Những năm tháng tuổi trẻ, đặc biệt là giai đoạn học đại học và mới ra trường đi làm có lẽ là giai đoạn đáng nhớ và khó diễn tả nhất trong cuộc đời mỗi người. Giữa những năm tháng vừa bận rộn vừa thảnh thơi ấy cũng chính là lúc con người ta bắt đầu dấn thân sâu hơn vào thế giới người lớn, bắt đầu trải nghiệm cuộc sống, va vấp, gục ngã và tự mình đứng dậy. Mình cũng không phải là ngoại lệ, 5 năm học tập và làm việc ở Sài Gòn và rất nhiều năm học làm người lớn đã mang lại cho mình những bài học vô cùng quý giá. Mình nghĩ mình sẽ không bao giờ hoàn hảo hay trưởng thành, mình chỉ lớn lên từng ngày qua những trải nghiệm và bài học trong cuộc sống. 
1. Độc lập trong suy nghĩ
Mình từng rất tự tin về khả năng sống độc lập của mình, hơn nữa 3 năm học cấp 3 mình cũng ở nhà trọ và tự lo lắng cho cuộc sống riêng của bản thân. Nhưng bạn biết không, Sài Gòn và cuộc sống Đại học, đi làm lại là nơi cho mình biết cái gọi là độc lập thật sự như thế nào. Sống độc lập có rất nhiều khía cạnh, nhưng mình nghĩ điều mình chiêm nghiệm nhiều nhất sau năm tháng này là Độc lập trong suy nghĩ. Mình đã học được cách chấp nhận bản thân, chấp nhận tính cách, ngoại hình và khả năng của mình, từ đó cố gắng học tập và cải thiện để ngày càng trở nên tốt hơn. Bên cạnh đó, mình học được cách tin chính bản thân mình bởi không ai có thể quyết định cuộc đời của mình, chỉ cho mình lựa chọn nào là sáng suốt nhất ngoài chính bản thân mình. Cuối cùng chính là, không ai có thể tạo động lực cho mình ngoài chính mình cả, đừng đặt mục tiêu phải làm bất cứ điều gì vì một ai khác nếu bạn không thích điều đó, bạn phải chính là người mang đến động lực để phấn đấu trở nên tốt hơn trong cuộc sống của riêng mình.
2. Học cách chấp nhận cuộc sống
Những năm tháng ở Sài Gòn cũng dạy cho mình cách chấp nhận nhiều điều hơn trong cuộc sống. Ngoài việc học cách chấp nhận bản thân cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực, mình học được cách hạ thấp “tiêu chuẩn” niềm vui của bản thân và hạ thấp kỳ vọng về người khác. Mình hiểu được rằng cuộc sống là những chuỗi ngày vượt qua khó khăn chứ không phải một con đường bằng phẳng và kiếm tiền thực sự là một việc vô cùng vất vả.
3. Lạc quan cũng là một khả năng
Sài Gòn…Những ngày mưa tầm tã… Những con người cô đơn, không biết đi về đâu…
 “Người ta nói ngày mà buồn nhất là ngày trời đổ cơn mưa”, mà sao trong những ngày mình vui ơi là vui thì trời vẫn đổ những cơn mưa tầm tã. Trong những lúc như thế, thay vì buồn bã hay phàn nàn, hãy tìm cho mình góc nhìn tích cực về mọi thứ diễn ra trong cuộc sống. Bởi lẽ, mình cảm thấy may mắn hơn rất nhiều người khi đang chạy trên một chiếc xe không tắt máy, có một chiếc áo mưa lành lặn và có nơi để về. Sài Gòn yếu đuối biết dựa vào ai? Dựa vào chính mình thôi, nếu không lạc quan và bình tĩnh đối mặt với những vấn đề trong cuộc sống, bạn nghĩ mình còn có thể làm gì?
4. Đừng bào mòn sức khỏe của mình nữa
Có thể bây giờ bạn vẫn thức đến 1, 2h sáng, có thể bây giờ bạn vẫn nghĩ ăn sáng không quan trọng, có thể bây giờ bạn thấy phiền khi nghe điều này, nhưng tin mình đi, đến cái ngày mà bạn phải nằm lì không dậy nổi, một ngày uống một nắm thuốc thì bạn mới trân trọng sức khỏe và năng lượng sống mà mình đang có. Thật sự đáng buồn nhưng mình phải chấp nhận rằng mình là một người có sức khỏe khá yếu từ nhỏ, đi mưa, đi nắng, thức khuya một chút thôi mình đã có thể bị cảm sốt ngay. Chính vì thế, kể từ lúc mình ý thức được và chấp nhận những vấn đề mình đang mắc phải thì thay vì ngồi than phiền tại sao mình lại bị như vậy, thì mình cố gắng tìm ra cách để cải thiện sức khỏe và tăng sức đề kháng mỗi ngày. Kể từ khi áp dụng những thói quen tốt như ngủ sớm, dậy sớm, uống đủ nước, không làm việc quá sức, nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống lành mạnh, cười nhiều hơn mỗi ngày và giải trí lành mạnh, mình ít dần việc bị bệnh vặt cũng như có nhiều năng lượng để học tập và làm việc hiệu quả hơn.
5. Phát triển bản thân từ những điều nhỏ nhất
Đừng để cuộc sống của bạn hôm nay chẳng khác gì hôm qua, hãy bắt đầu từ những điều gần gũi và giản đơn nhất. Và những điều bạn có thể làm ngay bây giờ là hãy xác định giá trị sống của bản thân, học cách chăm sóc bản thân, có cho mình ít nhất một sở thích, ghi lại những thành tích bạn đạt được, giữ thái độ lạc quan với mọi thứ xung quanh và chấp nhận thay đổi để tốt hơn.
6. Học cách vượt qua nỗi trống trải
Cảm giác trống trải chẳng dễ chịu chút nào, nhất là với lứa tuổi hai mươi mấy chúng mình - khi mà chúng ta đã quen với sự chở che, tình yêu thương gia đình thì giờ đây, ở một thành phố xa lạ, sẽ có thể trào dâng bất kỳ lúc nào. Mình cũng đã trải qua vô số lần như thế và những cách giúp mình vượt qua là kết nối nhiều hơn với bản thân, suy nghĩ tích cực mỗi ngày, tìm một sở thích để theo đuổi, tham gia các hoạt động xã hội như tình nguyện, câu lạc bộ, đi làm thêm, kết nối với các mối quan hệ chất lượng, gọi về nhà thường xuyên hơn và nếu có điều kiện mình sẽ về thăm nhà nhiều nhất có thể.
7. Năng lực thực sự rất quan trọng 
Một bài học “xương máu” dành cho những bạn sinh viên mới ra trường mà mình đã học được chính là đừng quan trọng quá nhiều công ty nhỏ hay tập đoàn lớn, hãy hỏi bạn thật sự cần gì, bạn là ai và bạn có năng lực gì. Thay vì tìm kiếm một công việc ổn định, hãy học cách xây dựng cho mình một năng lực ổn định. Hai dạng năng lực phổ biến mà bạn có thể tìm hiểu và tự nâng cao năng lực cho chính bản thân mình:
Năng lực chung: những năng lực cơ bản, cốt lõi, làm nền tảng cho các hoạt động trong cuộc sống và công việc như: tự nhận thức, tư duy logic, tư duy phản biện, giao tiếp, làm chủ ngôn ngữ, sáng tạo, quản lý thời gian, quản lý tài chính cá nhân, tính toán, ứng dụng số,…
Năng lực chuyên biệt: những năng lực được hình thành và phát triển trên cơ sở các lĩnh vực chuyên môn, công việc, môi trường đặc thù như nghiên cứu khoa học, ngoại ngữ, tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, thuế, logistics, marketing, công nghệ thông tin, y dược, giảng dạy, các hoạt động nghệ thuật… 
8. Những nguyên tắc ứng xử cơ bản trong mối quan hệ với người khác
- Việc chưa hiểu rõ hãy nói một cách cẩn thận, hãy lắng nghe thay vì tranh cãi và bình tĩnh có thể giải quyết hầu hết các vấn đề.
- Đừng cố tranh công cho dù đó là công sức của bạn đi chăng nữa, đừng gay gắt với những lỗi lầm nhỏ của người khác và đừng tỏ thái độ hay bộc lộ hết cảm xúc ra mặt cho dù bạn rất bức xúc với điều đó.
- Những điều bạn không thích thì cũng đừng làm với người khác: Hạn chế đến mức tối thiểu những câu nói đùa “không vui”, những lời có thể chạm đến lòng tự ái, xúc phạm ngoại hình và những người thân quan trọng của người khác. 
- Đừng cố khiến người khác hài lòng và hãy có cho mình những lời từ chối “hoàn hảo”
....
Có thể nói, trải nghiệm của mỗi người là không giống nhau, không có điều gì là hoàn toàn chắc chắn và ranh giới của sự đúng sai cũng rất mong manh. Vì thế, mình mong mọi người hãy xem những bài học này là những điều tham khảo có thể phù hợp hoặc không, từ đó có thể tự mình nắm bắt cuộc sống và sống một cuộc đời như bản thân bạn mong muốn nhé!

Đọc thêm các bài viết khác của mình tại link bên dưới nhé: