"Do cái số cả thôi" - Câu nói phủi hết trách nhiệm của bạn đối với chính bản thân bạn
10% của cuộc sống được hình thành bởi những việc xảy ra đối với bạn và 90% của cuộc sống được quyết định bởi thái độ, phản ứng của bạn đối với những sự việc xảy ra với mình.
"Do cái số cả thôi", một câu nói dường như là câu cửa miệng của nhiều người có thể bao gồm cả các bạn và cả tôi. Lúc trước tôi chỉ xem nó như một câu an ủi bản thân cho những trải nghiệm không mấy tốt hoặc những chuyện xui rủi xảy đến với mình. Thế nhưng, càng lớn tôi càng nhận thấy nhiều vấn đề rắc rối xuất phát từ nó.
Như đã nói, ban đầu tôi xem câu nói đó như một lời an ủi cho bản thân trong những tình huống chẳng may mắn (ví dụ mất tiền, lủng lốp xe,...) nhưng sau đó, tôi nhận thấy câu nói đầy tính phiến diện này như một liều thuốc phiện, nó "xoa dịu nỗi đau" quá mức cần thiết, đến cái mức mà chúng ta tin rằng cái số chúng ta nó đen đủi thật mà chúng ta chả thể thay đổi được gì đâu (vì số phận là do trời định cơ mà?). Và từ đó, nó dần dần giết đi cái trách nhiệm của bản thân mình đối với chính mình.
Tại sao "nó" lại giết đi tính trách nhiệm?
Tôi sẽ đưa ra nhiều ví dụ mà chắc hẳn mọi người đã từng gặp hay thậm chí là thấy quen thuộc.
Trong một lần phát bài kiểm tra, bạn A và bạn B so sánh bài kiểm tra với nhau và nhận ra bài bạn A hơn điểm bạn B, và bạn B đưa ra kết luận "tại tao xui, trúng đề khó". Bạn cảm thấy câu nói đó thế nào? Bạn cho rằng bạn ấy bị điểm thấp hơn là vì đề bạn khó hơn? Bạn cho rằng bạn ấy sẽ đạt điểm cao nếu đề của bạn là đề khác? Ngưng đổ lỗi cho số phận đi, bạn ấy sẽ đạt được điểm tối đa nếu cậu ta hiểu bài và học bài đầy đủ. Thế thôi!!!
Hay tình huống khác, tôi có một nhóm bạn ngang tuổi, vào giai đoạn thi đại học chúng tôi luôn làm bạn với sách vở, đèn học bật tới sáng chắc cũng là chuyện thường. Rồi một hôm có một người bảo rằng họ có khả năng xem chỉ tay dò đoán vận mệnh tương lai, các bạn tôi rất hào hứng tham gia. Trong đó có 2 người bạn (tôi tạm gọi là H và T) được phán là đường học rất ngắn, kì thi này không thể đậu được. Và, đã có 2 phản ứng đối lập được sinh ra. Bạn H sau khi nghe như thế cũng chỉ gật đầu, nhưng bạn vẫn cố gắng học tập, vẫn cố giải đề và cố gắng có mặt ở mọi buổi học dù cho là học chính hay phụ đạo. Kết quả chắc mọi người cũng đoán được, cậu ta đậu tất cả nguyện vọng của mình không trượt phát nào. Nhưng ở T thì lại là một tình huống ngược lại, bạn đã bỏ thi THPTQG và chọn phương án học nghề. Bố mẹ khuyên can không được, phải nhờ đến bạn bè. Chúng tôi cũng thương bạn và thương cả những bậc phụ huynh nữa, chúng tôi đã hỏi lý do là gì khi mà cánh cửa đại học đã gần đến thế lại bỏ. T bảo rằng số T xui, lụi chả bao giờ trúng, chỉ tay cũng bảo thi không đậu vậy cố ôn làm gì? Thức khuya dậy sớm mà thi không đậu thì được cái gì đâu, với cả cánh cổng đại học chả phải con đường duy nhất để thành công. Và sau đó, câu ta liền tù tì dẫn chứng nào là Bill Gates, Mark Zuckerberg, Steve Jobs,... Toàn những cái tên máu mặt trong giới nhà giàu. Thú thực thì khi nghe câu đó, tôi thấy cậu ta "hết cứu", đó có phải là một biểu hiện của sự vô trách nhiệm hay không?
Thật ra, đôi khi chúng ta nói ra câu nói đó chỉ là giảm đi nỗi buồn của bản thân mà thôi, tuy nhiên bằng một thế lực nào đó, câu nói đó như một câu đổ lỗi và chúng ta tự cho phép bản thân lười biếng, không cố gắng và cho rằng số phận mới có trách nhiệm với mình, mình sướng hay khổ là do số phận mình định đoạt.
Và rồi, hậu quả của nó là gì nhỉ?
Dễ nhìn thấy nhất, bạn dần sẽ mất đi động lực làm việc, khi mà cái suy nghĩ đó nó cứ theo đuổi mình dai dẳng như thế.
Bạn muốn đầu tư một cái gì đó, bạn sẽ trở nên nhút nhát. "Ah! Liệu có thành công không khi mà vận rủi nó cứ đeo đuổi mình không buông? Khi mà cái số của mình nó định là số khổ?" Chính suy nghĩ đó khiến bạn chần chừ, mãi không đưa ra được quyết định có đầu tư cho ý tưởng đó hay không mãi cho đến khi cái ý tưởng đó lỗi thời rồi mà bạn vẫn chưa quyết định được?
Chính cái thái độ vô trách nhiệm với cuộc sống của mình đã mang đến rất rất nhiều hậu quả: Bạn sinh ra một tính chịu đựng những áp bức khác nhau vì bạn cho rằng số phận bắt bạn phải chịu như thế. Bạn sinh ra những cảm giác tự ti, tiêu cực và nhút nhát. Bạn thụ động, mất đi động lực phát triển và luôn có thói quen trì hoãn mọi việc. Hơn thế nữa, bạn đang tạo ra cho mình một lý do hoàn hảo để có thể "lười biếng".
Và tôi thật sự thắc mắc cái "số phận" mà bạn nói đến là do ai định đoạt? Trời định hay bạn định?
Tóm lại là mình cần phải bài trừ câu nói này à?
À không, mục đích chính của bài viết này chỉ là muốn mọi người có cái nhìn thực tế hơn vào các vấn đề đang xảy ra xung quanh mình. Cuộc sống của chúng ta, thành hay bại là nằm trong tay chúng ta, đừng để ngoại cảnh tác động. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp "xuôi theo số phận" và sống mà không có mục đích vươn lên. Câu nói trên chỉ nên dừng ở mức an ủi bản thân chứ không nên biến nó thành một lý do để vịnh vào. Nhà tâm lý học Festinger đã có một nhận xét rất nổi tiếng:
10% của cuộc sống được hình thành bởi những việc xảy ra đối với bạn và 90% của cuộc sống được quyết định bởi thái độ, phản ứng của bạn đối với những sự việc xảy ra với mình.
Có nghĩa rằng, 10% các sự việc xảy đến với bạn là những tình huống khống thể thay đổi được và 90% còn lại chính là cách bạn chọn kết quả cho tình huống đó.
Vậy, bạn sẽ tiếp tục tin vào một số phận đã có đáp số hay một số phận còn nhiều ẩn số đang chờ bạn giải mã?
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất