Các quán bar theo phong cách “speakeasy” thường ẩn mình sâu dưới những lớp vỏ ngụy trang bởi “ngoại hình” của một tiệm cắt tóc, hàng ăn hay cửa hàng thời trang,... Khác với sự xô bồ của đời sống về đêm (nightlife), những không gian cột mác “speakeasy” mang đến cho con người sự riêng tư với trải nghiệm cá nhân trọn vẹn.

Tại sao quán bar lại đi kèm với tính từ “speak easy”?

Cụm từ "speakeasy bar" ra đời vào nửa đầu của thế kỷ 20, khi lệnh cấm buôn bán rượu và các loại đồ uống có cồn của Mỹ được phê duyệt. Vào năm 1919, Tu chính án thứ 18 của Hiến pháp Hoa Kỳ đã cấm sản xuất, bán và vận chuyển rượu. Ngay cả trước khi luật này có hiệu lực vào năm 1920, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Volstead quy định: cấm bán “đồ uống gây say” —được định nghĩa là bất kỳ đồ uống nào có chứa 0,5% cồn trở lên.
Tất nhiên, không có luật lệ nào có thể khiến tất cả người Mỹ bỏ rượu và trở thành những người kiêng rượu hoàn toàn (teetotalers). Thay vào đó, dường như lệnh cấm này chỉ thúc đẩy thêm việc tiêu thụ rượu một cách “ngấm ngầm” mà thôi. Hàng triệu người ở các thị trấn nhỏ và thành phố lớn chìm đắm tại những quán rượu và quán bar bí mật được gọi là speakeasies. Mặc dù nguồn gốc chính xác của thuật ngữ này vẫn chưa được biết, nhưng nó có thể đã xuất hiện bởi vì những khách hàng khi muốn tìm đến quán bar đã phải “thì thầm” vào tai nhau về địa chỉ quán. Bên cạnh đó, cũng có cách hiểu khác về mô hình với cái tên lạ như thế: “speak-easy”

Sự hấp dẫn của speakeasy bar đến từ quy trình mua hàng kích thích sự tò mò của khách hàng. Bạn có thể sẽ bước qua một tủ sách trượt, mở hàng tá chìa khóa, đọc mật khẩu… mới được vào quán. Một số trường hợp quán hoàn toàn có thể từ chối phục vụ để đảm bảo sự an toàn, yên tĩnh tuyệt đối cho thực khách đang có mặt quán.

“Cô đơn” và “riêng tư” - từ khóa khiến speakeasies nở rộ

Nếu như Millennials được coi là “thế hệ lo âu” khi đứng trước quá nhiều những thay đổi của xã hội thì Gen Z phải đối mặt với một vấn đề khác: peer pressure. Trách nghiệm, thành tích và những diễn tiến phức tạp trong xã hội, Millennials và Gen Z căng thẳng giữa xô bồ của cuộc sống hiện đại và muốn thu mình lại trong lớp vỏ nội tâm an toàn. Dần dần, hình ảnh về những bar, club với chất kích thích và nhạc vina house sập sình bị lu mờ đôi phần bởi sự lên ngôi của những quán bar sang trọng, nhẹ nhàng với nhạc jazz hay live music mỗi tối cuối tuần. Người trẻ tìm cho mình một chốn bình lặng, yên ả hơn để xả stress hay tâm sự bạn bè. 
Ảnh của "Those Dancing Days"
“Cô đơn” “riêng tư” là hai từ khiến cho những không gian “kín” như speakeasy bar lên ngôi. Dòng caption “tôi có một nỗi buồn thật đẹp” hay bao tiền một mớ bình yên như “động cơ xe” đẩy các mô hình speakeasies lan rộng. Thậm chí, đặc điểm của “speak-easy” được áp dụng vào nhiều những mô hình kinh doanh khác nhau như hiệu sách, quán cafe và được coi là lợi thế cạnh tranh. Từ đó nó thu hút những khách hàng trung thành và tăng sự thân thiết giữa khách hàng và chủ quán. 
Những người sành cafe ở Hà Nội chọn đến những coffee shop chỉ mở từ 9 giờ đến 11 giờ sáng để thưởng thức thứ cafe rang xay thủ công, rồi bàn chuyện đời cùng anh chàng pha chế kiêm chủ quán. Gác sách chỉ mở từ 4 giờ đến 6 giờ chiều vì chị chủ quán bảo “thích thế!”. Đi qua một khu chung cư cũ kĩ đầy rêu phong, bước gần đến một gian nhà cửa gỗ xanh thoảng mùi sách cũ, ta thấy thời gian như ngưng đọng trong một gian phòng yên tĩnh. Điểm chung của những mô hình mang tính từ “speak-easy” là quy tắc 3K : 
Không truyền thông rầm rộ, tiếp thị, câu kéo, PR; Không nhận nhiều khách trong cùng một khung giờ; Khách hàng biết về địa chỉ qua lời giới thiệu của người quen. 

Trải nghiệm của một “con nghiện” những speakeasies 

Cảm giác lần đầu đến một mô hình lạ như thế là “quê” và hào hứng. Mình lần đầu đến một quán speakeasy bar tại Hàng Bún qua lời giới thiệu của người anh thân thiết. Đến đó một mình vào đêm đông năm ngoái, mình đứng trước địa chỉ quán rất lâu mà chỉ nhìn thấy một hàng lẩu hải sản. Đợi 15 phút thì hết kiên nhẫn, quyết định gọi điện hỏi lại anh bạn kia cho chắc. Năm phút sau, có một anh nhân viên quán xuống đón mình và dẫn mình lên căn gác trên tầng 2. Sau khi anh nhân viên nhập mật khẩu rồi mở cửa, mình đã há hốc mồm bởi cách bài trí của quán: các góc phòng được trang trí tỉ mỉ đến từng chi tiết (tẩu thuốc để ở đâu, chậu cây thế nào, chiếc đèn để bàn mang thiết kế cổ điển ra sao). Thậm chí, hình ảnh ấn tượng nhất mình bắt gặp phải kể đến một con ma nơ canh mặc chiếc măng tô và cài pin áo sang trọng như những quý tộc Pháp. 
Thay vì một menu dài dằng dặc với những món đồ uống lạ chẳng biết vị ra sao, quán phục vụ những ly bespoke cocktail theo cảm xúc của người uống. Mình không uống được rượu, nên yêu cầu một ly phải vừa ngọt ngào, béo ngậy nhưng vẫn phải có tí men cho vui. Tự đặt cho cốc rượu đó một cái tên nghe chẳng liên quan: “tipsy lovely night”, nhưng chẳng sao, vì mình thích, và ly đó dành riêng cho mình! Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể gọi một ly classic như Godfather hay Penicillin, nhưng với những “newbie” như mình, tự custom một ly cũng là ý hay. 
 
Ngồi một mình tại quán bar nghe thật thảm hại, nhưng mình nghĩ đó lại là lựa chọn thú vị khi đến speakeasy bar. Ngồi một mình tại quầy pha chế đồng nghĩa với việc bạn có cơ hội tiếp xúc gần hơn với những bartender tại quán, họ sẽ mở ra vô vàn câu chuyện thú vị qua ly rượu cùng bạn. Khi đến quán bar quen thuộc ấy, mình nhìn cuộc đời nhiều màu sắc hơn bao giờ hết. Có khi bên cạnh mình tại quầy sẽ là một người chị đã ngoài 30 nhưng chẳng muốn lấy chồng, thỉnh thoảng đến chém gió với các anh chị em trong quán. Có những vị giảng viên, nhà nghiên cứu đến quán và bàn luận về đôi ba dự án khoa học còn dở dang. Có chàng trai mang laptop chạy deadline trong phòng riêng tại bar. Nếu nói speakeasy bar là một thế giới thu nhỏ, mình nghĩ nó sẽ giống một “utopia” - thế giới hoàn hảo nơi con người cân bằng mọi thứ và tìm về bản nguyên của chính mình. 
Ảnh của "The other room"
Ngày nay, nhiều speakeasies vẫn giữ nguyên bản mô hình nguyên thủy của nó, nhưng cũng có những quán bar tự gọi mình là “speak-easy” vì nó đáp ứng được yếu tố “yên tĩnh và bí ẩn”. Tuy nhiên, dù là nguyên bản hay dị bản, tôi vẫn thích và đến đó như một thú vui. Dưới đây là 5 speakeasies bạn nên THỬ NGAY VÀ LUÔN: The other room; Those dancing days; Dear Catherine; LTAS; Hẻm chéo; LAPIN Chamber Bar,...
Kí tên,
Ngọc Pi