mặt tình cảm, những cảm xúc như những niềm vui hay nỗi đau mà tình yêu gây ra; còn ông nghiên cứu tình yêu trong tính động tự nhiên và trong ý nghĩa tiến hóa của nó để xác định những pha tối hậu của Hiện tượng con người (Teilhard de Chardin, 2014, pp. 454-455). Tình yêu của Teilhard không chỉ là tình yêu nam nữ mà còn là tình yêu giữa con người với con người. Nó như một thứ sức mạnh, là năng lượng, như là một tia sáng giúp con người nhìn rõ hơn và giúp kết nối con người lại với nhau. “Tình yêu cũng chính là chức năng vũ trụ của điểm Oméga”.
Mặc dù con người vẫn còn đang ngụp lặn trong những nỗi bất an của hiện tại, trong những lo lắng và bối rối, về vũ trụ, về xã hội, về mọi thứ xung quanh con người và thậm chí là chính bản thân con người. Tuy nhiên, chính do bị Sự sống thúc đẩy mà con người buộc phải chọn lựa một hướng đi chứ không thể dừng lại để chờ đợi. Bởi vì con người không hề đơn độc và đang sống trong ba chiều, đó là chiều vô cùng rộng, chiều vô cùng hẹp và chiều Oméga. 
Vậy hướng đi đúng đắn cho con người là gì?
Thứ nhất, “trong tương lai, có không chỉ sự sống sót mà Sự sống siêu việt cho chúng ta, dưới một hình thức nào đó, ít nhất mang tính tập thể”. (Có nghĩa là chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi và chứng kiến những sự thay đổi to lớn đến với loài người trong tương lai).
Thứ hai, “để hình dung, khám phá và đạt đến hình thức tồn tại cao cấp này, chúng ta chỉ cần suy nghĩ và vận động, ngày càng nhiều hơn nữa và theo hướng của những con đường đạt đến độ mạch lạc tối đa mà sự Tiến hóa đã từng đi qua”.
Do đó, như đã trình bày ở trên, con người vẫn chưa biết hết được giới hạn về khả năng tư duy và sáng tạo của mình. Đối với Albert Camus, trong tác phẩm L’Homme révolté (Người nổi loạn, 1951), ông miêu tả con người cảm nhận được mọi phi lý của cuộc sống, luôn muốn chống lại nỗi khổ của kiếp người như tất cả đều vô ích, đều là công “dã tràng”. Trong khi đó, Teilhard tin rằng, năng lực của con người là vô hạn và con người có khả năng biến đổi thế giới, nếu họ biết hợp lực, thông qua lao động, những thành tựu về khoa học kỹ thuật, sự phát triển của internet toàn cầu,… sẽ giúp thúc đẩy xã hội phát triển và thế giới sẽ biến đổi một ngày không xa, theo hướng tích cực.  

Quan điểm về con người của các triết gia từ xưa đến nay

Như vậy, có thể thấy, triết học Hy Lạp cổ đại đề cập đến con người và số phận con người với những quan điểm khác nhau như: Socrates kêu gọi con người nhận thức chính mình; Heraclitus cho rằng con người được hòa đồng vào chỉnh thể thống nhất của vũ trụ mà không có sự tha hóa của con người trong khối chỉnh thể ấy; còn Pythagoras đề cao quyền lực thần thánh và khuyên con người và khuyên con người tìm hưởng lạc ở bên ngoài do thần thánh mang lại. Nhìn chung, triết học Hy Lạp cổ đại đều cho mục tiêu cao quý của con người là chinh phục tự nhiên để quay lại phục vụ chính mình và con người. Trong đó, vẫn đảm bảo có quan hệ tích cực với thiên nhiên, thể hiện tinh thần vươn lên làm chủ tự nhiên. 
Trong nền triết học phương Tây hiện đại, nhiều trào lưu triết học vẫn coi con người là vấn đề trung tâm của những suy tư triết học mà tiêu biểu là chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa Freud. Đến Mác thì vấn đề con người đã được tiếp cận với phương pháp hiện thực nhằm giải phóng con người thông qua quan niệm duy vật biện chứng của triết học Mác - Lênin. Trong khi đó, vấn đề con người của Teilhard được tiếp cận theo một hướng khác hơn, dưới con mắt của một nhà cổ sinh vật học. Theo đó, ông cho rằng, con người là tâm điểm của hướng nhìn, đồng thời là tâm điểm trong kết cấu của Vũ trụ (Teilhard de Chardin, 2014, p. 27). Ông đặt con người trong sự tiến hóa chung với sự tiến lên không ngừng của thế giới và cuối cùng thì hội tụ về một điểm gọi là điểm Oméga. Ông cũng khẳng định rằng, “Con người không phải là tâm điểm tĩnh của thế giới,- như từ lâu họ vẫn nghĩ vậy; mà Con người là trục và hướng của sự tiến hóa” (Teilhard de Chardin, 2014, p.34). Do vậy, Teilhard coi con người là vị trí trung tâm của sự tiến hóa để giải thích cho Hiện tượng con người. 

Tổng kết

Như vậy, theo Teilhard, bản chất của hiện tượng con người là quá trình lâu dài đi từ Sự Tiền sinh (điểm Alpha) đến Tột đỉnh của Vũ trụ (Điểm Oméga) và ông luận giải những chứng cứ của mình bằng những khám phá của nhiều ngành khoa học để lùi xa nhất trục thời gian nhằm tìm ra con đường tiến hóa của Con người. Thực chất tư tưởng của Teilhard là mô tả sự tiến hóa của con người trong sự tiến hóa chung không khác các loài khác, bằng cách thích nghi và cạnh tranh sinh tồn. Tuy nhiên, sự tiến hóa ấy không chỉ dừng lại ở mặt sinh học mà ngày càng phát triển hơn nữa, về mặt ý thức, tác động lên Con người, hình thành nên Tư duy chỉ có riêng ở con người và sự tiến hóa ấy đạt đến mắt xích cuối cùng là “điểm Oméga”. Như vậy, có thể thấy, tư tưởng của Teilhard về con người chính là quá trình tiến hóa lâu dài chứ không phải là do Chúa tạo ra. Chính quan điểm đi ngược lại với Thuyết Sáng thế đã buộc tội ông mặc dù ông là một linh mục Dòng Tên và là một nhà thần học. 
Có thể hình dung ảnh hưởng quan trọng của Hiện tượng con người đối với tư duy của con người trong thế giới hiện đại. Bằng những kiến thức khoa học uyên bác cùng với cảm thức tôn giáo chuyên sâu, Teilhard đã luận giải về hiện tượng con người một cách nghiêm túc và đầy đủ bằng chứng thuyết phục. Bằng những luận giải của mình, Teilhard đã thành công khi buộc các nhà thần học phải xem xét lại tư tưởng của họ trong vấn đề tiến hóa của con người. Nhờ đó, ông đã mở ra một luồng sáng mới trong tri thức của nhân loại về sự tiến hóa của chính mình. Những tư tưởng của ông có ảnh hưởng đáng kể đối với học thuyết đạo đức - xã hội hiện đại của Kitô giáo, đặc biệt là việc xây dựng mô hình tương lai của loài người. Thêm vào đó, cái hay của Teilhard là ở chỗ, lý thuyết của ông chứa đựng một sự thỏa hiệp rất lớn trên phương diện triết học. Đó là những người có tinh thần tôn giáo không thể quay lưng lại với tự nhiên, còn những người theo quan điểm duy vật cũng không thể từ chối tầm quan trọng của yếu tố tâm linh và tôn giáo. 
Như vậy, tư tưởng về con người của Teilhard không những bổ sung nội dung tư tưởng về con người mà các nhà triết học trước đó chưa bàn tới mà còn làm phong phú nội dung cũng như minh chứng cho những vấn đề hiện đại đang thiếu hụt. Hơn nữa, tư tưởng của ông còn để lại cho nền triết học sau này nguồn tri thức chất lượng và đáng tin cậy với những bằng chứng của nhiều ngành khoa học. 
Đối với người Việt Nam hiện nay, triết học phương Tây nói chung và tư tưởng về con người của Teilhard nói riêng đều được tiếp thu một cách có chọn lọc trong quá trình toàn cầu hóa như hiện nay. Từ đó, những tư tưởng này góp phần giúp Việt Nam hội nhập nhanh chóng với thế giới, phát huy hết sức mạnh trí tuệ cũng như khả năng của chính mình.
Lê Diễm Diễm
Lưu ý: 
- Bài viết giải thích vấn đề con người dưới góc nhìn của Teilhard de Chardin trong cuốn sách “Hiện tượng con người”, không đồng nhất với góc nhìn của tác giả bài viết này là mình.
- Chúa được nhắc đến ở đây mang nghĩa là Thượng đế, là Đấng Tối cao, là God. 
Tài liệu tham khảo
1. The Editors of Encyclopaedia Britannica. (không ngày tháng). https://www.britannica.com. Được truy lục từ Pierre Teilhard de Chardin: https://www.britannica.com/biography/Pierre-Teilhard-de-Chardin
2. Bùi Đăng Duy. (2014). Triết học hiện đại Pháp - Những điểm gặp gỡ ở Việt Nam. Hà Nội: Chính trị Quốc gia.
3. Bùi Đăng Duy, Nguyễn Tiến Dũng. (2005). Lịch sử triết học phương Tây hiện đại. Hồ Chí Minh: Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
4. Đặng Hữu Toàn. (2018, 6 15). http://www.tapchicongsan.org.vn. Được truy lục từ Học thuyết về con người, giải phóng và phát triển con người - một giá trị làm nên sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác: http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2018/51215/Hoc-thuyet-ve-con-nguoi-giai-phong-va-phat-trien-con-nguoi.aspx
5. Nguyễn Vũ Hảo. (2016). Giáo trình triết học phương Tây hiện đại. Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Teilhard de Chardin. (2014). Hiện tượng con người. Hà Nội: Tri thức.