Vừa rồi mình tình cờ đọc được post này trên Spiderum Facebook Page và quyết định click đọc hết bài này "Sống thật với chính mình" là lời khuyên kinh khủng (1) và nhờ chức năng gợi ý của Spiderum, mình cũng đọc cả bài này: Tại sao chúng ta nên sống chân thành (2).

Mình hơi ngạc nhiên với các ví dụ được nêu ra trong bài viết số (1) và mình viết bài này để ủng hộ ý của bài số (2). Mình không phải là người thích tranh cãi và cũng không phản biện các quan điểm của bài số (1) nhưng mình chọn ở đây để nói ra một quan điểm khác. Có thể hơi "khó nuốt" nhưng ở khía cạnh nào đó có thể cung cấp thêm cho bạn một góc nhìn nữa. Lựa chọn sống theo quan điểm nào (thậm chí là khác của chúng mình) cho từng thời điểm nào về cơ bản cũng đều ở bạn và mình tin chỉ có bạn biết câu trả lời tốt nhất.

Sống thật dưới một góc nhìn khác

Thật ở mức nào? Thật như thế nào mới đúng?
Có một sự khác biệt lớn giữa "fact" và "truth". Fact là những sự thật hiển nhiên, chẳng thế chối cãi như "nước sôi thì nóng", "cái cây thì quang hợp". Còn "truth" nó là sự thật trong mắt người có niềm tin. Bạn tin rằng "có Chúa tồn tại và điều đó làm bạn có động lực" trong khi tôi cho rằng "chả có thần thánh gì ở đây và điều đó làm tôi nhẹ đầu". Có người cho rằng "mỗi khi stress thì have sex là cách duy nhất giúp họ được xoa dịu". 
Trong câu trên, việc họ có thể stress là fact nhưng "have sex là cách duy nhất xoa dịu" là truth của họ mà thôi. Tương tự, trong một vài khung cảnh cãi nhau giả định, đằng sau câu: "Anh là thằng khốn nạn, anh làm khổ tôi, anh không tôn trọng tôi blah blah…" thì sự thật là: em yêu anh, em sợ bị bỏ rơi lắm, em bất an và yếu đuối vô cùng. Nhưng hiếm khi chúng ta nhìn sâu đến vậy vào bản thân mình.
Mình nhận thấy, khi giao tiếp, chúng ta hay bắt đầu bằng "tôi nghĩ", "tôi tin là", "tôi cho rằng",... thoạt trông rất khách quan logic nhưng thực ra lại là những suy diễn bên trong. Nếu bạn chỉ nói những điều bạn nghĩ thì nó thường không thật và bị "điểm xuyết" khá nhiều sự kịch hóa, bi kịch hóa. Vì vậy, chỉ có những gì bạn quan sát được, những gì cảm xúc bạn đang có và nhu cầu tầng sâu mới là thật mà thôi.

Mình đã từng đọc một bài viết khá thú vị có đoạn như sau:

Nhà văn Jane Austen đã nói trong tiểu thuyết Kiêu hãnh và Định kiến rằng: “Trí tưởng tượng của phụ nữ nhanh vô cùng, nó nhảy từ ngưỡng mộ thành yêu, từ yêu đến kết hôn chỉ trong một khoảnh khắc.” Có khi mới chỉ thích một anh nào đó thôi, cô gái đã hình dung ngay sau này có con với anh í thì sao. Vì cô gái vẽ lên một hình ảnh tưởng tượng về chàng trai quá nhanh và quá đẹp bên trong tâm trí mình nên sau khi phát hiện anh ta chẳng hề giống như mình tưởng tượng thì lại đau khổ than thở “ôi thằng khốn, mày lừa bà”. Hoặc đơn giản khi chàng trai đi đá bóng với bạn và lỡ hẹn với cô gái, thì nàng đã kịp ngồi viết một tiểu thuyết trong tâm tưởng về chuyện mình bị bỏ rơi, không được tôn trọng, bây giờ mới yêu mà đã thế không biết ít nữa lấy nhau về nó đối xử với mình như thế nào blah blah… Trong khi sự thực rất đơn giản: cô gái cảm thấy cô đơn, bất an, yếu đuối, không tự tin vào bản thân mình.

Tất cả những suy nghĩ, câu chuyện diễn ra trong tâm trí thường chỉ khiến chúng ta rối loạn, đau khổ, phát ngôn những điều không thật, gây ra mâu thuẫn và rạn vỡ trong các mối quan hệ. Thay vì nói anh thế này anh thế kia, thôi nói xừ là em yêu anh đi cho nó gọn. Xong có thể khóc ầm ĩ một trận thế là chả có gì mà cãi nhau. Có bạn bảo sợ nói thế sẽ bị đánh giá, bị coi thường… Cơ mà việc quái phải quan tâm người khác nghĩ gì về mình cho nó mệt. Nếu mọi người đọc post trước của mình về việc đừng chối bỏ cảm xúc, hãy ghi nhận cảm xúc của mình thì nó sẽ được xử lý nhanh hơn chúng ta nghĩ. Xả bỏ cảm xúc thay vì chôn vùi hay không nhận thức được nó sẽ khiến bạn chìm sâu vào những bi kịch do tâm trí mình tự tạo nên. Còn cảm xúc, sau khi đã được nhận thức nó sẽ tan biến rất nhanh, bạn giải thoát mình dễ dàng khỏi những bi luỵ đó.
Túm lại, đừng tin những câu chuyện hay suy luận của mình, dù nó có vẻ hợp lý đến mấy. Hãy tin vào cảm xúc của mình. Thể hiện cảm xúc để nó được giải toả thay vì kìm nén và tự làm khổ mình. Đấy mới chính là thành thật. - Huong Ann.
Ngoài ra, có một đoạn tác giả bài số (1) comment mình rất đồng tình như sau:

Thứ nhất, sống thật hay sống chân thành không phải là có gì cũng nói toẹt ra. Luôn có hệ quả kéo theo một hành động nào đó và trật tự sẽ bị đảo lộn nếu như mọi ý nghĩ trong đầu của mọi người đều biến thành sự thật. Tuy nhiên việc "làm như mình nói" hay đại ý mình hiểu ở đây giống như câu: "fake it until you've got it", nếu quá nhập tâm, thì không sớm thì muộn bạn cũng trở thành bản fake của ai đó mà bạn khao khát có hoặc bản fake của chính bạn. Bản thân mình chứng kiến không ít người lựa chọn sống theo một hình mẫu nào đó, một con người cụ thể nào đó mà họ vẽ ra cho đến một ngày họ thấy mình không thực sự sống. Một khách hàng của mình suốt 40 năm liền lựa chọn sống là như một phụ nữ mạnh mẽ, kiên cường, nuôi 3 đứa con ăn học, việc gì cũng làm cũng nhận. Con gái thứ hai nói rằng: Bà nội mất, mẹ em còn bận lo tang sự hơi đâu mà khóc lóc. Trưởng thành trong một gia đình thiếu vắng cha từ sớm, chị chọn làm trụ cột gia đình từ bé. Đến lúc kết hôn, chị cũng cho rằng người chồng quá yếu đuối và vướng víu công việc của chị. Chị chẳng cần người đàn ông nào trong đời. Nhưng vào sinh nhật năm 40 tuổi, chị tự mình đi phượt 20 ngày rồi quay về với suy nghĩ: Tại sao chị vẫn không tự hào được với những gì chị làm? Sau nhiều buổi chia sẻ, chủ yếu là chị nói, chị mới ngỡ ngàng: Chị đâu muốn làm đàn ông, chị đâu muốn gánh vác, chỉ là chị mất niềm tin vào những người đàn ông quanh mình, chỉ là chị chưa từng biết thế nào là dựa dẫm. 
Có một đoạn trong bài dịch số 1 rằng:
Nhưng mình cho rằng, nếu bên trong người này không thực sự có hạt mầm của một "speaker", không đời nào họ hành động ngay sau quyết định trở thành người đứng dưới ánh spotlight. Có thể, bên trong người đó có sẵn mong cầu làm tâm điểm. 
Hạt táo sẽ chẳng thể nào mọc lên xoài và hạt cà chua khó lòng mọc ra cây mướp. Vì vậy, mình nghĩ những quyết định sống khác đi hay sống theo một hình mẫu trở nên thành công, phần nào cũng bởi vì bản thân họ, chính họ cho phép điều đó bên trong họ hiển lộ ra ngoài mà thôi. Còn nếu bạn không có điều đó, cố mấy cũng khó thành hoặc thành nhưng không thỏa mãn.
Thứ hai, nếu không biết mình muốn gì thì cũng không thể sống thật được. Đúng, nhưng nếu không biết mình muốn gì chúng ta có thể tự hỏi mình, cho mình cơ hội để khám phá, xem xét thay vì lấy đại một hình mẫu nào đó lắp vào. Nếu may mắn, hình mẫu đó thực sự là cái bạn muốn nhưng nếu không, bạn chẳng phải đã cố sức mặc chiếc áo không vừa với mình hay sao?

Vậy làm sao để sống thật?

Nối tiếp ở trên, bạn có thể chưa biết mình muốn gì nhưng hãy cho phép bản thân tìm hiểu mình muốn gì bằng cách viết ra (viết morning pages hoặc anytime pages), ngồi thiền tĩnh lặng và quan sát những suy nghĩ nổi lên đầu tiên, hít vài hơi sâu và bắt đầu tự hỏi chính mình hoặc thậm chí đôi khi bạn phân vân, bạn phải thử mới biết được.
Trong NVC - Giao tiếp phi bạo lực, có một mô hình giúp chúng ta xử lý các tác nhân kích thích (stimulus) trước khi phản hồi lại (responds) như sau:

Nền tảng của mô hình này là tự thấu cảm và thực hành 4 bước trong một câu giao tiếp:
Khi tôi thấy (1), tôi cảm thấy (2), vì tôi có nhu cầu (3). Liệu bạn/ chính mình có thể (4) được không?
- (1) Observation free from Evaluation (Quan sát mà không đánh giá). Bước này yêu cầu chúng ta chỉ quan sát thực tại như nó vốn là (facts) mà không đưa ra bất cứ phân tích đánh giá nào chủ quan. Bạn quan sát cái cây màu xanh và chỉ đơn giản là mô tả chúng màu xanh thay vì nhận định cây này xanh quá đậm hoặc quá nhạt. Tương tự, trong giao tiếp, bước đầu tiên khi trao đổi là mô tả chính xác những gì bạn thấy. Ví dụ, khi thấy bạn trai không rửa bát, hãy chỉ miêu tả sự thật đó, đừng thêm bớt bất cứ phán xét hay nhận định nào.
- (2) Feelings free from Thoughts (Cảm nhận mà không suy diễn). Lúc này bạn hãy chỉ tập trung vào cảm giác, cảm xúc hoặc cảm nhận của bạn về sự việc đó và không kèm theo bất cứ suy nghĩ lý tính nào. Ví dụ, với hành vi không rửa bát, bạn cảm thấy rất bực bội, hãy chỉ nói bạn bực bội mà không thêm vào “rõ ràng đó là việc của anh” hay “em nghĩ lẽ ra anh phải làm chứ?”.
- (3) Needs free from Strategies (Nhu cầu không kèm chiến lược). Đây là bước quan trọng giải thích nguyên nhân từ bên trong bạn, thay vì đổ lỗi cho đối phương. Lưu ý rằng, nhu cầu là phổ quát và chiến lược thì không. Cùng một nhu cầu về yêu thương nhưng chiến lược có thể rất khác nhau. Trong mỗi tình huống, chỉ có bạn rõ nhất về nhu cầu của mình. Với ví dụ trên, nhu cầu của bạn gái có thể là yêu thương hoặc nghỉ ngơi và chiến lược đáp ứng nhu cầu đó là bạn ấy không phải rửa bát hoặc bạn ấy được người thương chủ động rửa bát hộ. Có khá nhiều nhu cầu và bộ từ vựng của chúng ta đôi khi không giúp chúng ta nhanh chóng gọi tên nhu cầu đó, vì vậy bạn có thể tham khảo tại đây để gọi tên đúng nhu cầu.
- (4) Request free from Expectation (Đề nghị mà không kỳ vọng). Hãy đề nghị đối phương/ chính bạn làm điều mà bạn tin rằng nó có thể giúp bạn đáp ứng nhu cầu vừa nêu. Đề nghị nhưng không kỳ vọng vì đối phương hoàn toàn có thể từ chối. Trong lúc đó, hãy chuẩn bị các đề nghị khác vì như bạn đã biết, chúng ta có rất nhiều chiến lược để đáp ứng một nhu cầu.
Bạn có thể xem video sau để vừa ngắm chị Trố xinh vừa nghe về phương pháp giao tiếp này nhé:

"Chính mình" là một biến số, không phải là hằng số

Mình của 2 năm trước khác với mình bây giờ nhưng đa phần mình đều chọn sống là chính mình. Ngày trước mình đã từng sợ khi ai đó nói rằng: "Mày đã thay đổi rồi." Nhưng bây giờ chuyện đó xảy ra như cơm bữa. Các tế bào chúng ta thay mới hàng ngày. Mỗi ngày bạn gặp người mới, ăn món mới,... thì cơ thể vật lý hay năng lượng cũng khác đi nhiều. Dòng sông có thể là dòng sông nhưng giọt nước ở một điểm đã khác nhau chỉ trong tích tắc. Vì vậy, mình cũng cho rằng: Không có vấn đề gì nếu như hôm nay bạn sống thật với phiên bản dễ tổn thương dễ xúc động của bản thân trong khi ngày mai bạn sống thật với hình ảnh của một người đầy trách nhiệm. 
Ở mỗi khoảnh khắc, mỗi thời điểm, nếu dừng lại một chút, không để bất cứ ngoại cảnh nào tác động, bạn sẽ biết bạn muốn sống thật với phần nào của chính mình.

Sự cân bằng khi sống thật

Mình rất thích comment này của bạn Mystic Cat Lady và xin phép đặt tại đây thay lời muốn nói rằng: Cái gì quá cũng không tốt!

Bạn không nhất thiết phải đồng tình hay phản đối bất cứ quan điểm nào trong bài nhưng mình chúc bạn luôn biết bản thân muốn gì hoặc đơn giản hơn, luôn biết lúc nào trời râm lúc nào trời nắng để đeo kính.
Chúc bạn nhiều an lành.
---
Trò chuyện thêm với mình tại đây nhé:
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài.
Đừng quên ủn mông mình bằng 1 chú upvote ủng hộ ha ^^