VNG là một trong những công ty công nghệ lớn nhất Việt Nam, được biết đến qua những sản phẩm gắn liền với đời sống người Việt như Zalo, ZaloPay…. Trong đó, khối Trò chơi trực tuyến, bắt đầu với Võ Lâm Truyền Kỳ, là viên gạch đầu tiên được đặt năm 2005. Gần 1 thập kỷ sau cột mốc này, VNG được vinh danh là Doanh nghiệp phát triển nhanh toàn cầu tại khu vực Đông Nam Á tại Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức tại Philippines, trở thành kỳ lân công nghệ “tỷ đô” đầu tiên của Việt Nam, cùng nhóm với những Grab, Lazada, hay Traveloka. Gần đây, VNG cũng vừa khánh thành Data Center có quy mô tủ rack lớn nhất Việt Nam.
Khi đọc về quá trình hình thành của VNG, tôi đã không khỏi tự hào, đặc biệt là về những người Việt đứng sau nó. Thế nhưng để thật sự hiểu và trân trọng một công ty, ta cần chạm đến cốt lõi của nó, đến cái mà ta có thể gọi nôm na là “ý tưởng khởi nguồn”. Với VNG, tôi nghĩ mình đã có thể phần nào nhìn được thứ động lực cháy bỏng của nó qua bài phát biểu của Phó tổng giám đốc khối trò chơi trực tuyến của VNG - ông Kelly Wong, về việc “Tại sao chúng ta lại thích game?”. 
Vì ngôn ngữ của bài phát biểu là tiếng Anh, nên tôi xin phép dịch “thoáng” sang tiếng Việt, để giúp các bạn dễ hiểu hơn. Hy vọng các bạn sẽ thích.
Ông Kelly Wong chia sẻ tại TEDxĐaKao
Ông Kelly Wong chia sẻ tại TEDxĐaKao
____

Tại sao chúng ta thích chơi game - Từ góc độ con người và cá nhân

Tại sao chúng ta thích chơi game? 
Đây là một câu hỏi đau đáu trong tôi trong nhiều năm trời. Ở cương vị của mình - một người chơi game và một nhà phát triển game  - những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi tích góp được đã giúp tôi có lời giải đáp. Nó bắt đầu từ bố cục của một trò chơi.
Một trò chơi giống các hình thức giải trí khác. Tương tự âm nhạc, phim ảnh, hay thậm chí là thơ ca, game cũng có phần mở đầu, phần giữa để phát triển, và cuối cùng là kết thúc. Đối với tôi, kết thúc chính là phần quan trọng nhất đối với trải nghiệm trò chơi của mỗi người. Kết thúc của một trò chơi thường mang đến hai cảm xúc chính. Đầu tiên, nếu chiến thắng thì bạn sẽ cảm thấy vui, phải không? Đương nhiên, niềm vui này không bị giới hạn trong những trò chơi điện tử, mà nó tồn tại trong bất kỳ trò chơi nào, bao gồm cả đá bóng, cờ vua, hay poker. Nhưng niềm vui chỉ là 1 mặt của vấn đề. Mặt còn lại là cảm xúc xảy đến khi bạn thua cuộc. Lần này bạn khả năng cao sẽ không vui, nhưng bù lại, “sự khó chịu, cay cú” này lại hình thành động lực giúp bạn muốn chơi tiếp, để có cơ hội chiến thắng ở lần sau. Những người phát triển game chúng tôi chú trọng đến cảm xúc thứ 2 này, và gọi nó là “động lực” - một nguồn năng lượng vô cùng quan trọng trong chơi game. 
Phần giữa của các trò chơi cũng rất thú vị. Ở đây, chúng ta có trải nghiệm nhập vai, được làm nhân vật chính trong một câu chuyện, với các cơ chế thông minh và hệ thống nhân vật ẩn chứa nhiều bất ngờ. Thậm chí, chúng ta còn có cơ hội được chơi với các người chơi khác. Không một trò chơi nào thiếu những yếu tố đó, và có thể coi chúng là chất kết dính một tựa game với khán giả. 
Tuy cả kết thúc lẫn phần giữa game đều quan trọng, nhưng bản thân tôi lại yêu phần mở đầu của một game nhất. Để kéo được người chơi vào thế giới của game từ những phút giây đầu là một điều không hề dễ. Có vô số câu hỏi thường xuyên nảy ra trong đầu tôi trước khi vào game. Làm thế nào để chúng ta chiến thắng? Đồng minh và đối thủ của tôi là ai? Tôi nên chọn chiến lược như thế nào? Câu chuyện, bối cảnh của trò chơi này là gì? Có bao nhiêu cơ chế, quy tắc mà tôi cần biết? Với tôi, đây là một lý do nữa giúp một trò chơi trở nên thú vị hơn. Lấy ví dụ là trà cờ tỷ phú. Bản chất của trò này là sự tranh giành những tài nguyên có hạn. Bạn cố gắng tích góp tiền, cố gắng xây nhà, và kiếm tiền thuê nhà từ những khu bất động sản của mình. Đôi khi bạn sẽ hợp tác cùng những người chơi khác để tạo nên một cuộc giao dịch thuận cả đôi đường. Hay khi ai đó chơi xấu, bạn có thể tạo ra một liên minh để trừng phạt và tiếp tục giới hạn tài nguyên mà người đó có thể tiếp cận. Với Cờ tỷ phú, bạn có thể chọn chiến lược cạnh tranh quyết liệt, hoặc chọn hướng tăng cường hợp tác. Và đó chính là yếu tố xã hội của không chỉ trò này, mà của việc chơi game nói chung.
Nhìn rộng hơn về mảng gaming, bao gồm cả boardgames, chúng ta có một khái niệm là “Immersion”, nôm na là cảm giác đắm chìm vào thế giới game. Ai chơi game cũng phải trải nghiệm cảm giác này. Trong đó, bạn là một phần của câu chuyện, là một phần của cuộc hành trình. Với Cờ tỷ phú, bạn là một nhà đầu tư đang cố gắng trở thành người giàu nhất thị trường và hất cẳng những kẻ còn lại. Đây là một khía cạnh rất quan trọng của ngành giải trí nói chung và ngành game nói riêng. Sự tò mò khiến chúng ta bắt đầu chơi một trò chơi. Cảm giác “được đắm chìm” trong thế giới game làm ta muốn dấn thân vào sâu hơn. Và cuối cùng, nếu thắng, ta muốn được thắng tiếp. Còn nếu thua thì thêm “động lực” để tham gia lại từ đầu.

Tại sao chúng ta thích chơi game - Từ góc độ kinh tế và xã hội

Thú thật, tôi là một người rất yêu mến các trò chơi, và cũng thật may mắn là tôi đã tìm được một công việc nơi tôi được làm những gì mình yêu thích mỗi ngày. Và quan trọng hơn cả, là tôi có thể chứng minh với mẹ rằng… tôi đã đúng! Chơi game đích thị đã giúp tôi thành công! Tuy nhiên, tôi cũng biết rằng đây chỉ là một phần của câu chuyện, vì không phải ai cũng may mắn như vậy. Tới đây, điều tiếp theo mà tôi muốn đề cập đến là những tác động thực tế sâu rộng mà gaming đã có lên thế giới xung quanh. 
Việc chơi game đã và đang có nhiều tiếng xấu. Tôi không phủ nhận điều này. Tôi cũng muốn khẳng định rằng các trò chơi không thể thay thế giáo dục. Còn để giải trí, cũng có nhiều cách đơn giản và hiệu quả hơn, như chơi thể thao, tận hưởng thiên nhiên hay thưởng thức nghệ thuật - những thứ mà phụ huynh chúng ta luôn đề cập đến ấy. Dẫu vậy, tôi vẫn muốn nhấn mạnh 2 điều:
Gaming là một công cụ có thể giúp chúng ta thúc đẩy sự phát triển cá nhân.
Gaming là chất xúc tác cho không ít thay đổi của công nghệ và thế giới.
Đầu tiên, về bản chất, các trò chơi sẽ đem lại những phản hồi tích cực cho người chơi. Bạn áp dụng đúng tư duy, chiến thuật và kỹ năng, bạn sẽ chiến thắng một con boss và thăng cấp. Như thế, tại sao chúng ta không sử dụng trò chơi điện tử như một cách để củng cố và giáo dục những hành vi tích cực cần có ngoài xã hội? Ngoài đời thực, chúng ta làm việc đó mọi lúc mọi nơi. Vậy thì tại sao không phải là làm qua game? 
Dĩ nhiên, những nhà phát triển game cũng không thể hô hào hay tuyên bố rằng “Này, chúng tôi có thể game hóa tất cả mọi thứ”. Ta không thể cho trẻ con chạy lông nhông ngoài đường với chiếc iPad hay kính VR và hy vọng chúng sẽ trở thành những con người tốt hơn, mà phải có những biện pháp bảo vệ nhất định, bắt đầu từ ý tưởng, nội dung trò chơi, hay thời gian mỗi người dành ra cho game đó. Kết hợp với mảng giáo dục, tôi tin rằng gaming sẽ tạo ra một môi trường lý tưởng giúp các thế hệ tiếp theo học tập, phát triển. Nếu chúng tôi, những người sản xuất game, làm tốt điều này, chẳng phải chúng tôi đang góp phần giúp xã hội sử dụng trò chơi để đem đến các trải nghiệm quý giá, đồng thời củng cố các hành vi tốt hay sao? 
Tiếp theo là về cách mà gaming và ngành công nghiệp trò chơi ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Nhắc đến gaming là nhắc đến những sản phẩm công nghệ như card đồ họa, giao diện người dùng, mạng internet, hay gần đây hơn là thế giới ảo. Việc thương mại hóa trò chơi đã cho phép chúng tôi tạo ra nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là những ngành liên quan đến công nghệ. Ở những tựa game ban đầu, bạn tới một bàn, đọc chữ trên màn hình, nhập vào 1 từ nhất định, và trò chơi sẽ tiếp tục. Ngày nay, chúng ta có đủ các các trò chơi trên các thiết bị nhỏ như điện thoại di động. Các công nghệ tân tiến đó được ra đời từ nhu cầu của các cá nhân đang lùng sục sức mạnh đồ họa cao hơn, sức mạnh xử lý cao hơn, để có thể tận hưởng những trải nghiệm tốt hơn.
Tuyệt vời hơn nữa, đấy là những trải nghiệm vui vẻ, thú vị và tích cực mà gamer đang có đã tìm được cách để lan tỏa sang những khối ngành khác. Chẳng hạn, với thực tế ảo, tuy các ứng dụng đầu tiên chủ yếu vẫn là trò chơi, nhưng các mảng như y học, kiến trúc, xây dựng cũng bắt đầu tận dụng được các tính năng mới từ VR. Giống như chơi một trò chơi, ngày càng có nhiều người nhảy vào mảng gaming và quyết định rằng họ muốn thử áp dụng cái này, cái kia cho mảng của mình. Như tôi đã đề cập ở trên, đó là gì nếu không phải niềm vui hay sự tích cực? Đồng thời, việc thương mại hóa công nghệ lại giúp nó tiếp tục được áp dụng rộng rãi hơn nữa. 
Bài viết này không phải để thuyết phục bạn rằng chơi game rất tuyệt, và rằng bạn nên tập trung chơi game nếu bạn muốn trở thành một người tốt hơn hay muốn tạo ra một thế giới tốt hơn. Tôi chỉ muốn chứng minh rằng ai cũng chơi game, và ai cũng thích chơi game. Cuối cùng, tôi muốn bạn nghĩ về điều đó lần tới khi bạn làm điều này. Ý tôi là thực sự nghĩ về lý do tại sao bạn thích gaming, về việc làm thế nào để bạn có thể tận hưởng những trò chơi điện tử với những người khác.”
___
Với tôi, đây là một bài phát biểu tuy không quá xuất sắc, nhưng đủ để chứng minh rằng đằng sau một cỗ máy khổng lồ như VNG là những con người với niềm đam mê bất tận với công việc của họ. 
Theo tôi tìm hiểu thì tới nay, mỗi năm chương trình tuyển dụng nhân sự của VNG lại thu hút được hàng nghìn đơn đăng ký, giúp đào tạo một đội ngũ nhân sự tinh hoa cho ngành Game. Đồng thời, công ty này cũng là đối tác chính của Hiệp hội thể thao điện tử VN trong SEAGAMES thứ 31, chịu trách nhiệm vận hành và hỗ trợ các vận động viên Việt Nam tham gia thi đấu ở nhiều nội dung khác nhau, giúp họ mang về nhiều huy chương, trong đó có huy chương vàng đầu tiên của VN ở mảng esports.  VNG còn đẩy mạnh chiến lược lấn sân sang ra quốc tế, qua việc thâm nhập vào các thị trường như Thái Lan hay Đài Loan, và quan trọng hơn cả là chứng minh rằng năng lực của người Việt cũng chẳng kém gì bạn bè quốc tế.
Giống như Steve Jobs với Apple, Bill Gates với Microsoft, hay Phil Knight với Nike, chỉ những người thật sự đam mê với công việc mới dám nỗ lực hơn ai hết để thúc đẩy mọi giới hạn, và lèo lái công ty của họ đi vào sử sách.