Đối với những người mới làm quen với cờ vua, không ít người sẽ gặp khó khăn trong những nước đi đầu tiên, khi chưa rõ mục tiêu cụ thể để tấn công hoặc phòng thủ. Nếu tính một cách cơ bản nhất, ở nước đi bắt đầu ván cờ có thể xảy ra 20 trường hợp khác nhau (bao gồm 16 nước đi Tốt và 4 nước đi Mã). Tương tự với Đen, có 20 cách để đáp trả nước đi đầu tiên của Trắng. Như vậy một ván cờ có tới 20 x 20 = 400 biến thể ở lượt đầu. Ván cờ sẽ tiếp tục ở lượt thứ 2, thứ 3 cho đến khi kết thúc, và từ 10 đến 20 nước đầu tiên sẽ quyết định lợi thế cho bên nào ở giai đoạn trung cuộc. 
Như vậy, chơi như thế nào để có thể giành lợi thế hoặc tránh để ván đấu trôi đi quá xa ở giai đoạn khai cuộc?
Các kì thủ nổi tiếng thế giới như Magnus Carlsen, Hikaru Nakamura, Fabiano Caruanna hay Ian Nepomiatchi sẽ có những bài đánh khai cuộc riêng, nghiên cứu những biến có thể xảy ra ở những thế cờ khác nhau, nhưng đều dựa trên 3 nguyên tắc chính.

Đọc thêm:

Nguyên tắc 1: Chiếm trung tâm
Khi xưa, vua Lí Thái Tổ sau khi lên ngôi, đã dời đô từ Hoa Lư ra Đại La (Thăng Long) với mục đích là có thể xây dựng kinh đô ở trung tâm Đại Việt, rút ngắn khoảng cách giữa kinh thành và những vùng khác. Trong cờ vua cũng thế, nếu như bên nào có thể tối ưu hóa lực lượng ở khu vực trung tâm, bên đó sẽ thuận tiện kiểm soát nhiều ô vuông chiến lược, tiếp cận các điểm nóng trên bàn cờ một cách nhanh chóng, cũng như là đe dọa tấn công vua đối phương dễ dàng. Cụ thể ở đây, trung tâm bàn cờ là 4 ô vuông d4, d5, e4, e5. 
Mã trắng ở trung tâm bàn cờ phát huy tối đa khả năng, kiểm soát 8 ô vuông (được đánh dấu bằng quân Tốt đen)

Hậu ở trung tâm sẽ chiếm được các hàng ngang, dọc và đường chéo, kiểm soát 27 ô vuông trên bàn cờ
Qua 2 ví dụ về quân Mã và Hậu, ta có thể thấy sức ảnh hưởng khủng khiếp của những quân cờ khi ở vào trung tâm. 
Vậy thì, cách nào để đánh chiếm trung tâm ở giai đoạn khai cuộc?
Cách đơn giản nhất, là sử dụng quân Tốt. Nhiều người chơi bắt đầu ván cờ với 1. e4 với mục đích đưa Tốt chiếm trung tâm, kiểm soát ô vuông f5 và d5. Ngoài ra có những nước khác với ý đồ chiến lược khác nhau như d4, c4 (English Opening), thậm chí là Mf3 (King Indian Set Up). Sau khi Đen đáp trả (có thể là e5, e6, c5,...) thì khai cuộc vẫn sẽ tiếp diễn và cả 2 bên sẽ giằng co để trung tâm hóa lực lượng.
Ta sẽ phân tích qua một vài ví dụ:
Ví dụ 1 (Italian Game):
Ở thế cờ này, quân Trắng đang có lợi thế lớn khi sở hữu 4 quân cờ kiểm soát trung tâm (Tc4, Mf3, Tốt d4, e4). Trắng có thể dễ dàng tổ chức những cuộc tấn công cánh vua với mũi tấn công của quân Tượng đang hướng ở đường chéo a2-g8, Tốt trung tâm có thể di chuyển lên hàng d bất cứ lúc nào. 
Ví dụ 2 (French Defense):
Thế cờ này, rõ ràng quân trắng đang có 2 Tốt mạnh ở trung tâm, kiểm soát 2 ô c3 và d3 quan trọng, Mã bên Đen ở b2 không thể phát triển dễ dàng. Tuy nhiên, Đen hoàn toàn có thể phản công bằng nước Tốt lên c5, nhằm phá vỡ sự kết nối của 2 quân Tốt mạnh. Ván cờ sẽ tiếp diễn theo biến Advance Variation của phòng thủ Pháp. 
Qua 2 ví dụ trên, ta có thể nhận biết được tầm quan trọng của khu trung tâm. Trên thực tế, ở thành phố Hồ Chí Minh thì quận 1 và quận 3 luôn nhộn nhịp, tấp nập, và ai cũng ao ước sở hữu bất động sản ở khu vực này, thậm chí là có mặt bằng để kinh doanh. Vì đây là trung tâm của thành phố, thuận tiện cho giao thông vận tải đến những vùng khác cũng như là những tiện ích mà trung tâm có thể mang lại. Trên bàn cờ cũng thế, ai nắm được khu trung tâm sẽ giữ nhiều lợi thế để triển khai thế trận.

Đọc thêm:

Nguyên tắc 2: Phát triển lực lượng đồng đều
Tướng tài phải biết dụng binh. Một vị tướng, một nhà lãnh đạo nếu muốn thắng bất kì trận đánh nào đều phải biết cách vận dụng tối đa lực lượng vốn có, đặt vào đúng vị trí, đúng thời điểm. Trên bàn cờ, ngoại trừ quân Vua ở giai đoạn đầu thì tất cả các quân cờ còn lại đều có khả năng đóng góp vào mặt trận tấn công, phòng thủ của mỗi bên. Nhiệm vụ tối quan trọng của người chơi là phải đưa toàn bộ quân cờ vào vị trí chiến đấu ở giai đoạn khai cuộc, theo thứ tự: quân nhẹ trước, quân nặng sau.
Để thuận tiện trong việc đánh giá sức tấn công/phòng thủ của một quân cờ, người ta đã đặt ra điểm tương ứng như sau:
- Tốt: 1 điểm
- Mã/Tượng: 3 điểm
- Xe: 5 điểm
- Hậu: 9 điểm
- Vua (nếu xét về sức kiểm soát): 3 điểm
Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy, quân nhẹ là những quân Mã, Tượng (3 điểm), quân nặng là Xe (5 điểm) và Hậu (9 điểm). 
Việc phát triển quân đồng đều, đúng độ ưu tiên sẽ mở ra những hướng tấn công, cũng như tránh rủi ro khi đưa những quân cờ quan trọng như Hậu tham chiến quá sớm (có thể sẽ tốn temp để chạy Hậu, thậm chí là bị bắt chết).
Ở hình cờ trên, nhờ việc phát triển quân đồng đều theo quy tắc, các quân của Trắng đã vào vị trí, với 2 tượng mạnh hướng mũi tấn công về cả 2 cánh của Đen, Mã ở f3 gia cố trung tâm, Xe ở a1 có cột nửa mở b mạnh. Quân Hậu dễ dàng tham chiến bất cứ lúc nào. Ở phía Đen, Mã và Tượng chưa phát triển hết, dẫn đến nhiều ô không được kiểm soát chặt, tạo ra điểm yếu trong hệ thống của Đen, điển hình như ô vuông d6. Ngoài ra, Hậu đen đứng ở biên bàn cờ, dễ bị tấn công nếu Trắng thực sự quyết tâm ở những nước tiếp theo.
Nguyên tắc 3: An toàn Vua (Nhập Thành)
Vua là quân cờ quan trọng nhất trong 16 quân cờ của mỗi bên. Việc xây pháo đài để bảo vệ Vua cho bên phòng thủ, hoặc đưa Vua vào vị trí an toàn để dễ dàng tấn công là nhiệm vụ cần thiết cho mọi kì thủ. Đối với cờ Tướng, quân Tướng chỉ được phép di chuyển trong một phạm vi nhỏ, gọi là cung. Trong cung luôn có quân Sĩ bảo hộ, còn ngay bên ngoài là quân Tượng. Nhưng trong cờ Vua, Vua không bị giới hạn , cũng không có quân cờ nào luôn túc trực bảo vệ Vua. Nhưng may thay, luật cờ Vua tồn tại nước Nhập Thành (Castle). Vua có thể di chuyển 2 ô trong một nước đi, và quân Xe sẽ "nhảy" vào vị trí cạnh Vua, trên đường Vua vừa di chuyển qua

Vị trí ban đầu của Vua và Xe (Xét cánh Vua cho Trắng và cánh Hậu cho Đen)

Vị trí sau khi Nhập Thành
Nước Nhập Thành không chỉ an toàn Vua, nó còn có thể giúp quân Xe tham chiến một cách dễ dàng. Trong một số trường hợp, việc Nhập Thành sẽ giúp xe chiếm cột mở/nửa mở ở trung tâm thuận tiện. 
Một lưu ý là khi Nhập Thành, "pháo đài" của Vua nên được che chắn kĩ càng với các quân Tốt ở trước Vua. Như vậy sẽ cản trở đường chiếu của quân đối phương
Ở một số khai cuộc như King's Gambit, Vienna Gambit, việc nhập thành sau khi đã có cột nửa mở f sẽ tạo lợi thế lớn, tối ưu hóa sức mạnh của quân Xe. 
Nguyên tắc phụ: Giữ cấu trúc Tốt vững chắc
Điểm khác biệt giữa quân Tốt cờ Vua và cờ Tướng là Tốt trong cờ Tướng hoạt động đơn lẻ, chỉ tiến lên với mục đích quấy nhiễu, thậm chí là sẵn sàng hi sinh để tạo lợi thế. Trong cờ Vua, quân Tốt có thể kết nối lại với nhau tạo thành "dây xích Tốt", tấn công hay phòng thủ đều hiệu quả. Những cặp Tốt thông (Pass Pawn) có thể bảo vệ nhau để phong cấp. Nhưng điểm yếu chí mạng khi xây dựng hệ thống Tốt là bị "Tốt chồng (Stacked Pawn/Double Pawn)", tức là 2 Tốt cùng màu đứng chung một cột. Tốt chồng sẽ làm suy yếu hệ thống vì không thể bảo vệ lẫn nhau, tạo ra điểm yếu và mục tiêu cho những cuộc tấn công của đối phương. Ngoài ra, Tốt cô lập (Isolated Pawn) cũng hoàn toàn có thể trở thành mục tiêu cho những cuộc tấn công. 
Ở cờ tàn, nếu bên nào có một cấu trúc Tốt hài hòa, liên kết tốt thì việc phong cấp sẽ trở nên dễ dàng. Vì thế, giai đoạn khai cuộc nên hạn chế việc bị phá cấu trúc Tốt, thua về số lượng Tốt mà không có sự bù đắp về mặt tích cực và tầm hoạt động của quân.
----oOo----
Vừa rồi chỉ là những nguyên tắc tổng quát trong khai cuộc, dùng để tham khảo cho người mới làm quen với bộ môn cờ Vua, và là kim chỉ nam cho việc định hình thế cờ ở khai cuộc. Việc cần làm là luyện tập thật nhiều, nghiên cứu vài biến thể khai cuộc để có thể cải thiện trình độ cờ theo thời gian.
--- Peace ---