Có câu là đừng bao giờ quên lý do bắt đầu, tuy nhiên sự thật chúng ta thường quên những điều đó chỉ sau một thời gian ngắn :))
Dù mình hay bạn có làm chuẩn hết các bước từ Happy Plans #1 đến #5 thì chỉ cần có tác động nhỏ bên ngoài thôi thì cũng sẽ dễ dàng khiến cho hành động thay đổi.
Khi chúng ta lên mục tiêu hay kế hoạch thì nó đang nằm trên giấy, thế nhưng thực tế lại có rất nhiều nhân tố tác động tới chúng ta:
+ Thay đổi cảm xúc do chuyện từ người thân, người yêu
+ Thay đổi tinh thần do áp lực từ công việc, sếp, đồng nghiệp
+ Thay đổi môi trường sống do hết hợp đồng nhà, chuyển chỗ làm việc
Mỗi một chuyện đều khiến chúng ta thay đổi hành vi, thói quen hàng ngày. Những gì chúng ta đã lên kế hoạch đều bị rơi vào quên lãng sau câu nói: “Thôi đợi mọi chuyện ổn rồi quay lại sau”. Và cái gọi là “quay lại” sẽ vào lúc hết năm, khi chúng ta ngồi lại để lên mục tiêu cho năm mới.
Sự thật là: Đặt ra và đạt được mục tiêu (vừa sức) không khó. Cái khó đấy là có chạy qua mục tiêu khác trong quá trình đấy hay không.
Và mình tin rằng những mục tiêu (vừa sức với bạn) mà bạn đặt ra thì bạn hoàn toàn có thể làm được. Vì như bạn có thể thấy thì con người họ có thể làm được bất cứ điều gì mà ban đầu họ nghĩ là không thể.
Có một điểm thú vị là chúng ta đều vừa khắt khe và vừa dễ dãi với chính bản thân.
Chúng ta khắt khe trong việc lên mục tiêu cần đạt được cái này, cần đạt được cái kia trong năm nay.
Và chúng ta cũng dễ dãi trong việc để cho bộ não ghi nhớ những gì chúng ta đã nói, thậm chí đã viết ra từ đầu năm. Nhưng ngay chính chúng ta còn quên chìa khóa để ở đâu vừa 5 phút trước mà :))
Cho đến bây giờ mình cảm thấy là việc lên mục tiêu đầu năm giống như một thủ tục cần làm chứ không phải cái cần phải hoàn thành vậy. Kiểu như đầu năm đi xin chữ của Thầy Đồ rồi chỉ sau rằm tháng Giêng chịu chết không biết để ở đâu :))
Trí nhớ của chúng ta kiểu nó thích vận hành theo cách riêng vậy đó :))
Và đấy cũng chính là lúc việc phản tư (reflection) phát huy đúng tác dụng của nó.
Thường thì chúng ta sẽ làm chuyện này vào cuối năm (hiếm có lắm thì thêm 1 đợt vào giữa năm). Tuy nhiên một trong những điều quan trọng mình nhận ra được (và rất nhiều người xung quanh mình) đó là nó nên làm hàng tháng, hàng tuần, thậm chí là hàng ngày nếu được.
Chúng ta sẽ không giao nhiệm vụ khó nhằn và quan trọng cho bộ nhớ ngắn hạn nữa. Rõ ràng rằng những mục tiêu chúng ta mong muốn đều là những thứ quan trọng đúng không. Giống như việc mình để ngày sinh của bạn bè lên lịch hay đặt báo thức để gọi cho gia đình vậy. Càng bớt ghi nhớ thì càng bớt suy nghĩ, càng bớt nghĩ thì càng dễ tập trung làm việc hơn.
Dưới đây là một số câu hỏi để bạn thực hành phản tư hàng tuần, hàng tháng, hàng quý,...
Để làm những câu hỏi này bạn nên làm các bài tập ở 5 bài viết trước của mình nhé. Và lúc đó bạn mới hiểu tại sao mình lại đưa ra câu hỏi như vậy.
1. Tuần vừa qua có vui hay không? Tại sao?
2. Các khía cạnh về công việc, sức khỏe, tinh thần, mối quan hệ như thế nào?
3. Có điều gì khó khăn hay không? Nếu khó thì là vì sao? Cách giải quyết cho tuần tới là gì?
4. Có điều gì muốn thay đổi trong tuần vừa rồi hay không?
5. Có điều gì muốn làm mà chưa đủ dũng cảm để làm hay không?
6. Có thói quen nào em muốn bổ sung hay muốn bỏ trong tuần tới hay không?
7. Có điều gì khiến mất năng lượng tuần vừa rồi khi làm nó hay không? Có giảm được thời gian làm nó tuần tới không?
8. Có điều gì làm mà vừa hướng tới mục tiêu vừa giúp tiếp thêm năng lượng tuần vừa rồi khi làm nó hay không? Có tăng thời gian làm nó được không?
9. Những gì làm trong tuần vừa rồi có đang hướng tới mục tiêu mong muốn hay không? Điều gì đang làm mà không hướng tới mục tiêu?
10. Có những câu hỏi nào trong suy nghĩ 1 tuần vừa rồi hay không? Có câu hỏi nào đang khiến mình nghĩ nhiều quá hay không?
Đương nhiên, trên đây chỉ là những câu hỏi gợi ý. Mỗi người sẽ có một ưu tiên khác nhau trong cuộc sống từ đó sinh ra các câu hỏi khác nhau. Tuy nhiên chỉ cần đặt câu hỏi thôi thì bạn đã có được câu trả lời rồi. Chắc chắn đó. Tin mình đi.
Nếu bạn chưa quen với việc làm phản tư thì sẽ mất kha khá năng lượng, tâm trí để có thể hoàn thành được những câu hỏi trên đó.
Bước đầu tiên để chúng ta chấp nhận bản thân đó là nhìn thấy rõ được bản thân mình đang sống như thế nào. Và đây là bước khó nhất.
Việc chúng ta thừa nhận những gì chúng ta đang làm nghe thì có vẻ dễ nhưng đó mới chỉ là việc chúng ta đang suy nghĩ thôi. Bởi vì khi suy nghĩ bộ não sẽ không chạy 1 đường thẳng mà xen ngang bởi rất nhiều suy nghĩ khác nhau. Chính vì điều đó chúng ta dễ lầm tưởng rằng vấn đề đã được giải quyết.
Việc bộ não xử lý thông tin như thế nào thì rất khó để kiểm soát được. Đố bạn ngồi thiền rồi bảo não ơi đừng nghĩ nữa đó :)) Chắc phải tỉnh thức vài chục lần may ra. Nó như một con khỉ nhảy linh tinh luôn ấy.
Cho nên khi chúng ta ngồi xuống và viết ra thì đấy cũng chính là lúc chúng ta đối diện với bản thể thật của chính mình. Nếu được thì tốt nhất bạn nên phản tư (reflection) không tiếng động hoặc ở ngoài công viên không người.
Khi chúng ta bắt đầu chấp nhận được bản thân, cũng chính là lúc cái cụm từ “hiểu bản thân” mới phát huy tác dụng thật sự của nó. Bởi khi hiểu được điểm mạnh, điểm yếu thì mới biết điều gì chúng ta còn thiếu để đạt được mục tiêu hoặc thậm chí là tiến xa hơn nữa.
Con người thực sự không có giới hạn. Nhưng chính bản thân mình có tin điều đấy hay không. Lý do chúng ta không tin bởi vì như mình nói ban đầu đó là cuộc sống đã dần dần khiến ta có niềm tin rằng mục tiêu đặt ra không bao giờ có thể đạt được.
Đấy là mình mới nói tới khía cạnh mục tiêu cá nhân. Tuy nhiên việc phản tư cũng như một hiệu ứng cộng dồn nếu bạn sử dụng nó ngay cả trong công việc, mối quan hệ nữa. Bạn sẽ bất ngờ khả năng của chính mình đó.
-
Vậy là đã kết thúc chuỗi 6 bài xây dựng Happy Plans (Kế hoạch Hạnh Phúc) của mình rồi :)) Hy vọng là bạn thích và sử dụng nó cho năm nay hay các năm sau. Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng mình qua 4 tuần qua haha. Thực sự phải đủ kiên nhẫn lắm mới đọc và thực hành hết 6 bài này đó.
Đã có rất nhiều lần mình lên kế hoạch, mục tiêu hiếm khi nào đi tới cùng với nó. Đôi khi tự hỏi có phải do năng lực, do hoàn cảnh, do môi trường hay không. Nhưng cho tới bây giờ mình mới nhận ra một điều rằng đó là mình chưa biết được những cách phù hợp với bản thân.
Chúng ta sẽ không thực sự hiểu (being) những thứ chúng ta biết (knowing) cho tới khi có trải nghiệm nó.
Thông thường chúng ta sẽ nghĩ rằng chỉ cần nghe và xem thì cũng đã hiểu rồi nhưng giữa lý thuyết và thực tế nó có một khoảng cách cực kỳ xa. Đây là điều mình cần nhắc nhở bản thân liên tục.
Chúng ta sẽ không tìm thấy Hạnh Phúc khi chúng ta đi tìm nó. Nhưng chúng ta sẽ thấy Hạnh Phúc khi chúng ta trải nghiệm nó.
Kiểu chúng ta chưa biết hạnh phúc khi chưa biết khổ đau. Chưa biết hạnh phúc làm mẹ như thế nào cho đến khi thấy đứa con đầu lòng, thấy nó bước đi, thấy nó biết ơn tới sự nuôi dưỡng của mẹ nó,...
Tức là nếu chỉ đơn thuần đi tìm thì chúng ta đang luôn tự nhủ với chính chúng ta rằng bản thân đang không hạnh phúc, tức là ngay cả trong quá trình tìm kiếm chúng ta cũng không hạnh phúc được thì làm sao mà thấy được hạnh phúc ngay xung quanh được.
Tuy nhiên khi chúng ta trải nghiệm cuộc sống này và nhận biết được vô vàn cảm giác hạnh phúc nhỏ bé xung quanh thì chúng ta lại biết được đâu mới là định nghĩa hạnh phúc của riêng mình. Đó có thể là tiền bạc, vật chất, đó có thể là gia đình, đó có thể là sự cho đi.
Mình không cho cái gì đúng, cái gì sai về định nghĩa hạnh phúc. Vì nó đơn thuần phù hợp với thời điểm mỗi người. Tuy nhiên biết hạnh phúc nào phù hợp với thời điểm nào thì đấy chính là lý do mình viết nên chuỗi bài lập kế hoạch hạnh phúc này đó ^^
-
Đồng hành cùng bạn (thư mời bạn #2) - Mình sẽ viết thêm một bài riêng sau.
Để có thể thay đổi tự thân thì 1 là cần có nội lực đủ lớn, 2 là cần có thời gian đủ dài, 3 là cần đưa ra lựa chọn dựa trên tư duy độc lập.
Và 3 điều này bạn hoàn toàn có thể nhận được sự hỗ trợ từ 1 người nào đó mà bạn tin tưởng.
Chúng ta sẽ thay đổi khi người gần gũi nhất thay đổi. Bởi việc thay đổi môi trường, hoàn cảnh không phải chuyện một sớm một chiều.
Chúng ta sẽ thường cam kết đạt mục tiêu hơn khi có người cùng đồng hành. Người đồng hành này cần thỏa mãn ít nhất 4 điều kiện:
+ Là người đủ để khiến bạn tin tưởng
+ Là người có sự kiên nhẫn và biết lắng nghe
+ Là người luôn đưa bạn tới những thử thách
+ Là người luôn hỗ trợ bạn lúc bạn cần
Mình sẵn sàng làm người đồng hành cùng bạn. Và khi mà chỉ khi bạn cũng đã sẵn sàng.
Mình sẽ chia sẻ với bạn những gì?
+ Tư duy độc lập (tăng nội lực)
+ Tài chính (không thiếu được rồi)
+ Sức khỏe (mình xem như quan trọng nhất)
+ Marketing (lĩnh vực hiện tại của mình)
Người mình muốn đồng hành ít nhất muốn thay đổi 3/4 yếu tố trên trở nên tốt hơn (không nhất thiết phải theo Marketing, tuy nhiên đây là 1 lĩnh vực mình thấy ở ngành nghề nào cũng nên học).
Điều kiện:
+ Ở Hà Nội, có thể gặp mặt mình
+ Đã từng đọc một vài bài viết của mình
+ Tư duy mở và tích cực
+ Chịu chơi với các thử thách
+ Đủ kiên trì và chịu khó để thay đổi
Thời gian mình sẽ đồng hành cùng bạn: ít nhất 3 tháng. Trước mình để 2 tháng nhưng những người đang đồng hành hiện tại lên 4 tháng rồi đó.
Thông tin chi tiết về sự đồng hành này của mình có thể đọc ở bài viết này nha: https://cuongdigital.substack.com/p/thu-moi-1-nguoi-ban
Nếu bạn muốn đồng hành với mình thì để lại một vài lời giới thiệu và lý do tại sao lại chọn mình nha, rồi gửi qua email: [email protected]
Hy vọng được đồng hành cùng bạn ^^
Chúc bạn một ngày tốt lành. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
Cường.
Bạn có thể sub email để đọc các bài viết khác của mình tại đây nhé ạ: https://cuongdigital.substack.com/