"Sống thật với chính mình" là lời khuyên kinh khủng
Mình dịch từ bài viết " Unless You’re Oprah, ‘Be Yourself’ Is Terrible Advice " của tác giả Adam Grant cho tờ The New York Times....
Mình dịch từ bài viết "Unless You’re Oprah, ‘Be Yourself’ Is Terrible Advice" của tác giả Adam Grant cho tờ The New York Times. Adam Grant là nhà tâm lí học, tác giả sách nổi tiếng người Mỹ, hiện đang là giáo sư tại Đại học Wharton danh tiếng. Ông chuyên nghiên cứu hành vi trong tổ chức với mục tiêu giúp mọi người tìm ý nghĩa và động lực trong công việc. Các bạn có thể xem bài viết gốc cũng như những bài viết khác của ông cho tờ NYT tại >>> https://www.nytimes.com/column/adam-grant
Nó cảm tưởng như sẽ là buổi thuyết trình bự nhất đời tôi - lần đầu tiên được đứng trên sâu khấu lớn của TED Conference. Chưa gì mà tôi đã xé bỏ 7 bản nháp rồi đấy. Do muốn tìm một hướng đi khác nên tôi thử hỏi gợi ý từ đồng nghiệp và bạn bè. "Điều quan trọng nhất," người đầu tiên nói, "phải là chính mình." Sáu người tiếp theo cũng cho tôi lời khuyên tương tự.
Chúng ta đang ở Kỷ nguyên Sống thật (bản gốc: the Age of Authenticity), nơi mà "là chính mình" là lời khuyên tiêu biểu cho cuộc sống, tình yêu và sự nghiệp. Sống thật nghĩa là xóa nhòa ranh giới giữa điều bạn tin tưởng bên trong và điều bạn hé lộ ra bên ngoài. Giáo sư nghiên cứu Brené Brown của Đại học Houston định nghĩa sống thật là "cho mọi người thấy con người thật của mình".
Chúng ta muốn đời mình "sống thật", cưới bạn đời "sống thật", làm việc cho sếp biết "sống thật", bầu cho tổng thống "sống thật". Trong diễn văn khai giảng đại học, "sống thật với chính mình" là một trong những chủ đề phổ biến nhất (chỉ đứng sau "Mở rộng chân trời của bạn" và ngay trước "Đừng bỏ cuộc").
"Tôi không hề biết là chính mình có thể giúp bạn trở nên giàu có như tôi bây giờ đấy," Oprah Winfrey từng nói đùa như thế vài năm trước. "Tôi mà biết vậy thì tôi đã thử làm thế sớm hơn rồi."
Nhưng với hầu hết mọi người, "là chính mình" là một lời khuyên kinh khủng.
Cho phép tôi được "sống thật" một xíu: Không ai muốn thấy con người thật của bạn cả. Chúng ta ai cũng có những suy nghĩ, cảm xúc làm nền tảng cho đời mình, nhưng chúng tốt hơn là không nên lộ ra.
Khoảng 10 năm trước, tác giả A.J.Jacobs thử sống thật 100% trong vài tuần. Ổng tuyên bố với một cô biên tập là ổng sẽ thử gạ chịch cổ nếu ổng còn độc thân. Ổng nói với cô vú em là ổng muốn hẹn hò với cổ nếu ổng bị vợ bỏ. Ổng nói với cô con gái 5 tuổi của người bạn rằng con bọ trong tay con bé không phải đang ngủ đâu, nó ngủm rồi. Ổng nói với họ hàng bên vợ rằng mấy thứ họ bàn luận chán phèo. Bạn tưởng tượng được kết quả của thử nghiệm này rồi chứ?
"Sự lừa dối giữ cho thế giới này hoạt động," Jacobs kết luận. "Nếu không nói dối, hôn nhân sẽ đổ vỡ, nhân viên sẽ bị sa thải, cái tôi sẽ vỡ vụn, chính phủ sẽ sụp đổ."
Đọc thêm:
Mức độ "sống thật" của từng người sẽ phụ thuộc vào một đặc điểm tính cách gọi là tự giám sát. Nếu bạn là người tự giám sát nhiều, bạn sẽ luôn để ý xung quanh tìm tín hiệu giao tiếp và điều chỉnh cho hợp lí. Bạn không thích các tình huống khó xử và cố gắng tránh xúc phạm bất kỳ ai.
Ngược lại, nếu bạn là người ít tự giám sát, bạn sẽ để nội tâm định hướng nhiều hơn dẫu trong tình huống nào. Theo một nghiên cứu hết sức thú vị, khi món bít tết được mang ra, người tự giám sát nhiều sẽ nếm thử trước khi rắc muối, trong khi người ít tự giám sát sẽ rắc muối trước tiên. Nhà tâm lí học Brian Little giải thích, "Có vẻ như những người ít tự giám sát hiểu đặc tính ăn muối của mình rất rõ."
Những người ít tự giám sát hay chỉ trích những người tự giám sát nhiều là tắc kè hoa và thảo mai. Đúng là việc sống thật cũng phải đúng hoàn cảnh, đúng thời điểm. Một số nghiên cứu trù bị gợi ý rằng người ít tự giám sát có hôn nhân hạnh phúc hơn và tỉ lệ ly hôn thấp hơn. Bên cạnh người bạn đời, sống thật có thể tạo nên một mối liên kết bền chắc hơn (trừ phi tên bạn là A.J.Jacobs).
Nhưng trong phần còn lại của cuộc đời, sống thật quá thì ta sẽ trả giá. Người tự giám sát nhiều thăng tiến nhanh hơn và đạt địa vị cao hơn, một phần vì họ rất quan tâm đến danh tiếng của mình. Mặc dù nó có vẻ tạo điều kiện cho mấy vụ thổi phồng bản thân quá mức, những người tự giám sát nhiều hay dành thời gian để ý xem người khác cần gì để giúp đỡ. Khi phân tích toàn diện kết quả từ 136 nghiên cứu với sự tham gia của 23.000 nhân viên, những người tự giám sát nhiều nhận được đánh giá cao hơn rõ rệt và có khả năng được cất nhắc vào vị trí lãnh đạo nhiều hơn.
Điều thú vị là phụ nữ thường ít tự giám sát hơn đàn ông, có lẽ là vì phụ nữ phải đối mặt với nhiều áp lực văn hóa hơn nếu muốn biểu lộ cảm xúc. Buồn thay, vì lẽ đó họ chịu rủi ro bị đánh giá là yếu đuối hoặc không chuyên nghiệp. Khi Cynthia Danaher được thăng chức General Manager của tập đoàn Hewlett-Packard, cô thông báo đến 5.300 nhân viên là công việc này rất "đáng sợ" và "tôi cần sự giúp đỡ của các bạn". Cổ sống thật đấy chứ, và đội của cổ chưa gì đã bay luôn tự tin. Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng ít tự giám sát có thể gây hiệu ứng tiêu cực đến con đường thăng tiến của nữ giới.
Tuy nhiên, tự giám sát nhiều cũng phải chịu "đau thương" từ niềm tin sống thật. Bởi vì nó mặc định là có tồn tại một cái tôi, một nền móng cho tính cách của mỗi người, cấu thành từ niềm tin và khả năng của từng cá nhân. Từ rất lâu rồi, nhà tâm lí học Carol Dweck đã chỉ ra, nếu chỉ tin vào một cái tôi cứng ngắc có thể cản bước phát triển bản thân.
Những đứa trẻ ngộ nhận khả năng là bất biến sẽ bỏ cuộc khi gặp thất bại; quản lí mà tin rằng tài năng là bất biến sẽ không thể đào tạo được nhân viên. Herminia Ibarra, giáo sư trường kinh doanh Insead, lưu ý: "Khi cố gắng tiến bộ, ý thức được rõ ràng và vững vàng về bản thân là kim chỉ nam giúp chúng ta lèo lái lựa chọn và tiến bước đến mục tiêu. Khi tìm cách thay đổi cuộc chơi, quan niệm quá cứng ngắc về bản thân lại trở thành cái neo níu ta dong buồm ra khơi."
Nếu không phải là cái tôi "chính chủ" thì chúng ta nên phấn đấu vì cái gì? Nhiều thế kỉ trước, nhà phê bình văn học Lionel Trilling đã cho chúng ta một câu trả lời nghe thì cũ rích với những cái tai "sống thật": sự chân thành. Thay vì tìm kiếm cái tôi bên trong và nỗ lực đủ kiểu để thể hiện nó, Trilling khuyến khích mọi người bắt đầu với cái tôi bên ngoài. Chú ý tới cách chúng ta thể hiện mình với người khác, rồi sau đó phấn đấu trở thành con người mà chúng ta tự nhận ấy.
Thay vì thay đổi từ bên trong ra bên ngoài, bạn mang bên ngoài vào bên trong.
Đọc thêm:
Khi tiến sĩ Ibarra nghiên cứu các tư vấn viên và nhân viên ngân hàng đầu tư, cô phát hiện ra rằng những người tự giám sát nhiều có xu hướng thử nghiệm nhiều phong cách lãnh đạo hơn các "đồng đạo sống thật". Họ quan sát những lãnh đạo thâm niên trong tổ chức, mượn cách giao tiếp và hành động của họ, rồi tập luyện cho đến khi thành bản năng thứ hai. Họ không sống thật, nhưng họ chân thành. Càng khiến điều đó thêm hiệu quả.
Sự chuyển dịch từ sống thật sang chân thành có lẽ đặc biệt quan trọng với thế hệ millennials. Khác biệt thế hệ hầu hết đều là bị nói quá lên - những khác biệt đó trước hết là do độ tuổi và độ trưởng thành, không phải do bạn sinh năm nào. Mặt khác, một phát hiện quan trọng là thế hệ trẻ thường ít để ý xã hội chấp nhận cái gì. Thể hiện cái tôi "sống thật" có hiệu quả tuyệt vời cho đến khi nhà tuyển dụng nhìn vô trang cá nhân của bạn trên mạng xã hội.
Là một người hướng nội, hồi bắt đầu sự nghiệp tôi sợ nói chuyện trước công chúng kinh khủng. Hẳn cái tôi sống thật của tôi còn lâu mới đi diễn thuyết TED Talk. Nhưng bản thân là người đam mê chia sẻ kiến thức, tôi dành cả thập kỉ tiếp theo học cách mà tiến sĩ/nhà tâm lí Little gọi là hành xử trật cá tính. Tôi quyết định trở thành người mà tôi tự nhận, người không ngại đứng dưới ánh đèn spotlight.
Và nó hiệu quả thật. Lần tới có ai nói "cứ là chính mình", hãy chặn họng đứa đó lại. Không ai muốn nghe hết mọi thứ trong đầu bạn. Họ chỉ muốn bạn sống đúng như lời bạn nói mà thôi.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất