Those have the priviege to know, have the duty to act 
( Những người có đặc ân được hiểu biết, có nghĩa vụ phải chia sẻ) 
- Arbert Einstein - 
----------
Bạn đã làm gì với tuổi 20 của mình?
Tôi hay nói vui rằng đây là độ tuổi mà chúng ta chẳng có gì để mất.
Nghèo là khi chúng ta nhìn vào chiếc ví và cân đo đong đếm xem: “Chết, sắp cuối tháng rồi, tiền thuê nhà, điện nước, học phí, trong nhà còn mấy gói mì ấy nhỉ?”. Chỉ cần mấy gói mì tôm là tôi có thể sống hạnh phúc suốt quãng đời sinh viên thiếu thốn của mình.
Nghèo là khi định rủ bạn đi uống cốc cafe mà nhìn cái menu rồi dắt bạn ra quán trà đá đầu ngõ “3k một cốc, uống gì cũng có”.
Nghèo là khi chúng ta có thể vui vẻ ăn xiên trước cổng trường mà đắn đo mãi mới dám bước vào Lotte gọi một đĩa gà rán.
Tuổi trẻ đồng nghĩa với nghèo nhưng tôi nhận ra nghèo đâu chỉ là nghèo tiền, chúng ta còn nghèo trên nhiều phương diện khác.

1. Nghèo sức khỏe:

Chuyện là, trường tôi mới lắp thêm ba cái thang máy, lí do là vì sinh viên làm đơn kiến nghị, ba thang máy trước quá tải mà khi các bạn sinh viên phải đợi đến lượt rất lâu. Bản thân tôi không dùng thang máy nhiều nên có thêm hay không thêm thì không ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại của tôi mấy. Không thang máy đồng nghĩa với việc tôi đi bộ. Thang bộ lúc nào cũng thênh thang, yên tĩnh và tôi thích cảm giác được vận động. Cuộc sống ngày càng tiện nghi khiến chúng ta ngồi nhiều hơn đứng, trong khi theo cấu trúc sinh học, tổ tiên chúng ta phải săn bắn hái lượm để sinh tồn. Liệu đây chúng ta có đang “tiến hóa ngược” hay không? Bạn thử nghĩ xem, buổi sáng ra khỏi nhà đi làm, bạn ngồi trên ô tô hoặc xe máy, sau đó bạn đi thang máy lên tầng, tiếp tục ngồi trên ghế văn phòng hoặc lớp học khoảng 8 tiếng, cuối ngày bạn lại ngồi trên xe máy đối diện với cảnh tắc đường ngột ngạt, tối về, bạn mệt mỏi ngồi trên sofa lướt facebook, insta...nằm dài trên giường và ngủ lúc nào không biết…Cuộc sống cứ thế diễn ra cho đến những năm tháng tuổi già, chúng ta phải trả giá bằng những cơn đau của hàng loạt các loại bệnh. Thú vị thay, chúng ta đi làm để kiếm tiền để rồi lấy tiền đi chữa bệnh. Người xưa thường nói: “Sức khỏe là vàng”. Từ từ đã! Vàng có thể mua nhưng sức khỏe thì chưa chắc, khi bạn bị ung thư dù bạn có tán gia bại sản, bán hết nhà lấu xe hơi hay sự nghiệp tỉ đô đến nhờ bác sĩ “Thôi trăm sự nhờ bác!” thì câu trả lời chỉ là cái lắc đầu bất lực.
                                        “Vàng thì bán kí bán cân
                                 Sức khỏe khi cần ai bán mà mua”.
Chiếc giường đắt nhất trên thế giới này chính là giường bệnh”- Steve Job- 
Tôi thấm thía câu nói này từng từ từng chữ sau khi trải qua trận ốm thập tử nhất sinh. Ngày ấy tôi bị cảm, do vừa tập xong đã vội vào phòng tắm, suốt cả tháng trời tôi chỉ nằm yên một chỗ, không nói không rằng. Tôi nghỉ thi đấu, ngồi ở ghế dự bị suốt mấy trận mà trong lòng sốt ruột, tôi cảm thấy mình vô dụng, tôi trở thành gánh nặng cho ba mẹ mình, ba mẹ bận công việc vất vả mà cuối ngày vẫn phải vào viện chăm sóc tôi, đồng đội đang miệt mài thi đấu trên sân mà tôi thì ngồi đây chẳng giúp được gì. Tại sao Steve lại nói giường bệnh là chiếc giường đắt nhất? Viện phí, tôi gọi đây là chi phí trực tiếp (direct cost) mà bạn phải trả cho bệnh viện. Ngoài khoản này ra bạn còn phải trả thêm chi phí gián tiếp (indirect cost). Ba mẹ vào viện chăm sóc bạn, họ phải nghỉ làm để thay phiên nhau, tiền lương của họ bị ảnh hưởng, gia đình bạn lại phát sinh thêm các chi phí khác phục vụ cho việc chữa bệnh, chưa kể đến tinh thần của người những người bạn yêu thương bị sa sút, lo lắng. Bạn tưởng chỉ mình bạn đau đớn nhưng nỗi đau của người thân còn lớn hơn gấp nhiều lần. 
Chúng ta thường không trân trọng những gì mình đang có, cho đến khi mất đi rồi ta lại nuối tiếc tự hỏi: “Tại sao mình không làm việc đó sớm hơn”. Giống như nhà văn Nam Cao đã từng viết: “Người bị đau chân không bao giờ quên được cái chân đau của mình”. Đôi mắt của ta, đôi tay của ta, đôi chân của ta, mọi thứ đều bình thường và ta coi đó điều hiển nhiên vốn có. Nhưng nếu một ngày bạn bị chảy nước mũi, hắt hơi liên tục, bạn bị đau chân, hay chỉ đơn giản là bị đứt tay, bạn sẽ thấy quý trọng thân thể mình trước nay đã luôn cố gắng vận hành trơn tru mỗi ngày để bạn có một cuộc sống thoải mái nhất. Cơ thể ta là một cô máy diệu kì, vậy làm sao để chăm sóc và yêu thương sức khỏe của mình đúng cách?
Việc cần làm là:
- Vận động nhiều nhất có thể: đi thang bộ, đạp xe hoặc hít đất mỗi ngày…dù bạn tập bất kì môn thể thao nào cũng được nhưng hãy vận động 30 phút mỗi ngày. Bạn có biết cảm giác mồ hôi chảy xuống mắt hạnh phúc thế nào không? Hãy duy trì nhé!
- Không nên ngồi quá lâu: sau 20-30 phút ngồi hãy đứng lên thư giãn hoặc tập một vài động tác đơn giản.
- Ăn uống đủ chất: Trước khi theo đuổi một chế độ ăn kiêng nào đó, bạn hãy tìm hiểu thật kĩ và quan trọng nhất là lắng nghe cơ thể mình để có những điều chỉnh thích hợp. 
= Ngủ đủ giấc, nên ngủ sớm dậy sớm.
- Uống đủ nước mỗi ngày (trung bình 2 lít nước)
* 1 phút quảng cáo: Nếu bạn muốn tìm hiểu chi tiết về thói quen của mình, bạn có thể tìm đọc bài viết: "Một ngày trong mơ- 10 thói quen khiến mình hạnh phúc)" nhé!

2. Nghèo tri thức:

Dù ở bất kì độ tuổi nào, không quá muộn để bắt đầu học một điều gì đó. Ngày bé chúng ta đến trường và học thuộc những kiến thức hàn lâm, toán, lí, hóa, sinh, sử, địa với mong muốn cao cả của ba mẹ và thầy cô rằng: “Con sẽ là mầm non tương lai của đất nước”. Nhưng cuộc sống của chúng ta đâu chỉ xoay quanh những môn học trên lớp trên trường. Tôi đã nhận thức rằng trường học chỉ là nơi tạo đà để chúng ta nuôi dưỡng trí tò mò về thế giới. Tôi đi làm thêm từ năm nhất, nửa ngày đi học, nửa ngày làm thêm, tối về lại mày mò Youtub tự học. Thời đại chúng ta tiến bộ hơn nhiều so với thể hệ trước, chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh, vài cột sóng wifi là ta có thể học bất cứ lĩnh vực nào mình yêu thích. Tôi tự học viết từ content đến copywriting, từ marketing đến design (thiết kế).
Lúc nào tôi cũng mang một cuốn sách bên mình.
Trên xe buýt tranh thủ nghe vài tập podcast.
Trong khoản lương thu nhập hằng tháng tôi dành riêng 10% để mua sách và các khóa học.
Đầu tư vào bản thân lúc này sẽ chưa đem lại kết quả ngay lập tức, giống như khi bạn start-up, ba năm đầu tiên là ba năm thử thách sự sống còn của một doanh nghiệp. Lãi lỗ hay hòa vốn bạn chưa cần bàn đến nhưng chỉ cần bạn biết rằng mình đang bước đi, mình đang phát triển, thay vì dậm chân tại chỗ. Trên đời có hai kiểu người: Một, đó là người dám bước ra khỏi giường và thực hiện ước mơ, hai, là kiểu người chỉ nằm trên giường và mơ về giấc mơ ấy. Mỗi ngày một chút, mỗi ngày một trang sách, tâm trí bạn giống như một vườn cây được chăm bón và tưới tắm bởi tình yêu thương và trí tuệ. Những hạt giống rồi sẽ nảy mầm và nở hoa, đem đến cho bạn những trái ngọt, những gì tốt đẹp nhất luôn được trả giá bằng những gì cay đắng nhất. Hãy để trí tuệ của bạn lớn lên mỗi ngày bằng câu hỏi “tại sao?” và đi tìm cho mình một câu trả lời thỏa đáng.

3. Nghèo trải nghiệm:

Nếu thứ bạn có chỉ là tấm bằng trên giấy thì có lẽ cuộc đời sẽ không trở nên tốt đẹp hơn (thậm chí là xấu đi vì in nhiều bằng sẽ ảnh hưởng đến môi trường^^). Kiến thức của chúng ta chỉ thực sự hữu ích khi “học đi đôi với hành”. Với tôi, học không phải là balo, sách vở hay có thầy cô chỉ dẫn mà là bước ra cuộc sống bụi bặm ngoài kia, va vấp, đau đớn, để cuộc đời dạy ta những điều mà ta không biết là mình không biết.
Tôi có một người anh hiện đang làm start-up về máy tính và linh kiện điện tử. Anh là cựu sinh viên Bách Khoa cũng thuộc hàng xuất sắc của trường. Hôm bữa đến thăm nhà, anh tâm sự với tôi: “Em ạ, khi ra trường em sẽ biết mớ kiến thức trên trường chẳng dùng đến khi em làm việc đâu, cuộc đời sẽ dạy cho em nhiều thứ khác.” Trước khi khởi nghiệp anh đã làm cho nhiều công ty lớn nhỏ, từ một nhân viên lắp đặt bình thường rồi dần dần lên cấp quản lý, anh biết ơn khoảng thời gian cực khổ trước đây để tạo nên anh của bây giờ, táo bạo và mạnh mẽ, tôi hay đùa với anh: “Anh làm sếp sướng thật đấy!”. Anh chỉ cười: “Sướng khổ là do mình em ạ, người ta chỉ nhìn thấy lúc mình thảnh thơi còn những đêm vất vả thì họ đâu có biết”. Để nói ra những lời ấy, tôi biết anh đã hi sinh vì ước mơ của mình như thế nào! Hồi năm hai trong lúc bạn bè vẫn rảnh rang, anh đã đi thực tập từ sớm, ban ngày đi học rồi tranh thủ làm parttime cho công ty nhưng tối về anh lại mày mò lắp mạch điện. Sang phòng anh mà tôi thấy bảng điện đen đỏ, tôi tò mò hỏi: “Đây là gì vậy anh?”. Thế là anh cho một tràng: “Đây là tụ điện này, điện trở này…”. Anh đang rất kiên nhẫn giảng giải cho một người ba năm rồi không còn đụng đến vật lý nữa là tôi đây^^. Thời gian thấm thoát trôi qua, anh đã trở thành đối tác của sếp mình mấy năm về trước, từ một nhân viên trở thành ông chủ, con đường đó quả không dễ dàng. Làm thuê sẽ giúp ta tích lũy kinh nghiệm và tri thức, học hỏi những thứ mà trong trường ta không được học: từ tiếp xúc khách hàng, tâm lí người tiêu dùng, đến cách tư vấn dịch vụ dành cho từng phân khúc ..Lượng đủ chất sẽ sinh. Năng lực tích lũy để bung ra và độc lập đứng vững một mình chỉ khi ấy ta đang nắm trong tay một quyền năng lớn nhất: QUYỀN NĂNG LÀM CHỦ. 

4. Nghèo đạo đức:

Ai đó từng nói “Hãy làm người tử tế trước khi làm người có học”. Tôi chỉ nói đơn cử như việc quay cóp bài thi.
Tại sao các bạn lại quay cóp?.
Bạn sẽ bảo vì sợ điểm thấp, thầy cô la, bố mẹ buồn lòng.
Có thật là bạn sợ không? Hay bạn sợ bản thân bị đánh giá và trở nên thấp kém trong mắt mọi người (bao gồm bạn bè, thầy cô và bố mẹ). hay bạn đang đánh giá quá cao bản thân và không chấp nhận sự thật rằng mình không làm được bài thi ấy?
Bạn đang trốn tránh. Bạn đang lừa dối chính bản thân mình.
Bạn có thể lừa dối trong cuộc thi nhưng cuộc đời sẽ không cho phép bạn làm như thế! Tôi không đánh giá một con người chỉ bằng sai lầm của họ ở một thời điểm nào đó, cuộc sống là hành trình chúng ta liên tục hoàn thiện bản thân. Dám sai là dũng cảm nhưng dám nhìn nhận và sửa sai còn dũng cảm hơn rất nhiều lần. 
Hôm trước có một người bạn nhắn tin hỏi tôi, đại ý là nhờ tôi làm hộ bài tập lớn ở trường, Tôi thấy mỗi mùa thi, phong trào “làm bài tập thuê” lại rộ lên như nấm với giá cả dao động từ 350-500k/bài tùy yêu cầu. Tri thức của mình rẻ đến thế ư? Mình đâu có rảnh đến mức đi xây hộ ước mơ cho người khác trong khi ước mơ của mình còn dang dở? Tôi chỉ nhắn lại người bạn kia vỏn vẹn một câu “Xin lỗi mình không giúp bạn được rồi”.
Tôi thèm tiền, thèm những đồng tiền được kiếm ra bằng mồ hôi xương máu và sức lao động chân chính. Sự thực dụng có gì sai khi chúng ta đạt được nó bằng đạo đức, trí tuệ và nghị lực của minh. Dù chúng ta là ai, xuất thân thế nào không quan trọng, nhưng chúng ta biết mình có gì, cần gì và sống theo hệ giá trị mà bản thân mình mong muốn. Với ai đó, kiếm tiền nhanh, giàu nhanh là đich đến nhưng đó không phải lựa chọn của tôi. Với tôi, tiền chỉ là phương tiện để tôi có thể tạo nên những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Tôi dùng tiền để chăm sóc bản thân tôi, để phụng dưỡng ba mẹ tôi, để phụng sự cho cộng đồng một phần bé nhỏ nào đó. Tôi bước đi từng bước chân vững chãi, sự bình an trong tâm hồn là thứ tôi theo đuổi, để đến khi nhìn lại chặng đường đã qua, dù không trở thành tỉ phú hay triệu phú nhưng tôi hạnh phúc vì những gì tôi đã làm. Thế là đủ!

5. Nghèo thời gian:

Xin lỗi tôi không có thời gian” đây là câu cửa miệng mà đa phần những người rảnh rỗi hay nói mỗi khi phải đón nhận một nhiệm vụ hay một thử thách khó khăn. Chúng ta bình đẳng với nhau, mỗi người chỉ có 24 giờ một ngày. Dù bạn là tổng thống Mỹ hay một người lao công thì bạn cũng chỉ có 24 giờ không hơn không kém. Về số lượng chúng ta bình đẳng nhưng tại sao chất lượng cuộc sống của mỗi người lại khác?
 Đó là vì cách chúng ta sử dụng thời gian.
Nếu bạn nói rằng bạn quá bận mà vẫn còn thời gian chơi game hay lướt facebook, bạn nên xem lại định nghĩa “bận” của mình? Nếu bạn nói rằng bạn không có thời gian để tập thể thao, thì bạn đừng nghĩ đến thân hình trong mơ vào một ngày nào đó…
Có ba câu hỏi bạn cần nghiêm túc nghĩ về nó:
1. Bạn đến với cuộc đời này để làm gì?
2. Bạn có đang làm việc mỗi ngày để tiến đến với mục tiêu ấy không?
3. Bạn có cảm thấy hạnh phúc khi đang làm điều đó?
Khi bạn rời xa thế gian, thứ bạn mang đi không phải là vàng bạc trang sức hay một tài sản hữu hình nào đó, thứ bạn để lại cho cuộc đời là những giá trị tinh thần, là những yêu thương bạn ban tặng cho một ai đó, là những ảnh hưởng tích cực bạn đã cống hiến cho cộng đồng. Vật chất rồi cũng hóa tro bay, thân thể này cũng sẽ không còn mãi nhưng những gì bạn để lại trong trái tim mọi người, sự nhiệt huyết, chân thành, tích cực sẽ trường tồn với thời gian.
Sự thật là: Chúng ta nghèo như thế đấy!
Thoát nghèo là một quá trình nỗ lực của tư duy và khai phá tâm trí, bạn cần tìm ra rào cản của chính mình và vượt qua nó. Tôi cũng chỉ là một sinh viên bình thường, sinh ra trong một gia đình công chức. Tôi của những năm hai mươi, không địa vị, không tài chính, không mối quan hệ, không đồng nghĩa với tôi của năm năm sau vẫn yên vị không thay đổi. Chúng ta có tuổi trẻ, trí tuệ và nghị lực, chúng ta có nhiệt huyết, lòng can đảm và tình yêu thương, có sao đâu nếu chúng ta dám sai và dám sửa. Ừ thì cũng đâu có gì để mất !
"Hỡi thanh niên, hãy bán cho tôi một năm tuổi trẻ, tôi sẽ trả cho bạn một tỉ đô xanh” 
– Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu 
Suy cho cùng, chúng ta đang là những kẻ nghèo giàu có, không có gì mà lại có tất cả. 
-------
Cảm ơn bạn đã đọc và lắng nghe chia sẻ của mình. Tuổi trẻ của bạn thì sao? Bản thân bạn đang nghèo nàn hay giàu có? Đừng ngại chia sẻ câu chuyện của bạn ở dưới phần cmt nhaa! See ya and stay positive!
Cuộc sống giản đơn
THAM KHẢO
1. Why sitting is bad for you - Murat Dalkilinc
2. Why Sitting Down Destroys You | Roger Frampton | TEDxLeamingtonSpa
3. Learning to learn: 
4. How to gain control of your free time | Laura Vanderkam