Thỉnh thoảng mình lại nghe đâu đó: "Lựa chọn đúng quan trọng hơn nỗ lực". Khi không đào sâu vào thì nghe cũng mượt tai đấy. Tuy nhiên, làm sao để đánh giá lựa chọn của mình là đúng khi nó chưa mang lại kết quả? Ở đây, điều gì mới thực sự quan trọng?
Hãy cùng đào sâu về chủ đề này nhé!

Lựa chọn đúng quan trọng hơn nỗ lực? - KHÔNG SAI

Mình không phủ nhận điều này. Nhìn lại con đường đã đi, những ngã rẽ mà mình đã chọn, so với những người bạn vẫn đang trên con đường đi tìm định hướng, mình cảm thấy thật "may mắn" khi đã có những lựa-chọn-đúng.
Việc đưa ra những chọn lựa đúng đã giúp mình đi nhanh hơn nhiều. Nhưng khi đã đi qua, đã có kết quả để nhìn lại, mình lại thấy rằng: Dù là chọn lựa nào, thì lựa chọn đó vẫn đúng với mình-ở-thời-điểm-đó .
Vì sao ư? Mình tin, khi vẽ ra kế hoạch đường đời cho mình, ai cũng đều có những phân tích & nhận định riêng. Không có con đường nào tự nhiên mà mọc lên cả. Điều đó cũng có nghĩa là: Mọi lựa chọn tại thời điểm đó, bạn đều đã chắt lọc để phù hợp với bản thân nhất rồi.
Vậy thì, điều gì khiến cho những lựa chọn đó bị cho là sai lầm? Trước khi trả lời câu hỏi này, mình sẽ tìm hiểu: Làm thế nào để đánh giá một lựa chọn LÀ ĐÚNG?

Làm thế nào để đánh giá một lựa chọn LÀ ĐÚNG?

Mình chưa có nhiều thời gian để tìm hiểu xem có nghiên cứu nào trả lời câu hỏi: Làm thế nào để đánh giá một lựa chọn là đúng? Tuy nhiên, sau khi xem thử một vài topic, cùng với trải nghiệm cá nhân, mình có thể tạm rút ra như này:
Một lựa chọn thường được cho là đúng khi nó giúp ta đạt được output là yếu tố thực tế, mục tiêu đặt ra ban đầu. Hoặc cũng có thể chỉ là yếu tố tinh thần, kỳ vọng hoặc cảm xúc cá nhân.
Tuy nhiên, không phải mục tiêu nào cũng có thể đạt được trong thời gian ngắn. Có những cái "đích" bạn chỉ mất vài tháng, nhưng cũng có những cái "đích" bạn sẽ mất vài năm, hoặc thậm chí là một đời.
Vậy, làm sao để đánh giá quyết định là đúng khi chưa "chạm" được đến đích cuối cùng?
Trong hành trình tiến tới mục tiêu, sẽ có nhiều "biến số" mà bạn chẳng lường trước đc. Điều đó khiến con đường bạn phải đi đôi khi sẽ không giống lộ trình đặt ra ban đầu. Cạnh đó, do sự gặp gỡ và trải nghiệm ở mỗi thời điểm là khác nhau, có thể mục tiêu của chúng ta sẽ chẳng còn giống ban đầu.
Năm 24 tuổi, mục tiêu của tôi là sự nghiệp, thứ mà tôi cho rằng là tấm bảo hiểm vô hạn của đời mình. Năm 27 tuổi, mục tiêu của tôi là hạnh phúc, thứ mà tôi định nghĩa là sự cân bằng trong các mối quan hệ bạn bè, tình yêu, gia đình và sự nghiệp.
Có thể bạn sẽ còn rẽ hướng trên hành trình đó. Hệ quả là bạn lại cho mình một mục tiêu mới, có thể có, hoặc chẳng liên quan đến cái đích ban đầu.
Vậy, nếu như mục tiêu thay đổi, mục tiêu cũ bị lược đi khi chưa được đạt được, những quyết định trước đó có thể coi là lựa chọn sai lầm hay không?
Ở đây, mình cho rằng: Ngay cả khi mục tiêu cũ bị lược đi, được thay thế bằng một mục tiêu mới dù chẳng chút liên quan nào, thì cũng không thể cho rằng quyết định trước đó là sai lầm. Bởi, để ra được mục tiêu mới phù hợp với bản thân hơn, bạn cũng đã phải trải nghiệm hàng loạt sự kiện bởi input là các quyết định trước đó.
Cạnh đó, một điều mình nhận thấy là: Chúng ta thường phủ nhận lựa chọn của bản thân khi không đạt được kỳ vọng sau quyết định đó.
---
Ví dụ: Nhiều người cảm thấy hối hận khi đã lựa chọn học đại học thay vì đi xuất khẩu lao động hoặc học nghề (Cái này mình đọc comment trên Tiktok).
Theo đó, một nhóm bộ phận cho rằng: Học đại học xong ra trường không áp dụng vào thực tế được, do lý thuyết giảng đường và làm việc thực tế là khác nhau. Vẫn phải bắt đầu từ con số 0. Thà rằng đi học nghề, kiếm được tiền sớm và thậm chí còn nhiều hơn.
Một nhóm khác cho rằng: Học đại học xong, dù đi làm mấy năm nhưng lương vẫn thấp, còn không bằng các boss kem trộn. Thà rằng đi xuất khẩu lao động lấy vốn về kinh doanh còn tiềm năng hơn.
Điều mấu chốt ở topic này là gì? Chúng ta học hành, đi làm nhằm mục tiêu kiếm được nhiều tiền, có cuộc sống tốt hơn. Để ra được output là kiếm-được-nhiều-tiền, chúng ta có các lựa chọn input bao gồm:
1. Đi xuất khẩu lao động kiếm vốn về kinh doanh
2. Học nghề
3. Học đại học
Việc input 3: học-đại-học bị vùi dập hơn so với 2 trường hợp còn lại có thể do 1 trong các nguyên nhân sau:
1. Nhóm học đại học & đồng thời kiếm được nhiều tiền không dùng Tiktok, hoặc không lướt tới topic này, hoặc không thèm comment (nên không có dữ liệu phản biện).
2. Nhóm học đại học nhìn thấy một phần nhỏ nhóm input 1 & 2 (Xklđ & học nghề) kiếm được nhiều hơn mình, so sánh và thấy hối hận.
3. Nhóm học đại học so sánh output là thu nhập hiện tại với mức sống mong đợi khi lựa chọn input không khớp nên phủ nhận lựa chọn của mình.
⇒ Có thể thấy, chúng ta đang "đứng núi này trông núi nọ", mà bỏ qua yếu tố nội tại, so sánh với nhóm input giống mình.
Thực tế, nếu so sánh với những người có cùng con đường đại học, có rất nhiều người vẫn rất thành công, dù là đúng chuyên ngành, hay rẽ hướng. Ngay cả khi họ thành công nhờ việc rẽ hướng thì cũng không nên phủ nhận quyết định học đại học.
*Thành công ở đây không định nghĩa bằng tiền bạc, mà mình đo lường bằng mức độ hài lòng với sự nghiệp mong đợi.
Như trên mình có nói: Mọi quyết định, mục tiêu mới đều dựa trên gặp gỡ, trải nghiệm, kiến thức từ lựa chọn cũ. Có thể, học đại học không cho bạn kiến thức mong đợi, nhưng nó lại có thể cho bạn mối quan hệ, kỹ năng, hoặc đơn giản là ý tưởng hay động lực cho output là thành công sau này. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra điều đó. Nhiều người phủ nhận hoàn toàn.
Bỏ qua tệp con ông cháu cha, gia đình vững sẵn. Vì tệp này có đặc thù sẵn lộ trình riêng (Dù giờ có nhiều người theo đuổi đam mê thay vì kế nghiệp gia đình). Thế giới xung quanh mình vẫn có những người thành công nhờ nghiệp "học".
Một người em cùng đại học với mình, đã ra trường, làm đúng ngành và khởi nghiệp đúng với đam mê nó theo đuổi. Khoan nói thành công hay không, nhưng đam mê nuôi được sau nhiều năm theo đuổi thì chắc chắn tiền bạc không còn là vấn đề. Hoặc đơn giản là nó đã kiếm được tiền bằng đam mê của mình.
Một người bạn đến nay mình vẫn luôn nể, từ gia cảnh không hề dễ dàng vươn lên thành "tay to" trong lĩnh vực của mình. Và tất nhiên, họ cũng theo con đường đại học mà lên.
Một người chị mình biết, gia cảnh cũng không hề dễ dàng. Mẹ chị mất sớm, mình chị nuôi em ăn học hết đại học. Cũng từ con đường đại học, nhưng mình thấy chị luôn nhiều năng lượng với công việc, và cũng chưa từng thấy chị kêu ca về lựa chọn của mình. Và đây cũng chẳng phải trường hợp đi làm vì đam mê, mà là kiếm được tiền từ đam mê của mình.
Và mình, không phải quá thành công trong lĩnh vực đang theo đuổi, nhưng mình thấy hài lòng (Dù mục tiêu về thu nhập của mình vẫn tăng lên hàng năm). Một mức thu nhập ổn được kiếm bằng những đam mê để luôn nhiệt huyết 8 tiếng mỗi ngày. Những gì mình có ở hiện tại không nhờ tấm bằng đại học, nhưng mình cũng không thể phủ nhận con đường đại học đã cho mình rất nhiều.
⇒ Có thể thế giới quanh mình rất nhỏ, nhưng rõ ràng là vẫn có những người thành công nhờ tích lũy trên con đường đại học.
Vậy thì, điều gì khiến cho lựa chọn đó bị cho là sai lầm?
Hãy thử đặt câu hỏi: Nếu như vẫn có những người thành công kiếm tiền nhờ input đại học, vậy lý do gì khiến một nhóm bộ phận cũng lựa chọn input này nhưng vẫn không thành công trong việc kiếm tiền?
Một số câu trả lời có thể đưa ra là: Chỉ số EQ; IQ; sự nỗ lực; tính kỷ luật; tính tập trung và sự may mắn. EQ, IQ và may mắn là trời ban và nó cũng không thuộc số đông. Còn nỗ lực, tính tập trung thì hoàn toàn có thể tự thân quyết định. Vậy nếu như nhóm "trời cho" không được ưu ái thì ta vẫn còn nhóm "tự thân" để liều mình.
*Nỗ lực ở đây mình không cho là chăm chỉ ngày ngày đi làm, làm tốt nhiệm vụ của mình để chờ tăng lương, thăng chức hay chỉ để đẹp CV rồi nhảy sang một công ty mới với mức lương hấp dẫn hơn. Với mình, nỗ lực là sự chủ động không ngừng tìm tòi phương pháp để đạt được mục tiêu của mình.
Ví dụ: Với mục tiêu thu nhập, nghề marketing chính thống không thể giúp mình đạt được ngay cả khi vị trí của mình vẫn đang lên đúng lộ trình. Thay vào đó, mình tìm cách tận dụng những kỹ năng & lợi thế sẵn có trong nghề marketing để làm MMO, từ đó dần đạt được mục tiêu.
Mình tin, dù xuất phát điểm của bạn như thế nào, nhưng khi trải nghiệm nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn, bạn sẽ dần level up bản thân. Mình từng là người rất sợ đám đông, và bây giờ thì không, đôi khi nó còn là sân khấu của mình.
⇒ Có thể thấy, thứ khiến chúng ta không đạt được mục tiêu không hoàn toàn do lựa chọn, mà phần nhiều đến từ yếu tố nội tại. Hoàn cảnh & giá trị nội tại mỗi người khác nhau nên không có công thức mẫu nào. Chỉ tự bản thân chúng ta soi chiếu, thiếu gì bù đấy để đạt được mục tiêu của mình thôi.
*Chốt lại, khi output không đạt kỳ vọng, chúng ta thường có xu hướng cho rằng lựa chọn của mình là sai lầm (không phải tất cả). Tuy nhiên, thực tế, phần nhiều kết quả do yếu tố nội tại trong hành trình theo đuổi output đó.
Cá nhân mình cho rằng: Không có lựa chọn nào là sai lầm, chỉ có lựa chọn tốt và tốt hơn mà thôi.

Đâu mới thật sự là điều quan trọng?

Cuộc đời sẽ có nhiều biến số không lường trước được. Vậy nên, đích đến trong mỗi giai đoạn đôi khi sẽ rất khác nhau (ngay cả khi ta chưa chạm được). Và khi đích đến thay đổi, đôi khi các quyết định cũ không còn liên quan đến đích mới. Điều này sinh ra cảm giác "uổng", khiến chúng ta có phần hối tiếc vì quyết định của mình.
Vậy, làm thế nào để không có cảm giác "uổng phí" chặng đường đã qua? Cạnh đó, khi chưa đạt được mục tiêu, bạn cũng rất khó đánh giá quyết định của bản thân là đúng hay sai. Nếu quá sa đà vào cân đo đong đếm lựa chọn, trong khi không có lựa chọn nào là sai lầm, vậy có khi nào đây cũng là một kiểu mất thời gian hay không?
⇒ Hãy học cách linh hoạt thích nghi. Linh hoạt thích nghi mới là điều giúp bạn chiến thắng.
Mình từng xây một trang blog nhỏ, mục tiêu ban đầu chỉ đơn giản là làm porfolio cho nghề content, để sau mang đi xin việc. Khi mình rẽ hướng sang marketing tổng thể, sản phẩm về content đôi khi không còn hữu ích như ban đầu nữa. Vậy nên, mình tận dụng blog đó để chia sẻ kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm của mình về lĩnh vực marketing tổng thể. Đồng thời triển khai thêm một số hoạt động để đạt mục tiêu liên quan đến marketing tổng thể. Sau đó, các chỉ số này đã giúp mình show năng lực với nhà tuyển dụng để rẽ hướng.
Chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng những thứ thuộc về mục tiêu, lựa chọn cũ, như: quan hệ, kỹ năng, kiến thức, trải nghiệm,.. để hỗ trợ cho mục tiêu mới.
Mình từng có giai đoạn chững lại trên con đường sự nghiệp. Đó là khi mình yêu. Phải thừa nhận là nếu khi đó không yêu, hoặc yêu mà vẫn tập trung sự nghiệp thì giờ mình đã đi xa hơn thế rất nhiều. Nhưng mình cũng chưa từng hối tiếc vì lựa chọn đó của mình. Dẫu sao khoảng thời gian đó cũng từng rất hạnh phúc. Và mình cũng nhận được những bài học mà mình nghĩ bản thân không bây giờ, thì sau này cũng phải học. Vậy nên, không có gì cần hối tiếc cả. Cuối cùng, mình vẫn trở lại đường đua và đạt được những mục tiêu về sự nghiệp của mình mà!
Quan điểm của mình là: Cứ đi rồi sẽ tới. Đôi khi con đường không thẳng như ta nghĩ, nhưng dù có đi đường vòng thì rồi vẫn tới mà thôi. Chỉ cần biết cách linh hoạt, thì lúc nào bạn cũng tìm thấy đường.

Tổng kết

Trên quan điểm cá nhân mình, lựa chọn và nỗ lực đều quan trọng như nhau. Vì giả thiết mình đặt ra là không lựa chọn nào sai lầm, chỉ có tốt và tốt hơn, vậy nên lựa chọn có thể giúp bạn đi nhanh hơn, nhưng nếu thiếu nỗ lực, bạn có thể đứt gánh giữa đường. Còn nỗ lực sẽ giúp bạn đi dài hơi với bất cứ lựa chọn nào.
Tuy nhiên, với thời buổi phát triển chóng mặt như ngày nay. Yếu tố còn quan trọng hơn cả là sự linh hoạt thích nghi. Những quy luật cách đây chục năm, đến giờ có thể không còn đúng. Tương tự, mục tiêu, lộ trình và phương án bạn đặt ra cách đây độ vài ba năm, đến nay có thể đã lỗi thời. Dù thời điểm đó, nó là lựa chọn tốt nhất.
Ở đây mình không cổ súy lối chọn bừa, mà chỉ muốn nhắc nhở mọi người hãy quyết đoán hơn, đừng quá sa đà vào yếu tố mà mình không thể nắm chắc. Thay vào đó hãy tập trung vào yếu tố quan trọng hơn mà mình kiểm soát được. Đó là sự linh hoạt thích nghi.
Ở trên là góc nhìn cá nhân thông qua chiếc-giếng-nhỏ-xinh của mình. Có thể không đúng với tất cả mọi người. Nhưng mình nghĩ nhiều góc nhìn nhỏ như mình sẽ góp phần tạo nên một lăng kính lớn. Hãy cùng chia sẻ nhé!