"Béo phì" tinh thần và sự bạc nhược của phản tri thức
“ Béo phì” tinh thần tôi đề cập ở đây ám chỉ sự tiếp thu, diễn dịch rồi kính ngưỡng quá mức các quan điểm " tích cực" một cách phi...
“Béo phì” tinh thần tôi đề cập ở đây ám chỉ sự tiếp thu, diễn dịch rồi kính ngưỡng quá mức các quan điểm "tích cực" một cách phi thực tế, chỉ lòng vòng luận điểm "con đường thành công" hay "buông bỏ để hạnh phúc" thì đã có chục cái podcast, bài viết, sách và video Youtube, Tik Tok trùng lặp, đồng ý là nó có tác dụng khai sáng phần nào thật, ngộ ra một thứ gì đó vượt ngoài tầm hiểu biết của mình rất sảng khoái và bổ ích nhưng lượng dopamine ban đầu sẽ giảm hẳn khi hơn chục lần nhìn thấy loạt tiêu đề na ná, khám phá thử thì không có nội dung gì mới, có chăng chỉ khác ở cách truyền tải bống bẩy hơn, ấy thế mà đôi lúc gặp vấn đề trong cuộc sống, thay vì tìm cách giải quyết thực tế, nhiều người vẫn cố lôi những sản phẩm tương tự ra thưởng thức đi thưởng thức lại nhằm vấn an và tự mãn! Nó y như trò đùa về vấn nạn chục năm trước người ta nói tiếng Anh thích xì âm "s" sau đuôi tất cả mọi từ để nghe cho "sang", tôi ngờ ngợ dường như thói yêu chuộng hình thức "màu mè" chưa bao giờ biến mất mà chỉ là người ta đang tìm cách gắn cho nó một cái cớ hợp lý hơn, văn minh hơn và kín đáo hơn!
1. Triết lý "mì ăn liền"
Triết lý "mì ăn liền" là loại triết lý mang nhiều tính giải trí hơn tính tri thức, người ta tìm đến nó để hưởng thụ thứ kích thích “cao học” thay cho các kích thích giác quan thuần tuý (ví dụ như tứ đổ tường) vốn đã quá nhàm chán, cũ kỹ và… “kém sang”. Những giá trị tinh thần đó ngon, bổ (phần nào) nhưng ăn nhiều quá thì dễ "béo phì" nặng nề và trì độn.
Những nội dung triết lý phát triển bản thân, chữa lành, tích cực đang rất dễ tiếp cận và ngày càng cá nhân hoá khiến con người ta dễ đắm chìm đến nỗi sinh ra ảo tưởng rằng mình đang thực sự tốt lên dù hiện thực có vẻ không giống lắm, vẫn lười biếng, tham hưởng thụ, thụ động, né trách nhiệm, thích sân si, khoe khoang và hay than thở, quả thực mục tiêu tiến bộ nhận thức rất hấp dẫn nhưng một phần chỉ đang cố chạy theo bệnh thành tích bằng cách tự ép mình nghe podcast về chủ đề tâm lý, tình yêu, cuộc sống càng nhiều càng tốt, họ tự gượng ép suy nghĩ theo hướng tích cực, tự ép bản thân phải ăn mặc đẹp để người khác ngắm nhìn và ngưỡng mộ, "lậm" chill deep, nghe nhạc indie và post story mang màu sắc thâm trầm, sang chảnh gây chú ý. “Tự mãn lấn át tự cường” chính là miêu tả chính xác về hiện tượng trên, mọi ý tưởng dần mất đi tính thực tế vì người ta cứ mãi gắn mắc rồi bị lôi cuốn theo sắc thái tiêu cực, tích cực của quan điểm ( tô hồng thực tại) thay vì tập trung vào nhiệm vụ làm rõ bản chất của vấn đề theo hướng chính xác nhất. Cách truyền tải đang dần trở nên trở nên dông dài lê thê, đặt nặng cảm hứng bởi ưa chuộng hoa mỹ hình thức tựa như một tác phẩm nghệ thuật hơn là giống một bài học thực tế.
Sau một thời gian tiếp thu, nhiều cá nhân bắt đầu "ngứa tay" rồi từ đó diễn dịch đơn thuần bằng trí tưởng tượng và tài văn chương nghệ thuật, mọi thứ sẽ từ từ xa rời nội dung cơ bản ban đầu và trở nên méo mó, lấp liếm vô căn cứ.
Nói đâu xa, chỉ riêng Học Thuyết Tính Không trong Phật giáo thì đã có không ít người hiểu lầm và xuyên tạc bằng cách gắn liền nó với nỗi sợ thấp thỏm sẽ mất đi một thứ gì đó bất cứ lúc nào hay thậm chí gắn liền nó với nỗi sợ tận thế, quanh năm suốt tháng họ giành thời gian để rầu rĩ vì bản chất vô thường đầy rủi ro của đời sống chứ chưa từng ngộ ra được đằng sau Học Thuyết Tính Không là cả trí tuệ thấu tỏ dòng chảy biến thiên sống động của vạn vật. Họ sợ hãi, cố chấp và dựa dẫm vào thần thánh bằng niềm tin, bằng lễ nghi, bằng “ từ thiện” hình thức để cầu an, cầu tài đến mức mê tín nhưng vô tình cũng đã phản bội con đường Đức Phật dạy rằng phải đi trên chính đôi chân của mình, đạo tự tại đã biến thành đạo yếu nhược bởi lối mòn như thế.
Sự lên ngôi của chủ nghĩa tương đối trong giới trẻ đã đánh dấu một bước phát triển tự do nhận thức nhưng khổ nỗi tự do mà không có định hướng tốt thì dễ lạc lõng, một số bạn trẻ đang hoang mang và hoài nghi trước nhiều quan điểm, nhất là quan niệm đạo đức và tính tốt xấu của mọi vấn đề. Nhận thức chưa đầy đủ cộng với thiếu trải nghiệm thực tế và quán tính bài trừ các giá trị cổ hũ đã đi quá xa để từ đây hình thành loại định kiến mới, định kiến sẵn sàng quy chụp và bài bác mọi thứ họ ghét (quan điểm trái chiều) với lý do tôn trọng sự tự do và khác biệt, lỗ hỏng của loại tư duy "tự do" đó phát sinh bởi nó không đến từ nhận thức sâu sắc mà đến từ cảm nhận chủ quan mơ hồ và lỏng lẻo! Sự tự do trong hệ quy chiếu cá nhân giờ đây trở thành một cái cớ hoàn hảo không thể bị công phá tương tự với vấn nạn sa đà vào chiều hướng cực đoan “duy tâm” trong Phật giáo. Sự “tự do” đó có vẻ tích cực nhưng sâu bên trong tiềm tàng nỗi bất an thụ động, trì trệ, phóng túng, suy diễn và bế tắc phương hướng. Quả thực, nhiều bạn trẻ đang bị nhấc bổng khỏi chiều sâu của hiện thực để đến với thời đại "tư duy và hành động theo trend", ví dụ như giao tiếp bằng tiếng lóng bắt trend, thậm chí, đọc sách, nghe nhạc và xem phim cũng theo trend,... Họ đang cố đuổi theo những kích thích cảm quan, dần dà bên trong họ hình thành nội tại tư duy cảm tính, thụ động, phụ thuộc, hấp tấp, ngắt quãng, hời hợt, đó là những cực đoan ngăn trở phát triển nhận thức và học tập sâu một cách chủ động và khách quan.
2. Đạo lý suông
Nhìn vào thực tế, không chỉ tri thức mới bị đem ra làm bức bình phong, thứ bị đem ra làm trò hề trước cả tri thức theo cách này không gì khác chính là Đạo Lý chỉ vì nó dễ hiểu và dễ đồng cảm hơn nhiều! Đối với những người đạo lý "mõm", Đạo Lý là vật trang trí treo trên vành môi mà họ luôn sẵn sàng bán đứng với một cái giá hấp dẫn, những người này thường ra vẻ, rao giảng và hô hào để thâu tóm nhân tâm cho đến khi “cháy nhà mới lòi mặt chuột”, một cái áo mưa nylon có thể lên giá bất thường khi trời bắt đầu chuyển mưa và sẽ ngùn ngụt tăng giá khi cơn mưa trút xuống dai dẳng mặc dù không hề có bất kỳ một lý do hợp lẽ, chỉ có đó những người lỡ đường đang ướt như chuột lột rét run cầm cập trên vỉa hè mà thôi, đằng kia, một ổ bánh mì biết kỳ thị chủng tộc đang phân biệt rạch ròi giữa “giá bán cho Tây” và “giá bán cho ta”, lừa đảo việc làm, bắt chẹt trừ ( quỵt) lương và còn vô vàn chuyện nực cười tương tự xoay quanh điểm chung "móc túi một cách chính danh”, biết đâu trong số đó không thiếu những người vô cùng đạo lý, hoạ chăng, họ chỉ đang tranh thủ lợi ích chút thôi! Vâng, một thứ Đạo Lý khôn lỏi! Ngặt nghèo lắm, họ mong cầu người khác cư xử dịu dàng, tử tế, bình đẳng với mình và hằng xây dựng một viễn cảnh xã hội tươi đẹp nhưng cũng chính họ là người tự phong cho bản thân đặc quyền ăn trên ngồi trước, suồng sã, trịch thượng, gian manh và lợi dụng người khác, họ không xem đạo lý như nhành olive mà xem nó là một cái khiên che giấu trong đó mũi gươm chực chờ tung đòn hiểm hóc triệt hạ đối thủ nhằm tước đoạt một lợi ích nào đó! Ở góc nhìn rộng hơn, quan niệm khôn lỏi đó đã kích thích trả đũa và bắt chước trên diện rộng rồi cứ thế chúng ta ghì nhau xuống đáy vực nhân tâm nhưng vẫn luôn mồm kêu than để cảm thấy mình vô can “trời ơi, đạo đức băng hoại rồi, xã hội thối nát rồi”!
3. Phản tri thức
Có thể những vấn đề mà tôi nói trên tương tự với Tích Cực Giả Tạo nhưng sâu bên trong dường như tôi cảm nhận được cái gì đó còn khó chịu hơn. Kho tri thức đồ sộ của nhân loại dễ làm người ta lạc lối, biểu hiện của những người lạc lối là không nắm rõ chi tiết, bản chất các khái niệm, sự vật và hiện tượng nhưng lại thích thể hiện, đánh đồng, suy diễn, so sánh, diễn dịch theo kiểu đầu voi đuôi chuột với tâm thế cảm tính, thiên kiến, chủ quan và phi thực tế, hệ quả là xuất hiện một loạt trí thức "dỏm" nguỵ biện gàn dở. Tệ hại hơn, ta có ví dụ về những tên phản tri thức đang nhung nhúc ngoài kia, họ ngạo nghễ trên đống năng lực có giới hạn song rất giỏi lẽo lự nói ngược nói xuôi ngấm ngầm thái độ ngông cuồng, hiếu thắng và hiếu chiến sẵn sàng gây sự, chế nhạo bất cứ ai làm họ "ngứa mắt", lộ liễu nhất là trên mạng xã hội, đến khi trình độ thấp kém tự tố cáo họ, họ bắt đầu quanh co trong bất lực và thậm chí có thể chuyển sang phủ đầu bằng ngôn từ và lý luận công kích cá nhân từ kín đáo đến thô tục như "bố mày", "ngu",... tôi cảm tưởng họ là những tên lưu manh ngạo mạn dùng gáy sách và câu chữ để thay thế dùi cui giương cao quyền lực man di trong thời hiện đại, họ vừa đáng ghét cũng vừa đáng thương, họ là nạn nhân của vũng lầy tư duy dễ dãi, đại khái, hỗn độn, nhồi nhét đến mức lệch lạc, cộng với đó là tâm lý tự ti và ích kỷ đến mức tự luyến.
Một yếu tố quan trọng không kém gây ra vấn nạn tư duy vừa lỏng lẻo vừa cố chấp vừa ích kỷ chính là MÔI TRƯỜNG SỐNG cảm tính và thực dụng! Hãy nhìn vào thực tại, vẫn đó nhiều nguồn đưa tin sặc mùi định hướng cảm tính với dạng tiêu đề "phẫn nộ...", "đáng ngưỡng mộ...",... Nhiều bậc phụ huynh thúc ép con mình học nhồi học nhét và gieo vào đầu chúng thói đố kỵ với bạn cùng trang lứa, cũng còn đó không thiếu những người mắc tật soi mói từng tiểu tiết như chiếc xe, cái túi xách, giày dép, quần áo, điện thoại di động,... cho đến từng cử chỉ, lời nói, thậm chí, nhiều người còn tranh giành từng mét đường khi tham gia giao thông và sẵn sàng bấm còi in ỏi thúc ép người phía trước tiến lên khi đèn tín hiệu còn chưa kịp chuyển sang xanh! Dường như người ta vẫn đang lẩn quẩn, quay cuồng trong vòng xoáy hơn thua vặt vãnh, đối với họ, tầm quan trọng của tri thức đã không vượt qua được danh lợi trước mắt để đến với mục tiêu khai phóng. Nói đi cũng phải nói lại, vẫn có đó một yếu tố khách quan to lớn cản trở tri thức lan toả sâu rộng, chính là sức ép "cơm áo gạo tiền"!
4. Tự vấn
Lạ lắm, dường như càng bàn nhiều thì tâm tư càng mông lung, nhất là trong thời đại mọi thứ diễn ra quá nhanh, nhanh đến mức người ta quên "xin lỗi" và "cảm ơn" nhưng luôn sẵn sàng ngồi vài chục phút để "chữa lành", nhiều người sống YOLO chấp nhận và trải nghiệm mọi thứ nhưng cũng nhiều người tham hưởng thụ, vô trách nhiệm, vô tâm, vô cảm. Người luận bàn đạo lý thì nhiều nhưng drama cũng không ít, liệu chúng ta đang tiến bộ thực sự trên tiến trình văn minh hay chỉ đang vô thức cố gắng xây dựng một hệ thống định kiến sắc sảo nhằm bao biện một cách thuyết phục hơn?
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất