TẠI SAO NHỮNG KỲ THỦ CỜ VUA HÀNG ĐẦU ĐỀU LÀ ĐÀN ÔNG
Vì lý nào đàn ông xếp trên phụ nữ trong cờ vua? Từ thống kê mà ra.
Tác giả: Wei Ji Ma
Thời điểm đăng: 11:25 AM, 11/12/2020
---//---
Phim truyền hình ngắn tập “The Queen’s Gambit” (Gambit Hậu) đã và đang phá hàng loạt kỷ lục về số lượng người xem trên Netflix, cũng giống như cái cách nhân vật chính của bộ phim này, một kỳ thủ tên Beth Harmon, chinh phục thế giới cờ vua. Cốt truyện lôi cuốn và truyền nhiều cảm hứng cho người xem. Những chi tiết đả động tới cờ vua đã được chắt lọc công phu, một điều rất hiếm gặp khi ta đang bàn tới một bộ phim giải trí dành cho đại chúng với chủ đề cờ vua. Tuy vậy, có một khía cạnh của bộ phim rất thiếu tính chân thực, điều mà Monica Hesse, cây bút của “The Washington Post” (Bưu báo Washington), và Dylan Loeb Mccain, cây bút của “The New York Times” (Thời báo New York) đã chỉ ra, rằng đa số những người đàn ông Harmon chạm trán đều tỏ thái độ ủng hộ sự nghiệp chơi cờ của cô.
Một Harmon ở ngoài đời thực ắt đã phải đương đầu với đủ kiểu lời bình cho rằng khả năng chơi cờ của phụ nữ là kém cỏi. Những câu từ mang tính xúc phạm với phụ nữ từ mồm những người chơi cờ giỏi nhất không phải là thứ gì đó xa lạ. Vào năm 1962, vua cờ Bobby Fischer đã nói: “Chắc là họ không được thông minh cho lắm”. Hay vào năm 1989, vua cờ Garry Kasparov đã nói rằng cờ vua “không dành cho phụ nữ” và “phụ nữ chiến đấu kém hơn”. Đại kiện tướng và Phó chủ tịch Liên đoàn Cờ vua Quốc tế (FIDE) Nigel Short đã phát biểu vào năm 2015 rằng “Về mặt bản chất, đàn ông đã chơi cờ tốt hơn phụ nữ,” và còn bổ sung “bạn phải thừa nhận điều đó một cách ‘nhã nhặn’”.
Không phải chỉ có đàn ông mới nghĩ thế này. Eva Repková, kiện tướng quốc tế và là người đứng đầu ủy ban phụ trách cờ vua nữ của FIDE, mới đây đã bình luận rằng: “Phụ nữ không phải là tự nhiên hiểu được cách phải chơi trò này thế nào. Một vài người có thể cảm thấy không hài lòng về việc đàn ông quan tâm tới cờ vua hay phụ nữ chọn âm nhạc hoặc cắm hoa là hợp với tự nhiên hơn”. Đại kiện tướng Koneru Humpy, kỳ thủ nữ hàng đầu của Ấn Độ, cho rằng “bạn phải chấp nhận” rằng đàn ông chơi cờ tốt hơn trong một bài viết với tựa đề “Why Women Lose at Chess”. (Tại sao phụ nữ thất bại trong cờ vua)
Phải thừa nhận, những lời bình này là hà khắc và chẳng khích lệ được ai cả. Nhưng nhiều người tin rằng việc phụ nữ chơi cờ kém hơn đàn ông là một sự thật tuy tàn nhẫn nhưng không thể chối bỏ. Thực tế đã chỉ rõ: trong lịch sử, chưa từng có một nhà vô địch thế giới nào là nữ. Căn bản mà nói, kỳ thủ nữ xuất sắc nhất đã luôn luôn xếp dưới kỳ thủ nam xuất sắc nhất trên bảng xếp hạng và rất có thể sẽ thua anh ta trong một trận đấu. Và trong tốp 100 kỳ thủ hàng đầu thế giới, duy chỉ có một người là phụ nữ (đại kiện tướng Trung Quốc Hou Yifan).
Dù vậy, với tư cách là một kỳ thủ cờ vua và là một học giả, tôi có thể khẳng định với bạn rằng không có bất kỳ điều nào trên đây đủ sức kết luận rằng bản chất của phụ nữ là không thể chơi cờ bằng đàn ông. Việc những kỳ thủ nam hàng đầu thường xuyên xếp trên những kỳ thủ nữ hàng đầu có thể chẳng dính dáng gì tới tài năng cả. Tất cả bắt nguồn từ thống kê và những yếu tố ngoại lai.
Việc những kỳ thủ nam hàng đầu thường xuyên xếp trên những kỳ thủ nữ hàng đầu có thể chẳng dính dáng gì tới tài năng cả. Tất cả bắt nguồn từ thống kê và những yếu tố ngoại lai.
Hãy bắt đầu với thống kê. Một nghiên cứu vào năm 2008 chủ đạo bởi nhà tâm lý học Merim Bilalić chỉ ra sai lầm về mặt lô gích trong việc coi sự khác biệt thứ hạng ở tốp đầu như là một bằng chứng cho việc có sự khác biệt ở khía cạnh bản chất con người: nếu một nhóm (những kỳ thủ nữ) nhỏ hơn rất nhiều so với nhóm còn lại (những kỳ thủ nam), thì một người có thể sẽ vô tình cho rằng người giỏi nhất của nhóm lớn chơi tốt hơn so với người giỏi nhất của nhóm nhỏ hơn.
Để lý giải điều này, tôi thường dùng một thí nghiệm tưởng tượng. Giả sử rằng bạn tập hợp được một nhóm 12 người và phân phối ngẫu nhiên cho 10 người một cái mũ xanh biển và hai người còn lại một cái mũ xanh lá. Sau đó, bạn gán ngẫu nhiên một con số từ 1 đến 100 cho mỗi người. Bạn tuyên bố rằng điểm số của Đội Xanh Biển là con số lớn nhất một người với mũ xanh biển được gán cho và điểm số của Đội Xanh Lá là con số lớn nhất một người với mũ xanh lá được gán cho. Kết quả là tính bình quân, Đội Xanh Biển có điểm số cao hơn nhiều (91,4) so với Đội Xanh Lá (67,2). Tất nhiên, đây không phải là vì có sự khác biệt ở khía cạnh bản chất giữa thành viên hai Đội Xanh Lá và Đội Xanh Biển (nhớ không, những cái mũ được phân phối ngẫu nhiên mà). Đều do may rủi cả: đơn giản mà nói, Đội Xanh Biển vì có 10 thành viên nên có nhiều cơ hội đạt được số điểm cao hơn so với Đội Xanh Lá chỉ có hai thành viên. Bài học là: nếu một nhóm lớn hơn rất nhiều so với nhóm còn lại, thì về bản chất, việc so sánh những người giỏi nhất ở mỗi nhóm với nhau là không công bằng.
Thứ lô gích tương tự cũng áp dụng cho cờ vua: ví dụ, trong số những kỳ thủ còn hoạt động vào năm 2019 theo danh sách của FIDE, chỉ có 10,1 phần trăm là nữ; ở Mỹ, con số này là 8,2 phần trăm. Mới đây, tôi đã tính toán được rằng chỉ mình sự khác biệt giữa số lượng kỳ thủ nam và nữ là đủ để giải thích cho sự khác biệt về hệ số ELO giữa những kỳ thủ nam hàng đầu và kỳ thủ nữ hàng đầu ở Ấn Độ. Nói cách khác, sự khác biệt giới tính trong số lượng người chơi ở Ấn Độ bao quát trọn vẹn sự khác biệt giới tính ở tốp đầu. Khi chúng ta ra tay sửa sai cho sự chênh lệch rõ ràng giữa số lượng nam và nữ chơi cờ thì sau khi cân nhắc kỹ, dễ thấy chẳng có bằng chứng nào chứng minh đàn ông chơi tốt hơn, ít nhất là ở Ấn Độ mà nói.
Những câu nhận định qua loa từ những người tai to mặt lớn về việc đàn ông vượt trội hơn ở cờ vua thường chẳng kèm theo các phân tích cần có về số liệu thống kê và chính vì vậy, không đáng để chúng ta tin vào. Nhưng nếu có một người đi làm công việc phân tích cặn kẽ cho những quốc gia khác ngoài Ấn Độ, vậy thì liệu sự khác biệt ở tốp đầu có phải chỉ bắt nguồn từ sự khác biệt về số lượng người chơi trên toàn thế giới này không? Jose Camacho Collados, kiện tướng quốc tế và là một nhà khoa học máy tính, và Nikos Bosse, một nhà thống kê, đã đặt ra câu hỏi đó. Họ xác định được rằng ở nhiều quốc gia khác nhau, sự khác biệt về số lượng người chơi là không đủ để giải thích cho sự khác biệt ở tốp đầu. Nói thì nói vậy, nhưng cái trước vẫn có thể bao quát phần nào cái sau, và vì thế, chỉ hướng tập trung vào mỗi sự khác biệt ở tốp đầu vẫn sẽ khiến bạn có cái nhìn sai lệch về vấn đề.
Kể cả khi sự khác biệt về số lượng người chơi không đủ để giải thích cho sự khác biệt về thứ hạng ở những người giỏi nhất, điều đó không đồng nghĩa với việc phụ nữ từ khi sinh ra đã chơi cờ vua kém hơn (cả Collados lẫn Bosse đều không khẳng định nó đúng). Có rất nhiều yếu tố ngoại lai - xã hội, văn hóa, và kinh tế - có thể khiến cho kỳ thủ nữ hàng đầu xếp dưới kỳ thủ nam hàng đầu. Những kỳ thủ nữ ở tốp đầu thường chỉ được mời tới chơi ở những giải đấu dành riêng cho nữ giới, một điều mà rất có thể sẽ giới hạn khả năng tăng thứ hạng của họ. Cũng có thể những liên đoàn quốc gia đầu tư ít hơn vào các kỳ thủ nữ so với những người đồng nghiệp nam của họ, chẳng hạn về mặt huấn luyện hoặc tìm nhà tài trợ. Nam giới dễ kiếm sống từ nghiệp cờ hơn nhiều. Trong số những kỳ thủ ở tốp đầu có con, phụ nữ có thể phải oằn mình vì gánh nặng lo cho con cái hơn so với đàn ông và vì thế có ít thời gian hơn để chơi và chuẩn bị cho các giải đấu. Những kỳ thủ nữ hàng đầu có thể là nạn nhân của “mối đe dọa rập khuôn” (một người trong nhóm chịu định kiến tiêu cực không thể hiện đúng thực lực vì chịu sức ép hoặc lo âu do chính cái định kiến đó gây nên), và đúng là dường như điều đó đã được thể hiện trong kết quả của các ván đấu.
Rất có thể, các kỳ thủ nữ tốp đầu còn phải thi đấu trong một môi trường không có vẻ gì là chào đón họ cả, dẫn tới tỷ lệ bỏ nghề cao hơn so với những kỳ thủ nữ tốp dưới. Những nhà tâm lý học xã hội, tính cả đồng nghiệp của tôi ở đại học New York là Madeline Heilman, đã chứng minh được rằng những người phụ nữ xoay xở thành công trong những vai trò từ trước đến nay dành cho nam giới thường chịu những lời gièm pha và không được yêu quý. Nếu bạn cần một ví dụ thực tế, hãy ngó qua dự án mỹ thuật của đại kiện tướng nữ Jennifer Shahade “Not Particularly Beautiful” (không đẹp cho lắm). Một bàn cờ quá khổ được treo trên tường chứa chi chít những câu từ sỉ nhục và mang nặng sự phân biệt giới tính với cô và những kỳ thủ nữ khác.
Tất cả những yếu tố này là ngoại lai, và chẳng có cái nào trong số chúng dính dáng gì tới trí thông minh hay năng lực thiên bẩm. Khó mà gỡ được mối tơ vò; ví dụ, bạn không thể phân những kỳ thủ trẻ ra và cho chúng vào những nhóm khác nhau quanh những người mang những tư tưởng khác nhau về giới tính, và xem xem chúng thể hiện ra sao trong một giải đấu. Nhưng trong toán, một lĩnh vực khá giống cờ vua ở nhiều điểm, một “thí nghiệm tự nhiên”[1] thú vị đã diễn ra khi nước Đức chia thành Đông Đức và Tây Đức. Kết quả, sự khác biệt về giới tính trong toán ở Đông Đức là hẹp hơn nhiều so với Tây Đức, có thể là vì hệ thống giáo dục ngả theo chủ nghĩa quân bình[2] khích lệ sự tự tin cũng như cạnh tranh của các cô gái trong việc học toán. Điều này chứng tỏ sự khác biệt về thành tích giữa các giới trong lĩnh vực trí tuệ có thể bắt nguồn từ những niềm tin của con người ở tầng xã hội.
Trong cờ vua, mổ xẻ triệt để các yếu tố cấu thành sự khác biệt ở nhóm những kỳ thủ tốp đầu là một vấn đề nan giải và đã là một chủ đề nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua, và sẽ tiếp tục là như vậy trong tương lai sắp tới. Việc định lượng tất cả những tác động xã hội, văn hóa, kinh tế, và cách chúng khiến cho một kỳ thủ nữ có tiềm năng siêu sao thi đấu kém hơn một chút là khó vô cùng. Nhưng những người chơi cờ thường chọn một cách lý giải đơn giản hơn thống kê: sinh học. Nhớ Short đã nói về “bản chất” hay Repková cho rằng việc phụ nữ chọn cờ vua là không hợp tự nhiên không. Kasparov còn nói vào 1989: “Chắc câu trả lời nằm ở gen cả”. Giờ ông đã chối bỏ việc mình phát ngôn câu đó, nhưng chỉ cần nhòm vào những diễn đàn cờ vua là biết cái kiểu suy nghĩ như thế vẫn đang sống dai. Giới chơi cờ thường xem tài năng thiên bẩm là động lực cho thành công, và những kỳ thủ cờ vua có xu hướng coi sự khác biệt về mặt sinh học hay bản chất con người như là một hướng giải thích cho sự khác biệt về mặt thành tích giữa các giới.
Tôi xin được khẳng định một cách rõ ràng: hiện nay chưa có bằng chứng nào cho thấy có sự khác biệt về mặt sinh học trong khả năng chơi cờ giữa nam và nữ. Tất nhiên, ấy không đồng nghĩa với việc những khác biệt ấy chắc chắn không tồn tại. Nhưng vì lý gì mà phải tập trung nghiên cứu vào việc phát hiện ra chúng, khi chúng ta biết lúc ấy bản thân sẽ không thể làm gì hơn? Thay vào đó, với tôi, đáng ngẫm hơn là tìm hiểu tại sao những kỳ thủ cờ vua thường tìm đến những lý lẽ liên quan tới sinh học để mà giải thích. Nhà tâm lý học Andrei Cimpian, một đồng nghiệp khác của tôi ở đại học New York, trong một bài nghiên cứu đã chỉ ra rằng những lý giải kiểu vậy giúp củng cố thứ tôn ti hiện hành. Và những người nắm giữ những vị trí quan trọng trong giới cờ vua, thường là đàn ông, được lợi từ điều đó. Họ khó mà thừa nhận rằng những yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như phân bổ nguồn lực không công bằng hay một môi trường gây khó dễ với nữ giới, là lý do ngáng đường những kỳ thủ nữ ở tốp đầu. Đương nhiên, bên hưởng lợi luôn chối bỏ kịch liệt việc mình được hưởng lợi, một điều thường thấy ở gần như bất kỳ cuộc đấu tranh cho công bằng xã hội nào.
Nhiều người quan niệm rằng muốn có nghiệp cờ thăng tiến thì cốt lõi là phải nắm giữ một khả năng thiên bẩm, thay vì kiên trì học tập để cải thiện dần dần, và chính nó có lẽ là lý do khiến số lượng người chơi cờ giữa nam và nữ có sự chênh lệch rõ rệt ngay từ ban đầu. Andrei Cimpian, Sarah-Jane Leslie - nhà tâm lý học ở đại học Princeton - cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu 30 chuyên ngành ở Mỹ và thấy rằng có tồn tại tỷ lệ nghịch rõ rệt giữa sự phổ biến của niềm tin vào khả năng thiên bẩm với số lượng nữ tiến sĩ. Không dừng lại ở đó, những đứa trẻ từ rất nhỏ đã tiếp thu những niềm tin cho rằng nam xuất sắc hơn nữ. Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy nhiều bé gái mới lên 6 ở Mỹ đã không tin rằng phái nữ “cực kỳ thông minh”, và chúng bắt đầu tránh né những hoạt động được người khác nói là dành cho trẻ “cực kỳ thông minh”. Rồi đó, các bạn thấy chưa: một xuất phát điểm sớm đến mức khó tin cho sự chênh lệch về giới tính trong số những người tham gia chơi cờ.
Hậu quả là một vòng lặp tai hại: đàn ông tin rằng phụ nữ (và bé gái) không có tài năng thiên bẩm gì và vì thế chơi cờ vua kém hơn, kèm theo tâm thế thù địch xua đuổi phái nữ khỏi cờ vua, và rồi sự chênh lệch ở tốp mới chơi cũng như ở tốp đầu càng rõ rệt, thế là đàn ông dựa vào đó mà càng tin vào việc phụ nữ chơi cờ kém hơn.
Ở những đấu trường khác, nơi văn hóa ưa chuộng tài năng thiên bẩm đang hoành hành và sự chênh lệch giới tính trong số những người chọn dấn thân là quá sức rõ rệt như vật lý hay khoa học máy tính, rất khó để phá vỡ vòng luẩn quẩn này. Nhưng, không thử thì không được. Phong trào “Woman in Chess” (phụ nữ chơi cờ) khởi xướng bởi Liên Đoàn Cờ Vua Mỹ đầu tư tiền bạc và đứng sau ủng hộ cho những giải đấu dành cho phụ nữ và bé gái. Như những gì Sarah-Jane Leslie giải thích, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của cần cù hơn là tài năng thiên bẩm có thể giúp giảm thiểu việc phụ nữ và bé gái bỏ ngang. Những dự án như “Not Particularly Beautiful” (không đẹp cho lắm) lột trần những câu từ mang nặng thành kiến và giúp ta có được cái nhìn về ảnh hưởng của những yếu tố văn hóa trong việc cấm cản nữ giới. Kể cả một sê-ri của Netflix tô điểm thế giới cờ vua hơi quá đà có thể có ích. “The Queen’s Gambit” (Gambit Hậu) dường như đã khiến số lượng nữ giới bắt đầu chơi cờ tăng lên đột biến. Nhưng tất cả những gì ta đạt được như kể trên sẽ chóng tàn nếu thiếu một sự thay đổi mang tính hệ thống.
===============
Chú thích
[1] Thí nghiệm tự nhiên là một nghiên cứu thực nghiệm hoặc quan sát, trong đó các biến kiểm soát và biến thí nghiệm quan tâm không bị nhà nghiên cứu thao túng giả tạo mà được phép tác động bởi tự nhiên hoặc các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nghiên cứu.
[2] Chủ nghĩa quân bình là một quan điểm triết học nhấn mạnh sự bình đẳng và đối xử bình đẳng giữa giới tính, tôn giáo, địa vị kinh tế và niềm tin chính trị.
==============
Nguồn dịch:
Lắng nghe giọng đọc "truyền cảm" cùng góc nhìn từ siêu đại kiện tướng Hikaru Nakamura:
==============
P/s: Tác giả quên mất sự tồn tại của gia đình Polgar thì phải
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất