Có những đứa trẻ hiểu chuyện đến đau lòng, và mình cũng đã từng là một đứa trẻ như vậy.
Mình là một người thích nghe hơn đọc, và mình có một thói quen, cũng coi như là một phần của chu trình buổi sáng, đó là vừa chuẩn bị, vừa ăn, vừa nghe podcast. 'Bình Bồng Bột: không ai cô đơn trong nỗi đau của mình' - Have A Sip' là bài podcast đã đồng hành cùng mình vào buổi sáng hôm nay. Và câu nói 'chúng ta có thể vui vì nhiều thứ khác nhau, nhưng những nỗi buồn, chúng luôn có mẫu số chung'. Đã làm mình suy nghĩ rất nhiều.
Nỗi buồn, sự tổn thương, là những thứ làm chúng ta nhớ rất lâu. Cho dù có lấp đầy những tổn thương đấy bằng cả ngàn niềm vui khác, thì cái cảm giác đó, khi chúng ta phải trải qua những sự tổn thương đó, rất khó có thể mất đi.
Mình là con gái út trong gia đình có 4 thành viên. Mình luôn được cho là may mắn khi được sinh ra trong một gia đình làm kinh doanh, cũng thuộc hạng khá giả. Nói về tuổi thơ, ngày bé, gia đình mình sống chung với bà nội, và một bác gái (chị của bố mình, bị tâm thần). Nhà mình làm kinh doanh, bố là trụ cột chính trong gia đình, mẹ thì vừa làm nội trợ, vừa phụ việc kinh doanh của bố, và vừa làm 'con dâu'. Mình là một đứa cũng tạm gọi là thông minh từ bé, sinh ra đầu năm 2002, nhưng hát sõi bài hát Seagames 2003 trong cùng năm đấy :D. Mình luôn có những suy nghĩ, và thường đi kèm với cảm xúc ở trong đầu, mà mình chỉ nghĩ thôi, ít khi nói ra, ngay từ khi còn bé. Năm đấy mình còn học mẫu giáo, mình đã thấy mẹ bị bà nội đánh. Mình không hiểu vì sao mẹ lại bị đánh, lại càng không hiểu gì về mối quan hệ phức tạp giữa mẹ chồng và con dâu, nhưng mình biết là mẹ bị đánh, và mình biết là mẹ con mình nên dè chừng.
Lớn lên một chút, đầu những năm cấp 1, gia đình mình dọn ra riêng trong một căn nhà tệ hơn căn nhà đầu tiên, nhưng đó là những năm tháng hạnh phúc nhất cuộc đời mình. Dù không rõ cảm giác ấy là gì, và tất nhiên là mẹ cũng chưa bao giờ bảo với mình là bà nội, hay các bác nhà nội là người xấu, ngược lại còn dạy mình phải lễ phép, vâng lời, yêu thương, nhưng cái cảm giác phải dè chừng, nó vẫn không mất đi một phút giây nào. Và mặc dù đã ra ở riêng nhưng gia đình mình vẫn hay về thăm nhà nội. Vài năm sau khi việc kinh doanh khấm khá hơn, gia đình mình lại chuyển nhà thêm 1 lần nữa, lần này là một căn nhà biệt thự mới toanh, khang trang, đẹp, rộng, và cũng là nơi mà mẹ con mình đang sống hiện tại.
Và chuỗi những ngày tháng tăm tối nhất cuộc đời mình bắt đầu khi mình 12 tuổi. Năm đấy bố mình bị bệnh. Bệnh lao phổi. Bố mình vốn không phải người khoẻ mạnh, vì ông quá tập trung lo cho công việc, để 3 mẹ con có một cuộc sống sung túc nhất có thể, vợ được mua sắm thoả thích, con cái được học trường xịn, mà bố bỏ bê sức khoẻ, kèm với bệnh nền về dạ dày, nên khi bị bệnh, sức khoẻ bố suy yếu rất nhanh. Nhưng căn bệnh tồi tệ hơn đã lấy bố mình đi, đó là bệnh trầm cảm. Vì quá bất lực trước suy nghĩ nếu chữa bệnh cho mình xong thì gia đình cũng tán gia bại sản, mà hơn hết, lao phổi là căn bệnh có thể lây truyền, thậm chí đến cái bát, đũa ông ăn cũng phải để riêng ra, thậm chí đến cái cầm tay, thơm má, cái ôm âu yếm dành cho 2 đứa con gái và người vợ ông yêu nhất, ông cũng không thể làm. Suy nghĩ đó đã thôi thúc ông phải hy sinh. Năm đó mình học lớp 6.
Bố mình ra đi quá đột ngột, và vì ông đã quá tin tưởng rằng nếu mình ra đi thì con cái mình vẫn sẽ được bên nội giúp đỡ, nên toàn bộ tài sản của việc kinh doanh, ông để lại cho anh trai bố (bác mình), người đồng sở hữu công ty. Và kể từ đó, mình không có được 'miếng nào vào mồm' từ người bác ấy cả. Năm nay mình 21.
Chị mình (cách mình 5 tuổi), đi du học sau khi bố mình mất 1 năm. Thế là nhà còn có 2 mẹ con. Nỗi đau vợ mất chồng, con mất bố, chồng lên nỗi hận vì sự tệ bạc của gia đình nhà nội. Mình đã cùng mẹ lớn lên như thế, cho đến hết năm lớp 12. Trong khoảng thời gian 6 năm sau khi bố mất ấy, gia đình mình vẫn giữ liên lạc với nhà nội. Thậm chí trong 2 năm đầu, mẹ mình vẫn đến phụ bác kinh doanh, với niềm tin rằng bác sẽ nhìn nhận lại 2 đứa cháu và lo cho nó như lời bác đã hứa trước linh cữu của bố mình. Nhưng đỉnh điểm là khoảng thời gian trước khi mình lên đại học. Năm đấy mình muốn đi du học. Một đứa 17 tuổi với niềm tin là mình đã đủ lớn để lên tiếng, mình đã tự chuẩn bị hết hồ sơ, đến cái bước chỉ cần đóng tiền là đi thôi, mình qua bác để thưa chuyện học phí. Và không những không có thiện chí cho, bác ấy còn tuyên bố với mình rằng, bố mình chỉ là người làm thuê cho bác. Ồ? Bố mình là người làm thuê ư? Bố mình, người hy sinh mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả mạng sống để cùng bác gánh vác gia đình nhỏ và gia đình lớn bên nội, là em trai ruột của bác ấy, chỉ là người làm thuê ư? Bao nhiêu năm nay, mẹ con mình nhẫn nhịn, đối xử với gia đình nội như thể bố mình vẫn còn ở đấy, công cốc.
Mình đứng lên, bỏ về luôn, và từ mặt nhà nội từ khi ấy.
Dù mình không thực hiện được ước mơ đi du học, nhưng mình may mắn có một người mẹ vô cùng tài giỏi, mạnh mẽ. Hiện tại mình đang học năm 3 của trường R, trường quốc tế, ở VN.
Vậy còn nỗi đau ấy thì sao?
Nó thật sự, lớn vô cùng. Mình đã không nhận ra điều đó cho đến khi mình rời xa gia đình để đi học đại học ở thành phố khác, khi mình buộc phải gặp những con người mới, bạn bè ở một thành phố to lớn hơn rất nhiều. Cái việc bị gia đình nội ruồng bỏ, cái việc mà người ta vì tiền mà đánh đổi tình nghĩa anh em, tình bác cháu, cái nỗi đau đó nó lớn đến mức mình thật sự thấy rất sợ. Mình không tin được ai, mình cũng không yêu được ai, và đồng thời không cảm giác có ai yêu mình cả.
Thế thì liên quan gì đến câu 'những nỗi buồn luôn có mẫu số chung'?
Có một điều may mắn đối với mình là khi lên đại học, mình đã có cơ hội tiếp xúc và nói chuyện với rất nhiều người. Khi người khác kể cho mình về nỗi đau của họ, mình không những lắng nghe, mà mình còn đồng cảm, thấu cảm với nỗi đau đó, và khi người ta chia sẻ, mình cũng chẳng ngại làm tương tự, và tự dưng nỗi đau ấy chả phải của mình mình nữa. Mình dần chấp nhận nó là việc đã xảy ra và đó là một phần của mình.
Chấp nhận một trải nghiệm tiêu cực vốn dĩ là một trải nghiệm tích cực, và mình có lẽ cái thứ gọi là 'mẫu số chung' đó là thứ vô tình làm cho mình và những người mang nhiều vết thương lòng có thể dễ dàng chấp nhận phiên bản tổn thương của chính họ và những người khác, theo cái cách mà họ có thể không thật sự nhận ra.
Và khi hiểu được về 'mẫu số chung' đấy, mình cũng tự dưng chẳng thấy giận những người đã từng nhìn ngoại hình và những thứ mình đang có mà nói rằng: xời, cuộc đời mày có gì đâu mà khổ, cứ nhìn người ta abc xyz đi kìa.' nữa. Đơn giản là họ với mình chẳng có điểm chung thôi :D
Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt xấu của nó. Người ta có câu 'Hurt people, hurt people' - kẻ đã bị tổn thương là kẻ làm tổn thương người khác. Đó là khi họ không muốn bị cô đơn trong nỗi đau của chính họ và họ hiện thực hoá suy nghĩ ấy bằng cách gây ra những tổn thương tương tự cho người khác. Không phải lúc nào những tổn thương cũng tạo nên một con người tốt hơn. Nếu thế thì đã không có những chuyện bạo hành xảy ra từ thế hệ này sang thế hệ khác như một lẽ thường tình.
Mình cảm thấy mình may mắn. Hiện tại, gia đình gồm mình, mẹ và chị gái rất yêu thương nhau, mình đang học trong ngôi trường quốc tế mà nhiều người mơ, mình đã có thể yêu, có thể tin hết mình với một người, vô tình lại có hoàn cảnh khá tương đồng. Người ấy cũng là một tác giả trên Spiderum, cám ơn anh :x Mình cũng không dám chắc là sau này sẽ có hay không một biến cố quật ngã mình lần nữa, mà mình có thể đứng dậy mạnh mẽ như bây giờ. Nhưng mình tin là mình sẽ làm được thôi.
Bài viết này được viết trước ngày giỗ lần thứ 9 của bố mình. Đứa con gái 21 tuổi này thật sự không dám nhận là đã lớn khôn, nhưng bố xem, con đã lớn lên như thế nào này.
Cheers,
chiu the aegi.
Ảnh gia đình mình. Nếu đọc hết cả bài thì bạn biết đâu là mình rồi đấy ^^
Ảnh gia đình mình. Nếu đọc hết cả bài thì bạn biết đâu là mình rồi đấy ^^